Đánh giá chung về thực trạng

Một phần của tài liệu Giáo dục kĩ năng tự bảo vệ cho trẻ 5 6 tuổi theo tiếp cận trải nghiệm ở các trường mầm non khu vực miền núi phía bắc (Trang 113 - 116)

Chương 2: THỰC TRẠNG GIÁO DỤC KĨ NĂNG TỰ BẢO VỆ CHO TRẺ 5-6 TUỔI THEO TIẾP CẬN TRẢI NGHIỆM Ở CÁC TRƯỜNG MẦM NON

2.3. Kết quả khảo sát

2.3.4. Đánh giá chung về thực trạng

* Về ưu điểm:

Từ việc phân tích kết quả khảo sát thực trạng, có thể nhận thấy công tác giáo dục kĩ năng tự bảo vệ cho trẻ 5-6 tuổi theo tiếp cận trải nghiệm ở trường mầm non khu vực miền núi phía Bắc đã được tiến hành và đạt được những kết quả nhất định:

- Trẻ đã hình thành được một số kĩ năng tự bảo vệ phù hợp với lứa tuổi.

- Đa số các giáo viên có nhận thức đúng, đầy đủ về kĩ năng tự bảo vệ, về trải nghiệm và giáo dục kĩ năng tự bảo vệ theo tiếp cận trải nghiệm ở trường mầm non.

- Trong quá trình giáo dục kĩ năng tự bảo vệ cho trẻ theo tiếp cận trải nghiệm ở trường mầm non, các giáo viên đã sử dụng đa dạng các phương pháp, hình thức khác nhau.

* Hạn chế và tồn tại:

Bên cạnh những ưu điểm đã đạt được, công tác giáo dục kĩ năng tự bảo vệ cho trẻ theo tiếp cận trải nghiệm ở trường mầm non còn tồn tại nhiều hạn chế:

- Mức độ biểu hiện kĩ năng tự bảo vệ của trẻ ở cả 3 mặt nhận thức, thực hiện và thái độ của tất cả các kĩ năng thành phần chưa cao, phân bố chủ yếu ở mức 1 (yếu) và mức 2 (trung bình). Việc đánh giá kĩ năng tự bảo vệ cho trẻ qua 3 tiêu chí về nhận thức, thực hiện, thái độ chưa là cơ sở cần và đủ cho việc đánh giá hiệu quả tổ chức hoạt động và xác định nguyên nhân do đặc thù về tính cách, tâm lí của trẻ, đặc thù của giáo dục khu vực miền núi phía Bắc với rất nhiều rào cản về môi trường lớp học, các hoạt động, đồ dùng đồ chơi, nguyên vật liệu và sự tương tác giữa giáo viên với trẻ, giữa trẻ với trẻ, giữa trẻ với mọi người xung quanh.

- Tỉ lệ các giáo viên có nhận thức đúng, đầy đủ về giáo dục kĩ năng tự bảo vệ theo tiếp cận trải nghiệm ở trường mầm non song chưa cao vượt trội.

- Có nhiều lực lượng tham gia phối hợp trong giáo dục kĩ năng tự bảo vệ cho trẻ theo tiếp cận trải nghiệm ở trường mầm non nhưng sự tham gia của gia đình và xã hội, các cơ quan và tổ chức bảo vệ trẻ em còn thấp. Ngoài ra, các giáo viên cũng đã đưa ra những đánh giá về các khó khăn gặp phải khi tổ chức hoạt động, trong đó nhấn mạnh những khó khăn về thiếu đồ dùng, đồ chơi, trang thiết bị; bố trí môi trường vật chất, không gian trong và ngoài lớp học chưa thực sự thuận tiện cho trẻ trải nghiệm; khó khăn vì thiếu kiến thức về giáo dục kĩ năng tự bảo vệ cho trẻ theo tiếp cận trải nghiệm; thiếu kế hoạch giáo dục về giáo dục kĩ năng tự bảo vệ cho trẻ và hướng dẫn tổ chức theo tiếp cận trải nghiệm từ nhà trường; khó khăn trong phối hợp với phụ huynh học sinh,...

- Giáo viên còn lúng trong trong việc xác định nội dung giáo dục kĩ năng tự bảo vệ cho trẻ và lựa chọn phương pháp, hình thức sao cho phù hợp với đặc điểm tâm lí và kinh nghiệm của trẻ.

* Nguyên nhân của thực trạng

Từ kết quả khảo sát trên, chúng tôi nhận thấy nguyên nhân của thực trạng là do:

- Một số khó khăn xuất phát từ chính đặc điểm tâm lí của trẻ và khó khăn đến từ phía giáo viên như:

+ Trẻ nhút nhát, thiếu tự tin nên thiếu cảm giác thoải mái và sự sẵn sàng tham gia hoạt động; trẻ còn có những rào cản về ngôn ngữ (thành phần dân tộc khác nhau) và tiếng Việt; giao tiếp giữa các trẻ còn hạn chế do mức độ phát triển tâm lí (nhất là ở các điểm trường có mô hình lớp ghép).

+ Giáo viên không thể quan tâm đến tất cả trẻ trong lớp do số lượng học sinh đông; yêu cầu đặt ra cho trẻ chưa có sự phân hoá rõ rệt cho các nhóm trẻ; đồ dùng, đồ chơi chưa được đầy đủ để tổ chức hoạt động.

