Nguyên tắc đề xuất biện pháp

Một phần của tài liệu Giáo dục kĩ năng tự bảo vệ cho trẻ 5 6 tuổi theo tiếp cận trải nghiệm ở các trường mầm non khu vực miền núi phía bắc (Trang 116 - 119)

Chương 3: BIỆN PHÁP GIÁO DỤC KĨ NĂNG TỰ BẢO VỆ CHO TRẺ MẪU GIÁO 5-6 TUỔI THEO TIẾP CẬN TRẢI NGHIỆM Ở CÁC TRƯỜNG MẦM NON KHU VỰC MIỀN NÚI PHÍA BẮC

3.1. Nguyên tắc đề xuất biện pháp

3.1.1. Đảm bảo mục tiêu giáo dục mầm non và phù hợp với chương trình giáo dục mầm non

* Đảm bảo mục tiêu giáo dục mầm non: Giáo dục mầm non nhằm mục tiêu "giúp trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mĩ, tình cảm và kĩ năng xã hội, bước đầu hình thành nhân cách và chuẩn bị cho trẻ vào lớp một; hình thành cho trẻ em những chức năng tâm sinh lí, năng lực và phẩm chất mang tính nền tảng, những kĩ năng sống cần thiết phù hợp với lứa tuổi …" [11]. Các biện pháp giáo dục được xây dựng phải góp phần thực hiện được đồng bộ các mục tiêu giáo dục đã đề ra đó. Vì vậy, trong quá trình tổ chức các hoạt động giáo dục kĩ năng tự bảo vệ cho trẻ 5-6 tuổi ở trường mầm non theo tiếp cận trải nghiệm thì ngoài việc hướng đến hình thành và phát triển kĩ năng tự bảo vệ cụ thể cho trẻ còn cần chú ý đến tất cả các mục tiêu giáo dục toàn diện khác. Thực hiện nguyên tắc này, trước hết cần xác định rõ ràng mục tiêu giáo dục kĩ năng tự bảo vệ cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi, xác định muc tiêu giáo dục trải nghiệm từ đó xác định mục tiêu giáo dục kĩ năng tự bảo vệ cho trẻ 5-6 tuổi theo tiếp cận trải nghiệm ở trường mầm non phù hợp. Chú ý rằng, cần ưu tiên những năng lực và phẩm chất cốt lõi trong từng hoạt động, có phương án đánh giá và kiểm tra cụ thể. Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện cho trẻ cũng cần theo mức độ từ dễ đến khó, tránh đặt ra quá nhiều mục tiêu trong một hoạt động sẽ quá tải gây khó khăn khi thực hiện và hiệu quả không cao, nhất là đối với trẻ ở khu vực miền núi.

* Đảm bảo phù hợp với chương trình giáo dục mầm non hiện hành: Chương trình giáo dục mầm non hiện hành sửa đổi theo Thông tư 51/2020 - GDĐT, được phát triển trên quan điểm "bảo đảm đáp ứng sự đa dạng của các vùng miền, các đối tượng trẻ, hướng đến sự phát triển toàn diện và tạo cơ hội cho trẻ phát triển" [11]. Chương trình giáo dục mầm non cần có "sự thống nhất giữa nội dung giáo dục với cuộc sống hiện thực, gắn với cuộc sống và kinh nghiệm của trẻ, chuẩn bị cho trẻ từng bước hoà nhập vào cuộc sống; phương pháp giáo dục phải tạo điều kiện cho trẻ được trải nghiệm, tìm tòi, khám phá môi trường xung quanh dưới nhiều hình thức đa dạng, đáp ứng nhu cầu, hứng thú

của trẻ" [11]. Do đó, để thực hiện nguyên tắc này, khi xây dựng các biện pháp giáo dục cần chú ý bám sát chương trình giáo dục mầm non, chú ý đến yếu tố vùng miền, tăng tính trải nghiệm gắn với thực tiễn với phương pháp và hình thức đa dạng.

