Chính sách của Mỹ với Iran trước năm 1979

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Lịch sử thế giới: Chính sách của Mỹ đối với Iran từ năm 1979 đến năm 2016 (Trang 41 - 48)

CHƯƠNG 2: CÁC YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN CHÍNH SÁCH CỦA MỸ ĐỐI VỚI IRAN TỪ NĂM 1979 ĐẾN NĂM 2016

2.2.1. Chính sách của Mỹ với Iran trước năm 1979

Như đã phân tích ở trên, Iran có một vị thế quan trọng trên bàn cờ Trung Đông của

người Mỹ, đặc biệt là trong bối cảnh của Chiến tranh lạnh. Mức độ cấp thiết hỗ trợ quân sự cho Iran đặc biệt được đẩy cao hơn sau khi Liên Xô nhiều lần trì hoãn việc rút quân khỏi Iran dù Chiến tranh thế giới thứ Hai đã kết thúc. Không những vậy, Liên Xô còn đòi quyền khai thác dầu ở khu vực phía Bắc Iran. Cùng lúc đó, Đảng Cộng sản Iran (còn gọi là Đảng Tudeh) phát động một chiến dịch biểu tình và gây áp lực chính trị để giành quyền lực lớn hơn ở chính quyền trung ương, trong đó phải nhắc đến cuộc đình công của công nhân nhà máy lọc dầu liên doanh giữa Iran và Anh - Abadan. Nền chính trị Iran trở nên hỗn loạn, nhiều khả năng sẽ xảy ra một cuộc nội chiến. Thậm chí Iran có thể là quốc gia đầu tiên ở Trung Đông nằm dưới sự kiểm soát của Điện Kremlin. Trước tình thế cấp bách đó, chính quyền Mỹ đã tìm cách thiết lập mối quan hệ sâu sắc hơn với Iran, biến Iran thành một đồng minh chiến lược của Mỹ trong khu vực cùng với Saudi Arabia, Israel nhằm tạo một phòng tuyến chống lại ảnh hưởng của Liên Xô cũng như làn sóng cộng sản tràn xuống khu vực Trung Đông. Để làm được điều đó, Mỹ đã triển khai một chính sách liên minh toàn diện đối với Iran (1953 - 1979) trên tất cả các mặt chính trị - ngoại giao, kinh tế, an ninh - quân sự và hợp tác trong nghiên cứu và phát triển hạt nhân.

Về chính trị, Mỹ tìm cách can thiệp và chi phối nền chính trị Iran. Cuộc đảo chính năm 1953 ở Iran – chiến dịch TPAJAX [60; tr.26] được coi là minh chứng rõ nét nhất cho tham vọng này của người Mỹ. Mục tiêu của cuộc đảo chính năm 1953 là lật đổ chính quyền của Thủ tướng Mohammed Mossadeq (1951 - 1953)4 và khôi phục lại quyền lực cho Nhà vua Iran. Cục Tình báo Trung ương Mỹ CIA và tình báo Anh được cho là những người lập kế hoạch và chịu trách nhiệm chính trong chiến dịch lật đổ Mossadeq - chiến dịch TPAJAX. Ngày 16/4/1953, một bản nghiên cứu toàn diện có tên “các yếu tố liên quan đến việc lật đổ Mossadeq” đã được hoàn thành. “Tài liệu này đã chỉ ra rằng sự kết hợp giữa Nhà vua Iran và người đứng đầu quân đội Iran – Đại tướng Zahedi, dưới sự ủng hộ cả về đường hướng và tài chính của CIA, có thể tạo ra một cơ hội tốt để lật đổ Mossadeq” [273; tr.3]. Kermit Roosevelt được CIA chọn là người đứng đầu chiến dịch TPAJAX. Ngày 19/8/1953, quân đội Iran, được ủng hộ bởi các nhóm biểu tình đường phố đã lật đổ chính phủ của Thủ tướng Mossadeq. Chiến dịch TPAJAX thành công5. Vua Reza Pahlavi nhanh chóng trở lại nắm quyền và để đáp lại sự giúp đỡ của Mỹ, ông đã chia sẻ 40% số mỏ dầu của Iran cho các công ty Mỹ

