Chương 1: CƠ SỞ LÍ LUẬN VỀ GIÁO DỤC KĨ NĂNG TỰ BẢO VỆ CHO TRẺ 5-6 TUỔI THEO TIẾP CẬN TRẢI NGHIỆM Ở TRƯỜNG MẦM NON
1.1. Tổng quan nghiên cứu vấn đề
1.1.1. Những nghiên cứu về giáo dục theo tiếp cận trải nghiệm
Trên thế giới, giáo dục theo tiếp cận trải nghiệm trở thành tư tưởng giáo dục chính thống và phát triển thành học thuyết, gắn liền với các công trình nghiên cứu của nhiều nhà tâm lí học, giáo dục học trên thế giới.
L.S.Vygotsky [121] đã sáng tạo ra lí thuyết về “Vùng phát triển gần” - Nội dung của vùng phát triển gần chính là những giá trị và kinh nghiệm thường trực ở cá nhân.
Mỗi cá nhân do trải nghiệm, học tập và tố chất di truyền đều có kinh nghiệm nền tảng khác nhau, nó quy định ở mức tương đối cho tiềm năng của cá nhân.
John Dewey, nhà triết học Hoa Kì với công trình "Kinh nghiệm và giáo dục"
(Experience and Education) [64], [65] đã đưa ra quan điểm "học qua làm, học bắt đầu từ làm". Ông nhấn mạnh, sự phát triển thể chất của trẻ sẽ đi trước về giác quan, theo đó trẻ hành động trước khi có nhận thức đầy đủ về hành động đó, nghĩa là trẻ thường hành động khi chưa có kinh nghiệm về hành động. Để phát triển trí tuệ cho học sinh, phương pháp dạy học phải bằng trải nghiệm và thông qua trải nghiệm, nghĩa là để cho trẻ được trực tiếp tham gia vào hoạt động.
Zadek Kurt Lewin [141], trong nghiên cứu có liên quan đến học tập dựa vào trải nghiệm là “T-nhóm và phương pháp phòng thí nghiệm” đã phát triển chu kì học tập như “một quá trình liên tục của hành động và đánh giá hệ quả của hành động đó”. Kurt Lewin đã đưa ra mô hình học tập dựa vào trải nghiệm. Theo ông, trong nghiên cứu hành động và đào tạo trong phòng thí nghiệm, học tập là một quá trình tích hợp, nó được bắt đầu với kinh nghiệm cụ thể, tiếp theo người học sẽ thu thập dữ liệu, quan sát và phản ánh về kinh nghiệm đó. Các dữ liệu này sau đó được phân tích, khái quát để hình thành các khái niệm trừu tượng và khái quát. Cuối cùng là thử nghiệm các ý nghĩa của khái niệm trong tình hình mới.
Với quan điểm cho rằng, sự phát triển của trẻ có được là thông qua hành động, J.Piaget- nhà tâm lí học Thuỵ Sĩ [146] đã khái quát 4 giai đoạn phát triển của trí tuệ trẻ em: Giai đoạn cảm giác -vận động (0-3 tuổi); Giai đoạn tiền thao tác cụ thể (3-8 tuổi);
Giai đoạn thao tác cụ thể (8-11 tuổi); và giai đoạn thao tác hình thức (11-15 tuổi). Mô hình của Piaget đã phản ánh rất rõ vai trò của trải nghiệm đối với sự phát triển nhận thức của trẻ em: các thành tựu trí tuệ của trẻ em ở giai đoạn này là sự kế thừa kinh nghiệm của giai đoạn trước, là sự kết hợp thống nhất các cấu trúc đã có từ giai đoạn trước, là kết quả của một quá trình trải nghiệm.
Trên cơ sở kế thừa những thành tựu nghiên cứu về trải nghiệm và học qua kinh nghiệm, trải nghiệm của các nhà nghiên cứu John Dewey, Kurt Lewin, Jean Piaget, Lev Vygotsky,... David Kolb đã phát triển lí thuyết học qua trải nghiệm. Theo đó, học tập là một quá trình mà ở đó tri thức được tạo ra thông qua sự biến đổi, chuyển hóa kinh nghiệm. Trong công trình về trải nghiệm học tập: Kinh nghiệm là nguồn học tập và phát triển (Study experience: Experience is the source of Learning and Development) [140], ông đã đưa ra mô hình giáo dục theo tiếp cận trải nghiệm có tính tuần hoàn với 4 giai đoạn cơ bản. Quá trình học tập phải liên tục, hoàn thành chu kì này dẫn đến kinh nghiệm mới, thiết lập một chu kì mới. Kolb gọi chu trình là học từ trải nghiệm, bởi ông cho rằng kinh nghiệm là nguồn gốc của việc học tập và phát triển.
