Nâng cao chất lượng lập, thẩm định dự án đầu tư

Một phần của tài liệu Phân tíh và đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện công tác quản lý đầu tư và xây dựng của tổng cục dự trữ nhà nước (Trang 108 - 111)

CHƯƠNG 3 ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM HOÀN THIỆN CÔNG TÁC QUẢN LÝ ĐẦU TƯ VÀ XÂY DỰNG CỦA TỔNG CỤC DTNN

3.2. Đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện công tác quản lý đầu tư và xây dựng của Tổng cục DTNN

3.2.5. Nâng cao chất lượng lập, thẩm định dự án đầu tư

Lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư là công việc hết sức quan trọng, là khâu quyết định cho sự thành bại của quá trình đầu tư một dự án. Từ những đặc điểm của hoạt động đầu tư phát triển có thể phải chịu nhiều rủi ro và mang tính mạo hiểm cao nên trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, việc nghiên cứu khảo sát tính toán và dự đoán đòi hỏi thật kỹ lưỡng, chính xác trên tất cả các phương diện nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả vốn đầu tư. Đây là vấn đề quan trọng nhất.

3.2.5.1. Về việc lập dự án

Đối với những dự án lớn (nhóm A và dự án quan trọng), quy trình lập dự án phải qua hai bước là lập dự án tiền khả thi rồi đến dự án khả thi. Những dự án đầu tư xây dựng tại Tổng cục DTNN là các dự án nhóm B và nhóm C nên chỉ cần lập dự án khả thi. Luận văn sẽ đi sâu vào những biện pháp nâng cao chất lượng lập dự án khả thi.

Sau khi xây dựng kế hoạch và được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Chủ đầu tư dự án cần lựa chọn đơn vị tư vấn có đầy đủ năng lực và kinh nghiệm thực hiện lập dự án đầu tư, Thiết kế bản vẽ thi công – Tổng dự toán, Báo cáo Kinh tế kỹ thuật vì chất lượng của công trình xây dựng không chỉ phụ thuộc vào nhà thầu mà còn phụ thuộc vào chất lượng sản phẩm thiết kế của nhà tư vấn.

Cơ quan tư vấn là tổ chức tư vấn do Chủ đầu tư lựa chọn, do vậy không nên khoán trắng cho họ mà Chủ đầu tư phải chủ động yêu cầu và phối hợp cung cấp thông tin, nhất là quá trình điều tra, khảo sát phải đảm bảo trung thực, khách quan để việc tính toán lựa chọn địa điểm, quy mô, công nghệ, thiết bị, nhu cầu vốn, hiệu quả của dự án được chính xác. Có như vậy mới tạo điều kiện thuận lợi cho việc thẩm định phê duyệt dự án, thực hiện dự án và vận hành sử dụng dự án. Điều này phù hợp với chế độ quy định là Chủ đầu tư phải là người trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án khả thi. Tránh tình trạng chế biến, bóp méo số liệu phục vụ đơn thuần cho việc lập và thông qua dự án một cách hình thức, chiếu lệ…

3.2.5.2. Công tác thẩm định dự án đầu tư

Thẩm định dự án có vai trò rất quan trọng trong việc giúp cho người quyết định đầu tư đánh giá một cách khách quan tính hợp lý, tính hiệu quả, tính khả thi của dự án, giúp cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư được đúng đắn. Thẩm định dự án là một chức năng chủ yếu trong quản lý nhà nước về đầu tư. Thẩm định dự án phải được xem xét toàn diện về quy hoạch xây dựng, các phương án kiến trúc công nghệ, sử dụng đất đai, tài nguyên, hiệu quả kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, phương diện tài chính và các khía cạnh xã hội khác nhằm đảm bảo dự án có tính khả thi, giúp cho người có thẩm quyền ra quyết định đầu tư. Trong quá trình thẩm định cần đảm bảo:

- Việc thẩm định phải đảm bảo tính khách quan, trung thực, chính xác của

các ý kiến thẩm định. Cơ quan thẩm định dự án hoàn toàn khách quan với cơ quan lập dự án.

