Lực lượng tham gia giáo dục kĩ năng tự bảo vệ cho trẻ 5-6 tuổi theo tiếp cận trải nghiệm ở các trường mầm non khu vực miền núi

Một phần của tài liệu Giáo dục kĩ năng tự bảo vệ cho trẻ 5 6 tuổi theo tiếp cận trải nghiệm ở các trường mầm non khu vực miền núi phía bắc (Trang 66 - 69)

Chương 1: CƠ SỞ LÍ LUẬN VỀ GIÁO DỤC KĨ NĂNG TỰ BẢO VỆ CHO TRẺ 5-6 TUỔI THEO TIẾP CẬN TRẢI NGHIỆM Ở TRƯỜNG MẦM NON

1.4. Giáo dục kĩ năng tự bảo vệ cho trẻ 5-6 tuổi theo tiếp cận trải nghiệm ở trường mầm non khu vực miền núi

1.4.8. Lực lượng tham gia giáo dục kĩ năng tự bảo vệ cho trẻ 5-6 tuổi theo tiếp cận trải nghiệm ở các trường mầm non khu vực miền núi

1.4.8.1. Cán bộ quản lí

Cán bộ quản lí bao gồm các cán bộ quản lí chuyên môn mầm non ở phòng, sở giáo dục; ban giám hiệu trường mầm non; các tổ trưởng chuyên môn ở trường mầm non có vai trò quan trọng trong công tác giáo dục kĩ năng tự bảo vệ cho trẻ 5-6 tuổi theo tiếp cận trải nghiệm ở trường mầm non. Cán bộ quản lí tổ chức các chương trình tập huấn nâng cao kiến thức, kĩ năng tổ chức các hoạt động giáo dục kĩ năng tự bảo vệ cho giáo viên; chịu trách nhiệm phát triển chương trình giáo dục trong nhà trường; xây dựng kế hoạch, chỉ đạo thực hiện và đánh giá hiệu quả hoạt động giáo dục kĩ năng tự bảo vệ cho trẻ trong trường mầm non; tạo cơ hội và khuyến khích giáo viên mầm non tăng cường các hoạt động giáo dục kĩ năng tự bảo vệ cho trẻ và thể hiện sự sáng tạo khi tổ chức hoạt động này; ...Ở các khu vực miền núi, cán bộ quản lí để thực hiện tốt công tác chỉ đạo cần thường xuyên có sự kiểm tra, thực tế ở các trường mầm non nhất là các điểm trường lẻ với địa bàn rộng lớn để nắm bắt được những khó khăn trong thực

hiện chương trình chăm sóc – giáo dục trẻ, từ đó có sự định hướng phát triển chương trình phù hợp.

1.4.8.2. Giáo viên mầm non

Giáo viên là người thực hiện hóa chương trình giáo dục mầm non, xây dựng kế hoạch giáo dục nhóm lớp, lựa chọn nội dung, thiết kế môi trường, chuẩn bị các đồ dùng, đồ chơi và tổ chức trên trẻ các hoạt động giáo dục kĩ năng tự bảo vệ cho trẻ theo tiếp cận trải nghiệm. Chỉ giáo viên mới có thể đánh giá đúng sự tiến bộ của trẻ để có những tác động phù hợp nhằm thúc đẩy tiềm năng của mỗi trẻ. Và dựa trên kết quả đánh giá đó để xây dựng cũng như điều chỉnh kế hoạch và tổ chức các hoạt động giáo dục kĩ năng tiếp theo phù hợp với nhu cầu, kinh nghiệm của trẻ. Đặc biệt, giáo viên còn là cầu nối, phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh trong công tác giáo dục kĩ năng tự bảo vệ cho trẻ; tạo điều kiện cho phụ huynh được tham gia vào các hoạt động của trẻ; kịp thời thông tin cho gia đình những tiến bộ và khó khăn của trẻ ở trường và có biện pháp khuyến khích sự chia sẻ của gia đình trong việc chăm sóc và giáo dục trẻ nói chung, hình thành và phát triển kĩ năng tự bảo vệ nói riêng. Đặc thù của các gia đình trẻ ở khu vực miền núi (nhất là người dân tộc thiểu số) là ít có sự chủ động, gần gũi trao đổi thông tin với giáo viên về tình hình của trẻ nên giáo viên cần phải có năng lực giao tiếp tốt với gia đình để nâng cao hiệu quả giáo dục trẻ cũng như tăng tỉ lệ trẻ chuyên cần đến lớp (trao đổi ở lớp, đến thăm nhà, vận động cho trẻ đi học,...).

