Mục tiêu của chính sách

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Lịch sử thế giới: Chính sách của Mỹ đối với Iran từ năm 1979 đến năm 2016 (Trang 80 - 83)

CHƯƠNG 3: NỘI DUNG VÀ QUÁ TRÌNH TRIỂN KHAI CHÍNH SÁCH CỦA MỸ ĐỐI VỚI IRAN (1979 - 2016)

3.1. Nội dung chính sách của Mỹ đối với Iran (1979 - 2016)

3.1.1. Mục tiêu của chính sách

Nếu như ở giai đoạn trước năm 1979, khi Iran còn là đồng minh chiến lược của Mỹ ở khu vực Trung Đông, mục tiêu trong chính sách của Mỹ với Iran chủ yếu xoay quanh 2 vấn đề: thứ nhất, duy trì Iran như là một trong những trụ cột an ninh, ngăn chặn ảnh hưởng của Liên Xô cũng như hỗ trợ Mỹ đàn áp các phong trào Arab cấp tiến, phong trào cộng sản ở Trung Đông; Thứ hai, đảm bảo sự thông suốt của hoạt động vận chuyển dầu mỏ qua eo biển Hormuz, tăng cường hợp tác kinh tế với Iran đặc biệt trong lĩnh vực dầu mỏ. Thì sau năm 1979, mục tiêu trong chính sách của Mỹ đối với Iran có những thay đổi mang tính bước ngoặt. Trong gần 4 thập kỷ (1979 - 2016), mục tiêu bao trùm trong chính sách của Mỹ với Iran xoay quanh việc ngăn chặn tham vọng vươn lên trở thành cường quốc khu vực của quốc gia Trung Đông này (đặc biệt là tham vọng phát triển chương trình hạt nhân cũng như vai trò của Iran trong các cuộc xung đột ở khu vực), tiến tới thay đổi “hành vi” của Iran trong các vấn đề chính trị và an ninh của khu vực theo hướng có lợi cho Mỹ. Tuy nhiên, tùy vào bối cảnh lịch sử cụ thể, một số mục tiêu ngắn hạn của Mỹ trong các vấn đề Iran có những điều chỉnh nhất định.

Từ năm 1979 đến năm 1991, khi Liên Xô còn tồn tại và là một cực đối lập với Mỹ trong Chiến tranh lạnh, chính sách của Mỹ đối với các quốc gia trên thế giới (trong đó có Iran) vẫn chịu sự chi phối mạnh mẽ từ mục tiêu số một lúc bấy giờ là ngăn chặn Liên Xô. Theo một tài liệu tuyệt mật liên quan đến chính sách đối với Iran của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (1985), các mục tiêu cấp thiết cần phải thực hiện ngay đó là:

“1) Ngăn ngừa sự suy yếu rạn nứt của Iran, giữ cho nó như một vùng độc lập chiến lược chia cắt Liên Xô với Vịnh Ba Tư. 2) Hạn chế phạm vi và cơ hội hành động của Liên Xô ở Iran trong lúc định vị lại vị thế của chúng ta để đương đầu với những thay đổi trong nền chính trị ở Iran. 3) Duy trì sự tiếp cận với nguồn dầu mỏ vùng Vịnh và đảm bảo sự

lưu thông liên tục ở eo biển Hormuz. 4) Chấm dứt sự hỗ trợ của Chính phủ Iran cho chủ nghĩa khủng bố cũng như các nỗ lực gây bất ổn cho các chính phủ khác trong khu vực”

[66; tr.1].

Ngoài các mục tiêu trước mắt vừa nêu, chính quyền Mỹ cũng đặt ra những mục tiêu dài hạn, quan trọng và mở rộng hơn, đó là:

“1) Xây dựng lại vai trò mang tính xây dựng và trung lập như một thành viên triển vọng của Iran trong cộng đồng chính trị chống cộng sản, trong khu vực Trung Đông và trong nền kinh tế dầu mỏ thế giới; 2) Tiếp tục cuộc chiến ở Iran chống lại ảnh hưởng của Liên Xô nói chung và sự đóng quân của Liên Xô ở Afghanistan nói riêng;

3) Sớm kết thúc cuộc chiến tranh giữa Iran - Iraq mà không cần sự dàn xếp từ Liên Xô và không làm biến đổi hoàn toàn cán cân sức mạnh trong khu vực; 4) Loại bỏ những hành vi vi phạm nhân quyền trắng trợn ở Iran; 5) Tiến tới bình thường hóa quan hệ Mỹ - Iran trong ngoại giao chính thức, trong quan hệ văn hóa và trong các hoạt động trao đổi thương mại, kinh tế; 6) Giải quyết các vấn đề liên quan đến pháp lý và tài chính theo những phán quyết của tòa án quốc tế Hague (Hiệp định Algiers); 7) Và cuối cùng tiết chế Iran trong chính sách định giá của khối OPEC” [66; tr.2].

