Ảnh hưởng của các cường quốc trong vấn đề Iran

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Lịch sử thế giới: Chính sách của Mỹ đối với Iran từ năm 1979 đến năm 2016 (Trang 66 - 80)

CHƯƠNG 2: CÁC YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN CHÍNH SÁCH CỦA MỸ ĐỐI VỚI IRAN TỪ NĂM 1979 ĐẾN NĂM 2016

2.3. Các yếu tố quốc tế

2.3.2. Ảnh hưởng của các cường quốc trong vấn đề Iran

Ảnh hưởng của Liên Xô/Liên Bang Nga ở khu vực Trung Đông, trong đó có Iran là một trong những nhân tố có tầm ảnh hưởng đặc biệt tới chính sách của Nhà Trắng đối với Tehran. Theo nhiều nhà phân tích, sự can dự của Liên Xô/ Liên Bang Nga ở khu vực Trung Đông được thúc đẩy mạnh mẽ bởi yếu tố lợi ích. Liên Xô/LB Nga có những lợi ích sống còn ở Trung Đông. Nhà nghiên cứu Galia Golan khẳng định rằng

“Liên Xô có những lợi ích truyền thống ở khu vực Trung Đông và thậm chí những lợi ích ấy đã tồn tại trước cả thời đại Xô Viết” [109; tr.8].

Lợi ích đầu tiên có thể dễ dàng nhận ra là lợi ích về mặt an ninh quốc gia. Liên Xô có đường biên giới chung với một số quốc gia thuộc khu vực Trung Đông, cụ thể là Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Chính vì vậy, Iran và Thổ Nhĩ Kì được coi là những tấm lá chắn phòng thủ cho Liên Xô trước các cuộc tấn công quân sự từ bên ngoài.

Một lợi ích mang tính truyền thống khác của người Nga ở khu vực Trung Đông chính là con đường tiến ra biển của người Nga. Biển Đen liền kề phía Tây Nam lãnh thổ Nga có một ý nghĩa rất quan trọng trong giao thông của người Nga. Tuy nhiên, con đường tiến ra Địa Trung Hải của Biển Đen lại bị chặn bởi hai eo biển của người Thổ Nhĩ Kỳ là Bosphorus (nối liền Biển Đen với biển Marmara) và Dardanells (là đường thông duy nhất từ biển Marmara ra biển Aegea thuộc Địa Trung Hải). Điều đó có nghĩa là các tàu thương mại hay quân sự của người Nga muốn tiến ra Địa Trung Hải từ Biển Đen bắt buộc phải đi qua hai eo biển này. Trong Chiến tranh lạnh, “kiểm soát được con đường giao thông trên biển này là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng không những mở

toang con đường thông thương trên biển cho Liên Xô mà còn ngăn chặn ý định tiến vào Liên Xô của các thế lực thù địch qua hai eo biển của người Thổ. Không những vậy, việc kiểm soát được con đường biển quan trọng ấy còn làm suy yếu sức mạnh của các nước Phương Tây mà cụ thể là nước Anh - quốc gia có rất nhiều ảnh hưởng và quyền lợi ở khu vực Trung Đông và Địa Trung Hải” [109; tr.9]. Hiện nay, vấn đề tự do hàng hải qua hai eo biển Bosphorus và Dardanells vẫn được coi là một trong những ưu tiên quan trọng trong hoạt động đối ngoại của nước Nga, thúc đẩy quốc gia này can dự vào tình hình ở Trung Đông.

Lợi ích lớn tiếp theo liên quan đến cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa Nga với Mỹ và các nước phương Tây ở khu vực Trung Đông. Khu vực này từ lâu đã được coi là một khu vực trọng yếu trong cuộc chạy đua tranh giành ảnh hưởng, phô diễn sức mạnh giữa các cường quốc trên thế giới. Việc tạo được mối liên minh vững chắc với các chính quyền ở Trung Đông sẽ giúp Liên Xô/Liên bang Nga khẳng định được sức mạnh của một cường quốc trước Mỹ và phương Tây.

