Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ TÍN DỤNG NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI
1.1. Tổng quan về hoạt động tín dụng NHCSXH
1.1.2. Các hoạt động chủ yếu của NHCSXH
1.1.2.1. Khai thác nguồn vốn để cho vay
Hoạt động huy động vốn của NHCSXH xuất phát từ tính chất của các món cho vay mà NHCSXH cung cấp. Đó là những món cho vay có tỷ lệ sinh lời thấp như cho vay xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm…, thời gian dài như cho vay đầu tư phát triển, rủi ro cao nên yêu cầu phải huy động vốn lãi suất tương đối thấp, thời gian sử dụng dài và chịu đựng rủi ro. Vốn cho hoạt động của ngân hàng bao gồm:
a) Vốn có nguồn gốc từ Nhà nước
Nhà nước hỗ trợ vốn cho NHCSXH thể hiện vai trò sở hữu của nhà nước đối với ngân hàng, cung ứng vốn khi ngân hàng mới đi vào hoạt động (vốn ban đầu - vốn điều lệ) và bổ sung trong quá trình hoạt động khi cần thiết (vốn chủ sở hữu). Nguồn này một phần được ngân hàng sử dụng để hình thành nên tài sản cố định của ngân hàng (trụ sở, phương tiện làm việc, đi lại, thiết bị.), một phần hòa cùng các nguồn khác để cho vay.
Một phần từ chi ngân sách nhà nước hàng năm cho đầu tư phát triển, từ phát hành trái phiếu Chính phủ trong và ngoài nước được chuyển sang thành vốn của ngân hàng. Tuy vậy, đây là nguồn vốn còn hạn hẹp, phải chia cho nhiều mục tiêu phát triển của đất nước nên nguồn này chỉ dùng cho giai đoạn đầu khi ngân hàng mới thành lập hoặc khi gặp khó khăn trong thanh toán.
Vốn từ nguồn này kết hợp với vốn huy động trên thị trường tạo ra nguồn vốn hỗn hợp có lãi suất và thời hạn phù hợp với các món cho vay chính sách của ngân hàng. Trong một số trường hợp, vốn hỗ trợ của nhà nước có thể được thực hiện bởi ngân hàng Trung ương thông qua các nghiệp vụ mua lại các khoản nợ, bảo lãnh của ngân hàng, cấp vốn…
Nhà nước cung cấp vốn để cho vay xoá đói, giảm nghèo, tạo việc làm và thực hiện chính sách xã hội khác. Vốn ODA được Chính phủ giao.
Hàng năm uỷ ban nhân dân các cấp được trích một phần từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách cấp mình để tăng nguồn vốn ủy thác cho NHCSXH cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Vốn này được giao lại cho NHCSXH tại địa phương cho vay và quản lý “gọi là nguồn vốn địa phương”.
Việc gia tăng nguồn vốn này tùy thuộc vào nhiều yếu tố như: năng lực tài chính của Chính phủ, chính sách đối với các đối tượng chính sách, năng lực tài chính của bản thân NHCSXH, nhu cầu về vốn của khách hàng…
b) Nguồn vốn nhận uỷ thác từ các tổ chức kinh tế, chính trị xã hội trong và ngoài nước
Đây là nguồn vốn quan trọng của ngân hàng. Mục tiêu kinh tế xã hội mà NHCSXH theo đuổi có thể phù hợp với mục tiêu hoạt động của nhiều tổ chức chính trị, xã hội, tổ chức chính phủ và phi chính phủ trong và ngoài nước như: phát triển ngành, phát triển vùng, khu vực, xóa đói giảm nghèo…
thông qua xây dựng cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp…Vốn từ nguồn này có
khối lượng lớn, lãi suất tương đối thấp, thời hạn sử dụng thường là dài hạn, kèm theo việc tiếp nhận tài trợ hoặc ưu đãi về chuyển giao công nghệ, chuyên gia, thông tin, đào tạo...Tuy vậy, nguồn vốn này thường đi kèm theo các điều kiện kinh tế, chính trị mà ngân hàng không dễ thực hiện hoặc đôi khi các điều kiện này làm cho chi phí vốn cao, hiệu quả sử dụng thấp đi.
c) Vay vốn trên thị trường trong và ngoài nước
Vốn NHCSXH huy động trên thị trường bao gồm huy động tiền gửi có trả lãi của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước; Tiền gửi của các tổ chức tín dụng nhà nước bằng 2% số dư nguồn vốn huy động bằng đồng Việt Nam có trả lãi theo thoả thuận; tiền gửi tự nguyện không lấy lãi của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước; tiết kiệm của dân cư, vốn đi vay. Ngoài ra ngân hàng thường chủ yếu dựa vào các nguồn tiền gửi của các tổ chức lớn như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tiền gửi, các dự án, ngân hàng thương mại, công ty tài chính gửi tiền vào ngân hàng, dưới dạng thanh toán, tiền gửi không hưởng lãi hoặc hưởng lãi suất thấp. Ngân hàng phát hành trái phiếu, kỳ phiếu ngân hàng có bảo lãnh của Chính phủ, chứng chỉ tiền gửi và các giấy tờ có giá khác để huy động vốn trong và ngoài nước.
Để huy động được nguồn này, chính sách huy động phải tính đến khả năng cạnh tranh với các ngân hàng thương mại khác liên quan đến vấn đề lãi suất huy động, hình thức huy động, uy tín hoạt động. NHCSXH được Chính phủ đảm bảo khả năng thanh toán đối với các nguồn tự huy động vì ngân hàng hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận; nếu không được Chính phủ đảm bảo khả năng thanh toán thì việc huy động vốn rất khó khăn.
Nguồn vốn huy động từ cộng đồng người nghèo: Việc huy động tiền gửi tiết kiệm của người nghèo thông qua Tổ TK&VV, từng bước tạo cho người nghèo ý thức dành tiền tiết kiệm để tạo vốn tự có và quen dần với hoạt động tín dụng và tài chính. Đây là nguồn vốn không nhỏ góp phần đáng kể
vào sự bền vững về thể chế và tài chính của ngân hàng và tổ chức tài chính vi mô. Ngoài ra, việc huy động tiết kiệm trong cộng đồng người nghèo gắn với cho vay hoặc ràng buộc về mức vay đối với đối tượng này còn là một hình thức đảm bảo tiền vay, hạn chế rủi ro cho cả khách hàng và ngân hàng.
Nguồn vốn nhận uỷ thác cho vay ưu đãi của chính quyền địa phương, các tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị xã hội, các hiệp hội, các hội, các tổ chức phi chính phủ, các cá nhân trong và ngoài nước.