Khái niệm kĩ năng tự bảo vệ

Một phần của tài liệu Giáo dục kĩ năng tự bảo vệ cho trẻ 5 6 tuổi theo tiếp cận trải nghiệm ở các trường mầm non khu vực miền núi phía bắc (Trang 34 - 37)

Chương 1: CƠ SỞ LÍ LUẬN VỀ GIÁO DỤC KĨ NĂNG TỰ BẢO VỆ CHO TRẺ 5-6 TUỔI THEO TIẾP CẬN TRẢI NGHIỆM Ở TRƯỜNG MẦM NON

1.2. Kĩ năng tự bảo vệ của trẻ mầm non

1.2.1. Khái niệm kĩ năng tự bảo vệ

- Khái niệm kĩ năng:

Kĩ năng là một vấn đề nghiên cứu được nhiều nhà khoa học trên thế giới và Việt Nam quan tâm. Cho đến nay, có rất nhiều khái niệm kĩ năng được đưa ra nhưng nhìn chung có 2 hướng như sau:

Hướng thứ nhất, các tác giả quan niệm kĩ năng là phương thức thực hiện hành động, chú trọng đến mặt kĩ thuật của hành động.

+ P.A.Rudich [94] nhận định, kĩ năng là động tác mà cơ sở của nó là sự vận dụng thực tế các kiến thức đã tiếp thu được để đạt kết quả trong một hình thức hoạt động cụ thể;

+ A.G. Covaliov [25] lại xem xét kĩ năng là phương thức thực hiện hành động phù hợp với mục đích và điều kiện của hành động;

+ Theo Trần Trọng Thuỷ [103], kĩ năng là mặt kĩ thuật của hành động. Con người nắm được cách thức hành động - tức là kĩ thuật hành động là có kĩ năng.

+ Tác giả Nguyễn Quang Uẩn [115] cho rằng, kĩ năng là năng lực con người biết vận hành các thao tác của một hành động theo đúng quy trình.

Hướng thứ hai, quan niệm kĩ năng không chỉ bao gồm mặt kĩ thuật của hành động, mà còn chú trọng tới mặt kết quả của hành động. Các tác giả theo hướng này này đã xem xét kĩ năng như một biểu hiện của năng lực cá nhân con người, là khả năng của chính cá nhân đó.

+ N.Đ. Lêvitov [69] cho rằng, kĩ năng là sự thực hiện có kết quả một động tác nào, hay một hoạt động nào, phức tạp hơn, bằng cách lựa chọn và áp dụng cách thức đúng đắn và chú ý đến những điều kiện nhất định.

+ Theo Nguyễn Văn Đồng [32], kĩ năng là năng lực vận dụng những tri thức đã được lĩnh hội để thực hiện có hiệu quả một hoạt động tương ứng trong những điều kiện cụ thể.

+ Tác giả Đặng Thành Hưng [59] cũng chỉ rõ, kĩ năng là một dạng hành động được thực hiện tự giác dựa trên tri thức về công việc, khả năng vận động và những điều kiện sinh học - tâm lí khác của cá nhân (tức chủ thể của kĩ năng đó), như nhu cầu, tình cảm, ý chí, tính tích cực cá nhân... để đạt được kết quả theo mục đích hay tiêu chí đã định, hoặc mức độ thành công theo chuẩn mực hay quy định.

Như vậy, có nhiều quan niệm khác nhau về kĩ năng do các nhà nghiên cứu nhấn mạnh các khía cạnh khác nhau của kĩ năng và về cơ bản không bị mâu thuẫn nhau về nội hàm. Người có kĩ năng hành động trong một lĩnh vực hoạt động được biểu hiện ở những dấu hiệu: Có tri thức về hành động, hiểu mục đích hành động, cách thức thực hiện hành động và các điều kiện thực hiện hành động; thực hiện hành động đúng với các yêu cầu của nó; hành động đạt kết quả cao theo mục đích đề ra; có thể thực hiện hành động có kết quả trong những điều kiện thay đổi. Do đó, khi xem xét khái niệm kĩ năng, cần lưu ý:

+ Kĩ năng trước hết phải được hiểu là mặt kĩ thuật của hoạt động, kĩ năng bao giờ cũng gắn với một hành động cụ thể và được xem như một đặc điểm của hành động.

+ Tính đúng đắn, sự thành thạo, linh hoạt, mềm dẻo là tiêu chuẩn quan trọng để xác định sự hình thành và phát triển của kĩ năng. Một hành động chưa thể gọi là có kĩ năng nếu còn mắc nhiều lỗi và vụng về, các thao tác diễn ra theo một khuôn mẫu cứng nhắc...

+ Kĩ năng không phải là bẩm sinh của mỗi cá nhân, kĩ năng là sản phẩm của hoạt động thực tiễn. Đó là quá trình con người vận dụng những tri thức và kinh nghiệm vào hoạt động thực tiễn để đạt được mục đích đã đề ra.

