Chương 1: CƠ SỞ LÍ LUẬN VỀ GIÁO DỤC KĨ NĂNG TỰ BẢO VỆ CHO TRẺ 5-6 TUỔI THEO TIẾP CẬN TRẢI NGHIỆM Ở TRƯỜNG MẦM NON
1.3. Giáo dục theo tiếp cận trải nghiệm cho trẻ mầm non
1.3.1. Khái niệm giáo dục theo tiếp cận trải nghiệm cho trẻ mầm non - Khái niệm trải nghiệm:
Theo Từ điển tiếng Việt [86], trải nghiệm được hiểu đơn giản nhất là những gì con người từng kinh qua thực tế, từng biết, từng chịu.
Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam [48], "trải nghiệm theo nghĩa chung nhất là bất kì một trạng thái có màu sắc xúc cảm nào được chủ thể cảm nhận, trải qua, đọng lại thành bộ phận (cùng với tri thức, ý thức…) trong đời sống tâm lí của từng người.
Theo nghĩa hẹp hơn, chuyên biệt hơn của tâm lí học, là những tín hiệu bên trong, nhờ đó nghĩa của các sự kiện đang diễn ra đối với cá nhân được ý thức, chuyển thành ý riêng của cá nhân, góp phần lựa chọn tự giác các động cơ cần thiết, điều chỉnh hành vi của cá nhân,…".
Tác giả Phạm Minh Hạc [36] và Nguyễn Văn Hộ [47] cho rằng: Trải nghiệm để phục vụ lại cho cuộc sống. Chúng ta sống trong thực tại, trao đổi thông tin với thực tại, nhờ đó chúng ta thu được những kiến thức và kinh nghiệm sống cho riêng bản thân chúng ta. Nhờ nó, con người sẽ tự hoàn thiện mình, cải tạo được thực tại và sống tốt hơn.
Khái quát các khái niệm trên cho thấy:
- Trải nghiệm nhằm thu nhận kinh nghiệm cá nhân.
- Những kinh nghiệm cá nhân được hình thành từ thực tiễn cuộc sống khi con người trực tiếp tương tác cùng.
- Con người lại sử dụng các kinh nghiệm đã thu được để tác động lại thực tiễn cuộc sống.
Từ những phân tích trên, luận án xác định khái niệm trải nghiệm: là quá trình trẻ tham gia, tiếp xúc trực tiếp với các sự vật, hiện tượng và các hoạt động thực tiễn khác nhau của môi trường xung quanh, qua đó chiếm lĩnh kiến thức, hình thành và phát triển kĩ năng của bản thân.
Như vậy, trải nghiệm chính là những tồn tại khách quan tác động vào giác quan con người, tạo cảm giác, tri giác, biểu tượng; con người cảm thấy có tác động đó và cảm nhận nó một cách rõ nét, để lại ấn tượng sâu đậm, rút ra bài học, vận dụng vào thực tiễn đời sống, hình thành nên các thái độ giá trị.
Đối với trẻ nhỏ, trải nghiệm có thể là thụ động hoặc chủ động. Trải nghiệm thụ động là những hoạt động trong cuộc sống hàng ngày trẻ được tham dự. Trải nghiệm
chủ động là trải nghiệm do người lớn tạo ra bao gồm trải nghiệm trong tình huống giả định và trải nghiệm trong cuộc sống thực.
- Khái niệm giáo dục theo tiếp cận trải nghiệm cho trẻ
Theo tác giả Nguyễn Văn Hộ, giáo dục được hiểu theo cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp [44]:
Theo nghĩa rộng, giáo dục là một quá trình toàn vẹn hình thành nhân cách, được tổ chức một cách có mục đích và có kế hoạch, thông qua các hoạt động và các quan hệ giữa người được giáo dục và người giáo dục, nhằm truyền đạt và chiếm lĩnh những kinh nghiệm xã hội của loài người.
Theo nghĩa hẹp, giáo dục là quá trình hình thành niềm tin, lí tưởng, động cơ, tình cảm, thái độ, những nét tính cách của nhân cách, những hành vi, thói quen ứng xử đúng đắn trong xã hội, thuộc các lĩnh vực tư tưởng - chính trị, đạo đức, lao động và học tập, thẩm mĩ.
