Tác động đối với khu vực Trung Đông và thế giới

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Lịch sử thế giới: Chính sách của Mỹ đối với Iran từ năm 1979 đến năm 2016 (Trang 153 - 159)

CHƯƠNG 4: NHẬN XÉT VỀ VIỆC TRIỂN KHAI CHÍNH SÁCH CỦA MỸ ĐỐI VỚI IRAN

4.2. Đánh giá tác động của chính sách của Mỹ đối với Iran tới các bên liên quan

4.2.3. Tác động đối với khu vực Trung Đông và thế giới

Chính sách của Mỹ với Iran sau năm 1979, đặc biệt là chính sách cấm vận đã tác động mạnh đến tình hình sản xuất dầu mỏ nói chung và sự phát triển chung của kinh tế khu vực Trung Đông. Dưới tác động của các đạo luật cấm nhập khẩu dầu mỏ của Mỹ, Iran buộc phải tìm cách bán dầu và khí đốt với giá thấp hơn cho các đối tác khác như Nhật Bản, Trung Quốc, các quốc gia châu Âu… Điều này đã tạo ra một cuộc cạnh tranh giá cả đối với các nước khai thác dầu ở Trung Đông, gây nguy cơ tiềm ẩn làm cho giá dầu trở nên bất ổn khó lường. Không những thế, để bù đắp những thiệt hại do việc giảm giá dầu, Iran tìm mọi cách tăng sản lượng dầu khai thác. Áp lực tăng sản lượng lan sang nhiều quốc gia khác trong khu vực, Saudi Arabia trong nhiều thập niên gần đây cũng liên tục tăng sản lượng khai thác. Xu hướng này đe dọa đến sự phát triển bền vững của ngành kinh tế quan trọng nhất ở Trung Đông. Thực tế đã chứng minh, với mỗi biến động ở Iran, mỗi lần đạo luật cấm vận mới của Mỹ được thông qua lại tác động mạnh đến thị trường dầu mỏ Trung Đông nói riêng và toàn thế giới nói chung. Cuộc cách mạng Islam năm 1979 và một loạt các lệnh cấm vận Iran sau đó đã đẩy giá dầu lên cao ngất ngưởng, tạo ra cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ đối với kinh tế Mỹ sau đó lan sang các quốc gia châu Âu trong suốt mười năm sau đó. Suy thoái kinh tế ở Mỹ và phương Tây trong suốt thập niên 80 đã làm cho nhu cầu dầu mỏ giảm mạnh. Giá dầu mỏ vì thế xuống dốc nhanh. Điều đó đã tác động trực tiếp đến nhiều quốc gia Trung Đông – nơi công nghiệp dầu mỏ được coi là xương sống của nền kinh tế.

Chính sách của Mỹ đối với Iran cũng tác động mạnh mẽ tới tình hình chính trị ở khu vực Trung Đông. Việc Mỹ đứng sau hậu thuẫn cho Saudi Arabia và Israel chống lại

Iran đã khoét sâu thêm những mâu thuẫn chính trị nội bộ ở khu vực này. Chẳng hạn với trường hợp của Saudi Arabia, mối quan hệ với Iran trước năm 1979 có những thời điểm đi xuống nhưng chưa đến mức căng thẳng. Tuy nhiên, sau khi chính quyền mới được thiết lập ở Tehran, lo sợ về một làn sóng cách mạng của người Shi’ite có thể trỗi dậy, đe dọa đến địa vị thống trị của người Sunni, những người đứng đầu Saudi Arabia thực hiện một đường lối cứng rắn với Iran, hỗ trợ cho lực lượng Sunni chống lại các nhóm Shi’ite do Iran hậu thuẫn. Tình hình mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo ở Trung Đông vốn đã phức tạp, nay càng rối ren hơn. Saudi Arabia chính là quốc gia đã hậu thuẫn cho Iraq trong cuộc chiến tranh Iran – Iraq (1980 - 1988). Rất nhiều vũ khí của Mỹ được chuyển đến Iraq thông qua Saudi Arabia. Trong nhiều cuộc đụng độ trực tiếp với Iran, chẳng hạn gần đây nhất là cuộc nội chiến ở Yemen, Saudi Arabia đã dẫn đầu liên quân các nước Arab tiến hành cuộc không kích nhằm tiêu diệt lực lượng nổi dậy Houthi (được Iran hậu thuẫn). Dĩ nhiên, các cuộc không kích của Saudi Arabia nhận được sự đồng thuận từ Nhà Trắng.