Cuối cùng là các lợi ích kinh tế của Liên Xô/Liên bang Nga ở khu vực Trung Đông nói chung và ở Iran nói riêng. Thị trường Trung Đông, trong đó có Iran, là thị trường rộng lớn. Hơn nữa, Liên Xô/Liên bang Nga cũng đã có nhiều hợp tác kinh tế mang tính truyền thống đối với nhiều quốc gia trong khu vực này: Iraq, Ai Cập, Syria… Cho nên, các lợi ích kinh tế được cho là lợi ích đáng kể kéo Liên Xô/Liên bang Nga xích lại gần Trung Đông.

Rõ ràng, Liên Xô/Liên bang Nga có những lợi ích quan trọng ở khu vực Trung Đông. Đây là nguyên nhân chủ chốt lý giải về mối quan tâm đặc biệt của chính quyền Liên Xô/Liên Bang Nga qua các thời kỳ đối với vùng đất Trung Đông nói chung và Iran nói riêng. Liên Xô và sau đó là Liên Bang Nga đã tạo được ảnh hưởng đáng kể ở khu vực Trung Đông, trở thành đồng minh của nhiều quốc gia trong khu vực như Ai Cập (thời Nasser), Iraq, Syria và gần đây là Iran.

Tuy nhiên, trước năm 1991, dù Liên Xô cũng nuôi tham vọng kết nối với chính quyền cách mạng ở Iran, tuy nhiên chính quyền của Khomeini lại chủ trương duy trì chính sách ngoại giao độc lập, “không Xô không Mỹ” chỉ có Islam là trên hết. Trong quan điểm của Khomeini, Liên Xô cũng không khác Mỹ là bao, đặc biệt là sau sự kiện Liên Xô tấn công và đóng quân ở Afghanistan, Khomeini chủ trương đóng băng quan hệ với Liên Xô.

Ảnh hưởng của Nga ở Iran chỉ thực sự khởi sắc sau năm 1991. Sự cải thiện trong mối quan hệ Nga - Iran xuất phát từ cả hai phía. Trước hết, về phía Nga, Nga cũng có những động lực để cải thiện quan hệ với Iran. Thứ nhất, cạnh tranh địa chiến lược với Mỹ ở Trung Đông thúc đẩy Nga xích lại gần Iran. Thứ hai, mối quan hệ giữa Nga và các quốc gia châu Âu chưa có nhiều cải thiện sau Chiến tranh lạnh. Nga rơi vào thế cô lập ở châu Âu, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng Ukraina (2014). Nga cần tìm kiếm các đồng minh mới trong và ngoài châu Âu để phá vỡ thế bao vây, cấm vận mà Mỹ và

phương Tây tạo ra. Trong bối cảnh đó, Iran - được cho là một sự lựa chọn phù hợp.

Hơn thế nữa, những nghi ngại của Nga về khả năng Iran sẽ xuất khẩu cách mạng sang Azerbaijan và vùng Trung Á đã được xóa bỏ khi Iran chủ động đứng về phía Nga trong việc tìm ra một giải pháp hòa bình để chấm dứt cuộc nội chiến ở Tajikistan (1994) [239; tr.20], thậm chí Iran còn vận động cho Nga được đứng vào vị trí quan sát viên của Hội nghị toàn thể của Tổ chức Islam thế giới (2005). Quan trọng hơn cả, dưới thời của Tổng thống Putin, chính sách đối ngoại của Nga thay đổi nhanh chóng nhằm khẳng định lại vị thế của một “siêu cường” (great power) [277; tr.48], Nga đẩy mạnh sự can dự ở khu vực Trung Đông, trong đó có các vấn đề liên quan đến Iran.

Về phía Iran, sự kiện Liên Xô rút quân khỏi Afghanistan năm 1989 và sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô đã tháo bung những nút thắt trong quan hệ Nga - Iran. Áp lực của các lệnh trừng phạt của Mỹ và Phương Tây cũng khiến Iran xích lại gần Nga hơn. Nga được coi là một cơ hội thứ hai với Iran để tiếp tục các chương trình phát triển kinh tế, quốc phòng, trong đó có chương trình hạt nhân.

