Chương 2: THỰC TRẠNG GIÁO DỤC KĨ NĂNG TỰ BẢO VỆ CHO TRẺ 5-6 TUỔI THEO TIẾP CẬN TRẢI NGHIỆM Ở CÁC TRƯỜNG MẦM NON
2.1. Khái quát về địa bàn khảo sát
2.1.1. Đặc điểm về điều kiện tự nhiên, văn hóa -xã hội ở khu vực miền núi phía Bắc Khu vực miền núi phía Bắc với những đặc điểm, đặc trưng riêng biệt về điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội và với đa phần trẻ em là người dân tộc thiểu số nên việc nghiên cứu những đặc trưng này của địa phương có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng, thực hiện các định hướng chăm sóc - giáo dục trẻ mầm non một cách có hiệu quả.
* Đặc điểm điều kiện tự nhiên: Khu vực miền núi phía Bắc hiện nay bao gồm 14 tỉnh: Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Sơn La, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hòa Bình; một số huyện phía Tây của tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Khu vực này có những đặc trưng riêng về điều kiện tự nhiên và văn hoá - xã hội:
Về điều kiện khí hậu: Đây là khu vực khí hậu nhiệt đới, chịu ảnh hưởng của gió mùa. Mùa hè có gió mùa Tây Nam nóng khô, mưa nhiều; nhiệt độ có lúc lên đến 400C (thường vào tháng 6, 7). Mùa đông có gió mùa Đông Bắc lạnh, khô, ít mưa; nhiệt độ có nơi xuống thấp tuyệt đối khoảng 2.20C (có năm là 00C). Sản xuất và sinh hoạt của người dân cũng bị gặp nhiều trở ngại bởi thời tiết khô nóng, sương muối, hạn hán hoặc băng tuyết,... Thêm vào đó, một số hiện tượng tự nhiên cực đoan như: mưa bão, sấm sét, rét đậm, lũ quét, sạt lở đất… ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhân dân nói chung và trẻ em đến trường nói riêng. Chính từ điều kiện khí hậu khắc nghiệt này, giáo viên mầm non cần chú trọng giáo dục trẻ các kĩ năng giữ gìn và bảo vệ sức khoẻ, trong đó có kĩ năng ứng biến với sự thay đổi của thời tiết như: kĩ năng mặc quần áo phù hợp với thời tiết, kĩ năng giữ ấm/tránh nắng khi đến trường, kĩ năng an toàn khi đi đường/ ở nhà nếu gặp mưa bão/ sạt lở đất/ lũ quét/ sấm sét,...
Về địa hình: Đặc trưng của khu vực này là có nhiều dãy núi cao, các thung lũng sâu hoặc các hẻm vực hay cao nguyên đá vôi nên giao thông nhiều nơi khó khăn với đường đèo, dốc cao. Một số đường đất, đá liên thôn bản, liên xã thường nhỏ, dốc, trơn
trượt khi mưa bão khiến người dân đi lại vất vả và nguy hiểm. Do địa hình rộng lớn, cư trú của đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu ở vùng núi cao, trung du; dân cư thưa thớt, hạ tầng giao thông chưa phát triển nên nhiều trẻ em và giáo viên đến trường phải vượt những quãng đường vừa xa vừa khó di chuyển. Vì vậy, giáo dục trẻ các kĩ năng tự bảo vệ để đảm bảo an toàn khi sinh hoạt ở khu vực sinh sống hoặc quá trình di chuyển đến trường là rất quan trọng. Một số kĩ năng cần hình thành cho trẻ như: kĩ năng nhận diện những nơi nguy hiểm, những đồ vật nguy hiểm và những hành động nguy hiểm đến tính mạng; kĩ năng an toàn giao thông (tự đi bộ an toàn, an toàn với các phương tiện giao thông trên đường,...); kĩ năng nhận diện một số trường hợp khẩn cấp và gọi người giúp đỡ (bị rắn, côn trùng cắn, bị thương tích do cành cây, đất đá va vào, bị lạc đường, bắt cóc,...);...
* Đặc điểm văn hóa - xã hội: Khu vực miền núi phía Bắc có địa bàn rộng lớn và là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số (Tày, Mường, Nùng, Mông, Dao, Thái…).