Mỹ đã không có bất cứ phản ứng nào mặc cho nhiều cuộc không kích của Saudi Arabia đã nhắm vào các mục tiêu dân thường, trường học, công sở… tạo ra một thảm họa nhân đạo chưa từng có ở Yemen.

Một hệ quả gián tiếp khác từ các chính sách của Mỹ đối với Iran là sự đình trệ, chậm chạp của tiến trình hòa bình Trung Đông. Cuộc chiến không có hồi kết giữa những người Israel và phần còn lại của Trung Đông – các quốc gia Arab không phải là điều mà Mỹ mong muốn. Bảo vệ cho sự tồn tại của Israel là một trong những mục tiêu chiến lược của Mỹ ở khu vực Trung Đông. Do đó, Mỹ và các đồng minh châu Âu đã ủng hộ cho quá trình hòa giải giữa Israel và các quốc gia Arab khác, trọng tâm là Palestine. Tuy nhiên, những chính sách cứng rắn mà Mỹ nhằm vào Iran sau năm 1979 vô tình đã tạo ra rào cản đáng kể cho tiến trình hòa bình này. Sự bao vây, cô lập của Mỹ và đồng minh buộc Iran phải tìm cách củng cố và ảnh hưởng ở Trung Đông, đặc biệt là trong cộng đồng người Shi’ite. Để làm được điều này Iran đã ủng hộ cho nhiều nhóm quân sự người Shi’ite trong đó là các nhóm có xu hướng chống Israel mạnh mẽ như: Hezbollah (Lebanon), Hamas (Palestine). Với sự hậu thuẫn của Tehran cả về nhân lực, vật lực và tài chính đã giúp cho các tổ chức vũ trang Shi’ite trên phát triển không ngừng và cũng tấn công không ngừng vào Israel. Trong khi đó, Israel, với sự hỗ trợ của Mỹ cũng không ngừng mở rộng và lấn chiếm trái phép đất đai của những người Palestine bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, trong đó có vũ lực. Sẽ không có bất cứ thỏa thuận hay hiệp ước hòa bình nào được ký kết khi bom đạn, tên lửa vẫn liên tục được bắn ra từ cả hai phía. Do vậy, với vấn đề tiến trình hòa bình ở Trung Đông, ngoài vấn đề giữa hai bên liên quan trực tiếp là Palestine – Israel, cần phải giải quyết những vấn đề có liên quan gián tiếp trong đó có mối quan hệ Mỹ - Iran cũng như chính sách của hai quốc gia này đối với khu vực Trung Đông.

Đối với an ninh và hòa bình trong khu vực, những chính sách cứng rắn của Washington với Tehran cũng đang gián tiếp tăng thêm những rủi ro và thách thức.

Chính sách thù địch của Mỹ với Iran trong suốt thập niên 80 cùng với sự can thiệp sâu của nước này vào tình hình chính trị ở Trung Đông đã góp phần làm nảy sinh ra chủ nghĩa khủng bố. Khủng bố không những là nguy cơ đe dọa tới hòa bình và an ninh của Phương Tây mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người Trung Đông. Nhiều tổ chức khủng bố lớn, thu hút được nhiều tín đồ cực đoan, phá hoại an ninh và hòa bình khu vực như Al - Qaeda, tổ chức Nhà nước Islam tự xưng IS ra đời. Chúng đã tàn sát nhiều người dân vô tội, phá hoại sự phát triển kinh tế cũng như những di sản văn hóa quí giá trong khu vực. Hình ảnh những xác chết nằm trên phố có thể là những hình ảnh lạ lẫm ở Paris, New York hay London, nhưng nó lại đang diễn ra hàng ngày hàng giờ tại Beirut, Baghdad, Aleppo… và nhiều nơi khác thuộc Trung Đông. Khủng bố và bom đạn luôn lơ lửng trên đầu những thường dân vô tội ở khu vực này. Chính tình trạng bất ổn do khủng bố, chiến tranh gây ra đã làm cho nhiều người dân Trung Đông phải rời bỏ nhà cửa, quê hương của họ. Điển hình là trong những năm 2014 - 1015, chưa bao giờ làn sóng tị nạn từ Trung Đông sang châu Âu nhằm thoát khỏi chiến tranh, thoát khỏi khủng bố lại rầm rộ đến thế. Rõ ràng, vấn đề khủng bố ở Trung Đông đã ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Cuộc chiến chống lại khủng bố vẫn chưa có hồi kết, nó cần sự đoàn kết và nỗ lực của cộng đồng quốc tế, và quan trọng hơn cả là chính quyền Mỹ cần có những thay đổi về mặt chiến lược trong chính sách ngoại giao nhằm cải thiện hình ảnh của Mỹ trong khu vực.

Ngoài ra, việc chính quyền Mỹ duy trì chính sách ủng hộ một quốc gia thứ ba chống lại Iran cũng tạo ra những nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến một cuộc chiến tranh quy mô khu vực. Trong cuộc chiến tranh Iran – Iraq (1980 - 1988), Mỹ hậu thuẫn cho Iraq. Mỹ chủ trương khoét sâu mâu thuẫn giữa hai nước này, góp phần tạo ra cuộc chiến tranh kéo dài suốt 8 năm và gây nhiều thiệt hại cho nhân dân Iran, Iraq cũng như hòa bình khu vực Trung Đông. Iraq dùng chính những vũ khí được Mỹ, các nước phương Tây và Saudi Arabia cung cấp để bắn hạ các tàu chở dầu quốc tế đi qua khu vực vùng Vịnh, gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế và an ninh cho khu vực trong suốt thời gian diễn ra “tanker war”… Cuộc chiến giữa Iran – Iraq chỉ là một ví dụ trong số nhiều cuộc xung đột có sự can thiệp của Mỹ. Vì muốn ngăn chặn, kiềm chế Iran, Mỹ đã sử dụng các quốc gia thứ ba ở Trung Đông như một công cụ đắc lực. Điều này góp phần làm sâu sắc thêm những mâu thuẫn trong một khu vực vốn đã có nhiều bất ổn liên quan đến sắc tộc, tôn giáo, chủ quyền như Trung Đông. Hệ quả là khu vực này luôn nằm trong tình trạng căng thẳng, tiềm ẩn xung đột. Các cuộc chiến tranh ủy nhiệm cũng vì thế bùng phát nhiều nhất ở Trung Đông. Cuộc chiến tranh ở Syria (2011 - nay), cuộc chiến ở Yemen (2015 - nay) là một trong những minh chứng như thế.

4.2.3.2 Đối với quốc tế và Việt Nam

Những tác động của các chính sách đối ngoại của Mỹ với Iran không chỉ gói gọn ở trong biên giới Iran hay ảnh hưởng tới khu vực Trung Đông mà còn lan sang các quốc gia và khu vực khác trên thế giới.