Theo ông, các bước của học tập trải nghiệm bao gồm: Kinh nghiệm cụ thể - Quan sát phản chiếu - Khái niệm hoá - Thử nghiệm tích cực.
Với quan điểm đề cao cách học và sự bồi dưỡng lòng say mê khám phá cho trẻ, Maria Montessori [77] trong tác phẩm Trẻ thơ trong gia đình đã chú trọng việc tạo ra môi trường học cụ cho trẻ tìm tòi khám phá cuộc sống với đặc trưng cơ bản là: học thông qua trải nghiệm bằng các giác quan. Ở các góc được chuẩn bị các giáo cụ, trẻ huy động tối đa các giác quan để tìm hiểu khám phá.
Như vậy, các tác giả đã cho thấy rất rõ vai trò của trải nghiệm, mối quan hệ giữa kiến thức, kĩ năng và kinh nghiệm trong giáo dục. Nhiều mô hình học tập theo tiếp cận trải nghiệm qua các giai đoạn cũng đã được nghiên cứu và xây dựng.
Ở Việt Nam, hướng học tập theo tiếp cận trải nghiệm bắt đầu được quan tâm, chú trọng và trở thành định hướng chỉ đạo trong tổ chức các hoạt động giáo dục nhà trường ngay khi khi Dự thảo về Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố năm 2015. Sau đó, đã có một số công trình nghiên cứu về hoạt động trải nghiệm các cấp học theo hướng tổng hợp lí thuyết hoặc vận dụng trong các môn học của các tác giả như Nguyễn Thị Liên và cộng sự [71], Nguyễn Thị Chi [23], Nguyễn Thị Thu Hà [35] ... Đến khi Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể được ban hành chính thức năm 2018 [14], hoạt động trải nghiệm được cấu trúc thành một hệ
thống chỉnh thể, thống nhất từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông. Chương trình đã nhấn mạnh vấn đề cần "đa dạng hóa hình thức dạy học", trong đó coi trọng cả giáo dục trên lớp và các hoạt động xã hội, hoạt động trải nghiệm. "Khi tham gia hoạt động trải nghiệm, học sinh dựa trên sự huy động tổng hợp kiến thức và kĩ năng từ nhiều lĩnh vực giáo dục khác nhau để trải nghiệm thực tiễn đời sống nhà trường, gia đình, xã hội, tham gia hoạt động hướng nghiệp và hoạt động phục vụ cộng đồng dưới sự hướng dẫn và tổ chức của nhà giáo dục ...". Từ đó đã xuất hiện nhiều công trình nghiên cứu về hoạt động trải nghiệm sáng tạo, về tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp theo tiếp cận trải nghiệm, có thể kể đến các nghiên cứu của tác giả: Nguyễn Thị Thùy Trang [108], Trần Hoài Phương [91], Đặng Thị Thúy Hồng [50], Lê Thị Kim Anh [1], Nguyễn Thị Chi [23], Nguyễn Thị Liên [70], Võ Trung Minh [79]... Các nghiên cứu này theo hướng xây dựng mô hình, thiết kế hoạt động, đánh giá hoạt động hoặc vận dụng cụ thể trong các môn học.
Chính những công trình nghiên cứu về hoạt động trải nghiệm trong chương trình giáo dục phổ thông đặt ra yêu cầu bức thiết trong việc tổ chức các hoạt động theo tiếp cận trải nghiệm đối với giáo dục mầm non bởi ở cấp học mầm non, trẻ học thông qua chơi, học qua trải nghiệm thực tiễn cuộc sống trực quan. Vì thế, nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục đều được chỉ rõ về yêu cầu trong Chương trình giáo dục mầm non (2020) [11] đó là: "phải tạo điều kiện cho trẻ được trải nghiệm, tìm tòi, khám phá môi trường xung quanh dưới nhiều hình thức đa dạng, đáp ứng nhu cầu, hứng thú của trẻ theo phương châm “chơi mà học, học bằng chơi”.
