CHƯƠNG 3 ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM HOÀN THIỆN CÔNG TÁC QUẢN LÝ ĐẦU TƯ VÀ XÂY DỰNG CỦA TỔNG CỤC DTNN
3.2. Đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện công tác quản lý đầu tư và xây dựng của Tổng cục DTNN
3.2.6. Đối với công tác đấu thầu
Đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu đáp ứng được các yêu cầu của bên mời thầu trên cơ sở cạnh tranh giữa các nhà thầu. Đấu thầu là một phương pháp quản lý dự án có hiệu quả nhất, tiên tiến nhất. Đây là nguyên tắc quản lý đầu tư và xây dựng nhằm chống độc quyền, tăng cường cạnh tranh.
Do vậy đề nghị:
- Đối với các gói thầu xây lắp và thiết bị: Tiến hành tổ chức theo hình thức đấu thầu rộng rãi tất cả các gói thầu, chỉ những gói thầu thực sự có tính chất cấp bách mới sử dụng hình thức đấu thầu hạn chế.
- Đối với các gói thầu tư vấn và các gói thầu khác: Tiến hành tổ chức theo quy định của Luật Đấu thầu; đối với gói thầu lập dự án khả thi sử dụng hình thức thi tuyển kiến trúc để lựa chọn đơn vị tư vấn lập dự án.
- Lập kế hoạch đấu thầu, làm dự toán chính xác: Lập kế hoạch đấu thầu thực hiện cùng với việc lập báo cáo khả thi nhằm đảm bảo nội dung kế hoạch phù hợp dự
án khả thi và các văn bản hiện hành để cơ quan có thẩm quyền ra quyết định.
Vấn đề lập dự toán cũng cần được quan tâm vì dự toán của các dự án công trình là cơ sở để đánh giá, so sánh lựa chọn nhà thầu. Xây dựng dự toán phải chính xác, số liệu phải đầy đủ, khoa học. Trong lúc chưa thể xây dựng giá dự toán chính xác thì vấn đề bảo mật thông tin trong đấu thầu cần được coi trọng. Các biện pháp thanh tra, xử lý vi phạm phải làm thường xuyên, nghiêm minh để ngăn chặn các trường hợp móc ngoặc, thông đồng làm lộ bí mật.
Quá trình duyệt và thẩm định kế hoạch đấu thầu phải thực hiện nghiêm chỉnh theo Luật Đấu thầu, Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Công tác giám sát trong đấu thầu có vai trò quan trọng, kết quả đấu thầu có tốt, hợp đồng đầy đủ mà không có được khâu giám sát tích cực, chặt chẽ, thì hoạt động đấu thầu bị kéo dài, chất lượng không đảm bảo, gây lãng phí, thất thoát.
- Lập hồ sơ mời thầu: Hồ sơ mời thầu là một trong những yếu tố quan trọng quyết định chất lượng và hiệu quả của gói thầu. Lập hồ sơ mời thầu là một khâu quan trọng vì nó quyết định đến kết quả cuối cùng của hoạt động đấu thầu. Cơ sở lập hồ sơ mời thầu bao gồm:
+ Quyết định đầu tư, báo cáo khả thi.
+ Kế hoạch đấu thầu.
+ Thiết kế kỹ thuật kèm theo dự toán.
+ Các cơ chế chính sách liên quan đến đấu thầu.
Hồ sơ mời thầu phải đảm bảo chất lượng để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà thầu chuẩn bị hồ sơ dự thầu và tạo thuận lợi cho việc xét thầu. Trong hồ sơ mời thầu phải rõ ràng về nội dung, các thông tin phải đầy đủ, chính xác, khách quan, hồ sơ mời thầu được xây dựng theo các chuẩn mực nhưng vẫn phải thông qua phê duyệt của cơ quan Chủ đầu tư, vì vậy nên giao cho tổ chức, chuyên gia có uy tín và kinh nghiệm lập. Nhờ đó những vấn đề khúc mắc sẽ được phát hiện và sửa đổi trong khi phê duyệt, đảm bảo được tính khoa học, công bằng, khách quan, trung thực trong đấu thầu.