Các quốc gia châu Âu – đồng minh lâu năm của Mỹ cũng chịu ảnh hưởng gián tiếp từ cuộc đối đầu Mỹ - Iran. Châu Âu ở thế kẹt giữa Washington và Tehran. Mỹ là đối tác kinh tế lớn và là đồng minh quan trọng bậc nhất đối với châu Âu. Việc duy trì quan hệ đồng minh với Mỹ luôn được coi là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của châu Âu. Tuy nhiên, châu Âu cũng có những lợi ích sống còn trong mối quan hệ với Iran. Rõ ràng, trong cả hai mối quan hệ với Mỹ và Iran, EU đều có những lợi ích quan trọng và không thể bỏ rơi bất cứ bên nào. Nhưng vấn đề ở đây là Mỹ luôn thúc ép châu Âu đồng thuận với những chính sách cứng rắn với Tehran, đặc biệt là các lệnh trừng phạt kinh tế. Điều này đã gián tiếp gây ra những tổn hại kinh tế cho các quốc gia châu Âu. Nếu nguồn cung dầu từ Iran bị gián đoạn trong khi mối quan hệ giữa châu Âu và một nguồn cung dầu lớn khác – Nga, cũng luôn trong tình trạng không ổn định, châu Âu có khả năng phải đối mặt với cuộc khủng hoảng an ninh năng lượng tồi tệ. Năm 1979, ngay sau cuộc cách mạng Islam ở Iran bùng nổ và thành công, giá dầu mỏ thế giới đã tăng mạnh tạo ra cuộc khủng hoảng và suy thoái kinh tế kéo dài hơn 10 năm ở Mỹ. Cuộc khủng hoảng nhanh chóng lan ra châu Âu và tạo ra một bức tranh kinh tế ảm đạm cho các quốc gia châu Âu trong suốt thập niên 80. Rõ ràng, Iran có một vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế của châu Âu. Trong khi đó, sức ép từ Washington luôn khiến châu Âu phải gồng lên lựa chọn. Giải pháp duy nhất cho châu Âu là làm trung gian hòa giải trong cuộc đối đầu Mỹ - Iran. Đức từng đóng vai trò trung gian tích cực nhất trong suốt cuộc khủng hoảng con tin năm 1979. Những nỗ lực của Đức và nhóm thương thuyết người Mỹ cùng cộng đồng quốc tế đã dẫn đến việc Iran chấp thuận trao trả tự do cho các công dân Mỹ. Gần đây nhất, châu Âu cũng giữ vai trò bắc cầu cho cuộc đối thoại lịch sử giữa Mỹ và Iran liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran. Kết quả là bản thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh, Đức) đã ra đời. Tuy số phận của Thỏa thuận hạt nhân này còn là dấu chấm hỏi sau khi Trump tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận nhưng không thể phủ nhận đây là một trong những thành công của ngoại giao châu Âu trong việc cân bằng mối quan hệ giữa một bên là Mỹ và bên kia là Iran. Rõ ràng, chính sách của Mỹ với Iran có những tác động trực tiếp tới châu Âu cả về kinh tế, chính trị, an ninh thậm chí cả sự lựa chọn chính sách của những người đứng đầu các quốc gia châu Âu và EU.

Châu Âu buộc phải tìm cách thích nghi mỗi khi mối quan hệ giữa Mỹ và Iran biến động nhằm bảo vệ những lợi ích cốt lõi của mình.

Đối với các quốc gia, khu vực khác trên thế giới, những diễn biến trong mối quan hệ Mỹ - Iran cũng có những tác động đáng kể. Ảnh hưởng lớn nhất và có thể dễ dàng nhận biết nhất là trong kinh tế, đặc biệt là giá dầu thế giới. Mỗi lần quan hệ Mỹ - Iran dậy sóng, thị trường dầu mỏ thế giới lại trải qua những cơn biến động mạnh. Sự lên xuống của giá dầu sẽ tác động đến nền kinh tế toàn cầu cũng như đến từng quốc gia khu vực, trong đó có Việt Nam. Ngoài ra, thị trường chứng khoán và giá vàng cũng chịu tác động đáng kể từ những diễn biến liên quan đến mối quan hệ Mỹ - Iran. Điều này khẳng

định những thay đổi trong chính sách của Mỹ với Iran đã tác động trực tiếp đến nền kinh tế toàn cầu, không một quốc gia nào có thể nằm ngoài những biến động này trong bối cảnh toàn cầu hóa đang chi phối mạnh mẽ đến nền kinh tế của mọi quốc gia và khu vực trên thế giới.