4 Mossadegh là một nhà lãnh đạo có tư tưởng tiến bộ và cổ súy mạnh mẽ cho phong trào dân tộc Arab. Ông đã kết thúc quyền lãnh đạo của người Anh trên lãnh thổ Iran bằng cách quốc hữu hóa công ty dầu mỏ lớn nhất Iran do người Anh làm chủ - công ty dầu mỏ Anh - Ba Tư AIOC (Anglo - Iranian Oil Company), khơi dậy lòng tự hào dân tộc của người Iran, dân chủ hóa hệ thống chính trị vốn rất bảo thủ ở Tehran. Chính sách tiến bộ của chính quyền Mossadegh đã tạo được dấu ấn tốt đẹp trong lòng dân chúng Iran. Tuy nhiên chính sách đó lại khiến Mossadegh xung đột với giới tinh hoa thân phương Tây của Iran, Nhà vua Iran - Mohammed Reza Pahlevi và cả các thế lực bên ngoài trong đó có Mỹ và Anh. Cả Mỹ và Anh đều cho rằng rằng Mossadeq đã có liên hệ với cộng sản và sẽ đưa Iran đi vào quỹ đạo của Liên Xô nếu ông tiếp tục được phép nắm quyền.

5 Trước đó, vào ngày 15/8/1953 CIA đã tổ chức cuộc đảo chính đầu tiên nhưng sớm bị lộ và vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ của Chính phủ Muhammad Mossadegh. Hàng chục người đã bị bắt giữ, Tướng Fazlollah Zahedi, một trong những kẻ chủ mưu được Mỹ mua chuộc trước đó, chạy trốn trong khi Nhà vua Iran Reza Pahlavi cũng tìm cách ra nước ngoài. Sau thất bại đầu tiên trong cuộc lật đổ ngày 15/8/1953, CIA tiếp tục bí mật hoạt động ở Iran, trong khi MI6 rút khỏi kế hoạch. Sự kiên trì của các mật vụ CIA đã đem lại hiệu quả thực tế.

(trong đó có 5 tập đoàn lớn và một công ty nhỏ) [170; tr.309]. Cựu Thủ tướng Mossadeq bị bắt giữ, bị giam ba năm tù, và sau này chết khi đang bị quản thúc tại gia vào năm 1967.

Sau cuộc đảo chính, Mỹ chủ động thiết lập quan hệ đồng minh chiến lược với chế độ của Vua Reza Pahlavi. Năm 1957, chính quyền của Eisenhower đã đạt được thành công lớn khi thuyết phục Shah ký vào bản Hiệp định hợp tác quân sự, theo đó Iran sẽ đảm nhận việc ngăn chặn mối đe dọa từ Liên Xô [31; tr.58]. Bước sang nhiệm kỳ của Kennedy, “Iran tiếp tục được coi là một vùng đất ổn định và quan trọng chiến lược” [37; tr.165] đối với Mỹ. Kennedy đã hỗ trợ cho chính quyền Shah trong việc đối phó với tình trạng bạo loạn ở Iran (tháng 5/1961). Chính sách thân thiện đó tiếp tục được duy trì dưới thời của Tổng thống Lyndon B. Johnson. Tuy nhiên, quan hệ giữa Mỹ và Iran chỉ thực sự thăng hoa dưới thời của Tổng thống Richard Nixon. Vị trí địa chính trị - địa kinh tế đặc biệt quan trọng của Iran cùng với sự ủng hộ của chính quyền Shah trong cuộc chiến chống lại cộng sản, đặc biệt là Chiến tranh Việt Nam đã tác động mạnh đến chính quyền của Tổng thống Richard Nixon. Nixon đưa Iran trở thành một trong hai trụ cột an ninh quan trọng nhất của Mỹ ở khu vực Trung Đông bên cạnh Saudi Arabia – Chính sách trụ cột song song (Twin pillars policy). Sự thăng hoa trong quan hệ Mỹ - Iran được thể hiện ở những chuyến thăm giữa nguyên thủ hai nước cũng như các bản ghi nhớ hợp tác quan trọng (Hiệp định quân sự năm 1968, Hiệp định quân sự 1972, Hiệp định kinh tế 1975). Mỹ còn chủ trương giảm thu thập thông tin tình báo liên quan đến các vấn đề nội bộ của Iran cũng như tin tưởng Nhà vua Iran hơn bởi “nỗ lực của chính quyền này trong việc đàn áp cuộc nổi loạn của những người cộng sản tại Dhofar cũng như nỗ lực đảm bảo an ninh năng lượng và bởi sự ủng hộ cao của Shah đối với các hoạt động chính trị, quân sự của Mỹ ở Trung Đông cũng như ở Việt Nam”