Để xây dựng hồ sơ mời thầu, cần sử dụng các cán bộ có đủ năng lực, trình
độ chuyên môn về gói thầu, am hiểu về đấu thầu. Nếu cần thiết, Chủ đầu tư cần sử dụng tổ chức tư vấn hoặc chuyên gia độc lập để giúp bên mời thầu khắc phục được những khó khăn do họ không có kinh nghiệm và trình độ. Bộ hồ sơ mời thầu phải đầy đủ, chính xác, rõ ràng và phù hợp với quy chế đấu thầu và các văn bản có liên quan, không có các điểm mơ hồ dễ phát sinh tranh chấp sau này. Khi xây dựng hồ sơ mời thầu (đối với đấu thầu quốc tế như gói thầu mua sắm thiết bị của các dự án thuộc Tổng cục DTNN) thì cần lưu ý các văn bản quy định về thuế xuất nhập khẩu, chính sách quản lý hoạt động xuất nhập khẩu …
- Đánh giá hồ sơ mời thầu: là khâu chiếm nhiều công sức, thời gian, tiền của và rất dễ phát sinh tiêu cực nếu không tuân thủ đúng các quy định của kế hoạch đấu thầu, hồ sơ mời thầu và không theo một trình tự quy định về đấu thầu.
Trong đấu thầu, việc tuân thủ triệt để các nguyên tắc đấu thầu sẽ đảm bảo thắng lợi. Nếu làm không đúng, nể nang dễ dẫn tới thắc mắc, công trình không hoàn thành đúng thời hạn. Vận dụng đúng các nguyên tắc, quy định trong đấu thầu giúp đấu thầu đạt hiệu quả mong muốn, buộc các nhà thầu phải tự khẳng định mình nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu của bên mời thầu.
- Đàm phán, ký hợp đồng: Để thực hiện đàm phán có hiệu quả, bên mời thầu và nhà thầu đều phải chuẩn bị kỹ bằng một kế hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Kế hoạch đàm phán phải chứa đựng các thông tin cần thiết, các mục tiêu có phân loại và các biện pháp thực thi nhằm đạt được mục tiêu đề ra. Ngoài việc xây dựng chính xác mục tiêu, kết quả đàm phán đạt được còn phụ thuộc vào tính khả thi của các biện pháp đưa ra. Người chủ dự án, người đứng đầu cuộc đàm phán phải được lựa chọn hết sức cẩn thận.
- Đào tạo đội ngũ làm công tác đấu thầu: Để chất lượng công tác đấu thầu được nâng cao thì việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác đấu thầu là rất cần thiết. Họ phải là những người am hiểu các quy định có liên quan đến đấu thầu, phải là các chuyên gia giỏi về kỹ thuật, kinh tế, pháp lý… Do đó, cần tổ chức đào tạo, trang bị kiến thức về đấu thầu bằng các cuộc hội nghị, hội thảo, tập huấn, các khóa đào tạo ngắn hạn, dài hạn trong nước và ngoài nước. Bên cạnh kinh nghiệm, trình độ, đội ngũ làm công tác đấu thầu còn phải có đạo đức.
Ngoài ra, để quá trình đấu thầu diễn ra một cách cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả, còn cần phải nâng cao công tác thông tin. Nguồn thông tin trong đấu thầu rất đa dạng, trong đó các thông tin về dự án, về nguồn vốn, người dự thầu, gọi thầu đến giá, chi phí... đều không thể thiếu trong khi xây dựng hồ sơ mời thầu.
Hiện nay, việc đấu thầu được đăng tải công khai trên Báo Đấu thầu và trang Web về đấu thầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Khi phát hiện hành vi vi phạm thì đăng tải công khai và rộng rãi trên tờ thông tin và trang web. Đây là một trong những biện pháp làm cho các nhà thầu tuân thủ các quy định về đấu thầu một cách nghiêm túc hơn, đảm bảo chất lượng công trình, gói thầu hơn.