Ngoài khía cạnh kinh tế, chính sách của Nhà Trắng với Iran cũng đang tạo ra những thách thức đáng kể đối với an ninh và hòa bình của toàn thế giới. Cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Iran nhiều lần đã đẩy Mỹ - Iran đến sát bờ vực của chiến tranh. Nhiều nhà phân tích cho rằng, trong trường hợp mối quan hệ của Mỹ và Iran xuống đáy, khả năng nổ ra một cuộc chiến tranh quy mô khu vực, thậm chí là chiến tranh thế giới thứ ba có thể xảy ra (dù rất nhỏ). Khi đó, nhân loại sẽ đứng trước một thảm kịch lớn bởi chiến tranh sẽ có tính hủy diệt cao hơn nhiều với sự xuất hiện của vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa học… Ngay cả với những quốc gia trung lập như Việt Nam cũng không thể đứng ngoài khi một cuộc chiến tranh hạt nhân nổ ra.

Đối với Việt Nam, chính sách giữa Mỹ đối với Iran và những biến động trong mối quan hệ giữa hai nước này cũng có tác động nhất định, chủ yếu là các tác động gián tiếp.

Thứ nhất, chính sách của Mỹ với Iran và mối quan hệ giữa căng thẳng giữa hai quốc gia này trong bốn thập kỷ vừa qua tạo ra những áp lực nhất định đối với Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực ngoại giao.

Đối với Việt Nam, cả Mỹ và Iran đều là những đối tác quan trọng. Sau năm 1995, khi Mỹ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ, hợp tác giữa hai nước ngày càng được đẩy mạnh và đạt được nhiều thành tựu rực rỡ. Kinh tế có thể coi là một trong những điểm sáng nhất trong quan hệ hai nước. Nếu năm 1995 (năm Việt Nam- Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ), kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước mới dừng ở mức 450 triệu USD, thì đến năm 2018 thương mại Việt- Mỹ đã được nâng lên hơn 60 tỷ USD, gấp 133 lần so với 23 năm trước. Tính chung về quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu, Hoa Kỳ đứng vị trí thứ 3 trong hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ có quan hệ ngoại thương với Việt Nam (sau Trung Quốc và Hàn Quốc) [304]. Trong khi đó Iran cũng có mối quan hệ rất tốt với Việt Nam. Quan hệ ngoại giao Việt Nam - Iran được củng cố và phát triển, thể hiện qua nhiều chuyến thăm cấp cao: Chủ tịch nước Lê Đức Anh (tháng 5/1994) và Chủ tịch Trần Đức Lương (tháng 10/2002), Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh (tháng 7/1999) tới Iran; Tổng thống Iran A. H. Rafsanjani tới thăm Việt Nam tháng 10/1995... Trong lĩnh vực kinh tế và thương mại, Việt Nam và Iran đã thành lập Ủy ban liên chính phủ về kinh tế thương mại năm 1994. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng từ 30 triệu USD năm 2003 lên 80 triệu USD năm 2007 [281]. Hiện nay, con số này đã tăng lên khoảng 100 triệu USD mỗi năm. Trong chuyến công du sang Iran (2016), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã trao đổi và cam kết sẽ thúc đẩy kim ngạch thương mại lên 2 tỷ USD trong 5 năm tiếp theo [282].