[177; tr.311].

Về an ninh - quân sự, Mỹ coi Iran là trụ cột chính cùng với Saudi Arabia để đảm bảo an ninh ở Trung Đông (Twin pillars Policy), trong đó trọng tâm là ngăn chặn ảnh hưởng của Liên Xô và chủ nghĩa cộng sản, đàn áp phong trào Arab cấp tiến trong khu vực. Mỹ tăng cường tiềm lực quân sự của Iran bằng nhiều biện pháp khác nhau, trong đó bao gồm: lôi kéo Iran vào các tổ chức quân sự do Mỹ cầm đầu, viện trợ quân sự, các hợp đồng bán vũ khí và tham gia vào hoạt động cố vấn quân sự, đào tạo binh lính Iran.

Ở biện pháp đầu tiên, Mỹ lôi kéo Iran vào trong các liên minh quân sự khu vực.

Tháng 10 năm 1955, Iran gia nhập vào khối Hiệp ước Baghdad do Mỹ đỡ đầu. Năm 1958, Iraq - một thành viên trong khối tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Baghdad sau cuộc cách mạng dân chủ trong nước diễn ra và thành công, lật đổ chế độ bảo thủ của Nhà vua Faisal III. Mỹ tiếp tục chủ trương nối tiếp Baghdad bằng một khối liên minh quân sự mới mang tên: Tổ chức Hiệp ước Trung tâm CENTO (the Central Treaty Orgnization). Vua Mohammad Reza Pahlavi quyết định tiếp tục tham gia CENTO và trở thành một đồng minh quân sự chiến lược của Washington.

Ở biện pháp thứ hai, Mỹ tiến hành viện trợ quân sự ồ ạt cho Iran trong bối cảnh phong trào Arab cấp tiến đang phát triển rầm rộ ở khu vực Trung Đông. Phần lớn viện trợ quân sự của Mỹ cho Iran được triển khai dưới Chương trình trợ giúp quân sự - MAP (the Military Assistance Program) [181; tr.5]. Viện trợ trực tiếp cho Iran được chia làm hai hình thức: cho vay quân sự (military loan) và viện trợ quân sự không hoàn lại (military grant). Từ năm 1950 - 1970, Iran là quốc gia được hưởng nhiều tiền viện trợ quân sự nhất trong khu vực Trung Đông với 1,3 tỷ USD, bỏ xa đồng minh chiến lược khác của Mỹ là Israel với 277,3 triệu USD [220; tr.23]. Điều này đã khẳng định vị thế quan trọng của Iran trong chính sách của Mỹ ở khu vực Trung Đông.

Với biện pháp thứ ba, Mỹ tăng cường bán vũ khí quân sự cho Iran. Mỹ đã ký kết nhiều hiệp định, thỏa thuận liên quan đến việc bán vũ khí cho quốc gia Trung Đông này.

