Chương 1: CƠ SỞ LÍ LUẬN VỀ GIÁO DỤC KĨ NĂNG TỰ BẢO VỆ CHO TRẺ 5-6 TUỔI THEO TIẾP CẬN TRẢI NGHIỆM Ở TRƯỜNG MẦM NON
1.4. Giáo dục kĩ năng tự bảo vệ cho trẻ 5-6 tuổi theo tiếp cận trải nghiệm ở trường mầm non khu vực miền núi
1.4.6. Hình thức giáo dục kĩ năng tự bảo vệ cho trẻ 5-6 tuổi theo tiếp cận trải nghiệm ở các trường mầm non khu vực miền núi
* Hoạt động học có chủ đích: Hoạt động học được tổ chức dưới hình thức tích hợp mục tiêu, nội dung giáo dục và gắn bó chặt chẽ với thực tiễn cuộc sống sẽ tạo điều kiện cho trẻ vận dụng những kiến thức, kĩ năng đã lĩnh hội được vào thực tiễn. Phương tiện của hoạt động học chính là môi trường thực tiễn, các sản phẩm văn hóa, xã hội do con người tạo nên. Khi tham gia hoạt động, trẻ được sử dụng các phương tiện này, đồng thời góp phần làm phong phú các phương tiện này hơn [90]. Chính vì thế, đây sẽ là hình thức quan trọng để giáo dục kĩ năng tự bảo vệ cho trẻ. Mặc dù, ở lứa tuổi mẫu giáo, hoạt động học tập chưa đạt tới dạng chính thức nhưng đã xuất hiện những yếu tố cần thiết như tính chủ định, ý thức nghĩa vụ, bước đầu tự kiểm tra, tự đánh giá,.. [114].
Tổ chức hoạt động giáo dục kĩ năng tự bảo vệ cho trẻ 5-6 tuổi theo tiếp cận trải nghiệm dưới hình thức hoạt động học có chủ đích, giáo viên cần:
- Lựa chọn hoạt động học: Hoạt động khám phá khoa học, hoạt động giáo dục dinh dưỡng - sức khoẻ, hoạt động phát triển vận động, hoạt động tạo hình, hoạt động âm nhạc, hoạt động làm quen với tác phẩm văn học, hoạt động hình thành biểu tượng toán học sơ đẳng, hoạt động giáo dục kĩ năng sống.
- Xác định chủ đề của hoạt động: Ưu tiên các chủ đề gần gũi với thực tiễn cuộc sống của trẻ ở địa phương (khu vực miền núi).
- Xác định mục tiêu hoạt động: Xác định rõ các mục tiêu về kiến thức, kĩ năng, thái độ của trẻ liên quan đến hoạt động học đã lựa chọn và mục tiêu về giáo dục kĩ năng tự bảo vệ cho trẻ (nếu lồng ghép nội dung).
- Chuẩn bị môi trường cho hoạt động: Về địa điểm, đồ dùng - phương tiện, các kinh nghiệm cần tích luỹ cho trẻ,...
- Xác định các bước tiến hành hoạt động học theo tiếp cận trải nghiệm.
* Hoạt động vui chơi: Đây là hoạt động chủ đạo của trẻ 5-6 tuổi, chi phối toàn bộ đời sống tâm lí của trẻ và các dạng hoạt động khác. Khi tham gia hoạt động vui chơi, trẻ được thoải mái bộc lộ xúc cảm của mình, thể hiện tính tự lập, ý thức làm chủ rất cao. Trong trò chơi của trẻ, một "xã hội trẻ em" được hình thành, trong đó, nhiều mối quan hệ giữa trẻ được thiết lập một cách rất tự nhiên và nhân cách của trẻ cũng được lớn lên từ đó [114]. Đặc biệt, trong trò chơi đóng vai, chủ đề của trò chơi rất phong phú, từ sinh hoạt gia đình, bán hàng, giao thông vận tải, dạy học, mẹ -con đến các tình
huống đi siêu thị, bị bắt cóc, lạc đường,... Đây chính là những hoạt động của người lớn mà trẻ nhận thức được và phản ánh vào trong trò chơi của mình; là những hành động của người lớn với đồ vật, với thiên nhiên; những mối quan hệ giữa người lớn với nhau và với trẻ em; các yếu tố về đạo đức, thẩm mĩ,... Vai trò của giáo viên và những người làm giáo dục nói chung là giúp trẻ hiểu được ý nghĩa của những hành động và mối quan hệ ấy trong xã hội thực, đặc biệt là giúp trẻ phân biệt được tốt - xấu, đúng - sai và tái tạo được cái đẹp, cái hay khi phản ánh hiện thực cuộc sống vào trong trò chơi. Nếu sử dụng trò chơi như một phương tiện giáo dục kĩ năng tự bảo vệ cho trẻ, giáo viên cần xây dựng nội dung gắn liền với các vai chơi, hành động chơi, tình huống chơi có vấn đề để trẻ giải quyết. Trò chơi cũng được sử dụng để khởi động, gây hứng thú hay củng cố, ôn tập, đánh giá kết quả của các hoạt động giáo dục giúp trẻ dễ dàng tiếp thu kiến thức.