Rõ ràng cả Mỹ và Iran đều là những đối tác quan trọng của Việt Nam. Trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ - Iran thường xuyên biến đổi phức tạp, Việt Nam cần lựa chọn cách hành xử thích hợp đối với cả Mỹ và Iran để tránh thế bị mắc kẹt ở giữa đồng thời tranh thủ những cơ hội phát triển trong quá trình cạnh tranh và hợp tác giữa các nước lớn. Độc lập tự chủ về ngoại giao, không nghiêng về bất cứ bên nào trong các đối đầu, tranh chấp quốc tế tiếp tục sẽ là tôn chỉ trong đối ngoại của Việt Nam thời kỳ hội nhập.

Có như vậy, Việt Nam mới có thể tận dụng được lợi ích từ các mối quan hệ với các nước lớn trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ hai, chính sách của Mỹ đối với Iran cũng tạo ra tác động đáng kể đến kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, Việt Nam cũng đang tham gia mạnh mẽ vào hệ thống kinh tế - chính trị quốc tế. Mỗi một biến động trên thế giới đều có khả năng tác động đến Việt Nam ở những mức độ khác nhau.

Chẳng hạn, chính sách của Mỹ với Iran tác động trực tiếp đến thị trường dầu mỏ quốc tế, trong đó có Việt Nam. Việt Nam là quốc gia xuất khẩu dầu thô. Trong những năm 1990, giá trị từ hoạt động xuất khẩu dầu thô đóng góp 15 – 20% GPD của cả nước.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng lại là quốc gia phụ thuộc khá nhiều vào việc nhập khẩu các chế phẩm từ dầu mỏ (xăng, dầu cùng các sản phẩm khác chiết xuất từ dầu mỏ…) trong bối cảnh công nghiệp chế xuất dầu ở Việt Nam chưa thật sự phát triển. Do đó, khi chính sách của Mỹ với Iran có những thay đổi, tác động trực tiếp đến thị trường dầu mỏ thế giới, Việt Nam cũng sẽ chịu những ảnh hưởng nhất định. Chẳng hạn trong năm 2018, thị trường dầu mỏ thế giới đã có những phản ứng tức thì trước sự thay đổi chính sách của chính quyền Mỹ đối với Iran, đặc biệt là lệnh cấm vận dầu mỏ Iran. Giá dầu không ổn định và biến động theo mỗi một quyết định của Tổng thống Donald Trump. Sự lên xuống của giá dầu trong năm 2018 đã tác động mạnh đến kinh tế Việt Nam. Chính phủ đã nhiều lần điều chỉnh giá xăng dầu, trong đó 6 lần tăng giá xăng, 3 lần giảm. Về số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Bộ Tài chính Việt Nam cho biết, đến cuối quý III, số dư quỹ này còn 3.039 tỷ đồng. So với cuối năm 2017, số dư quỹ giảm 2.066 tỷ, tương đương giảm khoảng 40% [300]. Rõ ràng, nền kinh tế Việt Nam, cụ thể là ngành dầu mỏ bị tác động một cách gián tiếp từ những thay đổi trong chính sách của Mỹ đối với Iran. Việt Nam cần thay đổi chiến lược lâu dài phát triển ngành dầu khí, trong đó chú trọng khâu chế biến thành phẩm tại chỗ, giảm sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu các chế phẩm dầu từ nước ngoài. Có như vậy, mỗi khi giá dầu dậy sóng, chúng ta mới có thể nắm bắt được cơ hội phát triển.

Bên cạnh đó, chính sách của Mỹ với Iran và những diễn biến căng thẳng giữa hai nước còn tác động đến một số ngành kinh tế quan trọng khác của Việt Nam, trong đó có hàng không. Hoạt động vận tải bằng đường hàng không từ Việt Nam sang các nước châu Âu, được thực hiện qua không phận Trung Đông. Do đó, những diễn biến ở khu vực này ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động vận chuyển hàng không của Việt Nam, trong đó có tuyến bay Việt Nam đi tới các quốc gia châu Âu và ngược lại. Thực tế, các

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Lịch sử thế giới: Chính sách của Mỹ đối với Iran từ năm 1979 đến năm 2016 (Trang 153 - 159)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(221 trang)