Giáo dục theo tiếp cận trải nghiệm một chiến lược hay một cách tiếp cận trong giáo dục nhằm tạo cơ hội cho người học tiếp xúc thực tế, thể nghiệm các cảm xúc tích cực, khai thác những kinh nghiệm đã có để thực hiện những nhiệm vụ được giao hoặc giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống nhà trường, gia đình, xã hội phù hợp với lứa tuổi; thông qua đó, chuyển hóa những kinh nghiệm đã trải qua thành tri thức mới, hiểu biết mới, kĩ năng mới góp phần phát huy tiềm năng sáng tạo và khả năng thích ứng với cuộc sống, môi trường. Theo John Dewey [64], “Học qua trải nghiệm”
xảy ra khi một người sau khi tham gia trải nghiệm nhìn lại và đánh giá, xác định cái gì là hữu ích hoặc quan trọng cần nhớ, và sử dụng những điều này để thực hiện các hoạt động khác trong tương lai. Đối với trẻ em, khả năng học hỏi từ kinh nghiệm rất có ý nghĩa, đồng thời khả năng lưu giữ kinh nghiệm sẽ giúp cho việc giải quyết khó khăn trong các tình huống mà trẻ sẽ gặp trong cuộc sống sau này.
Giáo dục theo tiếp cận trải nghiệm là quá trình giáo dục thông qua thực hành, thực nghiệm và bằng kinh nghiệm. Trong đó, người học là người tham gia tích cực vào việc tạo ra tri thức, hình thành kinh nghiệm. Khác với giáo dục truyền thống là chú trọng vào việc cung cấp kiến thức qua các bài giảng với giáo viên là trung tâm của hoạt động, giáo dục theo tiếp cận trải nghiệm chú trọng việc hình thành năng lực thông qua việc được tiếp xúc trực tiếp học cụ và môi trường xung quanh.
Từ việc xem xét khái niệm trải nghiệm và các phân tích nêu trên có thể hiểu, Giáo dục theo tiếp cận trải nghiệm cho trẻ là phương thức giáo dục, trong đó giáo viên là người thiết kế, tổ chức, hướng dẫn các hoạt động để trẻ được tham gia, tiếp xúc trực tiếp với các sự vật, hiện tượng và các hoạt động thực tiễn khác nhau của môi trường xung quanh, qua đó chiếm lĩnh kiến thức, hình thành thái độ và hành vi.
1.3.2. Bản chất và đặc điểm của giáo dục theo tiếp cận trải nghiệm cho trẻ mầm non 1.3.2.1. Bản chất của giáo dục theo tiếp cận trải nghiệm cho trẻ mầm non
Thứ nhất, bản chất của giáo dục theo tiếp cận trải nghiệm cho trẻ mầm non là phương thức giáo dục được tổ chức theo con đường gắn lí thuyết với thực tiễn, tạo nên sự thống nhất giữa nhận thức với hành động, hình thành và phát triển cho trẻ những năng lực cần thiết phù hợp với lứa tuổi. Nghĩa là, phương thức này tạo điều kiện tối đa để trẻ tham gia trực tiếp vào các hoạt động và mối quan hệ xã hội. Trong đó, giáo viên giữ vai trò là người hướng dẫn tổ chức, trẻ là chủ thể hoạt động.
Thứ hai, giáo dục theo tiếp cận trải nghiệm là một quá trình giáo dục được tiến hành dựa trên vốn kinh nghiệm của trẻ, coi trẻ là trung tâm của hoạt động. Qua trải nghiệm, kinh nghiệm của trẻ được tích lũy, được kiểm chứng, được điều chỉnh và phản hồi thông qua những kiến thức và hiểu biết mới tiếp thu từ những trải nghiệm thực tế.
Đó là quá trình trẻ được hành động, được suy ngẫm, nhận xét, từ đó rút ra những kết luận và vận dụng vào những tình huống khác nhau.
Thứ ba, giáo dục theo tiếp cận trải nghiệm hình thành xúc cảm tích cực cho trẻ.
Trẻ được giải phóng năng lượng thần kinh và cơ bắp, điều đó được thể hiện ở việc được đi lại, nói cười, vận động, bộc lộ cảm xúc.. điều mà các hoạt động không có trải nghiệm không có được.
