Vị trí chiến lược của Iran trên bản đồ địa chính trị thế giới

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Lịch sử thế giới: Chính sách của Mỹ đối với Iran từ năm 1979 đến năm 2016 (Trang 32 - 35)

CHƯƠNG 2: CÁC YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN CHÍNH SÁCH CỦA MỸ ĐỐI VỚI IRAN TỪ NĂM 1979 ĐẾN NĂM 2016

2.1.1. Vị trí chiến lược của Iran trên bản đồ địa chính trị thế giới

Một trong những cơ sở quan trọng nhất quyết định đến chính sách của Mỹ đối với Iran xuất phát từ vị trí địa chính trị - địa kinh tế đặc biệt quan trọng của Iran.

Iran nằm ở vùng trung tâm của lục địa Á - Âu (xem phụ lục 1). Phía Tây Bắc của quốc gia Islam giáo này tiếp giáp với Armenia, Azerbaijan; Phía Bắc giáp với biển Caspi; Phía Đông Bắc giáp với Turkmenistan; Phía Đông giáp với Afghanistan, Pakistan; Phía Nam giáp với Vịnh Ba Tư và Vịnh Oman; Còn phía Tây giáp với Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq. Với diện tích khoảng 1,75 triệu km2 [99; tr.1], Iran xếp thứ hai ở khu vực Trung Đông (sau Saudi Arabia) và lớn thứ 17 trên thế giới (rộng hơn diện tích của các nước Tây Âu bao gồm Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha cộng lại và gấp 4 lần của diện tích của quốc gia láng giềng Iraq) về diện tích quốc gia. Một quốc gia có diện tích rộng với quy mô dân số lớn như Iran lại nằm ngay cạnh những đồng minh chiến lược của Mỹ như Israel, Saudi Arabia, Kuwait… Điều này khiến cho Iran trở thành một trong những tâm điểm trong chiến lược toàn cầu của Mỹ.

Xét về mặt địa chính trị, vị trí của Iran có hai điểm đặc biệt: Thứ nhất, quốc gia này nằm sát eo biển Hormuz - một trong những nút giao thông đặc biệt quan trọng đối với các quốc gia vùng Vịnh nói riêng và hoạt động vận chuyển dầu mỏ của thế giới nói chung; Thứ hai, Iran – với dãy núi Zagros hùng vĩ được coi là một “cây cầu” quan trọng nối liền nhiều vùng chiến lược của lục địa Á - Âu.

Ở điểm thứ nhất, đối với Iran, các quốc gia vùng Vịnh hay thậm chí cả Mỹ, eo biển Hormuz có một ý nghĩa chiến lược về cả vận tải, kinh tế và quân sự. Eo biển này nối liền Vịnh Ba Tư với Vịnh Oman, phía Bắc giáp với Iran, phía Nam giáp với Oman. Hormuz dài khoảng 275 km và có độ rộng trung bình là 80 km. Ở nơi hẹp nhất, nằm giữa Ra’s Sharitah trên bán đảo Musandam thuộc Oman và đảo Jazineh của Iran chỉ rộng khoảng 50 km, rất thích hợp để phía Iran thực hiện việc tuần tra, giám sát cũng như phong tỏa eo biển chiến lược này khi cần. Eo biển này đạt độ sâu trung bình là 45m, phần nước sâu nằm gần với bờ biển phía Nam (phần thuộc Oman). Nhiều những điểm giáp với bờ biển của Oman sâu tới 75 – 225m [61; tr.1]. Tuy nhiên, về phía Tây của eo biển, bên trong vùng Vịnh Ba Tư, tình hình đảo ngược lại và phần nước sâu lại nằm trong vùng lãnh hải Iran. Năm 1979, chính phủ Oman đã công bố với Tổ chức tư vấn hàng hải quốc tế (IMCO) rằng chính phủ nước này không thể bảo đảm sự an toàn của các tàu đi qua đường giữa đảo Quawain có vị trí thấp hơn và bờ biển nhiều đá gập ghềnh của đảo Musandam. Do đó, không thể chở dầu đi qua eo biển Hormuz mà không phải đi qua lãnh

hải của Iran. Hơn nữa, Iran có 6 hòn đảo chiến lược (Hormuz, Lark, Queshm, Hengam, Abu Musa, cụm Tunb lớn và Tunb bé) được đặt ở lối vào Biển Oman tới Vịnh Ba Tư.

