Chương 3: THỰC TRẠNG TẠO ĐỘNG LỰC LÀM VIỆC CHO GIẢNG VIÊN CÁC TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
3.1. Tổng quan về trường chính trị
Tổng số công chức, viên chức và người lao động của 63 TCT hiện nay là 3.728 người. Trong đó, có 03/63 trường có số viên chức và người lao động dưới 40 người; 45/63 trường có từ 40 đến dưới 60 người; 11/63 trường có từ 60 người đến dưới 90 người; 02/63 trường có từ 90 đến dưới 120 người; 02/63 trường có trên 120 người. Tuổi trung bình của viên chức và người lao động các TCT là 39. Tuổi trung bình từ 45 trở lên (TCT các tỉnh Bình Định, Đồng Tháp), tuổi trung bình thấp nhất là 33 (TCT các tỉnh Sơn La, Gia Lai). Số lượng nam giới là 1.611 người (chiếm 43,21%); nữ giới là 2.117 người (chiếm 56,79%) [43].
3.1.1. Kết quả thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
Kết quả hoạt động của các TCT trên các lĩnh vực công tác đã khẳng định vai trò quan trọng của nhà trường trong đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức địa phương và trong nghiên cứu khoa học phục vụ đào tạo, bồi dưỡng.
- Công tác đào tạo, bồi dưỡng: Trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính là chương trình trọng tâm. Từ năm 2009 đến nay, các TCT đã mở được khoảng 16.000 lớp đào tạo chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Bình quân mỗi năm học, các TCT trong cả nước đã đào tạo, bồi dưỡng được gần 300.000 lượt học viên, trong đó có từ 100.000 đến gần 130.000 lượt học viên Trung cấp lý luận chính trị - hành chính [43].
Công tác bồi dưỡng của các TCT tập trung chủ yếu vào bồi dưỡng chức danh lãnh đạo, quản lý của Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể nhân dân cấp cơ sở, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước chương trình chuyên viên. Từ năm 2011, giảng dạy chương trình chuyên viên chính theo Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05/3/2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức. Nhiều TCT đã chú ý hơn đến việc liên kết bồi dưỡng chuyên sâu nghiệp vụ về xây dựng đảng, nghiệp vụ đoàn thể, kiến thức quốc phòng, an ninh, phương pháp dạy học tích cực và một số kỹ năng khác.
Điểm mới của các TCT những năm gần đây là đã tăng cường mở các lớp bồi dưỡng cán bộ nguồn, đăng cai các lớp cập nhật kiến thức cho đối tượng 3 và trực
tiếp giảng dạy các lớp dành cho đối tượng 4 theo Quy định số 164-QĐ/TW ngày 01/02/2013 của Bộ Chính trị về chế độ bồi dưỡng cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Đặc biệt, trong 10 năm qua, có 07 TCT đã và đang đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp cơ sở cho nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.
Việc đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng được tất cả các TCT chú trọng từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ GV, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, GV đi đào tạo, tham gia các lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bổ sung kiến thức mới. Bên cạnh đó, các TCT còn quan tâm hơn tới công tác xây dựng đội ngũ GV thỉnh giảng nhằm phát huy thế mạnh của cán bộ lãnh đạo, quản lý ở địa phương giàu kinh nghiệm thực tiễn, có chuyên môn sâu, có kỹ năng tốt trong các lĩnh vực công tác khác nhau giúp cho học viên nâng cao kiến thức thực tiễn.
Tuy nhiên, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của các TCT cũng còn nhiều hạn chế, bất cập. Số lượng học viên của một lớp còn đông, thường vượt quy định trong quy chế tuyển sinh, chất lượng đầu vào không đồng đều.
- Hoạt động nghiên cứu khoa học: Các TCT tiếp tục coi trọng và triển khai có hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học, chú trọng tính thiết thực, xác định và lựa chọn hệ thống đề tài nghiên cứu cấp khoa, cấp trường hướng vào nghiên cứu đổi mới chương trình, giáo trình; hệ thống quy chế quản lý đào tạo; đổi mới phương pháp dạy và học; đổi mới việc quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học... Nhiều TCT đã và đang tổ chức nghiên cứu, xây dựng một số chương trình bồi dưỡng chức danh cho cán bộ lãnh đạo, quản lý cơ sở; biên soạn tập bài giảng về phần tình hình, nhiệm vụ địa phương theo quy định trong Chương trình đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính; xây dựng hệ thống các vấn đề định hướng nội dung viết tiểu luận cuối khóa; nghiên cứu, tổng kết công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân ở cơ sở; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở các địa phương; nghiên cứu thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; tổng kết, xuất bản tài liệu về những câu hỏi và xử lý tình huống phục vụ công tác giảng dạy và học tập.
