Chương 3. KẾT QUẨ NGHIÊN CỨU
3.4 Một số giải pháp chủ yếu góp phần phát triển sinh kế bền vững cho hộ dân ở ven cụm công nghiệp huyện Hiệp Hòa trong những năm tới
3.4.1 Các căn cứ và định hướng phát triển sinh kế bền vững cho hộ nông dân ven CCN Hiệp Hoà
3.4.1.1 Các căn cứ.
- Căn cứ vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với vấn đề thu hồi đất cho phát triển công nghiệp: Phát triển công nghiệp
và đô thị là một tiến trình tất yếu.Và, thu hồi đất nông nghiệp là cách thức thường được thực hiện để xây khu công nghiệp và đô thị của Đảng và Nhà nước. Quá trình thu hồi đất đặt ra rất nhiều vấn đề kinh tế – xã hội cần được giải quyết kịp thời và thỏa đáng. Để có thể hài hòa được lợi ích của xã hội, tập thể, cá nhân, và sinh kế người dân phát triển bền vững thì Nhà nước phải có chính sách đền bù cho người dân bị mất đất hợp lý. Bên cạnh đó Nhà nước cũng phải có chính sách giải quyết việc làm cho những nông hộ bị mất đất nông nghiệp. Về trước mắt, để giải quyết số lao động nông thôn mất việc hiện nay, Nhà nước cần hỗ trợ nông dân tận dụng quỹ đất nông nghiệp còn lại chuyển sang phát triển nông nghiệp đạt hiệu quả cao. Trong đó, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp tập trung đem lại năng suất, thu nhập cao cho người nông dân. Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác tuyên tuyền để thay đổi nhận thức của họ về nghề nghiệp, phải có những lớp tập huấn, đào tạo để giúp người nông dân có kiến thức về sản xuất, kinh doanh, giúp họ có thể tạo được công ăn việc làm ổn định sau khi bị thu hồi đất. Đặc biệt, cần thành lập quỹ trợ cấp thất nghiệp, quỹ giải quyết việc làm cho người nông dân bị mất đất nông nghiệp. Có như vậy mới giúp người nông dân yên tâm học nghề để có việc làm ổn định sau khi bị thu hồi đất.
- Căn cứ vào Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội huyện Hiệp Hoà giai đoạn 2007 – 2020: Tập trung cho đầu tư nông nghiệp để ổn định nông thôn, đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn; chuyển dịch mạnh cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn, gắn sản xuất với công nghiệp chế biến và thị trường, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản xuất/ đơn vị canh tác. Chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp, tăng tỷ trọng lao động công nghiệp và dịch vụ. Phát triển kinh tế phải đi đôi giải quyết tốt các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường và giảm nghèo. Gắn phát triển
kinh tế với ổn định và công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, chú trọng bồi dưỡng nguồn nhân lực. Quy hoạch phát triển các khu, CCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 đã được UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt: Phát triển cụm công nghiệp trên cơ sở phát triển các doanh nghiệp,cơ sở sản xuất kinh doanh tại địa phương, sử dụng đất hiệu quả, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển công nghiệp nói riêng và kinh tế xã hội nói chung trên địa bàn tỉnh
- Căn cứ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của huyện Hiệp Hòa và địa phương nghiên cứu giai đoạn 2010 – 2015: huy động mạnh và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế với nhịp độ nhanh, chất lượng cao, bền vững hơn theo hướng CNH – HĐH. Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khoẻ nhân dân; chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững
- Căn cứ vào điều kiện kinh tế xã hội, khả năng phát triển kinh tế của huyện; các yếu tố nguồn về ngồn lực: đất đai, lao động...
3.4.1.2 Mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của huyện
Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Hiệp Hoà lần thứ XXI nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã thảo luận và nhất trí thông qua một số văn kiện quan trọng. Trong đó, đề ra kế hoạch phát triển KT - XH huyện 5 năm (2010 - 2015) với phương hướng chung là:
" ... huy động mạnh và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế với nhịp độ nhanh, chất lượng cao, bền vững hơn theo hướng CNH - HĐH. Tập trung cao phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hoá, phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc sức
khoẻ nhân dân; chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững...".
Các mục tiêu và các nhiệm vụ chủ yếu sau:
- Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất các ngành kinh tế 12,0 – 13,0%/năm. Trong đó: Công nghiệp- xây dựng tăng 35,5 – 38,0%/năm;
Thương mại - dịch vụ tăng 18 - 20,5%/năm; Nông nghiệp, thuỷ sản tăng 6,0 - 8,5%/năm.
- Cơ cấu kinh tế: Công nghiệp - xây dựng 28 - 30%; Thương mại - dịch vụ 30 - 32%; Nông nghiệp, thủy sản 40 - 42%.
- Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2015 từ 20 - 22 triệu đồng.
- Giá trị sản xuất bình quân trên 01 ha đất nông nghiệp 60 - 65 triệu đồng/năm.
- Thu ngân sách trên địa bàn tăng 28 - 30%/năm.
- Có 50% số trạm y tế xây dựng kiên cố.
- Giải quyết việc làm mới 3.000 lao động/ năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo 45% trở lên.
- Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,5 – 3,0%/năm.
- Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên ổn định 1,05%/năm; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng dưới 13%.
3.4.1.3 Phương hướng phát triển kinh tế các xã ven CCN
* Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp
Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ tại các địa phương bị thu hồi đất theo hướng CNH-HĐH phải đi trước một bước, gắn với quá trình đó phải đặc biệt quan tâm phát triển nâng cao thu nhập cho nông hộ. Hiện tại, các nông hộ tại các xã nghiên cứu vẫn tiếp tục bị thu hồi đất phục vụ cho các quy hoạch xây mới và mở rộng các khu công nghiệp. Chính vì vậy việc chuyển
đổi cơ cấu kinh tế tại các địa phương này cần diễn ra mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn theo một số hướng sau:
Địa phương phải đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, mở rộng thâm canh, chuyển đổi cây trồng, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác;
phát triển mạnh các ngành nghề tiểu, thủ công nghiệp, tạo thêm nhiều việc làm trên địa bàn.
- Việc phát triển công nghiệp phải gắn kết chặt chẽ với tổ chức lại sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp. Nhanh chóng chuyển nền nông nghiệp sản xuất nhỏ dựa trên lao động thủ công, kỹ thuật và công nghệ lạc hậu sang nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa có quy mô hợp lý và dựa trên cơ sở kỹ thuật, công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghệ sinh học, phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái bền vững.
- Do diện tích đất canh tác bị thu hẹp, cần tập trung nguồn lực khoa học - công nghệ để cải tạo, bồi dưỡng, nâng cao độ phì nhiêu của phần đất đai còn lại; nghiên cứu các giống cây trồng, vật nuôi thích hợp với điều kiện sinh thái của địa phương để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, từ đó thỏa mãn nhu cầu ngày càng tốt hơn nhu cầu nông sản của thị trường trong nước và xuất khẩu. Chuyển dich cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển các sản phẩm không cần sử dụng nhiều đất nông nghiệp nhưng cho phép tạo giá trị gia tăng lớn và tạo nhiều việc làm trên một đơn vị diện tích. Cụ thể:
Chuyển một phần diện tích cấy lúa thành vùng chăn nuôi tập trung, trồng cỏ phát triển bò sữa, nuôi trồng thuỷ sản, trồng rau màu, cây ăn quả cải thiện cảnh quan môi trường.
Chuyển dịch cơ cấu mùa vụ theo hướng ổn định diện tích trà xuân muộn; tăng diện tích lúa lai và lúa hàng hoá.
Thực hiện luân canh cây trồng; xây dựng các mô hình sản xuất rau màu, hoa và cây cảnh đạt hiệu quả cao.
Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, đưa chăn nuôi trở thành ngành chính.
Khuyến khích phát triển chăn nuôi bò thịt, lợn nạc, chăn nuôi gia cầm theo hướng trang trại hoặc vùng tập trung ngoài khu dân cư.
Quy hoạch và từng bước chuyển hết vùng trũng sang nuôi trồng thuỷ sản và VAC.
- Bên cạnh đó cần tiếp tục phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn có lựa chọn theo hướng đầu tư chiều sâu, đẩy mạnh các ngành công nghiệp chế biến nông sản là những hoạt động đòi hỏi lao động có trình độ tay nghề không thật cao, phù hợp với nông dân vừa bị thu hồi đất. Việc phát triển công nghiệp chế biến nông sản, khuyến khích đổi mới thiết bị, công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm vừa để thu hút lao động, vừa nhằm hỗ trợ sự phát triển của hoạt động trồng trọt, chăn nuôi.
- Phát triển mạnh các ngành thương mại và dịch vụ, nhất là dịch vụ tại chỗ đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống của KCN, CCN. Phát triển một số vùng sản xuất rau sạch, hoa cây cảnh, nuôi trồng thủy sản kết hợp với dịch vụ du lịch, ăn uống, vui chơi giải trí; phát triển hệ thống các chợ, trung tâm thương mại, các điểm bán hàng và dịch vụ nhỏ trong các xã, thị tứ dọc theo các tuyến phố mới hình thành… vừa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, vừa là giải pháp hữu hiệu tạo việc làm cho số đông người lao động không có trình độ chuyên môn nghề nghiệp cao.