Chúng có hình dạng giống một vòng cung phòng thủ của Iran chống lại các khả năng xâm lược của nước ngoài (xem phụ lục 2).

Quan trọng hơn, Hormuz được coi là con đường độc đạo để vận chuyển dầu từ Vịnh Ba Tư ra ngoài và là một trong chín tuyến đường hàng hải then chốt của thế giới.

Theo tài liệu của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), vào năm 1979, trung bình mỗi ngày có khoảng 19 triệu thùng dầu được vận chuyển qua eo biển Hormuz [61; tr.5], tương đương với 1/3 sản lượng dầu mỏ của thế giới. Tính đến năm 2009, có khoảng 73% lượng dầu được vận chuyển bằng đường biển và 28% lượng dầu thương mại toàn cầu đi qua eo biển này [108; p.1]. Mỗi ngày có khoảng 15 tàu chở dầu cỡ lớn đi qua Hormuz để vận chuyển dầu đến Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu và Mỹ. Số lượng dầu được vận chuyển qua Hormuz đạt trung bình 17,4 triệu thùng dầu. Nếu so sánh với các eo biển trọng yếu khác như: Malacca (13 triệu thùng), Bab el–Mendeb (3,5 triệu) hay Suez (3,9 triệu) thì số lượng dầu được vận chuyển qua eo Hormuz tỏ ra vượt trội hơn hẳn. Nếu eo biển này bị đóng cửa, hơn 80% lượng dầu xuất khẩu từ khu vực vùng Vịnh sẽ bị đình trệ, giá vận chuyển sẽ bị đội lên và khả năng tạo ra một cơn sốc giá dầu là rất lớn. Các nhà phân tích đưa ra dự đoán, nếu eo biển Hormuz bị đóng cửa, giá dầu thế giới sẽ tăng 50% [172; tr.1]. Trong khi đó, dầu mỏ ở Trung Đông, đặc biệt là ở khu vực vùng Vịnh và sự bình ổn giá dầu là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Giá dầu ổn định sẽ giúp nền kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt hơn. Tính đến 6 tháng đầu năm 2015, Mỹ là nhà nhập khẩu dầu đứng thứ 15 ở Trung Đông. Tuy nhiên, theo tính toán, đến năm 2035, 40% lượng dầu thô của Mỹ sẽ được nhập từ khu vực này [52;tr.7]. Do vậy, với Mỹ, việc đảm bảo tự do hàng hải cho eo biển Hormuz có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Việc eo Hormuz được thông suốt không chỉ giúp các đồng minh của Mỹ ở khu vực vùng Vịnh có thể duy trì hoạt động xuất khẩu dầu mỏ mà còn đem lại những lợi ích kinh tế cho chính nước Mỹ.

Trong khi đó, vị trí nằm sát eo biển Hormuz đã tạo ra một lợi thế không nhỏ của Iran trên bàn cờ chính trị quốc tế. Iran có đầy đủ cơ sở pháp lý và lịch sử trong việc kiểm soát hoạt động hàng hải ở eo biển Hormuz. Về mặt tự nhiên và lịch sử, Iran sở hữu hầu hết đường biên giới của eo biển Hormuz và có rất nhiều tài liệu quốc tế đã chứng minh eo biển này là một eo biển của Iran trong lịch sử và tự nhiên mặc cho Hoa Kỳ, phương Tây và các đồng minh luôn cố gắng làm suy yếu các chứng minh này. Iran đã có lịch sử hàng hải hàng nghìn năm và đã từng thống trị Vịnh Ba Tư. Về pháp lý, các công ước về luật biển năm 1958 và năm 1982 là cơ sở pháp lý quan trọng khẳng định quyền của Iran trong việc kiểm soát hoạt động hàng hải ở eo biển Hormuz đi qua lãnh hải của quốc gia này1.