Từ năm 2009 đến nay các TCT đã nghiên cứu, nghiệm thu và đưa vào ứng dụng trong thực tế 1.270 đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có 01 đề tài cấp nhà nước (chiếm 0,08%), 149 đề tài cấp tỉnh (chiếm 11,73%); 1.120 đề tài cấp khoa, trường (chiếm 88,19%). Nhiều đề tài trong số này đã phục vụ trực tiếp cho hoạt động đào tạo,
bồi dưỡng của các trường; đã tổ chức được 1.011 cuộc hội thảo các cấp [43]. Nhiều TCT đã phối hợp tổ chức những cuộc hội thảo khoa học lớn mang tầm quốc gia, chủ động liên kết với các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, cấp ủy cấp huyện để tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học tập trung vào các chủ đề khá phong phú, từ lịch sử địa phương đến những vấn đề mang tính thời sự hay những giải pháp trong công tác lãnh đạo, quản lý, giảng dạy, học tập... thu hút được đông đảo các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học, cán bộ, giảng viên, học viên tham gia. Ngoài ra, các TCT còn chú ý đến nhiều hình thức sinh hoạt khoa học khác như thông tin khoa học hàng tháng cho GV và học viên, viết sáng kiến kinh nghiệm (mỗi năm có gần 700 sáng kiến kinh nghiệm).
Một số TCT có chế độ khuyến khích riêng về hoạt động nghiên cứu khoa học, động viên kịp thời những cán bộ, GV có thành tích về hoạt động này.
Tuy nhiên, hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của các TCT còn nhiều mặt hạn chế. Các đề tài nghiên cứu chủ yếu chỉ dừng lại ở cấp khoa, trường (mỗi năm chỉ khoảng 40% trường có đề tài cấp tỉnh). Thậm chí một số trường hàng chục năm nay không có đề tài khoa học cấp tỉnh. Việc nghiên cứu và vận dụng nội dung nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp vào bài giảng còn khiêm tốn. Ở một số trường, hoạt động nghiên cứu khoa học, đi thực tế mới chỉ dừng lại ở khảo sát, đánh giá tình hình nhiệm vụ kinh tế - xã hội, công tác xây dựng hệ thống chính trị của địa phương, chưa có nhiều nghiên cứu mang tính đột phá, mở rộng phạm vi nghiên cứu, tổng kết thực tiễn.
- Về quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng: để đảm bảo chất lượng hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã ban hành những văn bản quy định như: Năm 2009, “Chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân cấp cơ sở (hệ trung cấp lý luận chính trị - hành chính)” gồm 09 quy chế, quy định; năm 2010, ban hành bộ quy chế, quy định về quản lý đào tạo (kèm theo Quyết định số 268/QĐ-HVCTQG ngày 03/03/2010) gồm 09 quy chế, quy định; năm 2016 ban hành bộ Quy chế mới (kèm theo Quyết định số 1855/QĐ- HVCTQG ngày 21/4/2016) gồm 10 quy chế, quy định để thay thế Bộ quy chế ban hành năm 2009 nhằm thực hiện chặt chẽ, khắc phục những bất cập ảnh hưởng đến chất lượng công tác quản lý đào tạo và các quy chế về GV, quy chế về bồi dưỡng [43].
Những năm qua, các TCT cũng tích cực tiến hành các hoạt động thanh tra, kiểm tra. Hầu hết các trường đã chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra, kiện toàn
đội ngũ thanh tra, thành lập các đoàn thanh tra, tổ thanh tra với các hình thức thanh tra định kỳ, đột xuất, thanh tra theo chuyên đề. Nội dung thanh tra được tập trung vào việc xây dựng kế hoạch bài giảng, soạn giáo án, ra đề kiểm tra, đề thi, đáp án;
dự giờ đánh giá chất lượng bài giảng; thanh tra công tác tuyển sinh, ôn thi, chấm thi, thi tốt nghiệp, xét tốt nghiệp, cấp bằng tốt nghiệp, chứng chỉ cho học viên các lớp đào tạo, bồi dưỡng; công tác quản lý học viên. Ngoài ra, nhiều trường hướng trọng tâm thanh tra vào các lớp đặt tại trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện.
Một số TCT đã triển khai thực hiện có hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ISO:9001-2008 và ISO: 9001-2015 nhằm tạo những chuyển biến tích cực và hiệu quả trong quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Công tác quản lý học viên cũng được các trường chú trọng và được coi là một biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng tại các TCT, trong đó chú trọng đến việc rèn luyện tinh thần, ý thức học tập với mục tiêu tăng cường khả năng tự học, tự bồi dưỡng của học viên; áp dụng chế độ đồng chủ nhiệm giữa nhà trường với đơn vị phối hợp mở lớp; quản lý chặt chẽ thời gian học tập, chất lượng các giờ thảo luận, quá trình thi, kiểm tra, viết khóa luận.