Có thể thấy rằng các mục tiêu trong chính sách đối với Iran mà Mỹ trong giai đoạn sau năm 1979 cho đến trước khi Liên Xô tan rã tập trung chủ yếu vào việc duy trì vai trò nhất định của Iran trong việc chống lại ảnh hưởng của Liên Xô ở khu vực Trung Đông cho dù Iran không còn là đồng minh của Mỹ. Mỹ cho rằng “về mặt lịch sử, chúng ta có chia sẻ một lợi ích chiến lược với Iran, vị trí địa lí của Iran đã biến quốc gia này thành vùng đệm giữa một vùng biên giới rộng lớn của Liên Xô với vùng Vịnh. Tham vọng định hình lại khu vực Trung Đông thể hiện qua sự kiện Liên Xô chiếm đóng vùng phía Bắc của Iran cũng như sự kiện Liên Xô đưa quân sang Afghanistan. Dĩ nhiên chính phủ Iran chỉ trích chính sách đó của Liên Xô” [261; tr.9].

Điểm chung đó cho phép Mỹ kì vọng về vai trò kiềm chân Liên Xô của Iran ở khu vực Trung Đông. Bên cạnh đó, Mỹ cũng quan tâm đặc biệt đến những thay đổi về chính trị ở Iran cũng như chính sách đối ngoại mới của chính quyền cách mạng ở Tehran. Việc ngăn chặn Iran “xuất khẩu cách mạng”, “hậu thuẫn cho khủng bố” ở khu vực Trung Đông được xem là mục tiêu quan trọng tiếp theo trong chính sách của Mỹ đối với Iran.

Tuy nhiên, bước sang giai đoạn 1991 - 2016, cùng với sự sụp đổ của Liên Xô và những biến động lớn trong tình hình thế giới và khu vực, đặc biệt là chương trình hạt nhân của Iran, mục tiêu trong chính sách đối ngoại của Mỹ với Iran đã có một số điều chỉnh lớn. Theo đó, những mục tiêu an ninh có liên quan đến Liên Xô không còn tồn tại, thay vào đó Mỹ tập trung giải quyết các vấn đề nổi cộm liên quan đến Iran, bao gồm: thứ nhất, ngăn chặn bằng mọi giá ảnh hưởng và vị thế của Iran ở Trung Đông, tiến tới thay đổi các “hành vi” của chính quyền Tehran theo hướng có lợi cho Mỹ như cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ - Wendy Sherman đã phát biểu “Chúng ta theo đuổi một mục tiêu tối thượng: một Iran biết tôn trọng các nghĩa vụ và cam kết quốc tế, tôn trọng các quyền của người dân Iran cũng như các quốc gia láng giềng của Iran và đóng một vai trò mang

tính xây dựng trong khu vực” [265; tr.11]; Thứ hai, bảo vệ các lợi ích sống của của người Mỹ ở Trung Đông.

Nhiều nhà nghiên cứu cũng có những nhận định tương tự liên quan đến mục tiêu trong chính sách của Mỹ với Iran sau năm 1991. Zbigniew Brzezenski - cha đẻ của chính sách ngăn chặn Iran cũng cho rằng mục tiêu của Mỹ đối với Iran là “làm thay đổi theo hướng tích cực những mục tiêu chính trị của Iran bằng cách đặt ra cái giá cho các hành vi của Iran trong khu vực” [47; tr.38]. Còn học giả David S. Oualaalou khẳng định rằng mục tiêu của chính sách đó là: “thay đổi chế độ ở Iran hoặc ngăn chặn nó” [202; tr.xxv].

Gần tương tự với quan điểm của David S Oualaalou, nhà nghiên cứu Tiberiu Troncata cho rằng chính sách xuyên suốt của Mỹ với Iran từ năm 1980 là ngăn chặn để ngăn ngừa những mối đe dọa mà quốc gia này có thể tạo ra đối với các lợi ích sống còn của Mỹ ở khu vực Trung Đông. Theo đó, mục tiêu của chính sách ngăn chặn Iran - Iraq là “chặn đứng các mối đe dọa từ Iran và Iraq đến lợi ích của Mỹ, cô lập và làm suy yếu Iran và Iraq cả về chính trị và kinh tế, duy trì cân bằng quyền lực ở Trung Đông” [212; tr.79].