Năm 1968, một bản ghi nhớ chung giữa hai nước được ký kết, trong đó Mỹ cam kết sẽ cung cấp vũ khí lâu dài cho các đơn hàng từ Iran. Theo đó, Iran sẽ được hưởng 30%

lượng vũ khí Mỹ xuất khẩu ra nước ngoài, lớn hơn cả Israel [275; tr.98]. Năm 1972, một hiệp định hợp tác quân sự khác giữa Mỹ và Iran được ký kết. Theo nội dung của bản hiệp định này, chính quyền của Shah sẽ được phép mua sắm bất cứ loại vũ khí, hàng hóa quân sự nào mà Iran cần, trong đó bao gồm cả vũ khí hạt nhân [189; tr.125]. Hiệp định năm 1972 đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu vũ khí của Mỹ sang Iran. Chỉ tính riêng năm 1973, giá trị các hợp đồng quân sự Mỹ bán cho Iran đạt ngưỡng hơn 2,1 tỉ USD, vượt xa Israel và chiếm 2/3 giá trị các hợp đồng quân sự dành cho toàn bộ khu vực Trung Đông [220; tr.23].

Đối với biện pháp thứ tư, Mỹ tích cực tham gia hỗ trợ cho công tác huấn luyện, hiện đại hóa quân đội Iran thông qua hệ thống cố vấn. Sự hiện diện của các cố vấn Mỹ đã bắt đầu từ trước khi quan hệ Mỹ - Iran trở nên gắn kết chặt chẽ6. Các nhóm cố vấn chủ chốt bao gồm: Phái đoàn hỗ trợ Lực lượng Hiến binh Hoàng gia Iran (US Military Mission to the Imperial Iranian Gendarmarie - GENMISH), Chỉ huy phái đoàn quân sự Mỹ ở Iran (US Army Mission Headquarters - ARMISH), Nhóm trợ giúp cố vấn quân sự (Military Assistance Advisory Group - MAAG), Các nhóm hỗ trợ kỹ thuật (Technical Assistance Field Teams - TAFTs) [71; tr.34]. Ước tính đến năm 1973, có khoảng 3.600 cố vấn Mỹ làm việc trong các dự án liên quan đến quốc phòng. Chỉ sau đó 5 năm, số lượng cố vấn Mỹ ở Iran đã tăng lên gần gấp 3 với 10.000 sỹ quan Mỹ [194; tr.69]. Các nhóm cố vấn này đã góp phần quan trọng trong việc tăng cường ảnh hưởng của Mỹ và quân đội Mỹ ở Iran trong suốt một thời gian dài.

Không thể phủ nhận, với sự hỗ trợ của các phái đoàn cố vấn Mỹ, lực lượng quốc phòng an ninh của Iran có những biến chuyển lớn cả về lượng và chất. Một trong những minh chứng cụ thể nhất là sự ra đời và hoạt động của lực lượng an ninh SAVAK của Iran. SAVAK - lực lượng an ninh lớn nhất Iran lúc bấy giờ được coi là

6 Mỹ bắt đầu đưa các cố vấn quân sự vào Iran từ năm 1943, sau khi hai nước ký Hiệp định quân sự đầu tiên.

một sản phẩm từ các cố vấn Mỹ. Các nhân viên của CIA đã trực tiếp tham gia vào quá trình lên kế hoạch thành lập lực lượng An ninh quốc gia Iran SAVAK (1956) [58;

tr.1]. Từ năm 1957 đến năm 1961, CIA còn trực tiếp chịu trách nhiệm chính trong việc huấn luyện lực lượng an ninh này [57; tr.1]. SAVAK được đánh giá là một công cụ quan trọng của Nhà vua Iran trong việc đảm bảo sự an toàn của chế độ cũng như thủ tiêu những lực lượng đối địch và cũng quân bài quan trọng của CIA trong việc đảm bảo an ninh cho toàn bộ khu vực vùng Vịnh. Một trong những thành tựu quan trọng mà SAVAK đã đạt được đó là đẩy lùi sự phát triển của Đảng Tudeh và chủ nghĩa cộng sản ở Iran. SAVAK đã mở nhiều chiến dịch truy quét những người cộng sản Iran trên khắp cả nước. Kết quả là phần lớn các nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Tudeh đã bị lực lượng SAVAK bỏ tù, số còn lại lưu vong ở nước ngoài [196; tr.48]. Rõ ràng, vai trò của lực lượng cố vấn Mỹ ở Iran là rất quan trọng. Họ không chỉ duy trì ảnh hưởng của Mỹ ở Iran, cố kết quan hệ giữa chính quyền Mỹ và chế độ của Shah mà còn góp phần biến Iran thành một trong những quốc gia có tiềm lực quân sự mạnh nhất ở Trung Đông lúc bấy giờ.

