CHƯƠNG 2: CÁC YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN CHÍNH SÁCH CỦA MỸ ĐỐI VỚI IRAN TỪ NĂM 1979 ĐẾN NĂM 2016
2.2.2. Tiềm lực quốc gia và chiến lược toàn cầu của Mỹ
Cần phải khẳng định rằng Mỹ là một siêu cường xét trên tất cả các bình diện kinh tế - chính trị - quân sự. Trong Chiến tranh lạnh, Mỹ - Xô là hai siêu cường có sức mạnh vượt trội so với phần còn lại của thế giới, đứng đầu hai khối Tây - Đông và đối địch gay gắt. Tuy nhiên, từ sau 1991, với sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết, Mỹ trở thành siêu cường duy nhất trên thế giới với tham vọng xây dựng một trật tự thế giới mới do Mỹ lãnh đạo.
Sức mạnh vượt trội của Mỹ trước hết thể hiện ở lĩnh vực kinh tế. Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai cho đến năm 2016, Mỹ liên tục đứng ở vị trí số một trong nền kinh tế toàn cầu. Năm 1979, tổng sản phẩm quốc dân của Mỹ là 2,627 nghìn tỷ USD, bỏ xa nền kinh tế đứng thứ hai thế giới là Nhật Bản với 1,055 nghìn tỷ USD và xấp xỉ gần bằng toàn bộ GDP của các nước EC cộng lại (2,641 nghìn tỷ USD) [308]. Năm 2011, Mỹ vẫn tiếp tục khẳng định vị thế số một thế giới với GDP ước đạt 15 nghìn tỷ USD, gấp 1,3 lần so với Trung Quốc - cường quốc kinh tế đã soán ngôi số 2 từ tay Nhật Bản vào năm 2010 [260; tr.4]. Theo công bố mới đây của Ngân hàng thế giới, GDP của Mỹ năm 2016 cán mốc 18,7 nghìn tỷ USD [308], tiếp tục bỏ xa Trung Quốc với 11,1 nghìn tỷ USD [308].
Thu nhập bình quân trên đầu người (GDP/người) của Mỹ cũng được xếp vào hạng một trong những quốc gia cao nhất thế giới. Năm 2011, thu nhập của người dân Mỹ trung bình đạt khoảng 48.100 USD, gấp hơn 3 lần so với mức bình quân của thế giới (11.800 USD) [260; tr.4].
Mỹ cũng là quốc gia đứng đầu về đầu tư kinh tế trên phạm vi toàn thế giới. Theo Liên Hợp quốc, năm 2010, đầu tư ra nước ngoài của Mỹ ước đạt 227,8 tỷ USD, gần gấp đôi so với Đức - quốc gia có mức đầu tư ra nước ngoài lớn thứ hai thế giới với 125,4 tỷ USD [245; tr.196]. Tính đến năm 2014, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Mỹ tiếp tục tăng mạnh lên 316,8 tỷ USD, bỏ xa hai quốc gia theo sau là Trung Quốc với 123,1 tỷ USD và Đức với 106,2 tỷ USD [245; tr.196].
New York tiếp tục giữ vững vị trí là một trong những trung tâm tài chính quan trọng nhất trên toàn cầu dù chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ các trung tâm khác như London, Tokyo, Hong Kong hay Dubai. Với gần 51 nghìn tỷ USD tính đến năm 2005,
cổ phiếu tài chính của Mỹ (bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, các khoản vay và tiền gửi) nhiều hơn gấp đôi so với Nhật Bản - quốc gia có nền tài chính lớn thứ hai thế giới với khoảng 20 nghìn tỷ USD [235; tr.31]. Nếu so sánh với tổng số cổ phiếu 12 quốc gia EU (38 nghìn tỷ USD), Mỹ vẫn vượt trội hơn hẳn. Mọi biến động của nền kinh tế Mỹ nói riêng và thế giới nói chung hầu như đều phản ánh qua sự lên xuống của giá cổ phiếu cũng như các giao dịch trên sàn chứng khoán tại trung tâm tài chính quan trọng này.