3.1.2. Đảm bảo phù hợp với đặc điểm của trẻ 5-6 tuổi khu vực miền núi phía Bắc Trẻ 5-6 tuổi khu vực miền núi phía Bắc có những đặc điểm riêng biệt về sức khoẻ thể chất, tâm lí và văn hoá đòi hỏi các nhà giáo dục nói chung và giáo viên nói riêng cần chú ý. Thực hiện nguyên tắc này, các biện pháp đề ra cần đảm bảo:

- Phù hợp về lứa tuổi, bao gồm: phù hợp với sự phát triển thể chất, tình cảm, kĩ năng xã hội và nhận thức của trẻ 5-6 tuổi. Dựa trên sự hiểu biết về sự phát triển của trẻ theo lứa tuổi để xây dựng kế hoạch, chuẩn bị môi trường, tổ chức các hoạt động giáo dục.

- Phù hợp về cá nhân: Mỗi trẻ có đặc điểm và thời gian trưởng thành cũng như biến đổi về cá tính, ưu điểm, sở thích, nguồn gốc và kinh nghiệm khác nhau. Việc tổ chức các hoạt động cần dựa trên việc đáp ứng được những đặc điểm riêng về nhu cầu, khả năng, sở thích của từng cá nhân, phát huy khả năng và hỗ trợ khó khăn của từng trẻ trong hoạt động; coi trọng đặc điểm cá biệt của từng trẻ và đánh gái theo sự tiến bộ của trẻ.

- Phù hợp về điều kiện văn hoá của trẻ: Nguyên tắc này cũng đòi hỏi giáo viên phải hiểu rõ nguồn gốc văn hoá, xã hội của trẻ em. Các hoạt động giáo dục cũng cần được xây dựng dựa trên những hiểu biết về hoàn cảnh xã hội, văn hoá chung của trẻ.

Cùng một hoạt động nhưng ở những địa phương với các đặc trưng văn hoá khác nhau cần được thiết kế, điều chỉnh khác nhau.

Đối với khu vực miền núi phía Bắc, bên cạnh những đặc điểm chung của lứa tuổi thì cần chú ý đến những nét đặc trưng riêng về tâm lí xã hội của trẻ như: tâm lí nhút nhát, ngại giao tiếp và tương tác với mọi người xung quanh, vốn tiếng Việt hạn chế, các kĩ năng xã hội chưa tốt,... Do đó, để đảm bảo nguyên tắc này, các biện pháp giáo dục tác động cần phù hợp với đặc điểm của trẻ, luôn lấy trẻ làm trung tâm và có tính đến yếu tố cá biệt của từng cá nhân. Mỗi hoạt động cũng cần tổ chức trên cơ sở vốn kinh nghiệm sẵn có của trẻ để trẻ mạnh dạn, chủ động hơn khi tham gia vào các trải nghiệm và cũng để giáo viên có thể định hướng, hỗ trợ và tác động giáo dục một cách phù hợp. Nếu giao nhiệm vụ vượt quá so với kinh nghiệm của trẻ, sẽ dẫn đến trẻ chán nản trong quá trình giải quyết nhiệm vụ và chia sẻ kinh nghiệm bản thân, nếu giao

nhiệm vụ quá thấp so với kinh nghiệm của trẻ dẫn đến trẻ không hứng thú, không nỗ lực thực hiện, ảnh hưởng đến kết quả hoạt động.

3.1.3. Đảm bảo theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm

Lấy trẻ làm trung tâm trong trường mầm non là một quan điểm giáo dục tiến bộ về vị trí của trẻ em và vai trò của giáo viên mầm non trong việc xây dựng, sử dụng hiệu quả môi trường giáo dục, lập kế hoạch giáo dục và tổ chức hoạt động giáo dục cho trẻ.

Giáo dục lấy trẻ làm trung tâm cần dựa trên nhu cầu, hứng thú, khả năng và thế mạnh của từng trẻ, luôn tin tưởng rằng mỗi trẻ đều có thể thành công và tiến bộ; nội dung giáo dục tổ chức cho trẻ phải trên cơ sở những gì trẻ đã biết và có thể làm.