1.4.8.3. Nhân viên y tế trường học

Nhân viên y tế có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho trẻ trong trường mầm non; phối hợp với nhà trường tổ chức các hoạt động tập huấn, tuyên truyền cho giáo viên, phụ huynh (hoặc phối hợp với giáo viên để hướng dẫn trẻ) kiến thức về bảo vệ trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích và các kĩ thuật sơ cấp cứu ban đầu cho trẻ em khi bị tai nạn thương tích (bị hóc, sặc thức ăn; băng bó vết thương; đuối nước; côn trùng đốt; rắn cắn, động vật cắn,..). Nhân viên y tế cũng là đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên quan trọng trong công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em tại cơ sở phường, xã.

1.4.8.4. Gia đình

Kĩ năng của trẻ chỉ có thể thành thạo và bền vững khi trẻ được thực hành, củng cố mọi lúc, mọi nơi. Vì vậy, gia đình và xã hội cũng cần nắm được nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục kĩ năng tự bảo vệ cho trẻ phù hợp với độ tuổi. Trong nhiều

nguyên nhân dẫn đến tai nạn thương tích trẻ em thì các nguyên nhân chính vẫn là nguyên nhân về môi trường nguy hiểm, tình trạng kinh tế xã hội, nhận thức hạn chế về nguy cơ và giám sát đối với trẻ; tình trạng chậm được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe (điển hình là dịch vụ cấp cứu và chăm sóc trước viện); ít được sử dụng sản phẩm và thiết bị an toàn,.. Như vậy, tất cả các mối nguy hiểm, các loại tai nạn thương tích trẻ em đều có thể phòng chống nếu gia đình và xã hội phối hợp chặt chẽ với nhà trường và giáo viên để tạo dựng môi trường an toàn và giáo dục trẻ thường xuyên. Cha mẹ, gia đình cũng cần được trang bị đầy đủ kiến thức, kĩ năng về bảo vệ trẻ em, điều này ảnh hưởng rất nhiều đến cách chăm sóc, bảo vệ trẻ, hướng dẫn cho trẻ tự bảo vệ bản thân khỏi các mối nguy hiểm: kĩ năng nhận diện rủi ro, phân biệt và lường trước những nguy hiểm từ gia đình, xã hội...

1.4.8.5. Các cơ quan, tổ chức bảo vệ trẻ em

Theo Luật trẻ em 2016 và Nghị định 56/2017/NĐ-CP ngày 9/5/2017 của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em, Việt Nam có tới 17 cơ quan có nghĩa vụ bảo vệ quyền trẻ em (gồm tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân các cấp, Quốc hội, các bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Tư pháp, Công an, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Uỷ ban nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên của Mặt trận, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam...). Cho đến năm 2019, đội ngũ cộng tác viên bảo vệ và chăm sóc trẻ em được phủ sóng đến từng thôn/ xóm. Từ 2020, cán bộ dân số kiêm nghiệm vai trò này với sự phối hợp chặt chẽ cùng các trưởng xóm, bí thư xóm. Ngoài ra, số điện thoại đường dây nóng của Trung tâm tư vấn dịch vụ trẻ em thuộc Cục Trẻ em (111) cũng được kích hoạt để lắng nghe, tư vấn và giúp đỡ mọi trẻ em có nhu cầu. Ngày 22- 2-2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 267/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015 (gọi tắt là Chương trình 267) với mục tiêu: “Tạo dựng được môi trường sống mà ở đó tất cả trẻ em đều được bảo vệ, trong đó ưu tiên nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nhóm trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Chủ động phòng ngừa, giảm thiểu, loại bỏ các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em, giảm thiểu tình trạng trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em bị xâm hại, bạo lực, buôn bán và sao nhãng. Trợ giúp, phục hồi kịp thời cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em bị tổn hại, tạo cơ hội để các em tái hòa nhập cộng đồng và bình đẳng về cơ hội phát triển, thông qua phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em đồng bộ và hoạt động có hiệu quả”.

Như vậy, có rất nhiều các cơ quan, tổ chức bảo vệ trẻ em cùng với các lực lượng xã hội khác có thể tham gia vào công tác giáo dục kĩ năng tự bảo vệ cho trẻ em, nhất là trẻ 5-6 tuổi ở các tỉnh miền núi, khi trẻ đang bước vào giai đoạn tự lập ở gia đình, tự đến trường học - về nhà và chuẩn bị bước vào trường phổ thông nội trú hoặc bán trú mà có thể không nhận được sự chăm sóc thường xuyên, đầy đủ từ cha mẹ. Nếu giáo viên mầm non phối hợp được với các cơ quan, tổ chức này sẽ tạo ra một mạng lưới bảo vệ trẻ em dày đặc, toàn diện hơn và nhận được nhiều sự giúp đỡ về các kiến thức, kĩ năng giáo dục chuyên biệt cho trẻ: tham gia các khóa tập huấn về chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước cho trẻ em, tập huấn về phòng chống tai nạn thương tích,...

Một phần của tài liệu Giáo dục kĩ năng tự bảo vệ cho trẻ 5 6 tuổi theo tiếp cận trải nghiệm ở các trường mầm non khu vực miền núi phía bắc (Trang 66 - 69)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(246 trang)