Lợi ích và chính sách của Mỹ ở Trung Đông

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Lịch sử thế giới: Chính sách của Mỹ đối với Iran từ năm 1979 đến năm 2016 (Trang 51 - 61)

CHƯƠNG 2: CÁC YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN CHÍNH SÁCH CỦA MỸ ĐỐI VỚI IRAN TỪ NĂM 1979 ĐẾN NĂM 2016

2.2.3. Lợi ích và chính sách của Mỹ ở Trung Đông

Giới chính trị Mỹ cùng nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới đều đồng thuận rằng Mỹ có những lợi ích đặc biệt quan trọng ở khu vực Trung Đông nói chung và Iran nói riêng.

Vào năm 1980, Ngoại trưởng Mỹ - Edmund Muskie đã nêu ra 3 lợi ích sống còn của Mỹ ở khu vực Trung Đông, bao gồm: “đảm bảo sự ổn định của khu vực, tránh để các cuộc xung đột lan rộng; bảo vệ sự thịnh vượng, hòa bình cho Israel; duy trì quan hệ hữu hảo với nhân dân Arab” [198; tr.2]. Còn theo ý kiến của hai nhà nghiên cứu Daniel Byman and Sara Bjerg Moller, “các lợi ích của Mỹ ở khu vực này được chia làm 5 điểm chính:

đảm bảo sự thông suốt của hoạt động khai thác, vận chuyển và xuất khẩu dầu mỏ, ngăn ngừa sự phổ biến của vũ khí hạt nhân, chống khủng bố, bảo vệ nhà nước Israel và cải thiện dân chủ trong khu vực” [52; tr.3]. Tương tự các ý kiến trên, nhóm nghiên cứu của RAND (Karl P. Mueller, Becca Wasser, Jeffrey Martini, Stephen Watts) cũng cho rằng Mỹ có những lợi ích mang tính truyền thống ở Trung Đông, đó là “đảm bảo sự lưu thông của các tài nguyên thiên nhiên (dầu mỏ và khí đốt), duy trì mối quan hệ với các đồng minh chủ chốt và bảo vệ các đồng minh đó trước các mối đe dọa từ bên ngoài và cuối cùng là đảm bảo quyền tiếp cận cho cách hoạt động quân sự của Mỹ ở Trung Đông” [291].

Từ ý kiến của các chính trị gia, các học giả đi trước, có thể thấy Trung Đông có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược toàn cầu của Mỹ. Trung Đông có những lợi ích mà Mỹ không thể bỏ qua.

Trước hết là lợi ích về mặt chiến lược. Lợi ích chiến lược đó được hiểu sự kiểm soát của Mỹ đối với hoạt động thương mại, vận tải, giao thông đi lại giữa ba châu lục Á - Âu - Phi được thực hiện qua Trung Đông. Iran nói riêng và khu vực Trung Đông nói chung là cửa ngõ của ba châu lục Á, Âu, Phi. Vị trí cửa ngõ ấy biến Trung Đông trở thành điểm tối quan trọng trên bản đồ địa chính trị thế giới. Nếu làm chủ được Trung Đông đồng nghĩa với việc nắm được điểm huyết mạch trên con đường đi lại và giao thương giữa ba châu lục Á - Âu - Phi. Sẽ không hề chủ quan khi cho rằng Trung Đông là trái tim của Đông bán cầu.

Bên cạnh vị thế cửa ngõ ba châu lục, khi nói về Trung Đông không thể không nhắc tới yếu tố biển ở đây. Sự hợp nhất giữa đất liền và biển ở Trung Đông đã tạo nên nét nổi bật cho vị trí của nó. Trung Đông là con đường quan trọng nối liền hai đại dương lớn của thế giới là Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương. Kênh đào Suez và eo biển Hormuz thuộc khu vực này được coi là những điểm huyết mạch trên con đường giao thông quốc tế.

Ở trên không, các tuyến đường trên không của khu vực Trung Đông cung cấp các chặng bay trực tiếp từ châu Âu sang châu Á và khu vực Thái Bình Dương. Tuyến đường bay Nam - Bắc từ Châu Âu đến Liên Xô cũng phải qua không phận của khu vực này [219; tr.60]. Tầm quan trọng của các tuyến đường hàng không qua Trung Đông ngày một tăng dần với sự tham gia của các quốc gia châu Á vào nền sản xuất và thương mại quốc tế cũng như các vấn đề mang tính toàn cầu khác.