Sức ảnh hưởng của Mỹ không chỉ thể hiện khi thịnh vượng mà còn diễn ra ngay cả khi nền kinh tế Mỹ gặp khủng hoảng, suy thoái. Chẳng hạn như cơn sốc giá dầu vào năm 1979 đã kéo theo sự suy thoái của nền kinh tế Mỹ trong suốt những năm 80 của thế kỉ trước. Từ Mỹ, cuộc đại suy thoái kinh tế đã lan ra các quốc gia châu Âu, Nhật Bản... tạo nên bức tranh kinh tế toàn cầu ảm đạm trong một thời gian dài. Hay vào năm 2008, cuộc suy thoái kinh tế bắt đầu từ khủng hoảng tài chính - ngân hàng ở Mỹ đã lan ra khắp thế giới. 10.000 tỷ USD bị cuốn trôi, 30 triệu người mất việc, 50 triệu người quay lại chuẩn dưới nghèo là cái giá phải trả cho cuộc khủng hoảng 2008 [297].
Như vậy, có thể thấy rằng, kinh tế Mỹ có ảnh hưởng mạnh mẽ và sâu sắc đến kinh tế toàn cầu. Mọi diễn biến từ nền kinh tế Mỹ sẽ tác động trực tiếp đến nhiều quốc gia, khu vực trên khắp thế giới. Có nhiều suy đoán cho rằng, đến năm 2050, Trung Quốc sẽ soán ngôi đầu của Mỹ trong nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, cần phải khẳng định rằng, cho đến nay, Mỹ vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới với sức mạnh phủ sóng toàn cầu.
Không chỉ thể hiện sự vượt trội trong kinh tế, Mỹ còn được coi là siêu cường số một thế giới về quân sự. Mỹ đứng đầu thế giới về chi tiêu cho quốc phòng. Trong Chiến tranh lạnh, có thời điểm chi tiêu cho quốc phòng của Mỹ chiếm tới 9% GDP vào năm 1967. Đây là mức cao nhất trong lịch sử nước Mỹ, vượt xa mức bình quân của thế giới thời điểm đó là 6,9% [309]. Sự tăng vọt cho chi tiêu quốc phòng xuất phát từ chiến lược tăng cường chạy đua vũ trang với Liên Xô và sự sa lầy của Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam (1954 - 1975). Chi tiêu quân sự của Mỹ sau năm 1991 có sự điều chỉnh rõ rệt, giảm đi rất nhiều so với giai đoạn trước đó. Nhưng Mỹ vẫn là quốc gia dành nhiều ngân sách cho quốc phòng nhất trên thế giới. Năm 1991, chi tiêu cho quốc phòng của Mỹ ở mức 504,4 tỷ USD [229; tr.3], bỏ xa các quốc gia khác trên thế giới.
Năm 2016, chi tiêu quốc phòng của Mỹ là 612,8 tỷ USD, cao hơn rất nhiều so với quốc gia đứng thứ hai là Trung Quốc với 215,7 tỷ đô là và Nga ở vị trí số 3 với 82,5 tỷ USD [229; tr.17,18,20].
Mỹ sở hữu bom hạt nhân và kho vũ khí chiến lược lớn nhất thế giới. Sau khi ký kết nhiều hiệp định cắt giảm kho vũ khí hạt nhân với Liên Xô và sau này là với Nga, số lượng vũ khí hạt nhân của Mỹ vẫn đứng đầu thế giới. Ngoài ra, Mỹ còn là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất thế giới. Số lượng vũ khí được bán ra của Mỹ chiếm 57% các hợp đồng bán vũ khí của thế giới [230; tr.2].