Thứ tư, giáo dục theo tiếp cận trải nghiệm cho trẻ mầm non đòi hỏi phải có thời gian dài mới có kết quả, bởi có những trải nghiệm lần đầu lại chỉ để lại cảm xúc tiêu cực, phải qua quá trình trẻ mới hiểu, mới thích. Mặt khác, trẻ mầm non cần đủ thời gian để được trực tiếp khám phá, tìm hiểu môi trường và tự kiểm tra, đánh giá, chiêm nghiệm theo con đường "thử và sai" rồi mới rút được ra kinh nghiệm đúng. Điều này rất rõ rệt ở trẻ mầm non khi nhận thức của trẻ chủ yếu thông qua các phương thức trực quan sinh động.
1.3.2.2. Đặc điểm của giáo dục theo tiếp cận trải nghiệm cho trẻ mầm non
Giáo dục theo tiếp cận trải nghiệm cho trẻ ở trường mầm non được thực hiện một cách có tổ chức trong hoặc ngoài nhà trường nhằm phát triển, nâng cao phẩm chất,
năng lực của trẻ. Thông qua các hoạt động giáo dục theo tiếp cận trải nghiệm, trẻ được phát huy vai trò chủ thể, tích cực, chủ động, sáng tạo của bản thân. Giáo dục theo tiếp cận trải nghiệm cho trẻ có các đặc điểm cơ bản sau:
- Về nội dung: nội dung đa dạng gắn với chương trình giáo dục mầm non và giáo dục địa phương; mang tính tích hợp nhiều kiến thức, kĩ năng của các lĩnh vực giáo dục khác nhau. Vì vậy, giáo dục theo tiếp cận trải nghiệm giúp trẻ lĩnh hội được nhiều kinh nghiệm mà các hình thức giáo dục khác không có được. Tuy nhiên, để trẻ có thể vận dụng những hiểu biết của mình vào thực tiễn cuộc sống dễ dàng, thuận lợi thì nội dung của giáo dục theo tiếp cận trải nghiệm còn cần phải thiết thực và gần gũi với cuộc sống thực tế, đáp ứng được nhu cầu hoạt động của trẻ.
- Về hình thức: Giáo dục theo tiếp cận trải nghiệm có thể tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau gắn với điều kiện thực tế của từng trường, từng địa phương (hoạt động vui chơi, học có chủ đích, ngày hội, ngày lễ, tham quan, dã ngoại, hoạt động lao động,….). Hình thức càng phong phú càng thu hút được sự tham gia tích cực của trẻ đồng thời các hoạt động giáo dục trở nên nhẹ nhàng, tự nhiên, sinh động, không bị gò bó và khô cứng, phù hợp với đặc điểm của trẻ mẫu giáo (chú ý không bền, trẻ không bất động lâu ở một vị trí,...). Thông qua việc tham gia các hình thức hoạt động đa dạng ấy, trẻ có được những kinh nghiệm phong phú trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ đó có thể nhận biết rõ hơn về chính mình, phát hiện ra khả năng của bản thân, tích cực tích lũy kinh nghiệm để chuyển hóa thành năng lực. Các hoạt động tổ chức theo tiếp cận trải nghiệm ở trường mầm non giúp trẻ có được kinh nghiệm thông qua các trải nghiệm chủ động do giáo viên tạo ra: có thể là các trải nghiệm gắn với thực tiễn cuộc sống như môi trường tự nhiên xung quanh trẻ và các hoạt động của con người với các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau; có thể là các trải nghiệm giả định bằng cách giáo viên xây dựng các tình huống mô phỏng thực tiễn. Ở trường mầm non, các tình huống mô phỏng được giáo viên sử dụng thường xuyên giúp trẻ dễ dàng tiếp thu tri thức và liên hệ được với thực tiễn trong điều kiện không thể cho trẻ tham gia trải nghiệm với các tình huống thực.
- Về các lực lượng tham gia: Giáo dục theo tiếp cận trải nghiệm đòi hỏi có sự phối hợp tham gia của nhiều lực lượng giáo dục khác nhau (giáo viên, ban giám hiệu, cha mẹ trẻ, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp địa phương,…). Các lực lượng tham gia càng đông đảo, trẻ càng được tạo điều kiện tốt nhất về môi trường, học liệu, địa điểm,...
trải nghiệm cho trẻ. Đó có thể là sự tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp; có thể là đầu mối,
chủ trì hoặc phối hợp; có thể hỗ trợ về kinh phí, cơ sở vật chất (học liệu, đồ chơi, phương tiện, địa điểm tổ chức,..).