Thông thường, các hoạt động được tổ chức trong trường mầm non bị chi phối bởi mục tiêu của chương trình giáo dục. Sử dụng hoạt động trải nghiệm để tích hợp mục tiêu giáo dục mầm non cũng là yêu cầu bức thiết để hướng đến phát triển năng lực của trẻ (Hoàng Thị Phương, 2016) [88]. Với những băn khoăn về nhiều hoạt động trải nghiệm đã được vận dụng tổ chức ở trường mầm non nhưng còn mang nhiều tính hình thức gây lãng phí, Nguyễn Mạnh Tuấn (2017) [107] đã phân tích kết quả điều tra trên 200 giáo viên Hà Nội và Vĩnh Phúc có thâm niên công tác từ 1 đến 20 năm và nhận thấy rằng, cần có kế hoạch cũng như quy trình tổ chức hoạt động trải nghiệm cho trẻ mầm non một cách hoàn chỉnh với các thành phần cấu trúc rõ ràng, cụ thể mới đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn giáo dục mầm non hiện nay. Ngoài ra, vấn đề quản lí các hoạt động trải nghiệm và theo tiếp cận trải nghiệm sao cho đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục ở các trường mầm non cũng là một vấn đề ưu tiên nghiên cứu (Cao Thị
Hồng Nhung, 2017) [82]. Trong các biện pháp quản lí hoạt động mà tác giả đề xuất thì đáng chú ý nhất là biện pháp: Hướng dẫn, giúp đỡ giáo viên mầm non tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho trẻ. Theo tác giả, việc xây dựng kế hoạch giáo dục, lựa chọn nội dung, thiết kế môi trường, chuẩn bị các đồ dùng, đồ chơi và cách tổ chức hoạt động trải nghiệm hiệu quả cần phải được ban giám hiệu xây dựng, hướng dẫn cụ thể để tránh tình trạng giáo viên bị lúng túng trong quá trình thực hiện.
Cùng với hướng nghiên cứu này, tác giả Ngô Công Hoàn [45] trong bài báo khoa học Phương pháp tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho trẻ lứa tuổi mầm non từ lọt lòng đến 6 tuổi đã đưa ra một số yêu cầu khi tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho trẻ mầm non về môi trường, điều kiện giáo viên và trẻ, đồ dùng cũng như không gian, thời gian phù hợp từ đó định hướng phương pháp tổ chức hoạt động cho giáo viên; trong nghiên cứu về Các hình thức hoạt động trải nghiệm giáo dục hành vi bảo vệ môi trường cho trẻ mẫu giáo 4-5 tuổi, tác giả Lê Thị Kim Anh [2] cũng đề xuất được 5 hình thức trải nghiệm gồm: trải nghiệm qua vui chơi, qua học tập, qua hoạt động ngoài trời, qua hoạt động tham quan và qua hoạt động lễ hội, từ đó quá trình giáo dục hành vi bảo vệ môi trường cho trẻ sẽ diễn ra một cách sinh động, hấp dẫn và phù hợp với nhận thức của trẻ.
Một số mô hình tổ chức hoạt động trải nghiệm đã được đề xuất bởi các nhà nghiên cứu như Hoàng Thị Phương [90], Võ Trung Minh [79]. Bên cạnh đó, việc vận dụng hoạt động trải nghiệm trong các hoạt động giáo dục khác ở trường mầm non như phát triển ngôn ngữ, giáo dục dinh dưỡng, giáo dục tình cảm xã hội - kĩ năng xã hội, giáo dục nghệ thuật,... cũng là mối quan tâm nghiên cứu sâu rộng của các tác giả Bùi Thị Lâm [67], Lưu Thị Thu Hằng [40], Chu Thị Hồng Nhung [83].
Bằng việc khẳng định ý nghĩa của giáo dục theo hướng trải nghiệm trong việc tạo điều kiện và cơ hội hình thành cho người học những năng lực, phẩm chất và giá trị mà xã hội đòi hỏi ngày càng cao như sự độc lập, sáng tạo, tích cực, tự tin, hòa nhập,… Tác giả Hoàng Thị Phương, Lã Thị Bắc Lí và cộng sự [90] trong công trình Tổ chức các hoạt động giáo dục theo hướng trải nghiệm cho trẻ ở trường mầm non đã đã xây dựng được mô hình tổ chức các hoạt động giáo dục ở trường mầm non theo định hướng trải nghiệm và hướng dẫn thực hiện với từng hoạt động của trẻ: hoạt động chơi, hoạt động học, hoạt động lao động, hoạt động tham quan, hoạt động lễ hội, … Tác giả Nguyễn Thị Hương [61] với nghiên cứu Tổ chức các hoạt động quan sát, trải nghiệm cho trẻ mầm non tại thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh cũng khẳng định, việc tổ chức các hoạt động quan sát, trải nghiệm làm thỏa mãn nhu cầu đó của trẻ, trẻ
được khám phá thiên nhiên, những gì gần gũi xung quanh và được tự mình trải nghiệm biết bao điều kì thú.
Như vậy, các nghiên về giáo dục theo tiếp cận trải nghiệm, học thông qua trải nghiệm đã được đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài nước quan tâm, bắt đầu từ những nhận định, quan điểm, luận điểm đến lí thuyết về trải nghiệm và trở thành nguyên lí giáo dục của nhiều quốc gia. Ở Việt Nam, nghiên cứu này có tính chất định hướng chung, chưa đi vào từng lĩnh vực phát triển của trẻ và chưa tính nhiều đến yếu tố vùng miền, địa phương.