Từ những thay đổi trong quan điểm, chính sách của cả hai phía, liên minh giữa Nga - Iran dần được hình thành ở khu vực Trung Đông. Cùng với Syria, Iran nổi lên như là một trong những đồng minh quan trọng nhất của Nga ở khu vực Trung Đông.

Nếu như Syria là một đồng minh truyền thống, có mối quan hệ mật thiết với Nga qua nhiều thập niên, thì Iran cũng đang ngày càng trở nên quan trọng hơn với chính quyền Nga, hỗ trợ Nga đảm bảo các lợi ích chiến lược ở khu vực Trung Đông. Tuy nhiên, đối với Mỹ, chính sách của Nga trong các vấn đề liên quan đến Iran bị coi là mối đe dọa đến ảnh hưởng và lợi ích của Mỹ ở Trung Đông. Có hai yếu tố gây nhiều quan ngại nhất cho chính quyền Mỹ, đó là: sự ủng hộ của Nga cho tham vọng phát triển chương trình hạt nhân của Iran và sự hình thành liên minh quân sự Nga - Iran ở khu vực Trung Đông.

Liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran, Nga trực tiếp hỗ trợ Iran hoàn thiện nhà máy điện hạt nhân Bushehr trị giá khoảng 1 tỷ USD [239; tr.20] khi Đức và sau đó là Trung Quốc đã từ chối hỗ trợ Iran tiếp tục công trình trọng điểm này. Nhà máy này được khánh thành vào tháng 5/2011, với công suất hoạt động ban đầu lên đến 1000 megawatt. Nga còn ký một hiệp định với Iran trong đó Nga sẽ cung cấp nguyên nhiên liệu trong vòng 10 năm để đảm bảo nhà máy điện hạt nhân Bushehr vận hành [167; tr.23]. Bắt đầu từ sau năm 2011, Nga nhiều lần sử dụng vai trò là một ủy viên thường trực ở Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc để phủ quyết các nghị quyết trừng phạt bổ sung đối với Iran và thậm chí bảo vệ quyền được phát triển các chương trình hạt nhân vì mục đích hòa bình của Tehran [140; tr.7]. Sự phản đối của Nga đã làm cho kế hoạch gây sức ép lên Iran của Mỹ gặp nhiều bất lợi. Như vậy, trong khi Mỹ ra sức ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran thì Nga lại hỗ trợ Iran về công nghệ, thiết bị, máy móc để Iran tiếp tục thực hiện một vài dự án liên quan đến chương trình hạt nhân.

Điều đó càng làm cho các nhà lãnh đạo Mỹ tin vào một liên minh chống Phương Tây giữa Nga và Iran.

Về chính sách hợp tác quân sự, lệnh cấm vận của Mỹ và các nước Phương Tây đã thúc đẩy Iran tiếp cận với nguồn cung vũ khí từ Nga. Nga đã bán cho Iran nhiều loại vũ khí tân tiến do nước này sản xuất, chẳng hạn như: xe tăng T-72, các loại phương tiện chiến đấu của bộ binh, súng tầm xa, máy bay chiến đấu Su – 24, tàu ngầm các loại… [239; tr.21]. Trong cuộc chiến tranh ở Syria (2011 - nay), phía Israel cho rằng các loại máy bay chiến đấu MiG – 29s – một dòng máy bay quân sự do Nga sản xuất, được quân đội chính phủ Syria sử dụng là do phía Iran tài trợ tiền để mua.