Không chỉ đứng đầu về những chỉ số chi tiêu quân sự và vũ khí, quân đội Mỹ cũng là một trong những đội quân đông đảo nhất trên thế giới, xếp thứ ba trên thế giới chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Theo một báo cáo lên Ủy ban Quốc hội Mỹ vào tháng 9/2007, quân đội Mỹ có khoảng xấp xỉ 2,3 triệu quân nhân bao gồm cả tại ngũ và lực lượng dự bị (gồm cả lực lượng Cảnh sát biển - Coast Guard) [253; tr.1]. Theo một số liệu khác vào năm 2009, Mỹ có 1.468.539 sĩ quan đang phục vụ trong quân đội (bao gồm 43.480 sĩ quan thuộc lực lượng Cảnh sát biển) [114; tr.11]. Quân đội Mỹ luôn được đánh giá cao về độ thiện chiến và hiệu quả trên chiến trường.
Ngoài ra, sức mạnh quân sự của Mỹ còn được phản ánh qua sự mở rộng không ngừng của các căn cứ quân sự của Mỹ trên khắp thế giới. Theo các thống kê chính thức, Mỹ có khoảng 909 cơ sở quân sự phân bố tại 46 quốc gia và vùng lãnh thổ [183;
tr.1]. Các địa bàn trọng điểm trong bản đồ phân bố quân sự của Mỹ là châu Âu, khu vực Trung Đông và một số quốc gia, hòn đảo thuộc châu Á - Thái Bình Dương (bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và một số hòn đảo trên Thái Bình Dương…) [85; tr.2]. Chỉ tính riêng ở châu Âu (năm 2013), có khoảng 80.000 binh sĩ Mỹ đồn trú ở ở 39 căn cứ quân sự tại 15 quốc gia khác nhau [182; tr.20]. Còn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ có khoảng 49 căn cứ chính với 154.000 binh lính đang làm nhiệm vụ, đóng tại 8 quốc gia khác nhau [182; tr.25]. Các căn cứ quân sự ở nước ngoài giúp Mỹ có thể phản ứng nhanh trước bất cứ diễn biến bất thường nào gây hại cho an ninh của nước Mỹ cũng như các đồng minh của Mỹ. Chính vì thế, nhiều đồng minh ở châu Âu, vùng Vịnh, Đông Á… phải “trông cậy” vào sự bảo hộ an ninh từ Mỹ. Mỹ còn đứng đầu khối quân sự “Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương” - NATO với tư cách là nhà tài trợ lớn nhất. Tổ chức này hiện được coi là liên minh quân sự lớn nhất hành tinh. Rõ ràng, sự phân bố rộng khắp có trọng điểm của các căn cứ quân sự của Mỹ cùng vị thế của Mỹ đối với các đồng minh đã thể hiện sức mạnh quân sự vượt trội của Mỹ so với phần còn lại của thế giới.
Ngoài dẫn dầu về kinh tế, quân sự, Mỹ cũng là quốc gia đi tiên phong trong khoa học kĩ thuật và công nghệ. Chi tiêu cho khoa học của Mỹ đứng đầu thế giới (xem phụ lục 8). Vào năm 2009, số tiền đầu tư cho khoa học công nghệ của Mỹ lên tới 365,9 tỷ USD, bỏ xa Trung Quốc ở vị trí số 2 với 140,6 tỷ USD [292]. Dù bị Trung Quốc vượt qua ở một số chỉ số, chẳng hạn như lượng xuất khẩu các sản phẩm liên quan đến công nghệ thông tin (vào năm 2011, Trung Quốc đứng đầu thế giới với 508 tỷ USD, Mỹ xếp thứ hai với 140,6 tỷ USD) [292], nhưng không thể phủ nhận, Mỹ vẫn đang đóng vai trò dẫn dắt sự phát triển của khoa học công nghệ trên phạm vi toàn cầu. Thung lũng Silicon và các trường đại học hàng đầu ở Mỹ như Standford, Havard… vẫn được coi là những trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu thế giới. Sự phát triển của khoa học kỹ thuật càng thúc đẩy sự phát triển toàn diện của Mỹ, đặc biệt là trong kinh tế, trong quân sự, củng cố địa vị siêu cường số một thế giới của Mỹ.