Về kinh tế, viện trợ và tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư được xem là những biện pháp quan trọng nhất thúc đẩy sự lệ thuộc của chính quyền vua Reza Pahlavi vào nước Mỹ.

Viện trợ kinh tế được coi là con đường ngắn nhất để Mỹ trói buộc chế độ của Shah vào nước Mỹ. Năm 1953, sau khi lật đổ chính phủ tiến bộ của Thủ tướng Mohammad Mossadegh, khôi phục quyền lực cho Shah, Mỹ bắt đầu cung cấp một lượng lớn viện trợ kinh tế cho Iran. Ngay sau cuộc đảo chính năm 1953, chính quyền Eisenhower đã viện trợ khẩn cấp cho Shah 600 triệu USD dưới dạng viện trợ kinh tế và 4,5 triệu USD viện trợ quân sự [206; tr.55]. Từ năm 1953 – 1961, viện trợ kinh tế của Mỹ dành cho Iran đạt 548,1 triệu USD, trong đó trợ cấp chiếm phần lớn với 351,1 triệu USD, còn lại 197 triệu là viện trợ dưới dạng cho vay (phải trả) [194; tr.44]. Viện trợ kinh tế tăng mạnh nhất dưới thời của Tổng thống Richard Nixon. Chẳng hạn, chỉ tính riêng năm 1972, viện trợ kinh tế của Mỹ cho Iran đạt 1,2 tỷ USD, trong đó chỉ có 401 triệu USD phải trả lại [89;

tr.11].

Bên cạnh viện trợ kinh tế, Mỹ cũng tăng cường trao đổi thương mại, mở rộng hợp tác và đầu tư ở Iran. Quan hệ thương mại giữa hai nước tăng nhanh kể từ sau cuộc đảo chính năm 1953. Điều này được phản ánh trong nhiều chỉ số, trong đó là kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước. Vào năm 1963, Iran nhập khẩu lượng hàng hóa trị giá 103,7 triệu USD từ Mỹ (trong khi đó Mỹ chỉ nhập khẩu từ quốc gia Trung Đông này 40,4 triệu USD). Bước sang thập niên 1970, hợp tác kinh tế với Iran được đẩy mạnh7. Năm 1978 được coi là đỉnh cao trong quan hệ hợp tác kinh tế giữa Mỹ và Iran.

7 Tháng 3/1975. Mỹ và Iran chính thức ký kết hiệp định kinh tế. Với bản hiệp định này, Mỹ khẳng định quan điểm luôn coi Iran là một trong những đồng minh quan trọng nhất ở Trung Đông, cả về kinh tế. Theo những cam kết của bản hiệp định, Iran sẽ dành ra 15 tỷ để nhập khẩu các hàng hóa từ Mỹ trong đó 5 tỷ được dùng trong thương mại thông

Đầu tư kinh tế của Mỹ vào Iran đạt 682 triệu USD, số lượng công dân Mỹ làm việc ở Iran đạt 50.000 người, lượng hàng hóa Mỹ xuất sang Iran (không bao gồm hàng hóa quân sự) đạt 12,7 tỷ USD, đưa Mỹ trở thành nhà cung cấp hàng hóa lớn thứ hai tại thị trường Iran [194; tr.75]. Dầu mỏ được coi ngành kinh tế quan trọng nhất trong chiến lược hợp tác, đầu tư của Mỹ ở Iran. Cùng với Nhật Bản, Mỹ là một trong những bạn hàng lớn nhất của Iran trong xuất khẩu dầu mỏ. 15% lượng dầu nhập khẩu của Mỹ đến từ Iran [194; tr.75]8. Như vậy, có thể nói, trong giai đoạn Mỹ - Iran là đồng minh, Mỹ là đối tác thương mại hàng đầu của Iran. Tuy nhiên, cần phải khẳng định rằng, chính sách kinh tế của Mỹ đối với Iran, đặc biệt là viện trợ kinh tế chủ yếu phục vụ cho các mục tiêu chính trị của Mỹ. Viện trợ kinh tế khiến chính quyền Nhà vua Iran ngày càng lệ thuộc nhiều hơn vào Mỹ. So với nhiều quốc gia Arab tại khu vực Trung Đông, Iran có đường lối thân Mỹ rõ ràng nhất và thường xuyên đứng về phía Mỹ mỗi khi Trung Đông dậy sóng.