- Về cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo
Nhiều TCT cũng đã tích cực tham mưu, xây dựng đề án để các tỉnh, thành phố đầu tư xây dựng mới TCT theo hướng hiện đại, đồng bộ, chẳng hạn như TCT các tỉnh, thành phố Lào Cai, Khánh Hòa, Hậu Giang, Cần Thơ... Nhiều trường tiếp tục đầu tư xây dựng những công trình mới, hiện đại hơn như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Quảng Ninh… Hiện tại, 63 TCT cấp tỉnh, thành phố có tổng diện tích là 11.485.792m2, 669 phòng học trong đó có 613 phòng được trang bị thiết bị âm thanh, máy chiếu phục vụ giảng dạy, 153 hội trường với 19.247 chỗ ngồi, 3.640 phòng ký túc xá và phòng khách, 28 phòng đa năng, 9.723.261 cuốn sách phục vụ 96.292 lượt bạn đọc/năm [43].
3.1.2. Đội ngũ giảng viên trường chính trị
Các TCT có trên 2.000 GV (kể cả GV kiêm nhiệm), đạt tỷ lệ xấp xỉ 58%
tổng số biên chế, trong đó có 04 phó giáo sư, tiến sĩ, gần 100 tiến sĩ và trên 1000 thạc sĩ. Về ngạch GV, có 66 GV cao cấp và tương đương, chiếm 3,05%; có 556 GV chính, chiếm tỷ lệ 25,72%. Về giới tính, số GV nam là 1.013 người, chiếm 47,65%, trong khi đó số GV nữ là 1.149 người, chiếm 52,35% [43].
Hiện nay, phần lớn GV các TCT là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, đã được chuẩn hóa về lý luận chính trị qua các lớp bồi dưỡng Nghiên cứu kinh điển và Tư tưởng Hồ Chí Minh. Về cơ bản, các GV đều nắm vững và hiểu biết về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, có trình độ chuyên môn cao. Hầu hết GV của các TCT đã biết ứng dụng thành tựu của công nghệ thông tin vào việc xây dựng được giáo án điện tử, chủ động áp dụng phương pháp dạy học tích cực với sự hỗ trợ của một số phương tiện hiện đại. Phương pháp dạy học mới này đã mang lại những chuyển biến tích cực về chất lượng đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng ở nhiều TCT.
Ngoài ra, GV các TCT còn phải có phẩm chất đạo đức của nhà giáo, có năng lực giảng dạy và kiến thức về thực tiễn đáp ứng theo yêu cầu của nhiệm vụ giảng dạy. Hàng năm, các GV đều được các TCT tổ chức đưa đi thực tế địa phương để thâm nhập thực tiễn, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm vận dụng vào công tác. Hoạt động này góp phần tích cực vào việc nâng cao hiệu quả của quá trình đào tạo, bồi dưỡng ở các TCT.
Trong khi nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngày càng nặng nề, chức năng, nhiệm vụ của TCT được mở rộng, vẫn còn một bộ phận GV thiếu kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, tỷ lệ GV trẻ tuổi đời, ít tuổi nghề lớn. Nhiều trường không đảm bảo tỷ lệ trên 2/3 biên chế là cán bộ giảng dạy và nghiên cứu. Việc thực hiện chế độ GV kiêm nhiệm của nhiều trường chưa thường xuyên, chưa hiệu quả.
Từ kết quả thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn cho thấy các TCT đã tạo điều kiện cho GV phát triển năng lực chuyên môn bằng việc cử GV đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, bằng việc cử GV đi thực tế địa phương và mời cán bộ lãnh đạo có kinh nghiệm của tỉnh trao đổi kinh nghiệm đối với GV.
Thông qua công tác NCKH, tham gia tổng kết thực tiễn của địa phương, trình độ, năng lực của GV các TCT được nâng lên một bước. GV có cơ hội học tập, trao đổi kinh nghiệm, mở rộng tầm nhìn, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động giảng dạy, quản lý và phục vụ, chất lượng học tập; đồng thời góp phần giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội đang đặt ra ở từng địa phương, đơn vị. Trong điều kiện của mỗi trường, cơ sở vật chất cũng đã được chú ý đầu tư.
Tuy nhiên, với yêu cầu và quy mô về đối tượng đào tạo, không chỉ trang bị lý luận cho cán bộ, công chức địa phương mà nhà trường còn bồi dưỡng kiến thức cho
cán bộ nguồn của tỉnh, cán bộ chủ chốt các cấp, cán bộ của nước bạn đã đặt ra những nhiệm vụ cho GV về năng lực, kỹ năng, tri thức trong công tác giảng dạy lý luận. Trong NCKH, nhà trường còn thực hiện xây dựng một số chương trình bồi dưỡng chức danh cho cán bộ lãnh đạo, quản lý cơ sở, tham gia tổng kết thực tiễn.
Đó là những yêu cầu trọng tâm đồng thời là những thách thức để GV phải luôn xác định mục tiêu của bản thân, không ngừng hoàn thiện về chuyên môn để đáp ứng yêu cầu rất lớn trong công tác đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường.