Chương 1: CƠ SỞ LÍ LUẬN VỀ GIÁO DỤC KĨ NĂNG TỰ BẢO VỆ CHO TRẺ 5-6 TUỔI THEO TIẾP CẬN TRẢI NGHIỆM Ở TRƯỜNG MẦM NON
1.5. Các yếu tố ảnh hưởng đến giáo dục kĩ năng tự bảo vệ cho trẻ 5-6 tuổi
1.5.1. Đặc điểm tâm lí và vốn kinh nghiệm của trẻ
Đặc điểm tâm lí của trẻ có tác động đến hiệu quả của việc tổ chức hoạt động tự bảo vệ cho trẻ theo tiếp cận trải nghiệm ở trường mầm non. Khi mệt mỏi trẻ sẽ không hứng thú và tích cực tham gia hoạt động cũng như khám phá, tìm tòi các sự vật, hiện tượng ở môi trường xung quanh; không có nhu cầu trao đổi, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm cá nhân [85]. Khi đó, trẻ sẽ không quan tâm đến các tình huống đang xảy ra và tác động đến cá nhân trẻ như thế nào; trẻ cũng không có nhu cầu vận dụng các kiến thức, kinh nghiệm sẵn có để giải quyết vấn đề hay tự bảo vệ mình trước các tác động
của môi trường. Nếu trẻ tự tin, hứng thú cùng cô tham gia xây dựng kế hoạch hoạt động, đưa ra ý tưởng trải nghiệm và cách giải quyết nhiệm vụ. Khi tích cực khám phá, trẻ sẽ thu lượm được nhiều thông tin để hình thành kinh nghiệm mới. Ngược lại, trẻ miền núi nhút nhát, ngại giao tiếp, vốn tiếng việt không tốt sẽ là trở ngại rất lớn trong việc tiếp nhận thông tin từ môi trường bên ngoài, trong thảo luận, diễn đạt, chia sẻ ý kiến, quan điểm của mình về các nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, trẻ 5-6 tuổi khu vực miền núi cũng có những ưu điểm và lợi thế riêng về kinh nghiệm cá nhân mà trẻ ở khu vực đồng bằng hay đô thị không có được, đó là khả năng tự lập khi ở nhà một mình, tự đi bộ đến trường; khả năng leo đèo, lội suối, băng rừng; các kĩ năng vận động đòi hỏi đến sự dẻo dai, mạnh khoẻ của tay, chân (leo trèo, chạy nhảy, mang vác,...) do hàng ngày trẻ được vui chơi trong không gian rộng hoặc phụ giúp cha mẹ việc nhà (nấu cơm, trông em, chăm sóc gia súc, gia cầm,...), việc nương rẫy (theo cha mẹ lên nương rẫy gieo hạt, thu hoạch nông sản,...). Dựa trên những đặc điểm về tâm lí và kinh nghiệm cá nhân này của trẻ 5-6 tuổi, giáo viên sẽ lựa chọn nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục kĩ năng tự bảo vệ cho trẻ khu vực miền núi theo tiếp cận trải nghiệm phù hợp. Với những kĩ năng tự bảo vệ mà trẻ đã có nhiều kinh nghiệm trong thực tiễn (do được trải nghiệm bị động trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày), giáo viên sẽ xây dựng nội dung giáo dục theo hướng giúp trẻ hiểu được ý nghĩa của hành động và thực hiễn kĩ năng một cách chính xác cũng như biết vận dụng linh hoạt vào các tình huống khác nhau;
với những kĩ năng tự bảo vệ mà trẻ 5-6 tuổi khu vực miền núi còn yếu và thiếu thì giáo viên sẽ chú ý đến việc hình thành nhận thức, rèn luyện kĩ năng thành thạo cũng như thái độ tự tin khi thực hiện các hành động tự bảo vệ đó.
1.5.2. Năng lực tổ chức hoạt động theo tiếp cận trải nghiệm của giáo viên mầm non Giáo viên cần có năng lực xây dựng môi trường vật chất, tâm lí - xã hội khi tổ chức hoạt động giáo dục theo tiếp cận trải nghiệm cho trẻ: Sắp xếp thiết bị, đồ chơi, các góc chơi ngoài trời phù hợp với kinh nghiệm và hứng thú của trẻ sẽ khơi gợi ở trẻ niềm đam mê và sự sáng tạo trong hoạt động khám phá; tạo môi trường tâm lí xã hội cho trẻ hoạt động giúp trẻ thoải mái, cởi mở để chia sẻ và trao đổi trong một môi trường giao tiếp thân thiện, gần gũi, an toàn như gia đình trẻ.
Giáo viên cũng cần hiểu đặc điểm sự phát triển của lứa tuổi, biết nhu cầu và mong muốn của trẻ, biết khai thác kinh nghiệm của trẻ trong quá trình khám phá và biết xử lí các tình huống của trẻ sẽ giúp trẻ chủ động trong quá trình hoạt động [82].
Với các hoạt động giáo dục kĩ năng tự bảo vệ theo tiếp cận trải nghiệm, giáo viên ngoài việc xây dựng môi trường vật chất cho trẻ còn cần nắm vững các bước tổ chức một hoạt động trải nghiệm, các hoạt động giáo dục có tính trải nghiệm (cách tổ chức cho trẻ trải nghiệm thực tế, chia sẻ kinh nghiệm, hình thành kinh nghiệm mới, vận dụng kinh nghiệm).
Ngoài ra, giáo viên cũng cần có phương pháp, kĩ thuật quan sát, đánh giá trẻ trong quá trình hoạt động để định hướng giáo dục trẻ kịp thời; khả năng tạo môi trường giáo dục trong điều kiện còn nhiều thiếu thốn và khó khăn; khả năng tổ chức hoạt động cho trẻ trong môi trường đa văn hoá với nhiều trẻ là người dân tộc thiểu số (có nhiều dân tộc khác nhau trong cùng một lớp học)
1.5.3. Chương trình giáo dục mầm non
Chương trình giáo dục mầm non hiện hành mang tính chất là chương trình khung.
Chương trình được xây dựng theo quan điểm giáo dục tích hợp, lấy trẻ làm trung tâm, đảm bảo nguyên tắc đồng tâm phát triển, tạo điều kiện cho mỗi trẻ được hoạt động tích cực, đáp ứng nhu cầu và hứng thú của trẻ trong quá trình chăm sóc, giáo dục. Khi tổ chức thực hiện, từng địa phương và từng trường sẽ xác định nội dung, phương pháp, hình thức… phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, trường lớp và nhu cầu khác nhau của từng trẻ… Khu vực miền núi phía Bắc với những đặc thù về điều kiện kinh tế xã hội, về giáo dục mầm non (nhiều điểm trường nhỏ, thiếu cơ sở vật chất, các lớp học chủ yếu là lớp ghép, trẻ chưa thành thạo tiếng Việt...) rất cần có một chương trình giáo dục có tính linh hoạt cao để giáo viên chủ động trong xây dựng kế hoạch.
1.5.4. Sự phối hợp giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh, xã hội
Việc chủ động phối hợp các lực lượng trong chăm sóc, giáo dục trẻ, đặc biệt là nhà trường, giáo viên với gia đình, các tổ chức và lực lượng ngoài xã hội trong xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, lành mạnh và dân chủ cho trẻ em mầm non là rất quan trọng. Vì vậy, cần thực hiện đồng bộ hóa cả về nội dung, phương pháp, hình thức phối hợp các lực lượng xã hội và nhà trường. Đặc biệt, hoạt động giáo dục kĩ năng tự bảo vệ cho trẻ được tổ chức theo tiếp cận trải nghiệm (có hình thức tổ chức trong lớp, có hình thức tổ chức ngoài lớp và ngoài trường) nên nhà trường và giáo viên rất cần có sự ủng hộ của cộng đồng với các lực lượng như phụ huynh học sinh; các cơ quan, doanh nghiệp; các ban quản lí danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, khu du lịch;
chính quyền địa phương,.. để phối hợp cùng tổ chức.
Ngoài ra, môi trường xã hội mà trẻ sống, học tập và phát triển thì bên cạnh các mặt tác động tốt, các ảnh hưởng tích cực cũng luôn tồn tại các yếu tố có thể gây nguy hại đến sự phát triển nhân cách của trẻ nói chung và kĩ năng tự bảo vệ nói riêng. Khi thiếu sự phối hợp, thiếu sự thống nhất tác động giáo dục giữa nhà trường và gia đình và cộng đồng thì hậu quả xấu trong giáo dục sẽ xuất hiện, nhân cách của trẻ có thể bị lệch lạc hoặc trẻ không biết cách nhận diện được các mối nguy hiểm xung quanh mình để kịp thời thực hiện các hành vi tự bảo vệ. Nhà trường, gia đình và cộng đồng sẽ tạo thành một vòng tròn môi trường giáo dục về vật chất và tâm lí khép kín; để mỗi người không chỉ nhận diện được các nguy cơ hiện hữu mà có thể phòng tránh được cả những nguy cơ tiềm ẩn gây mất an toàn cho trẻ.
1.5.5. Thời gian, không gian, địa điểm tổ chức
Để hình thành một kĩ năng bất kì nào đó cần có một thời gian nhất định để tiếp cận kiến thức, kĩ năng, sau đó áp dụng kiến thức mới vào trong thực tiễn và hình thành kĩ năng của bản thân. Mức độ cao hơn, trẻ có thể chỉnh sửa các kĩ năng cho chính xác, thuần thục và chia sẻ với các bạn. Do vậy, với kĩ năng tự bảo vệ, cách tốt nhất để rèn luyện cho trẻ là đặt những kiến thức ấy vào trong các hoạt động có tính trải nghiệm ở những không gian, địa điểm với đồ dùng, đồ chơi, phương tiện phù hợp.
- Về thời gian: Các kĩ năng tự bảo vệ của trẻ cần phải được rèn luyện trong một thời gian dài, xuyên suốt các chủ đề và có sự đồng tâm, phát triển theo từng độ tuổi ở trường mầm non.
- Về không gian, địa điểm: Có thể tổ chức giáo dục cho trẻ mọi lúc, mọi nơi như trong lớp học, ngoài sân trường, khuôn viên vườn trường, các địa điểm ngoài trường.
Tuy nhiên, cần đảm bảo không gian đủ rộng để tất cả các trẻ đều được trải nghiệm trực tiếp theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm.
1.5.6. Điều kiện cơ sở vật chất phục vụ hoạt động
- Cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động giáo dục kĩ năng tự bảo vệ cho trẻ 5-6 tuổi theo tiếp cận trải nghiệm cần đa dạng, từ các phương tiện trực quan là môi trường tự nhiên đến các đồ dùng, đồ chơi mô phỏng và các phương tiện điện tử hiện đại. Chính môi trường vật chất phong phú là một trong những tác nhân kích thích trẻ tương tác, tích cực hoạt động và nhận thức bằng cách vận dụng những kinh nghiệm sẵn có để hoạt động, hình thành các kinh nghiệm mới sau khi chia sẻ, trao đổi với các bạn và cô giáo.
- Tài liệu hướng dẫn: Để tổ chức được tốt các hoạt động giáo dục kĩ năng tự bảo vệ theo tiếp cận trải nghiệm, các giáo viên rất cần tài liệu hướng dẫn tổ chức hoạt động giáo
dục kĩ năng sống nói chung và kĩ năng tự bảo vệ cho trẻ mầm non nói riêng, tài liệu về giáo dục theo hướng trải nghiệm ở trường mầm non. Khi có được các tài liệu hướng dẫn chi tiết, thống nhất và đồng bộ, giáo viên và nhà trường sẽ thuận lợi hơn trong xây dựng kế hoạch, hướng dẫn thực hiện và đánh giá kết quả hoạt động
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1
Qua nghiên cứu cơ sở lí luận về tổ chức hoạt động giáo dục kĩ năng tự bảo vệ cho trẻ 5-6 tuổi theo tiếp cận ở trường mầm non, chúng tôi rút ra một số kết luận sau:
1. Giáo dục kĩ năng tự bảo vệ cho trẻ và giáo dục theo tiếp cận trải nghiệm đã được đông đảo các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu trên nhiều bình diện khác nhau. Tuy nhiên, có rất ít các nghiên cứu về mối quan hệ giữa giáo dục kĩ năng tự bảo vệ và giáo dục theo tiếp cận trải nghiệm, đặc biệt vấn đề giáo dục kĩ năng tự bảo vệ cho trẻ 5-6 tuổi theo tiếp cận ở trường mầm non gắn với yếu tố vùng miền chưa có công trình nào đề cập đến.
2. Giáo dục theo tiếp cận trải nghiệm cho trẻ về bản chất là phương thức giáo dục được tổ chức theo con đường gắn lí thuyết với thực tiễn, được tiến hành dựa trên vốn kinh nghiệm của trẻ, coi trẻ là trung tâm của hoạt động. Giáo dục theo tiếp cận trải nghiệm có ưu thế đặc biệt trong việc giáo dục kĩ năng tự bảo vệ cho trẻ vì vậy, luận án đã xác định rõ mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức, quy trình và cách đánh giá hoạt động giáo dục kĩ năng tự bảo vệ cho trẻ 5-6 tuổi theo tiếp cận ở các trường mầm non khu vực miền núi.
3. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả tổ chức hoạt động giáo dục kĩ năng tự bảo vệ cho trẻ 5-6 tuổi theo tiếp cận ở trường mầm non như: Thời gian, không gian, địa điểm và phương tiện tổ chức; đặc điểm tâm lí và vốn kinh nghiệm của trẻ ; khả năng tổ chức hoạt động theo tiếp cận trải nghiệm của giáo viên mầm non; sự phối hợp giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh và xã hội; tài liệu hướng dẫn. Những yếu tố này có mối quan hệ tương hỗ, qua lại lẫn nhau. Do vậy, cần phối hợp các yếu tố trên trong quá trình tổ chức hoạt động.
Chương 2