Như vậy, dù là đất liền, dưới biển hay trên không, Trung Đông vẫn luôn giữ một vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự kết nối giữa các châu lục cả về thương mại, vận

chuyển và giao thông. Với một quốc gia có tham vọng thống trị địa cầu như Mỹ thì chắc chắn không thể bỏ qua một khu vực chiến lược như Trung Đông, trong đó có Iran. Nếu Mỹ chi phối được khu vực này, Mỹ sẽ kiểm soát được con đường thương mại, vận chuyển hàng hóa và đi lại giữa ba châu lục cùng với những eo biển quan trọng nhất trên thế giới. Rất nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có các đồng minh của Mỹ như các quốc gia EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… phụ thuộc vào hoạt động vận chuyển hàng hóa qua khu vực này. Có thể nói, lợi ích chiến lược này chính là động lực mạnh mẽ nhất để Mỹ nhảy vào can thiệp ở khu vực Trung Đông nói chung và ở Iran nói riêng.

Lợi ích sống còn tiếp theo của Mỹ ở Trung Đông là các lợi ích kinh tế, đặc biệt là dầu mỏ. Theo nhà nghiên cứu Anthony H. Cordesman, khu vực Trung Đông (685,6 tỷ thùng) chiếm 65,4% lượng dự trữ dầu thô của toàn thế giới (1.047,7 tỷ thùng) [75;

tr.10]. Ở Mỹ, dầu mỏ không phải là tài nguyên khan hiếm. Theo công bố của EIA, tính đến năm 1979, trữ lượng dầu mỏ được tìm thấy của Mỹ là 29,81 tỷ thùng. Đến năm 2017, với việc phát hiện thêm nhiều mỏ dầu mới, con số này là 39,16 tỷ thùng dầu [284]. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, Mỹ có những lợi ích quan trọng liên quan đến nguồn “vàng đen” khổng lồ ở Trung Đông.

Thứ nhất, thông qua việc chi phối được nguồn cung, quá trình vận chuyển và giá dầu ở Trung Đông, Mỹ sẽ kiểm soát được nhiều cường quốc đang phụ thuộc vào nguồn cung dầu mỏ ở khu vực này.

Những khách hàng lớn nhất của ngành công nghiệp dầu mỏ Trung Đông là các cường quốc châu Âu (Đức, Tây Ban Nha, Italia…), Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Theo một báo cáo của Bộ ngoại giao Mỹ: “Mỹ và đặc biệt là các đồng minh của nó phụ thuộc lâu dài vào nguồn dầu nhập khẩu, một phần quan trọng trong đó đến từ vùng Vịnh.

Các quốc gia vùng Vịnh cung cấp tới 25% lượng dầu cho thế giới hôm nay (những năm 1980)... Vào năm 1986, khoảng 30% lượng dầu nhập khẩu của các quốc gia Tây Âu đến từ vùng Vịnh. Con số này với Nhật Bản là 60%” [261; tr.2]. Từ năm 1990 đến năm 2002, các quốc gia Tây Âu đã nhập khẩu một lượng lớn dầu mỏ từ Trung Đông, chiếm 29 - 45% tổng lượng dầu nhập khẩu. Tương tự, lượng dầu mỏ của Trung Đông chiếm 65-76%

lượng dầu nhập khẩu của Nhật Bản [75; tr.95]. Trung Quốc cũng ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung dầu mỏ ở Trung Đông. Vào năm 1990, tỷ lệ dầu nhập từ Trung Đông chiếm 48% trong tổng số lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc. Đến năm 2011, con số này đã tăng thành 51% [165; tr.40]. Điều này nghĩa là hơn một nửa số dầu nhập khẩu của Trung Quốc đến từ Trung Đông. Theo đó, Saudi Arabia là nhà cung cấp lớn nhất của Trung Quốc (20%). Iran xếp thứ hai với 10% tổng lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc [165; tr.40].

Như vậy, trừ Trung Quốc, các khách hàng lớn còn lại của công nghiệp dầu mỏ Trung Đông đều là đồng minh của Mỹ. Nếu nguồn cung dầu ở Trung Đông bị gián đoạn, các cường quốc Tây Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… sẽ chịu ảnh hưởng lớn, nguy cơ

đe dọa đến an ninh năng lượng cũng như sự phát triển kinh tế của các quốc gia này. Nói cách khác, việc kiểm soát nguồn dầu mỏ ở Trung Đông sẽ góp phần thắt chặt hơn nữa sự phụ thuộc của các đồng minh vào Mỹ. Ngay cả với trường hợp của Trung Quốc, nếu Mỹ có thể thao túng được hoạt động sản xuất khai thác, vận chuyển dầu mỏ ở Trung Đông, chắc chắn Trung Quốc cũng sẽ bị ảnh hưởng lớn, thậm chí phải đàm phán hoặc nhượng bộ Mỹ trong nhiều vấn đề quốc tế để có thể đảm bảo được nguồn cung cấp dầu ổn định từ Trung Đông.

Thứ hai, dầu mỏ ở Trung Đông, trong đó có Iran có một ý nghĩa rất lớn đối với an ninh năng lượng của chính nước Mỹ.

Tài nguyên thiên nhiên không phải là thứ vô tận. Sự phát triển của nền kinh tế Mỹ đã dẫn đến nhu cầu rất lớn về dầu mỏ trong khi lượng cung là hữu hạn. Từ chỗ là một trong những quốc gia đi tiên phong trong ngành công nghiệp dầu mỏ và đứng số 1 thế giới về sản lượng dầu xuất khẩu trong giai đoạn đầu thế kỉ XX, Mỹ ngày càng phụ thuộc chặt chẽ hơn vào các nguồn cung dầu từ nước ngoài, trong đó là các quốc gia ở khu vực Trung Đông. Nếu như vào thời điểm năm 1990, số lượng dầu nhập khẩu của Mỹ chỉ chiếm 18% sản lượng tiêu thụ thì đến thập niên 2000, lượng dầu nhập khẩu ngày càng tăng lên tới 20 – 35% (2010 – 35%) [263; tr.13] và giá dầu thì biến động liên tục. Chỉ tính riêng lượng dầu nhập khẩu từ Saudi Arabia đã chiếm 15% toàn bộ lượng dầu nhập khẩu của Mỹ [195; tr.12]. Nền kinh tế Mỹ trở nên nhạy cảm hơn với sự lên xuống của giá dầu. Minh chứng rõ nét nhất cho sự lệ thuộc của nền kinh tế Mỹ vào dầu mỏ là cuộc khủng hoảng giá dầu năm 1979. Cuộc cách mạng Islam năm 1979 và lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Iran của Tổng thống Jimmy Carter được coi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1979 và suy thoái kinh tế Mỹ trong suốt thập niên sau đó. Trong hai năm từ năm 1979 đến năm 1981, mỗi thùng dầu nhảy vọt từ 14 USD lên 38 USD [91; tr.307], đưa đến cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài 30 tháng tại Mỹ. Giá năng lượng đi lên kéo theo lạm phát tăng mạnh. Năm 1980 lạm phát ở Mỹ đạt đỉnh với 13% [103; tr.350], buộc Cục Dự trữ Liên bang (FED) phải thực hiện hàng loạt chính sách thắt chặt tiền tệ. Không chỉ lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng một cách đáng lo ngại với từ mức 5,6% của tháng 5/1979 lên 7,5% một năm sau đó. Dù kinh tế bắt đầu hồi phục trong năm 1981, tỷ lệ thất nghiệp vẫn được duy trì ở mức cao 7,6% và đạt kỷ lục 9,7% vào 1982 [301]. Hậu quả của suy thoái tồi tệ đến nỗi các ngành công nghiệp xe hơi, nhà đất, và sản xuất thép đều liên tục sụt giảm trong 10 năm sau, cho tới tận khi cuộc khủng hoảng giá dầu tiếp theo kết thúc.

