CHƯƠNG 2: CÁC YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN CHÍNH SÁCH CỦA MỸ ĐỐI VỚI IRAN TỪ NĂM 1979 ĐẾN NĂM 2016
2.3. Các yếu tố quốc tế
2.3.1. Bối cảnh quốc tế và khu vực
Trước năm 1991, khi Chiến tranh Lạnh vẫn bao trùm lên quan hệ quốc tế, chính sách của Mỹ đối với Iran chịu sự chi phối mạnh mẽ bởi cuộc cạnh tranh Xô – Mỹ, bởi những căng thẳng giữa hai khối Đông – Tây. Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã đảo ngược chính sách “giảm thiểu căng thẳng để chung sống hòa bình” của người tiền nhiệm Jimmy Carter (détente policy), leo thang chiến tranh Lạnh với Liên Xô. Ông đã đề ra học thuyết mang tên mình, trong đó nêu cao sứ mệnh chống lại chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới của nước Mỹ. Reagan đã phát động cuộc chiến trên mặt trận tư tưởng nhằm đoàn kết phương Tây chống lại Liên Xô. Trong một bài diễn văn nổi tiếng ngày 8 tháng 6 năm 1982 trước Nghị viện Vương quốc Anh trong phòng triển lãm hoàng gia tại cung điện Westminster, Reagan nói, “bước chân tiến tới của tự do và dân chủ sẽ bỏ chủ nghĩa Marx – Lenin trên đống tro tàn của lịch sử” [214].
Ông dự đoán chủ nghĩa cộng sản diệt vong “Chủ nghĩa cộng sản là một chương khác dị thường và đáng buồn trong lịch sử nhân loại mà những trang cuối của nó thậm chí hiện nay vẫn còn đang được viết” [43; tr.278] và quy kết Liên Xô là “một đế quốc ma quỷ”
[173; tr.45]. Reagan cũng tái khởi động cuộc chạy đua vũ trang với Liên Xô. Ở quy mô toàn cầu, chính quyền Reagan hậu thuẫn cả công khai lẫn bí mật cho các phong trào du kích chống cộng sản nhằm lật đổ các chính phủ cộng sản do Liên Xô hậu thuẫn tạị châu Phi, châu Á và Mỹ La Tinh. Chẳng hạn, ở khu vực Trung Đông, Reagan đã cho phép CIA triển khai hoạt động huấn luyện, trang bị và lãnh đạo cho các chiến binh Islam giáo thuộc phong trào Mujaheddin ở Afghanistan, Pakistan chống lại sự “chiếm đóng của Liên Xô”. Sự căng thẳng trong quan hệ Xô – Mỹ đã tác động mạnh mẽ đến chính sách của Mỹ với Iran trong suốt những năm 1980. Chính quyền Mỹ nhận thấy thái độ bài xích, nghi kỵ của giới chức Iran đối với Liên Xô cũng không kém gì đối với Mỹ. Do đó, dù tình hình Iran có những biến động nghịch chiều, nhưng Mỹ vẫn muốn duy trì vai trò của Iran trong cuộc chiến chống lại Liên Xô và chủ nghĩa Cộng sản ở khu vực Trung Đông.
Tuy nhiên, sau sự sụp đổ của Liên Xô (1991) cùng hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, tình hình quốc tế có những biến đổi quan trọng, tác động mạnh mẽ tới sự lựa chọn chính sách của người Mỹ đối với Iran.
Trước hết là những thay đổi to lớn trong trật tự thế giới, Liên Xô tan rã kéo theo sự sụp đổ của trật tự hai cực Ianta. Lúc này, trên thế giới chỉ còn một siêu cường duy nhất là Mỹ. Với tham vọng bá quyền, Mỹ muốn xây dựng trật tự thế giới đơn cực do Mỹ chi phối. Tổng thống Mỹ George W H Bush (cha) tuyên bố về một trật tự thế giới mới: “đó là một ý tưởng lớn, một trật tự thế giới nơi mà các quốc gia khác nhau sẽ được kết nối
bằng những động lực chung để giành được những ước nguyện phổ quát của loài người:
hòa bình, an ninh, tự do và thượng tôn pháp luật”. Trong trật tự mới đó, Mỹ sẽ là quốc gia lãnh đạo, “dẫn đầu thế giới trong cuộc đối mặt với các mối đe dọa đến những điều tốt đẹp và nhân đạo” [48; tr.1]. Để hiện thực hóa tham vọng bá quyền, Mỹ đã mở rộng can thiệp và “dính líu” trên phạm vi khắp thế giới. Trong đó, Trung Đông được coi là một trong những tâm điểm trong chiến lược toàn cầu của Mỹ bởi vị trí địa chính trị của nó.