- Cơ quan chức năng, cán bộ, chuyên viên làm nhiệm vụ thẩm định các dự án đầu tư phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Tổng cục DTNN, trước pháp luật về các kết luận thẩm định của mình, đồng thời cũng được quyền bảo lưu ý kiến nhưng phải thể hiện bằng văn bản.

- Đối với các dự án nhóm B, C của Tổng cục DTNN, sau khi Chủ đầu tư và tổ chức tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi (có sự đóng góp ý kiến của các cơ quan quản lý tại địa phương về thiết kế cơ sở, phòng cháy chữa cháy, môi trường ...) trình lãnh đạo Tổng cục DTNN phê duyệt thì sẽ tiến hành xem xét các nội dung thẩm định theo quy định về quản lý đầu tư xây dựng công trình.

Nội dung thẩm định nhằm xác định tính khoa học và khả thi trên một số khía cạnh sau:

+ Thẩm định sự phù hợp với quy hoạch phát triển ngành và đất nước: căn cứ vào Chiến lược và Quy hoạch phát triển của ngành phù hợp các mục tiêu đề ra của Nhà nước và của Chính phủ.

+ Thẩm định về quy mô, công suất sử dụng của dự án: dựa trên cơ sở kết quả tính toán thẩm định của các chuyên gia tư vấn qua các kết quả ở báo cáo thẩm định, đối chiếu với tiêu chuẩn, quy phạm của Nhà nước ban hành. Ngoài ra còn phải gắn quy mô với khả năng về nguồn vốn đầu tư.

+ Thẩm định về phương án công nghệ và thiết bị lựa chọn: căn cứ vào kết quả thẩm định của các chuyên gia về công nghệ và kết quả trả lời của các cơ quan liên quan. Ở nước ta hiện nay, việc thẩm định về công nghệ và thiết bị lựa chọn còn rất nhiều phức tạp vì chuyên gia giỏi chuyên ngành về lĩnh vực dự trữ ít, trong khi thuê chuyên gia tư vấn nước ngoài để đánh giá thì lại không có đủ kinh phí để thuê và phải qua nhiều thủ tục, do đó việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực về lĩnh vực dự trữ là việc làm cấp thiết.

+ Thẩm định thiết bị:

Hiện nay Nhà nước đã có một hệ thống thẩm định giá chuyên nghiệp từ trung ương đến các Bộ, ngành địa phương. Do đó cơ quan cần triển khai tổ chức chọn đơn

vị tư vấn thẩm định giá có uy tín và chuyên môn để thực hiện hợp đồng thẩm định giá thiết bị nhằm thống nhất tất cả thiết bị phải được thẩm định giá trước khi phê duyệt và trình duyệt dự án.

+ Thẩm định các mốc thời gian chính thực hiện đầu tư. Thời gian khởi công (chậm nhất), thời hạn hoàn thành đưa công trình vào khai thác sử dụng (chậm nhất).

Thẩm định tiến độ thực hiện dự án, xác định mốc thời gian phải hoàn thành nhiệm vụ, từ tiến độ thực hiện biết được nhu cầu vốn từng giai đoạn thực hiện.

+ Thẩm định về địa điểm xây dựng xem có phù hợp với quy hoạch xây dựng (bao gồm cả tài liệu về sự lựa chọn địa điểm, trong đó có đề xuất giải pháp hạn chế tới mức tối thiểu ảnh hưởng đối với môi trường và xã hội).

Công tác thẩm định các dự án đầu tư ảnh hưởng trực tiếp đến tính khả thi và hiệu quả của dự án đầu tư. Thực tế nhiều dự án do kết quả thẩm định có chất lượng chưa cao nên quá trình thực hiện phải điều chỉnh lại và tính khả thi thấp. Do đó, để nâng cao chất lượng của công tác thẩm định cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cán bộ làm công tác thẩm định dự án với các chuyên gia tư vấn đầu ngành và giữa các Tổng cục thuộc Bộ Tài chính và các Bộ, ngành có liên quan.

Một phần của tài liệu Phân tíh và đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện công tác quản lý đầu tư và xây dựng của tổng cục dự trữ nhà nước (Trang 108 - 111)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)