Không chỉ cung cấp vũ khí cho Iran, Nga còn tích cực hợp tác quốc phòng toàn diện với Iran, đặc biệt là cùng hỗ trợ cho chính quyền của Tổng thống Syria Bashar Al - Assad trong cuộc chiến chống lại các lực lượng nổi dậy được Mỹ và phương Tây hậu thuẫn cũng như lực lượng Nhà nước Islam giáo tự xưng (IS). Mức độ hợp tác quân sự giữa Nga và Iran được nâng lên một tầm mới khi Iran cho phép máy bay chiến đấu của Nga sử dụng căn cứ không quân Hamadan của Iran như một trạm nghỉ trước khi phát động các cuộc không kích mới ở Syria [262; tr.16]. Đây là lần đầu tiên Iran cho phép quân đội nước ngoài sử dụng lãnh thổ của mình kể từ sau năm 1979. Sự hợp tác của Nga và Iran trong vấn đề Syria đã làm cho kế hoạch lật đổ chính phủ Al - Assad của Mỹ và Phương Tây gặp nhiều khó khăn. Cho đến nay, các nhóm đối lập do Mỹ và phương Tây hỗ trợ ngày càng co cụm và đánh mất quyền kiểm soát tại nhiều khu vực ở Syria.

Rõ ràng, trong bối cảnh Mỹ và Phương Tây tăng cường ngăn chặn, bao vây, cấm vận Iran thì Nga lại chủ trương xây dựng mối quan hệ hợp tác sâu rộng đối với Iran.

Liên minh Nga - Iran ngày càng trở nên mật thiết hơn và giúp Nga duy trì vị thế, ảnh hưởng trong khu vực, chống lại sự “bá quyền” của Mỹ. Trong bối cảnh quan hệ Nga với Mỹ và quốc gia Phương Tây đầy biến động và có chiều hướng xấu đi trong thời gian gần đây, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng ở Ukrania năm 2014, mối quan hệ giữa Nga và Iran ngày càng xích lại gần nhau, đe dọa trực tiếp tới những tính toán và tham vọng của Mỹ ở trong khu vực cũng như các đồng minh của Mỹ11. Do vậy, sự hiện diện của Nga ở Trung Đông nói chung và mối quan hệ Nga – Iran nói riêng là một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng tác động đến quá trình hoạch định chính sách của Mỹ đối với Iran.

2.3.2.2. Trung Quốc

Trong vài thập niên gần đây, Trung Quốc được biết đến như là một thế lực mới nổi ở khu vực Trung Đông. Đối với những người đứng đầu chính quyền Bắc Kinh, Trung Đông có một vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của Trung Quốc.

Trong kỷ nguyên mà dầu mỏ thống trị thế giới, Trung Quốc, với trữ lượng dầu mỏ hạn chế [289]12, trở nên phụ thuộc vào nguồn cung dầu của các cường quốc dầu

11 Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, trong chiến lược của Nga, Iran giống như một quân cờ quan trọng trong ván bài chính trị với Mỹ. Mối quan hệ giữa Mỹ - Nga ảnh hưởng sâu sắc tới quan hệ của Nga với Iran cũng như thái độ của Nga với chương trình hạt nhân của quốc gia vùng Vịnh này. Trong những năm 2009 – 2010, khi mối quan hệ của Mỹ - Nga có một số cải thiện, Nga đã tạm dừng kế hoạch bán hệ thống phòng thủ tên lửa S – 300 vào giữa năm 2009. Nga cũng đồng ý áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế một cách hạn chế lên Iran vào tháng 11/2009 và tháng 6/2010.

12 Theo tạp chí Dầu mỏ và Khí đốt (Oil and Gas Journal), lượng dự trữ dầu được phát hiện của Trung Quốc hiện

mỏ trên thế giới, trong đó có các nước Trung Đông như Iran. Theo Cục Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA – US Energy Information Administration), vào năm 2017, Trung Quốc nhập 8,4 triệu thùng dầu mỗi ngày trong khi đó Mỹ nhập 7,9 triệu thùng/ngày [285]. Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành quốc gia nhập nhiều dầu mỏ nhất trên thế giới. Ở chiều ngược lại, các quốc gia Trung Đông hiện đang là nguồn cung cấp dầu mỏ lớn nhất cho Trung quốc. Do đó, dầu mỏ chính là lợi ích sống còn, là mối quan tâm lớn nhất của Trung Quốc đối với khu vực Trung Đông. Thêm vào đó, những lợi ích kinh tế lớn khác như các hợp đồng vũ khí béo bở cho các quốc gia Trung Đông, đầu tư kinh tế… cũng là những yếu tố kéo Trung Quốc xích lại gần với khu vực Trung Đông hơn.