- Tiếp tục đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ tạo việc làm tại chỗ cho người lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế đầu tư vào sản xuất kinh doanh, ví dụ đầu tư cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa và làng nghề. Xây dựng các mô hình cụm công nghiệp làng nghề, các trang trại điển hình có chức năng chuyển giao kỹ thuật; khu dịch vụ tổng hợp gắn với dịch vụ việc làm và kỹ năng làm dịch vụ.
* Đa dạng hóa và đào tạo ngành nghề nông thôn
Vấn đề việc làm cho người nông dân sau khi bị thu hồi đất nông nghiệp là một vấn đề lớn cần giải quyết để phát triển kinh tế xã hội. Nhà nước cũng đã có nhiều chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn được sử dụng như một công cụ hữu hiệu để "cứu" những người nông dân bị thu hồi đất.
Điều này có nghĩa là đào tạo nghề đóng vai trò quan trọng trong việc giúp những người nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp tìm kiếm các việc làm thay thế bên ngoài công việc nông nghiệp truyền thống. Đây cũng là giải pháp trọng tâm tác động trực tiếp cho nhu cầu của nhà tuyển dụng và người lao động gặp nhau. Để thực hiện cần phải chi ngân sách hỗ trợ chi phí đào tạo và tái đào tạo đến với người lao động, vì lợi ích lâu dài để mọi người tham gia vào các lớp đào tạo nghề. Bên cạnh việc đào tạo tại các trường, trung tâm hướng nghiệp dạy nghề thì cần chú trọng phát triển các hình thức đào tạo tại các làng nghề truyền thống và xây dựng các tiêu chuẩn để định kỳ tổ chức sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề cho lao động. Đồng thời cần có chế độ giám sát việc doanh nghiệp ưu tiên nông dân và con em nông dân sau thu hồi đất;
hỗ trợ nông dân tận dụng quỹ đất nông nghiệp còn lại chuyển sang phát triển nông nghiệp đạt hiệu quả cao, áp dụng các tiến bộ khoa học mới tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích.
* Chính sách cho người dân bị thu hồi đất
Các cơ quan Nhà nước cần quan tâm tới chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi có khả năng chống chịu sâu bệnh, chống chịu các điều kiện bất lợi từ thiên nhiên, đồng thời chất lượng nông sản phẩm cao có giá trị đem lại thu nhập cao cho người dân.
Xây dựng chính sách khuyến khích người dân trồng cây vụ đông; mặt khác cần xem xét lại quỹ đất và tiến hành quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như các mô hình rau an toàn, hoa cao cấp trong nhà lưới.
Củng cố và tăng cường hệ thống cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật của địa phương để phòng ngừa tối đa các rủi ro có thể xảy ra do tác động của tự nhiên, nhất là tác động của tự nhiên đối với sản xuất nông nghiệp. Ở đây cần tập trung trước mắt vào cải tạo lại hệ thống thuỷ lợi để chủ động tưới tiêu;
tăng cường cán bộ có chuyên môn về kỹ thuật nông nghiệp giúp nông dân phòng ngừa kịp thời các loại dịch bệnh.
Sử dụng hợp lý và có hiệu quả trên từng đơn vị diện tích đất đai hiện có, kể cả đất thổ cư cũng như đất nông nghiệp. Đối với đất thổ cư, các hộ nên tập trung đầu tư chuyển diện tích đất vườn thu nhập thấp để xây nhà trọ cho thuê và kết hợp làm dịch vụ phục vụ công nhân của KCN. Nhu cầu thuê nhà hiện nay là rất lớn và sẽ còn nhu cầu hơn nữa khi các dự án đang được tiếp tục đầu tư.
* Văn hoá - xã hội
Làm tốt công tác truyền thông về y tế, thường xuyên tổ chức khám bệnh định kỳ cho nhân dân trong xã để mỗi người dân có điều kiện nhận biết về sức khoẻ của họ. Từ đó hướng dẫn để người dân tự chăm lo cho sức khoẻ của chính mình cũng như các thành viên khác trong gia đình.
Quản lý chặt chẽ dân cư sinh sống trên địa bàn để phòng ngừa các tệ nạn xã hội ảnh hưởng không tốt đến nguồn lực con người. Đối với các hộ bị thu hồi đất, sau khi không còn đất sản xuất các thành viên trong gia đình chưa biết xoay sở ra sao để tìm kiếm việc làm mới, cộng thêm có tiền đền bù đất cùng với tâm lý tự nhiên có một khoản tiền lớn “trời cho” sau chuỗi ngày lao động nông nghiệp vất vả sẽ dễ bị sa vào các tệ nạn xã hội.