1 Các lý do hợp pháp mà Iran có thể sử dụng khi phong tỏa eo biển Hormuz là Công ước Geneva về lãnh hải và vùng tiếp giáp năm 1958. Điều 4 của Công ước Geneva năm 1958 quy định: “tàu của tất cả các quốc gia, cho dù có

Nắm được lợi thế đó, Iran đã sử dụng eo biển Hormuz như một quân bài quan trọng để đối phó với Mỹ và các quốc gia Phương Tây trong suốt 40 năm qua. Trong mỗi lần Iran gặp khó khăn trong việc xuất khẩu dầu mỏ, quốc gia này lại đe dọa sẽ đóng cửa Hormuz. Năm 2011, Phó Tổng thống Iran đã để ngỏ khả năng sẽ đóng cửa eo biển Hormuz nếu có các lệnh trừng phạt mới đánh vào quốc gia này, giá dầu đã nhảy lên 2%

chỉ sau một ngày sau khi Phó Tổng thống Iran tuyên bố như vậy. Những lời đe dọa của Iran nếu trở thành hiện thực có thể sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến tranh ở vùng Vịnh thậm chí có thể lan rộng ra phạm vi toàn cầu. Rõ ràng Iran với eo biển Hormuz có một vị thế, vai trò đặc biệt quan trọng đối với hoạt động vận chuyển, xuất khẩu dầu mỏ ở vùng Vịnh nói riêng và sự phát triển bền vững của công nghiệp năng lượng toàn cầu nói chung.

Điểm đặc biệt thứ hai trong vị trí địa lý của Iran nằm ở chỗ quốc gia này nằm ở trung tâm của lục địa Á - Âu (xem phụ lục 3). Dãy núi Zagros - phần lãnh thổ phía Tây của Iran, được xem như cầu nối Vịnh Ba Tư ở phía Nam với biển Caspian ở phía Bắc.

Ngoài ra, Iran còn nằm trên tuyến đường nối liền Tiểu lục địa Ấn Độ với khu vực Địa Trung Hải. Với vị trí vừa phân tích, có thể thấy Iran án ngữ cửa ngõ giao thương giữa ba châu lục Á - Âu - Phi. Vị trí trung tâm này khiến Iran trở thành một trong những điểm chiến lược trên bản đồ địa chính trị thế giới.

Quan trọng hơn, trong thời kỳ Liên Xô tồn tại, biên giới của Liên Xô tiếp giáp trực tiếp với Iran. Iran chia sẻ 1.250 dặm đường biên giới với Liên Xô [89; tr.10]. Vì lẽ đó, trong con mắt của các nhà hoạch định chính sách của Mỹ thời kỳ đó, Iran chính là bức tường thành ngăn cản sự lan tràn của chủ nghĩa cộng sản xuống các quốc gia Trung Đông và châu Phi. Điều này xuất phát từ việc địa hình của Iran chủ yếu là núi non. Các dãy núi cao mà quan trọng nhất là dãy Zagros đã tạo ra biên giới tự nhiên chắc chắn của Iran trước các cuộc tấn công từ bên ngoài. Không những vậy, trái với tập quán sinh sống của nhiều dân tộc khác trên thế giới, người Iran thường sống tập trung ở các vùng núi. Thậm chí ngay cả thủ đô Tehran – đô thị lớn nhất của nước này cũng nằm ở vị trí chân của các dãy núi. Núi non hiểm trở nhưng vẫn có đông người sinh sống sẽ khiến cho các dãy núi nằm ở khu vực biên giới mang tính phòng thủ cao hơn. Trong bối cảnh của Chiến tranh lạnh, Mỹ - Xô ở thế đối đầu thì Iran – với vị trí chiến lược của nó đã trở thành nơi tranh chấp ảnh hưởng quyết liệt giữa các cường quốc trên thế giới.