Mỗi dân tộc có một bản sắc văn hóa độc đáo riêng được thể hiện qua nhà ở, ẩm thực, phong tục tập quán, ngôn ngữ, trang phục,… Điều này tạo nên nét đa văn hoá trong cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, ở nhiều nơi trình độ dân trí của người dân còn thấp nên các công tác tuyên truyền, vận động người dân về giáo dục mầm non vẫn còn gặp những khó khăn nhất định và mất nhiều thời gian. Giáo viên tại các điểm trường phải thường xuyên đến nhà dân vận động cho trẻ đến lớp và trao đổi tình hình của trẻ. Từ đặc điểm về văn hoá – xã hội đa dạng trên đã tạo nên môi trường đa văn hoá trong các trường, lớp mầm non khu vực miền núi phía Bắc với những sự khác biệt nhất định giữa các trẻ về văn hoá (ngôn ngữ, trang phục, hành vi,...) ngay trong một lớp học. Đây cũng sẽ là một "rào cản" không nhỏ cho giáo viên trong công tác chăm sóc - giáo dục trẻ nếu giáo viên không có đủ năng lực tổ chức các hoạt động cho trẻ trong môi trường đa văn hoá ấy. Theo đó, một số kĩ năng tự bảo vệ giáo viên cần hình thành cho trẻ như: kĩ năng thực hiện một số hành vi và quy tắc ứng xử xã hội đảm bảo an toàn, kĩ năng an toàn trong ăn uống,...
2.1.2. Khái quát về giáo dục mầm non khu vực miền núi phía Bắc
Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu "phát huy tối đa tiềm năng, khả năng của mỗi cá nhân" nhằm
"đảm bảo cho trẻ em có nền tảng ban đầu của phẩm chất và những kĩ năng sống cơ
bản". Phương hướng, nhiệm vụ của Chiến lược cũng chỉ rõ: "ưu tiên đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục và đáp ứng nhu cầu học tập của người dân tộc thiểu số, người sống ở vùng núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn"; "ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi"; "hướng dẫn thực hiện chương trình phù hợp với vùng miền"; "biên soạn các tài liệu hướng dẫn dạy và học phù hợp cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi".
Chính vì vậy, giáo dục mầm non khu vực miền núi phía Bắc hiện nay đã có bước phát triển rõ rệt, tăng cả về quy mô, mạng lưới trường lớp và số trẻ được đến trường, đặc biệt là trẻ mẫu giáo 5 tuổi. Tuy nhiên, do đặc điểm về địa bàn, khí hậu, do thói quen và sự hiểu biết hạn chế, do đời sống kinh tế nhân dân còn khó khăn làm cho tỉ lệ trẻ đến trường, nhất là khu vực nhà trẻ còn thấp; có sự chênh lệch lớn giữa phát triển giáo dục mầm non vùng đô thị với vùng sâu, vùng xa, giữa các dân tộc với nhau. Ở một số tỉnh như Cao Bằng, Hà Giang, Yên Bái, Lạng Sơn, Bắc Kạn,...các trường mầm non chia ra nhiều điểm trường lẻ nên khi thực hiện các hoạt động ngoại khóa ở điểm trường chính, trẻ ở các điểm trường lẻ không có điều kiện tham gia vì thiếu phương tiện đưa đón; hầu hết các điểm trường lẻ, lớp ghép, lớp học nhờ điểm trường tiểu học chỉ có trang thiết bị và đồ dùng tối thiểu để thực hiện công tác dạy và học. Các tỉnh đều thiếu giáo viên mầm non, nhiều lớp học chỉ có 01 giáo viên/ lớp nên không thực sự đảm bảo chất lượng chăm sóc - giáo dục trẻ theo quy định.
Khó khăn chung của giáo dục mầm non ở khu vực miền núi phía Bắc là thiếu cơ sở vật chất, thiếu trường, thiếu lớp mầm non; thiếu giáo viên và các chính sách phù hợp để hỗ trợ giáo viên mầm non thực hiện nhiệm vụ, nhất là các trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Thêm vào đó, các giáo viên mầm non chưa đào tạo bồi dưỡng năng lực chuyên sâu theo yêu cầu thực tiễn vùng dân tộc thiểu số, miền núi trước khi ra trường nên còn lúng túng trong tiếp cận (tiếng dân tộc, các chuyên đề gắn với vùng dân tộc thiểu số, văn hoá bản địa,...). Vì thế, ở nhiều trường, trẻ yếu tiếng Việt trong khi giáo viên không biết tiếng dân tộc nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc huy động trẻ tới lớp cũng như chất lượng chăm sóc - giáo dục trẻ mầm non.
Vấn đề đặt ra hiện nay đối với giáo dục mầm non ở khu vực miền núi phía Bắc là song song với việc tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, cần nâng
cao chất lượng chăm sóc trẻ trên cơ sở phù hợp với điều kiện thực tiễn và điều kiện mỗi địa phương, bắt đầu từ việc thiết kế, sắp xếp, bài trí môi trường giáo dục theo hướng thân thiện, gần gũi với cuộc sống xung quanh trẻ, giàu tính trải nghiệm để trẻ chủ động, tự tin hơn và dễ dàng bật ra ngôn ngữ tiếng Việt một cách tự nhiên nhất đến việc thay đổi về nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục sao cho vừa mới lạ, độc đáo lại vừa đơn giản, dễ hiểu như chính cuộc sống nơi trẻ ở.