Như vậy, có thể dễ dàng nhận thấy Mỹ đã và đang là siêu cường có sức mạnh
vượt trội so với phần còn lại của thế giới. Xuất phát từ sức mạnh và tiềm năng khổng lồ này, các lãnh đạo Mỹ luôn nuôi tham vọng “bá quyền” (hegemony) trong đó Mỹ ở vị thế của quốc gia lãnh đạo thế giới.
Để hiện thực hóa giấc mơ “bá quyền”, Mỹ đề ra Chiến lược toàn cầu và chiến lược này có sự biến đổi để thích nghi với từng giai đoạn lịch sử.
Trong Chiến tranh lạnh (1947 - 1991), yếu tố Liên Xô và chủ nghĩa xã hội là phần quan trọng nhất trong chiến lược toàn cầu của Mỹ. Những mục tiêu chủ yếu của chiến lược toàn cầu của Mỹ trong suốt thời kỳ Chiến tranh lạnh có sự thống nhất tương đối, bao gồm: 1) Ngăn chặn, đẩy lùi tiến tới tiêu diệt Liên Xô và chủ nghĩa cộng sản;
2) Đàn áp phong trào giải phóng dân tộc và phong trào công nhân quốc tế; 3) Khống chế, chi phối các nước đồng minh của Mỹ. Chính sách chủ yếu mà Mỹ sử dụng trong chiến lược toàn cầu là chính sách thực lực. Mỹ sử dụng sức mạnh kinh tế, quân sự, chính trị của mình để thực hiện các mục tiêu chiến lược đã đề ra. Trong các mục tiêu đề ra, ngăn chặn Liên Xô và chủ nghĩa cộng sản là mục tiêu quan trọng nhất, chi phối đến nội dung cũng như cách thức triển khai của chiến lược toàn cầu của Mỹ trong nhiều thập kỉ.
Tuy nhiên, sau khi Liên Xô sụp đổ (1991), trật tự hai cực Ianta không còn nữa, Mỹ trở thành siêu cường duy nhất trên thế giới. Và điều đó đã làm thay đổi căn bản chiến lược toàn cầu của người Mỹ. Tổng thống George W H Bush (Bush cha) đã kêu gọi về
“một trật tự thế giới mới”, theo đó Mỹ sẽ lãnh đạo thế giới. Tư tưởng đó của George W H Bush được tiếp nối bởi người kế nhiệm Bill Clinton, George W Bush (con) và Barack Obama. Với tham vọng “lãnh đạo thế giới”, chính quyền Mỹ đã đẩy mạnh sự hiện diện, can dự vào nhiều khu vực trên khắp thế giới. Dù có những tên gọi là và cách thức triển khai khác nhau ở mỗi một đời Tổng thống, nhưng Chiến lược toàn cầu sau năm 1991 của Mỹ luôn tuân thủ nguyên tắc bảo vệ lợi ích của nước Mỹ và vị trí “bá chủ” toàn cầu của siêu cường này. Trong bản báo cáo “Đánh giá lại chiến lược phòng thủ toàn cầu năm 1997” (the 1997 Quadrennial Defense Review) của Bộ Quốc phòng Mỹ đã nhấn mạnh rằng chiến lược toàn cầu của Mỹ nhằm bảo vệ “quyền lãnh đạo toàn cầu bền lâu”
của nước Mỹ bằng cách giảm thiểu những cơ hội cho các siêu cường mới, các khu vực, các cường quốc mới có thể nổi lên đe dọa đến nước Mỹ [174; tr.25]. Chiến lược toàn cầu có những nội dung cơ bản và bất biến như: củng cố mối quan hệ với các đồng minh trên khắp thế giới, đẩy lùi và tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố, ngăn chặn các quốc gia, chế độ bất hảo làm tổn hại tới lợi ích của nước Mỹ, phổ quát các giá trị của dân chủ. Trong chiến lược ấy, Trung Đông luôn là một phần quan trọng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của nước Mỹ.