Tổ chức hoạt động giáo dục kĩ năng tự bảo vệ cho trẻ 5-6 tuổi theo tiếp cận trải nghiệm dưới hình thức hoạt động vui chơi, giáo viên cần:
- Lựa chọn hoạt động vui chơi: chơi ở các góc, chơi ngoài trời, chơi theo ý thích,..
và các loại trò chơi (đóng kịch, trò chơi vận động, trò chơi học tập,...).
- Xác định chủ đề chơi: Giáo viên có thể lựa chọn chủ đề chơi hoặc định hướng đê trẻ tự lựa chọn các chủ đề gắn với cuộc sống thực tiễn của trẻ với thiên nhiên, con người và các mối quan hệ xã hội. Ví dụ: Bé tập làm bác sĩ, bé đi siêu thị, nhà làm vườn thông thái,...
- Xác định mục tiêu hoạt động.
- Chuẩn bị môi trường cho hoạt động: Về địa điểm, đồ dùng - phương tiện, các kinh nghiệm cần tích luỹ cho trẻ,...
- Xác định các bước tiến hành hoạt động vui chơi theo tiếp cận trải nghiệm.
* Hoạt động ngày hội, ngày lễ: Hoạt động ngày hội, ngày lễ ở trường mầm non là một hoạt động bắt buộc, được tổ chức ở trường mầm non theo quy định của Chương trình giáo dục mầm non, có ý nghĩa quan trọng đối với nhà trường và sự phát triển nhân cách toàn diện của trẻ em. Hoạt động này giúp trẻ có những kiến thức cơ bản về những ngày hội, ngày lễ của dân tộc, các sự kiện quan trọng liên quan tới trẻ em, đồng thời qua đó, tạo ra cho trẻ những hoạt động lí thú, những trải nghiệm thú vị gắn liền với cuộc sống. Khi trẻ được tham gia chương trình với các hoạt động đa dạng như văn nghệ, trò chơi, hội chợ, cắm trại, đồng diễn,... và được giao lưu với tất cả các bạn trong toàn trường, các thầy cô giáo, cha mẹ, khách mời cũng là một hình thức giúp trẻ thâm nhập vào cuộc sống xã hội trong những thời điểm có ý nghĩa nhất định. Nếu xây dựng
các hoạt động giáo dục kĩ năng tự bảo vệ cho trẻ thông qua các hoạt cảnh, diễn kịch, các bài thơ, câu đố,... của chương trình ngày hội, ngày lễ sẽ đem lại hiệu quả cao hoặc chính các tình huống thực xảy ra khi trẻ tham gia các hoạt động tập thể, nhất là các hoạt động vận động cũng đòi hỏi trẻ phải vận dụng những kinh nghiệm sẵn có để xử lí (bị xô ngã, trầy xước tay chân khi chạy nhảy hoặc khi tham gia các hoạt động thể chất,..).
Tổ chức hoạt động giáo dục kĩ năng tự bảo vệ cho trẻ 5-6 tuổi theo tiếp cận trải nghiệm dưới hình thức hoạt động ngày hội, ngày lễ, bên cạnh việc xác định mục tiêu, lựa chọn chủ đề, chuẩn bị môi trường tương tự như các hình thức trên thì cần chú ý lựa chọn cách thức tổ chức hoạt động (bao gồm cả phần lễ và phần hội) sao cho tất cả trẻ đều được trải nghiệm hoạt động, tránh tình trạng để trẻ chỉ làm khán giả từ đầu đến cuối chương trình.
* Hoạt động tham quan, dã ngoại: Là một hoạt động có ý nghĩa giáo dục quan trọng đối với trẻ ở trường mầm non. Hoạt động tham quan, dã ngoại diễn ra ngoài trường, trải nghiệm với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội như: các danh lam thắng cảnh, công viên, nông trại, biển đảo, các di tích lịch sử, công trình văn hóa, bảo tàng, nhà máy, xí nghiệp,... Thông qua hoạt động này, trẻ được phát triển óc quan sát, mở rộng hiểu biết về môi trường xung quanh, về các hoạt động sản xuất, sinh hoạt cộng đồng, phong tục tập quán truyền thống,... Đây chính là "nguyên liệu" để trẻ thực hành các kiến thức về kĩ năng tự bảo vệ gắn với các tình huống thực tiễn một cách đầy hứng thú.