Ngoài ra, xét về cạnh tranh địa chính trị, Trung Quốc cũng muốn khẳng định vai trò ở một trong những khu vực chiến lược như Trung Đông và chống lại sự bá quyền của Mỹ ở khu vực này (US hegemony). Trong vài thập niên gần đây, Trung Quốc đã tích cực mở rộng ảnh hưởng của mình ở Trung Đông, chủ yếu thông qua hợp tác kinh tế, đầu tư và dần được thừa nhận là một thế lực mới nổi, có vai trò đáng kể ở Trung Đông.

Xuất phát từ những lợi ích quan trọng như đã phân tích, Trung Quốc tích cực củng cố và phát triển mối quan hệ đối với nhiều quốc gia ở Trung Đông, trong đó mối quan hệ với Iran là nổi bật nhất, gây ra nhiều quan ngại nhất đối với Mỹ. Trung Quốc coi Iran là một yếu tố chiến lược để chống lại sức mạnh của Mỹ ở khu vực Trung Đông [115; tr.18]. Trên thực tế, mối quan hệ chiến lược giữa Trung Quốc và Iran trong những thập niên vừa qua đã gây nhiều lo ngại đối với những người đứng đầu nước Mỹ.

Điểm đáng chú ý đầu tiên là sự hậu thuẫn của Trung Quốc đối với chương trình hạt nhân của Iran. Trong khi Mỹ và các quốc gia Phương Tây tìm mọi phương cách để ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran, thì Trung Quốc lại tích cực giúp đỡ Iran nhằm hiện thực hóa các tham vọng của quốc gia Trung Đông này. Trung quốc tích cực hỗ trợ về công nghệ và máy móc, đặc biệt là trong giai đoạn chính quyền cách mạng ở Iran tái khởi động chương trình hạt nhân vào nửa cuối thập niên 1980. Chỉ trong vòng 5 năm (1985 - 1990), Trung Quốc đã ký với Iran hai hiệp định liên quan đến việc hỗ trợ Iran trong việc nghiên cứu và phát triển hạt nhân. Dưới hiệu lực của các hiệp định hợp tác, từ năm 1988 - 1995 Trung Quốc đã cung cấp phần lớn các trang thiết bị tại trung tâm nghiên cứu nguyên tử Esfahan13 của Iran, trong đó bao gồm rất nhiều thiết bị quan trọng như lò phản ứng nước nặng (heavy water – moderated zero – power reactor), hai tổ hợp quan trọng của một lò phản ứng (mỗi một tổ hợp được điều tiết bởi nước nhẹ và than chì)... Mặc cho sự phản đối của Mỹ và các quốc gia phương Tây, Trung Quốc cho rằng họ trợ giúp Iran trong việc nghiên cứu và phát triển chương trình hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Ngoài máy móc và thiết bị, Trung Quốc còn cung cấp nguyên liệu đầu vào trong

khoảng 20,4 tỷ thùng (tính đến tháng 01/2012), con số này là quá nhỏ so với nhu cầu tiêu thụ dầu của đất nước hơn tỷ dân này.

13 Trung tâm nghiên cứu nguyên tử Esfahan thành lập với sự trợ giúp của Pháp từ thời của vua Reza Pahlavi

quy trình làm giàu uranium cho Iran. Năm 1991, Iran nhập khẩu 1600 kg sản phẩm uranium thô từ Trung Quốc, trong đó gần 1000 kg là UF6 (uranium Hexafluoride) [86;

tr.29]. Động thái này của Trung Quốc khiến chính quyền Bill Clinton đặc biệt lo ngại bởi UF6 là một hợp chất quan trọng, được sử dụng làm nguyên liệu trong các lò phản ứng làm giàu uranium. Năm 1994, tiến thêm một nấc thang mới trong hợp tác hạt nhân, Trung Quốc đã chuyển cho Iran công nghệ Laser dùng để làm giàu hạt nhân trong nghiên cứu.