Xét về mặt địa kinh tế, Iran và các quốc gia vùng Vịnh khác là một rốn dầu quan trọng bậc nhất thế giới. Theo ước tính, hiện nay khu vực vùng Vịnh chiếm 57% lượng

phải là quốc gia ven biển hay không, đều được hưởng quyền đi qua lãnh hải dưới cờ hiệu của quốc gia mình [243;

tr.5]. Thêm vào đó, mục 1 điều 23 của Công ước Geneva 1958 cũng quy định cho phép quốc gia ven biển được yêu cầu tàu thuyền nước ngoài rời khỏi lãnh hải của mình trong trường hợp các tàu này vi phạm luật lệ của quốc gia ven biển [243; tr.7]. Đây cũng là nội dung được Công ước về Luật Biển năm 1982 nhắc lại trong điều 25 của mục 1 [244; tr.29]. Như vậy, theo Công ước Geneva và UNCLOS, tàu thuyền nước ngoài chỉ được phép đi qua eo biển Hormuz nếu đảm bảo an ninh, trật tự và quyền lợi của nhà nước ven biển và Iran có quyền trục xuất và đình chỉ việc quá cảnh của các tàu thuyền nước ngoài vi phạm luật lệ của nước mình.

dầu dự trữ của thế giới, tương đương với 715 tỷ thùng dầu. Chỉ riêng Iran đã chiếm 11,1% trữ lượng dầu được tìm thấy của thế giới. Theo thống kê của Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ thế giới OPEC, lượng dự trữ dầu của Iran đạt 155 tỷ thùng và lượng dự trữ khí đốt tự nhiên cũng lên tới gần 34 nghìn tỷ mét khối [293]. Còn theo Tạp chí Dầu mỏ và khí Gas, lượng dự trữ dầu mỏ của Iran trong năm 2018 thậm chí còn cao hơn, với 157 tỷ thùng (xem phụ lục 4). Khi mà dầu mỏ vẫn đang là thứ nguyên liệu thống trị trên thế giới thì Iran và các quốc gia vùng Vịnh tiếp tục nắm vị trí quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu.

Ngoài sức hút từ dầu mỏ, Iran luôn được xếp vào hàng những quốc gia có nền kinh tế lớn mạnh nhất ở khu vực Trung Đông. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (2017), Iran là nền kinh tế lớn thứ hai ở khu vực Trung Đông và châu Phi chỉ sau Saudi Arabia. Năm 1978, GDP của Iran mới chỉ xấp xỉ 78 tỷ USD [283] thì đến năm 2016, GDP của quốc gia này đạt tới 412,2 tỉ USD [306] (chỉ xếp sau Saudi Arabia với 644,936 tỷ USD [310]). Thu nhập bình quân trên đầu người liên tục tăng trong hai thập niên đầu thế kỉ XXI, năm 1990, bình quân một người Iran có thu nhập khoảng 7.119,3 USD thì đến năm 2016, con số đó đã tăng 2,5 lần lên 19.987,5 USD [307].

Rõ ràng, với những phân tích ở trên có thể dễ dàng nhận thấy Iran có một vị trí địa chính trị, địa kinh tế đặc biệt quan trọng ở khu vực Trung Đông. Vị trí án ngữ eo biển Hormuz – con đường độc đạo vận chuyển dầu ra khỏi Vịnh Ba Tư và việc Iran chia sẻ một đường biên giới dài với Liên Xô đã khiến Iran trở thành nơi tranh chấp của rất nhiều cường quốc trong đó có Mỹ. Đối với chính quyền Mỹ, Mỹ muốn biến Iran thành một tuyến phòng ngự quan trọng ngăn chặn sự xâm nhập của chủ nghĩa cộng sản cũng như ảnh hưởng của Liên Xô ở khu vực Trung Đông. Việc kiểm soát được hoạt động ở eo biển Hormuz sẽ giúp Mỹ đảm bảo sự lưu thông của hoạt động sản xuất và vận chuyển dầu mỏ - thứ nguyên liệu đang thống trị thế giới. Với vị trí đặc biệt này, dù là đồng minh hay đối thủ của nhau, Iran vẫn được coi là một trong những mối quan tâm đặc biệt quan trọng trong chiến lược của người Mỹ ở khu vực Trung Đông.

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Lịch sử thế giới: Chính sách của Mỹ đối với Iran từ năm 1979 đến năm 2016 (Trang 32 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(221 trang)