Rõ ràng, tăng trưởng kinh tế của Mỹ đã và đang có mối liên hệ mật thiết với giá dầu mỏ thế giới. Nguồn dầu nhập khẩu ngày càng có vai trò quan trọng đối với an ninh năng lượng của Mỹ và các đồng minh của Mỹ. Trong khi đó, Iran và khu vực Vịnh Ba Tư được coi là rốn dầu của thế giới. Mỗi một diễn biến chính trị ở trong khu vực này sẽ tác động mạnh đến sự lên xuống của giá dầu thô thế giới. Chỉ cần một cơn sốc giá dầu có thể sẽ tạo ra những tác động tiêu cực đến nền kinh tế Mỹ. Điều này buộc Mỹ

phải có những can thiệp phù hợp nhằm bình ổn giá dầu. Trong mắt của các chính trị gia Mỹ, Iran – với những thay đổi sâu sắc về cả thể chế chính trị lẫn đường lối đối ngoại sau năm 1979, trở thành một trong những “mối đe dọa” đến “hòa bình” ở Trung Đông. Chính vì thế, việc Mỹ ngăn chặn và kiềm chế Iran được coi là một việc làm bắt buộc trong nỗ lực chung nhằm giữ cho thị trường dầu mỏ ổn định.

Lợi ích quan trọng cuối cùng của Mỹ ở Trung Đông là đảm bảo an ninh cho các đồng minh chiến lược, đặc biệt là Israel. Bảo vệ nhà nước Do Thái và củng cố mối quan hệ với chính quyền Israel luôn là một ưu tiên trọng tâm của Mỹ ở Trung Đông.

Mỹ chính là quốc gia tích cực vận động nhất để dọn đường cho sự ra đời của Nhà nước Do Thái vào ngày 14/5/1947. Israel trở thành đồng minh quan trọng bậc nhất của Mỹ ở khu vực Trung Đông. Quốc gia Do Thái đóng vai trò như một “cảnh sát khu vực” hỗ trợ Mỹ kiểm soát trật tự ở Trung Đông, bảo vệ các lợi ích của Mỹ.

Với Saudi Arabia, vị thế của Saudi Arabia trong thế giới Arab là một trong những lí do quan trọng khiến Mỹ luôn coi trọng mối quan hệ với quốc gia vùng Vịnh này. Xây dựng được mối liên minh với Saudi Arabia cũng đồng nghĩa với việc Mỹ đã kết nối được với các quốc gia Arab khác ở Trung Đông, đặc biệt là khối GCC. Ngoài ra, dầu mỏ - nguồn tài nguyên quan trọng bậc nhất ở Saudi Arabia cũng là yếu tố thúc đẩy Mỹ liên minh với Saudi Arabia9. Saudi Arabia chính thức trở thành một đồng minh thân cận từ sau cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ F. D. Roosevelt với Nhà vua Ibn Saud tháng 02/1945 tại hồ Great Bitter [38; tr.4]. Kể từ đó, Saudi Arabia luôn đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược của Mỹ, là cây cầu kết nối Mỹ với các quốc gia Arab khác, là đồng minh không thể thiếu trong cuộc chiến chống khủng bố cũng như đảm bảo trật tự ở khu vực Trung Đông.

Ngoài ra không thể không kể đến các đồng minh Arab quan trọng khác như:

Kuwait, Qatar, Jordan, UAE… Các quốc gia này đều có mối liên hệ mật thiết đối với chính quyền Mỹ, đặc biệt là trong hợp tác quốc phòng. Đối với những người đứng đầu nước Mỹ, đảm bảo an ninh cho các đồng minh cũng chính là đảm bảo cho vị thế, ảnh hưởng và lợi ích của Mỹ ở khu vực Trung Đông. Do vậy, bảo vệ các đồng minh từ lâu cũng được coi là lợi ích sống còn của Mỹ ở khu vực Trung Đông. Trong khi đó, chính sách của Iran sau năm 1979 đang trở thành mối đe dọa nguy hiểm đối với các đồng minh của Mỹ cũng như trật tự ở khu vực Trung Đông. Iran ủng hộ cho nhiều nhóm vũ trang Shi’ite có tư tưởng chống Israel kịch liệt (Hezbollah, Hamas…). Các nhóm này cũng gây ra những quan ngại đáng kể đối với Saudi Arabia cũng như các quốc gia nơi dòng Sunni nắm quyền. Các chính quyền Sunni lo sợ rằng, một cuộc cách mạng của những người Shi’ite có thể nổ ra làm lung lay địa vị thống trị của dòng Sunni như những gì đã diễn ra ở Iran năm 1979. Tham vọng vươn lên trở thành cường quốc khu vực của Iran cũng thách thức trật tự mà Mỹ muốn duy trì ở Trung Đông. Do đó, bảo vệ sự an toàn cho các

9 các quốc gia Trung Đông sở hữu 54% trữ lượng dầu mỏ của thế giới trong Saudi Arabia chiếm tới 18%, cao nhất trong khối OPEC (tính đến năm 2010)

đồng minh, đặc biệt là Israel trước “mối đe dọa đến từ Iran” cũng đồng nghĩa với việc bảo vệ vị thế của Mỹ ở trong khu vực.