Tổ chức hoạt động giáo dục kĩ năng tự bảo vệ cho trẻ 5-6 tuổi theo tiếp cận trải nghiệm dưới hình thức hoạt động tham quan - dã ngoại thì trên cơ sở mục tiêu của hoạt động và những điều kiện thực tế về nhân lực, kinh phí, cơ sở vật chất, giáo viên cần lựa chọn chủ đề và địa điểm tham quan - dã ngoại phù hợp. Trong quá trình tổ chức hoạt động, kiến thức và kĩ năng tự bảo vệ của trẻ được hình thành, rèn luyện qua những tình huống thực tiễn diễn ra tự nhiên hoặc các tình huống do giáo viên tạo ra.
* Hoạt động chăm sóc - vệ sinh: Khi ở trường mầm non, bên cạnh việc trẻ được giáo viên chăm sóc cẩn thận từ giờ ăn đến giấc ngủ và vệ sinh cá nhân thì trẻ cũng được rèn luyện các kĩ năng tự phục vụ, kĩ năng tự bảo vệ để đảm bảo an toàn tuyệt đối trong mọi hoạt động. Vì vậy, hoạt động chăm sóc vệ sinh (giờ ăn, giờ ngủ, vệ sinh cá nhân trước và sau khi hoạt động,...) cũng là một hình thức giáo dục kĩ năng cho trẻ theo hướng trải nghiệm, giúp trẻ ghi nhớ kiến thức nhanh và bền vững do kĩ năng được rèn luyện hàng ngày và đã trở thành các thói quen tốt.
Với hình thức này, giáo viên cần lựa chọn các nội dung giáo dục kĩ năng tự bảo vệ gắn với các hoạt động tự phục vụ của trẻ, chú trọng việc thực hành, luyện tập chính xác các hành động tự bảo vệ và thái độ tự giác, tích cực với các hành động đó.
* Hoạt động lao động: Ở trường mầm non, trẻ có thể tham gia nhiều hoạt động lao động như: tự phục vụ bản thân (cất balo, giày dép, rửa mặt, cởi trang phục…), dọp dẹp lớp học (nhặt rác, lấy - cất bàn ghế, sắp xếp đồ dùng,…), cùng cô chuẩn bị cho bữa ăn, giờ ngủ,…vệ sinh góc chơi, sân vườn, chăm sóc cây cảnh, rau củ và các vật nuôi…
Khi lao động, trẻ nhận diện được các yếu tố gây mất an toàn cho bản thân để tìm cách xử trí. Chẳng hạn, khi nhặt rác, có những rác nhọn, sắc có thể gây thương tích, trẻ phải biết khéo léo khi cầm hoặc gọi người lớn; khi kê bàn ghế, trẻ cần cẩn thận để không bị rơi vào chân; khi lao động xong cần rửa tay sạch sẽ để không bị nhiễm khuẩn,... Chính những kĩ năng hình thành được trong quá trình lao động của trẻ là những kĩ năng cần thiết để bảo vệ bản thân trẻ, những người xung quanh và môi trường sống.
Hình thức giáo dục kĩ năng tự bảo vệ cho trẻ 5-6 tuổi theo tiếp cận trải nghiệm ở trường mầm non đa dạng và mang tính mở để giáo viên có thể linh hoạt lựa chọn tùy thuộc vào mục đích, nội dung, phương pháp, đối tượng để lựa chọn một hay nhiều hình thức kết hợp. Giáo viên lựa chọn các thời điểm khác nhau để giáo dục kĩ năng tự bảo vệ cho trẻ như: khi trò chuyện đầu giờ, trong khi thực hiện hoạt động học tập, hoạt động vui chơi ngoài trời, hoạt động chơi ở các góc, giờ ăn trưa, giờ ngủ, giờ sinh hoạt chiều, giờ trả trẻ, phối hợp với bố mẹ trẻ khi khi ở nhà,... Các hoạt động giáo dục kĩ năng tự bảo vệ cho trẻ 5-6 tuổi theo tiếp cận trải nghiệm cũng được tổ chức ở nhiều địa điểm khác nhau tuỳ thuộc vào mục tiêu, nội dung, điều kiện vật chất, điều kiện thời tiết,... như: các địa điểm trong trường (trong lớp học, hội trường, ngoài sân trường, vườn trường) hoặc các địa điểm ngoài trường (khu vui chơi, khu du lịch, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, nông trại,...).Trong quá trình tổ chức các hoạt động này, có thể phối hợp các quy mô tổ chức như cả lớp, nhóm, cá nhân. Dựa vào kế hoạch hoạt động trong ngày, theo tuần, tháng và năm học để tổ chức các hoạt động giáo dục kĩ năng tự bảo vệ một cách linh hoạt, vừa đảm bảo chương trình, kế hoạch giáo dục theo chương trình khung vừa có thể tận dụng được các cơ hội, các sự kiện, điều kiện thực tế sẵn có.