- Tiếp cận trải nghiệm là một cách tiếp cận còn mang tính mới mẻ trong giáo dục mầm non ở Việt Nam nhất là khu vực miền núi. Nhiều giáo viên còn nhầm lẫn trải nghiệm với việc cho trẻ thực hành hoặc cho trẻ đi tham quan, dã ngoại. Các giáo viên được khảo sát chưa được tham dự bất kì một khoá tập huấn hay chuyên đề nào về giáo dục trải nghiệm. Vì vậy, giáo viên còn lúng túng trong thiết kế quy trình giáo dục kĩ năng tự bảo vệ cho trẻ theo tiếp cận trải nghiệm cũng như xây dựng các tiêu chí đánh giá trẻ phù hợp.

- Nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục về kĩ năng sống nói chung và kĩ năng tự bảo vệ nói riêng chưa toàn diện, chưa có sự tách bạch rõ ràng với nội dung chăm sóc, giáo dục trẻ khác.

- Chương trình giáo dục mầm non hiện hành mang tính chất chương trình khung nên các hoạt động cụ thể do các trường mầm non chủ động xây dựng sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, trong khi đó nhiều trường mầm non chưa có kế hoạch giáo dục kĩ năng tự bảo vệ cho trẻ một cách cụ thể..

- Cơ sở vật chất và các phương tiện phục vụ để tổ chức các hoạt động theo tiếp cận trải nghiệm còn thiếu. Giáo viên rất cần sự chung tay giúp đỡ, phối hợp trong xây dựng môi trường hoạt động cho trẻ của phụ huynh và các lực lượng xã hội.

- Công tác phối hợp giữa nhà trường với phụ huynh và cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn: nhiều cha mẹ trẻ không hợp tác với giáo viên do không có thời gian hoặc không quan tâm đến trẻ, thận thức của một số cha mẹ và một bộ phận cộng đồng chưa đầy đủ và cho rằng đó là nhiệm vụ của giáo viên, nhà trường.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 2

Qua khảo sát trên 575 giáo viên mầm non đang đứng lớp tại 43 trường mầm non của 9 tỉnh/thành phố: Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Lạng Sơn, Hòa Bình, Phú Thọ và kết quả đánh giá 220 trẻ tại 10 trường mầm non các tỉnh Thái Nguyên, Cao Bằng, Hà Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, chúng tôi có một số kết luận như sau:

1. Hầu hết các giáo viên có đánh giá cao về ý nghĩa của trải nghiệm đối với giáo dục kĩ năng tự bảo vệ cho trẻ, đặc biệt là ý nghĩa về giúp trẻ nhận diện được rõ các nguy cơ gây mất an toàn từ môi trường sống đối với bản thân và rèn luyện tính mạnh dạn, tích cực, chủ động trong xử lí các tình huống thực tiễn cho trẻ. Tuy nhiên, còn một số giáo viên có nhận thức chưa đầy đủ và chưa chính xác về kĩ năng tự bảo vệ, về trải nghiệm và giáo dục kĩ năng tự bảo vệ theo tiếp cận trải nghiệm ở trường mầm non.

Điều này sẽ có ảnh hưởng lớn đến việc xây dựng kế hoạch giáo dục và tổ chức hoạt động cho trẻ.

2. Mức độ biểu hiện kĩ năng tự bảo vệ của trẻ về cả 3 mặt nhận thức, thực hiện và thái độ của tất cả các kĩ năng thành phần chưa cao, phân bố chủ yếu ở mức 1 (mức yếu) và mức 2 (trung bình); mức độ 3 (khá) và mức độ 4 (tốt) có nhiều nhóm kĩ năng thành phần không có trẻ đạt, mức độ 4 chỉ chiếm dưới 19.1%. Điểm trung bình của các nhóm kĩ năng thành phần trẻ đạt được từ 1.18 đến 2,52, trong đó kĩ năng tự bảo vệ an toàn trên không gian mạng có mức độ đạt được thấp nhất; kĩ năng ăn uống an toàn có mức độ đạt được cao nhất.

3. Thực trạng thực hiện nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục kĩ năng tự bảo vệ cho trẻ 5-6 tuổi vẫn tập trung vào một số nội dung, phương pháp và hình thức chủ đạo, chưa có những đặc trưng riêng theo tiếp cận trải nghiệm. Giáo viên không xây dựng quy trình giáo dục kĩ năng tự bảo vệ cho trẻ theo tiếp cận trải nghiệm 4 bước, không xây dựng tiêu chí cụ thể đánh giá kĩ năng tự bảo vệ của trẻ. Từ những khó khăn trong quá trình thực hiện đến từ phía giáo viên, phía trẻ, phụ huynh và điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện giảng dạy; từ việc xác định các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục kĩ năng tự bảo vệ cho trẻ theo tiếp cận trải nghiệm ở trường mầm non; từ việc phân tích nguyên nhân, rào cản ảnh hưởng đến chất lượng tổ chức hoạt động và mức độ kĩ năng tự bảo vệ của trẻ sẽ là cơ sở để luận án xây dựng các biện pháp giáo dục có tính hiệu quả và khả thi cao.

Chương 3

Một phần của tài liệu Giáo dục kĩ năng tự bảo vệ cho trẻ 5 6 tuổi theo tiếp cận trải nghiệm ở các trường mầm non khu vực miền núi phía bắc (Trang 113 - 116)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(246 trang)