2.2.3.2. Chính sách của chính quyền Mỹ đối với khu vực Trung Đông

Chính sách của Mỹ đối với Iran nằm trong với chiến lược chung của Mỹ đối với toàn bộ khu vực Trung Đông. Để có thể lý giải được những bước đi của Nhà trắng với Tehran, cần phải đặt trong chiến lược chung của Mỹ ở Trung Đông. Vậy chiến lược của Mỹ ở Trung Đông là gì? Chúng có tác động như thế nào đối với sự điều chỉnh chính sách của Mỹ với Iran sau năm 1979?

Trước năm 1991, khi Liên Xô vẫn là mối đe dọa hàng đầu đối với các lợi ích của Mỹ và đồng minh, khi bóng đen Chiến tranh lạnh vẫn chi phối mạnh mẽ đến quan hệ quốc tế, chính sách của Mỹ đối với Trung Đông tiếp tục bám sát ưu tiên chống lại sự kiểm soát trực tiếp cũng như sự mở rộng ảnh hưởng của Liên Xô đối với khu vực Trung Đông [261; tr.1]. Để thực hiện được các mục tiêu đề ra, Mỹ đã triển khai nhiều biện pháp khác nhau. Trong chính trị, Mỹ tăng cường liên minh với các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là Israel và Saudi Arabia; Tìm cách lật đổ các chính phủ chống đối lại Mỹ; Bành trướng ảnh hưởng chính trị thông qua phổ biến các giá trị dân chủ ở Trung Đông.

Tuy nhiên, khi Chiến tranh lạnh kết thúc, chính sách của Mỹ đối với Trung Đông có nhiều thay đổi. Mục tiêu chống lại Liên Xô và chủ nghĩa cộng sản ở Trung Đông không còn nữa. Thay vào đó Mỹ đẩy mạnh “bá quyền” ở khu vực này với chiến lược Đại Trung Đông. Một trong những văn kiện chính thức đề cập tới chiến lược Đại Trung Đông là “Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ ở Trung Đông: Phân tích sau sự kiện 11/9/2001”. Theo đó, ưu tiên của nước Mỹ ở Trung Đông bao gồm: “Phổ biến các giá trị tự do và dân chủ kiểu Mỹ; Cải cách các nước Arab theo hướng dân chủ hóa nhưng để thực hiện ý đồ chiến lược thực sự của mình là tạo ra lợi thế kiểm soát các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhất là dầu mỏ và khí đốt ở khu vực này; Xa hơn nữa là nắm bắt và hạn chế Trung Đông để kiểm soát sự phụ thuộc từ các đối thủ cạnh tranh chính của Mỹ là châu Âu và châu Á” [5; tr.241]. Bên cạnh những ưu tiên mới này, Mỹ tiếp tục một số nhiệm vụ quan trọng mang tính truyền thống khác như: bảo vệ sự tồn tại của Israel, đảm bảo nguồn cung dầu ở Trung Đông luôn ổn định, từng bước loại bỏ các chế độ “bất hảo”

không thuận theo Mỹ.

Bước sang hai nhiệm kỳ của Tổng thống Obama, chính sách của Mỹ có một số điều chỉnh lớn nhằm thích nghi với những biến đổi của tình hình Trung Đông, đặc biệt là sự khủng hoảng chính trị - xã hội của các quốc gia Trung Đông dưới tác động của

“Mùa xuân Arab”. Mỹ tìm cách cải thiện mối quan hệ với thế giới Islam; thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông giữa Israel và Palestine, gây sức ép buộc Israel tạm ngừng việc mở rộng các khu định cư tại các vùng đất của Palestine; tăng cường phối hợp với các đồng minh để giải quyết nhiều vấn đề ở Trung Đông thay vì chủ nghĩa đơn phương

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Lịch sử thế giới: Chính sách của Mỹ đối với Iran từ năm 1979 đến năm 2016 (Trang 51 - 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(221 trang)