Trong cuốn sách “Rogue States and U.S. Foreign Policy: Containment After the Cold War” (Các quốc gia bất hảo và chính sách đối ngoại của Mỹ: ngăn chặn sau Chiến tranh Lạnh) của hai nhà nghiên cứu Robert S. Litwak, Robert Litwak đã nhận định rằng:

“những mục tiêu đã được tuyên bố của chính sách của Mỹ đối với Iran là dung hòa hành vi của Iran và thúc đẩy quá trình xã hội hóa của Iran vào trong trong xã hội thế giới”

[179]. Một số nhà nghiên cứu ở Iran cũng có những nhận định tương tự với các học giả phương Tây khi đánh giá về mục tiêu trong chính sách của Mỹ đối với Iran. Theo Mohammad Jamshidi (Đại học Tehran), ưu tiên hàng đầu trong chính sách của Mỹ với Iran nhằm biến Iran thành một quốc gia bị cô lập, phá hoại hình ảnh của chính quyền Iran ở trong khu vực, ngăn cản các quốc gia khác học tập theo mô hình chính trị của nước Cộng hòa Islam này [143; tr.68-72].

Từ ý kiến của các nhà nghiên cứu đi trước, có thể nhận thấy mục tiêu ngăn chặn, tiến tới thay đổi chính sách và các hành vi của Iran ở Trung Đông được coi là mục tiêu quan trọng nhất sau năm 1991. Dĩ nhiên, bảo vệ lợi ích của Mỹ cũng là mục tiêu tối thượng trong chính sách của Mỹ đối với Iran. Để thực hiện được hai mục tiêu bao trùm đó, chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Iran mà cụ thể là chính sách ngăn chặn cần phải thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu sau: Thứ nhất, ngăn ngừa Iran sở hữu vũ khí hạt nhân (nuclear weapon) và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác (weapons of mass destruction), theo đó hạn chế dần năng lực nghiên cứu và sản xuất hạt nhân của quốc gia Islam này; Thứ hai, ngăn chặn sự hậu thuẫn của Iran cho các nhóm vũ trang người Shi’ite cũng như sự dính líu của Iran trong các cuộc xung đột trong khu vực; Thứ ba, bảo vệ hoạt động khai thác và vận chuyển dầu mỏ ở vùng Vịnh - rốn dầu lớn nhất thế giới, đặc biệt là việc vận chuyển dầu mỏ qua eo biển Hormuz - nơi Iran đang có lợi thế trong việc kiểm soát; Thứ tư, bảo vệ các đồng minh của Mỹ trước “mối đe dọa” đến từ Iran, đảm bảo an ninh và trật tự ở Trung Đông, từ đó nâng cao ảnh hưởng và vị thế của Mỹ ở khu vực này.

Như vậy, trong suốt giai đoạn từ năm 1979 đến năm 2016, những mục tiêu dài hạn được đặt ra trong chính sách đối ngoại của Mỹ với Iran có sự ổn định tương đối. Những mục tiêu đó xoay quanh việc ngăn chặn những mối đe dọa từ Iran, giữ gìn sự ổn định của khu vực đặc biệt là hoạt động khai thác và xuất khẩu dầu mỏ, bảo vệ các đồng minh của Mỹ cũng như các lợi ích chiến lược của Mỹ ở trong khu vực. Tuy nhiên, để phù hợp với những thay đổi trong tình hình quốc tế, khu vực và Iran, Mỹ cũng có sự điều chỉnh trong một số mục tiêu ngắn hạn. Theo đó, sau năm 1991, tham vọng của Mỹ trong việc duy trì vai trò đối kháng với Liên Xô của Iran được loại bỏ do lúc này Liên Xô đã tan rã.

Mỹ tập trung nhiều hơn vào các mối đe dọa từ phía Iran, đặc biệt là chương trình hạt nhân của Iran cũng như sự can dự của quốc gia này vào các cuộc xung đột ở Trung Đông.

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Lịch sử thế giới: Chính sách của Mỹ đối với Iran từ năm 1979 đến năm 2016 (Trang 80 - 83)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(221 trang)