Liên quan đến chương trình phát triển hạt nhân của Iran, bắt đầu từ cuối thập niên 50, khi Iran còn là đồng minh chiến lược của Mỹ ở khu vực Trung Đông, quốc gia này đã khởi động việc nghiên cứu, phát triển công nghệ hạt nhân và nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ phía Mỹ. Trong giai đoạn từ năm 1953-1979, với tư cách là một đồng minh, Mỹ tích cực ủng hộ chương trình nghiên cứu hạt nhân vì “mục đích hòa bình” của Iran, thậm chí Mỹ còn cung cấp các trang thiết bị, chuyển giao công nghệ nghiên cứu hạt nhân cho Iran.

Năm 1957, Mỹ và Iran đã ký một thỏa thuận quan trọng, đặt nền móng cho sự hợp tác giữa hai quốc gia trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển hạt nhân. Ngay sau bản thỏa thuận, Mỹ đã cung cấp cho Iran lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ 5 - megawatt. Năm 1967, lò phản ứng này được đưa vào hoạt động trong Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân Tehran (The Tehran Nuclear Reserch Center) [73; tr.100]. Không những vậy, 93% uranium đã được làm giàu sử dụng trong lò phản ứng này là do Mỹ cung cấp. Ngày 13/3/1969, Nhà Trắng gia hạn Hiệp định hợp tác liên quan đến Sử dụng dân sự năng lượng nguyên tử (the Agreement for Cooperation concerning Civil Uses of Atomic Energy of 1957) thêm 10 năm nữa, đồng thời đẩy mạnh việc hỗ trợ cho chính quyền của Nhà vua Iran cả về cơ sở lý thuyết, nguyên liệu và các thiết bị được sử dụng trong nghiên cứu và phát triển hạt nhân.

Bước sang đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, Mỹ là quốc gia ủng hộ mạnh mẽ

thường, 5 tỷ dành cho việc mua sắm vũ khí và các dịch vụ liên quan và phần còn lại được dùng trong các dự án phát triển Iran, trong đó có chương trình hạt nhân [194; tr.75]. Đổi lại, Iran sẽ được phép tăng lượng dầu thô và các chế phẩm xuất khẩu sang Mỹ, khoảng 40 tỷ USD trong 5 năm từ năm 1975 – 1980 (riêng dầu thô khoảng 14 tỷ USD) [138; tr.6]. Hiệp định hợp tác đã ngay lập tức phát huy hiệu quả, đầu tư của Mỹ vào Iran đạt 1,2 tỷ USD vào năm 1975.

8 Bên cạnh nhập khẩu dầu mỏ, chính quyền Mỹ cũng khuyến khích các công ty Mỹ đầu tư vào ngành dầu mỏ của Iran. Hai mươi tư công ty Mỹ là đối tác của Công ty Dầu mỏ Quốc gia Iran (National Iranian Oil Company - NIOC) tại 11 các mỏ dầu nhượng quyền và 11 công ty Mỹ chiếm giữ 40% cổ phần tại các mỏ dầu quốc tế ở Iran. Ước tính, hoạt động đầu tư của các công ty Mỹ vào ngành dầu mỏ Iran đạt 900 triệu USD vào giữa thập niên 70 của thế kỷ trước [194; tr.75]. Tư bản Mỹ kiếm được những khoản lợi nhuận kếch xù từ việc đầu tư vào ngành dầu mỏ của Iran.

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Lịch sử thế giới: Chính sách của Mỹ đối với Iran từ năm 1979 đến năm 2016 (Trang 41 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(221 trang)