Những hỗ trợ ban đầu của Trung Quốc trong việc nghiên cứu và phát triển hạt nhân của Iran đã giúp cho Iran tiếp cận gần hơn với các công nghệ mới trong lĩnh vực này. Trong khi đó, việc Iran sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ là một mối đe dọa nguy hiểm vượt khỏi tầm kiểm soát của Mỹ, đe dọa phá vỡ trật tự ở khu vực Trung Đông cũng như các lợi ích sống còn của Mỹ ở khu vực này. Trên thực tế, Mỹ đã dùng rất nhiều biện pháp khác nhau, cả vận động và răn đe đối với Trung Quốc để hạn chế sự hợp tác của Trung Quốc và Iran trong các chương trình hợp tác quân sự, nghiên cứu hạt nhân.

Điểm đáng chú ý thứ hai là việc Trung Quốc đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với Iran. Trung Quốc được biết đến là một trong những quốc gia xuất khẩu nhiều vũ khí nhất sang Iran. Ngoài ra, Trung Quốc được cho là một nhân tố quan trọng trong chương trình tên lửa nói riêng và công cuộc hiện đại hóa quân đội của Iran nói chung.

Trong chiến tranh Iran - Iraq, Trung Quốc chính là quốc gia bán nhiều vũ khí nhất cho Iran trong bối cảnh Iran bị Mỹ và phương Tây cấm vận vũ khí. Theo Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA), chỉ trong năm 1985, Trung Quốc là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Iran với tổng số tiền khoảng 1 tỷ USD. Phần lớn các vũ khí mà Trung Quốc bán cho Iran đều là những vũ khí chiến thuật: tên lửa hành trình diệt tàu hạm, tên lửa đất đối không, khẩu đạn pháo, súng ống, cùng rất nhiều các loại quân trang quân dụng khác.

Trong vòng 9 tháng đầu năm 1986, Bắc Kinh đã phân phối một lượng vũ khí trị giá ít nhất 300 triệu USD và trực tiếp huấn luyện cho quân nhân Iran ở Trung Quốc [64; tr.1].

Năm 1987, Trung Quốc đã trực tiếp bán tên lửa HY - 2 Silkworm cho Iran. Loại tên lửa này sau đó đã được sử dụng trong một cuộc tấn công nhắm vào tàu chở dầu của Kuwait, tạo ra căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc sau đó. Rõ ràng, trong khi Mỹ tìm mọi cách để làm suy yếu Iran thông qua cuộc chiến tranh với Iraq thì Trung Quốc lại làm cho kế hoạch này của Mỹ trở nên khó khăn hơn rất nhiều khi cung cấp các loại vũ khí chiến lược cho Tehran. Sau chiến tranh Iran – Iraq, Trung Quốc vẫn tiếp tục xuất khẩu vũ khí sang Iran với số lượng lớn. Từ năm 1993 đến năm 1996, Iran đã mua một lượng lớn vũ khí của Trung Quốc trị giá 400 triệu USD. Trong những năm 1997 – 2000, con số này tăng lên mức 600 triệu USD [86; tr.37]. Bước sang thập niên 2000, để cải thiện mối quan hệ với Mỹ, Trung Quốc giảm dần việc bán vũ khí trực tiếp cho phía Iran. Từ năm 2002 – 2005, lượng vũ khí Trung Quốc bán cho Iran chỉ đạt khoảng 100 triệu USD. Con số này thậm chí còn giảm một nửa trong giai đoạn 2007 – 2010 (50 triệu USD) [104;

tr.14].

Tuy nhiên, đối với những người đứng đầu nước Mỹ, việc Trung Quốc bán vũ khí

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Lịch sử thế giới: Chính sách của Mỹ đối với Iran từ năm 1979 đến năm 2016 (Trang 66 - 80)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(221 trang)