Trên cơ sở phân tích các cách tiếp cận khác nhau trong quan điểm về khái niệm kĩ năng trên, chúng tôi cho rằng: Kĩ năng là sự thực hiện có kết quả một hoạt động cụ thể bằng cách vận dụng những tri thức, kinh nghiệm đã có của cá nhân một cách hợp lí vào các tình huống khác nhau để đạt được mục tiêu xác định.

- Khái niệm tự bảo vệ: Bảo vệ là chống lại mọi xâm phạm để giữ cho luôn được nguyên vẹn; là bênh vực bằng lí lẽ để giữ vững ý kiến, quan điểm [86]. Ở góc độ học thuyết pháp lí, tự bảo vệ được định nghĩa là một nỗ lực nhằm chấn chỉnh một điều sai trái được nhận biết bằng hành động tự thân chứ không thông qua quy trình pháp lí bình thường [130].

Theo tác giả Nguyễn Ngọc Điện [31], tự bảo vệ là động thái có nguồn gốc từ bản năng sinh tồn của động vật trong không gian sống thống trị bởi quy luật “mạnh được yếu thua”, là phản xạ tự nhiên khi đứng trước hiểm họa đối với bản thân. Trong Từ điển tiếng Việt, tự bảo vệ có nghĩa là tự che chở, tự bảo vệ lấy mình, tự mình giữ lấy mình, chống lại sự xâm hại của kẻ khác [86]. Còn theo Cheryl Poche, tự bảo vệ là phản ứng một cách an toàn khi bị tiềm ẩn nguy cơ hoặc một kẻ quấy rối trẻ em tiếp cận [147].

Ngoài ra, tự bảo vệ còn chỉ những hành động hay cách thức ứng phó của con người khi cần phải chống trả với những tình huống khó khăn xảy ra với bản thân mình trong cuộc sống. Khi ấy, họ cần phải nghĩ đến việc dùng một cách thức nào đó như kêu cứu, vùng vẫy, bỏ chảy, tấn công,... để thoát hiểm. Tự bảo vệ được xem như một biện pháp đối phó liên quan đến việc bảo vệ sức khỏe và hạnh phúc của bản thân khỏi bị tổn hại [121].

Từ các quan điểm trên, có thể hiểu tự bảo vệ nghĩa là chủ thể hay cá nhân nào đó cần có những kiến thức, những cách ứng xử phù hợp nhất trong những hoàn cảnh nhất định để tự bảo vệ lấy bản thân. Vậy, tự bảo vệ là giữ cho bản thân tránh khỏi những mối nguy hiểm như bị tổn thương về thể chất hoặc tinh thần.

- Khái niệm kĩ năng tự bảo vệ: Từ việc phân tích khái niệm kĩ năng, khái niệm tự bảo vệ đã nêu dẫn ở trên, trong nghiên cứu này chúng tôi xác định khái niệm kĩ năng tự bảo vệ như sau: Kĩ năng tự bảo vệ là sự thực hiện có kết quả một hoạt động bằng cách vận dụng những tri thức, kinh nghiệm đã có của cá nhân một cách hợp lí, linh hoạt vào các tình huống khác nhau để đạt được mục tiêu giữ cho bản thân được an toàn về thể chất và tinh thần.

Khái niệm trên cho thấy, nếu chỉ hiểu kĩ năng tự bảo vệ theo một chiều là bảo vệ thể chất thì sẽ rất dễ nhầm lẫn sang kĩ năng phòng tránh tai nạn thương tích hoặc nếu chỉ đặt việc vận dụng các kĩ năng tự bảo vệ trong những tình huống nguy hiểm thì sẽ nhầm lẫn sang kĩ năng sinh tồn. Kĩ năng tự bảo vệ của trẻ mầm non cần được hiểu một cách đầy đủ, bao gồm 2 mặt:

+ Tự bảo vệ thân thể (bảo vệ sức khỏe thể chất): những kĩ năng để bảo vệ cơ thể được an toàn về thể chất (bị tấn công bằng vũ lực, bị ngã, bị chảy máu, bị tai nạn,...);

+ Tự bảo vệ tinh thần (bảo vệ sức khỏe tâm lí xã hội): những kĩ năng cần thiết để ứng phó với những khó khăn tâm lí và tình cảm trong mối quan hệ với cha mẹ, thầy cô, bạn bè và những người xung quanh [125].

Các trường hợp trẻ mầm non cần vận dụng kĩ năng bảo vệ để bản thân được an toàn có cả các tình huống nguy hiểm, khẩn cấp, bất ngờ xảy ra và cả những nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn (dấu hiệu nhận biết có thể bằng giác quan, bằng suy đoán).

Một phần của tài liệu Giáo dục kĩ năng tự bảo vệ cho trẻ 5 6 tuổi theo tiếp cận trải nghiệm ở các trường mầm non khu vực miền núi phía bắc (Trang 34 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(246 trang)