Theo đó, nguyên tắc này đòi hỏi các biện pháp giáo dục đề ra phải tạo cơ hội cho trẻ tự khám phá, tự trải nghiệm để tìm tòi các khái niệm và thông tin mới với sự hỗ trợ, khuyến khích và hướng dẫn của giáo viên. Quá trình tổ chức các hoạt động giáo dục kĩ năng tự bảo vệ cho trẻ theo tiếp cận trải nghiệm phải xuất phát từ đặc điểm tâm lí, sinh lí, đặc điểm cá nhân của trẻ, nhằm thỏa mãn nhu cầu, khả năng và lợi ích của trẻ; hướng tới việc phát triển toàn diện, có năng lực thích ứng với sự phát triển của xã hội; biến hoạt động của giáo viên thành hoạt động tích cực, chủ động, tự giác của trẻ; đảm bảo sự tự nguyện, hứng thú, phát huy tính sáng tạo của trẻ, không áp đặt trẻ theo ý thích của người lớn;… Ở đây, trẻ vừa là chủ thể, là mục tiêu, vừa là động lực của quá trình tổ chức hoạt động trải nghiệm.

3.1.4. Đảm bảo tính thực tiễn và tính khả thi, hiệu quả

Nguyên tắc này yêu cầu khi xây dựng các biện pháp giáo dục kĩ năng tự bảo vệ cho trẻ 5-6 tuổi ở trường mầm non theo tiếp cận trải nghiệm, giáo viên cần chú ý đến tính phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng trẻ, từng trường, từng vùng miền và địa phương (về đặc điểm của giáo viên và trẻ, về điều kiện cơ sở vật chất, về sự phối hợp của phụ huynh học sinh,…); đến tính "thống nhất giữa nội dung giáo dục với cuộc sống hiện thực, gắn với cuộc sống và kinh nghiệm của trẻ, chuẩn bị cho trẻ từng bước hoà nhập vào cuộc sống" [11].

Để tổ chức thực hiện các biện pháp đạt kết quả còn phải tính đến khả năng, nguồn lực có thể khai thác, vận dụng được tại các cơ sở giáo dục mầm non. Chính vì vậy, các biện pháp luôn được đề xuất trên cơ sở tìm hiểu, phân tích thực trạng và nguyên nhân.

Đây cũng chính là yếu tố quan trọng để mỗi biện pháp có tính khả thi và hiệu quả cao khi vận dụng.

3.1.5. Đảm bảo tính hệ thống và tính phát triển

Tính hệ thống được phản ánh trong nội dung của chương trình giáo dục mầm non được sử dụng trong nhà trường; tính phát triển được thể hiện qua việc nội dung gáio dục được sắp xếp theo một hệ thống nhất định, có tính phát triển đồng tâm theo từng giai đoạn lứa tuổi, có sự liên kết giữa các lĩnh vực giáo dục trẻ.

Vì vậy, các biện pháp đề ra cần tác động một cách đồng bộ lên quá trình giáo dục trẻ để tạo ra sự thay đổi về chất lượng và hiệu quả giáo dục khi thực hiện. Trong đó, nhiệm vụ của trẻ gắn với nội dung hoạt động phải từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp; những tác động phải được lặp đi lặp lại thông qua sự đa dạng về hình thức và phương pháp tác động để củng cố, khắc sâu kiến thức, rèn luyện kĩ năng, kĩ xảo và hình thành thói quen tốt cho trẻ. Các tác động đến trẻ khi tăng dần về mức độ một cách phù hợp sẽ giúp trẻ phát triển.

Một phần của tài liệu Giáo dục kĩ năng tự bảo vệ cho trẻ 5 6 tuổi theo tiếp cận trải nghiệm ở các trường mầm non khu vực miền núi phía bắc (Trang 116 - 119)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(246 trang)