Mỹ đã tìm cách lấp khoảng trống quyền lực mà Liên Xô đã để lại sau khi tan rã để thiết lập một trật tự khu vực mới có lợi cho Mỹ. Theo đó, Mỹ tăng cường liên minh với nhiều quốc gia trong khu vực. Đối với những quốc gia có xu hướng chống đối Mỹ như Iran hay Syria, Mỹ tìm mọi cách bao vây, cô lập các quốc gia này nhằm buộc các quốc gia này phải thuận theo trật tự mà Mỹ muốn xây dựng ở Trung Đông. Tuy nhiên, giấc mơ bá quyền của người Mỹ không hề dễ dàng khi những cường quốc khác trên thế giới cũng đang cố gắng tìm kiếm một vị trí trong trật tự thế giới mới. EU, Trung Quốc, Nhật, Nga tăng cường xây dựng ảnh hưởng ở khu vực Trung Đông nói riêng và trên phạm vi toàn thế giới nói chung đồng thời tạo ra sự độc lập tương đối trong hành động đối với Mỹ. Dù không thể sánh với Mỹ, nhưng sự hiện diện trên bản đồ chính trị thế giới của các cường quốc này đáng được ghi nhận. Cục diện “nhất siêu đa cường” dần hình thành. Điều này đã tác động trực tiếp tới chính sách của Mỹ ở khu vực Trung Đông, trong đó có Iran. Mỹ vẫn là quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất ở khu vực Trung Đông. Tuy nhiên, Mỹ cũng cần tính đến quan điểm và vai trò của các cường quốc khác trong nhiều vấn đề khu vực, trong đó có các vấn đề liên quan đến Iran.
Sự chấm dứt của Chiến tranh lạnh còn mở ra những thay đổi quan trọng trong quan hệ quốc tế. Xu hướng đối đầu căng thẳng dần nhường chỗ cho xu hướng đối thoại, hợp tác cùng phát triển. Mọi mối quan hệ quốc tế đều chịu sự chi phối của xu hướng mới này. Quan hệ Mỹ - Iran cũng như chính sách của Mỹ đối với Iran cũng không phải là ngoại lệ.
Một chuyển biến quan trọng khác trong tình hình quốc tế trong những thập niên gần đây là toàn cầu hóa. Dưới tác động của toàn cầu hóa, các quốc gia ngày càng trở nên phụ thuộc lẫn nhau cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, an ninh - quân sự. Không một quốc gia nào có thể tồn tại độc lập mà không có bất cứ mối liên kết nào với các quốc gia khác. Dưới tác động của toàn cầu hóa, tồn tại nhiều vấn đề chính trị bị quốc tế hóa mà không quốc gia nào có thể tự mình giải quyết. Chẳng hạn như sự bất ổn của tình hình Trung Đông trong những thập niên gần đây có thể gây ảnh hưởng tới sự phát triển của kinh tế toàn cầu, đặc biệt là giá dầu mỏ. Với dẫn chứng vừa nêu, chúng ta đã thấy sự liên đới và phụ thuộc giữa các quốc gia trong nền chính trị thế giới hiện nay. Điều này đòi hỏi sự chung tay giữa các nước nhằm giải quyết các vấn đề mang tính lợi ích chung. Iran là một trong những quốc gia có vị thế nổi bật trên diễn đàn chính trị ở Trung Đông. Thông qua việc hậu thuẫn cho các tổ chức vũ trang Shi’ite, Iran can dự vào nhiều cuộc xung đột ở Trung Đông, vươn lên trở thành một trong những cực mạnh
trong khu vực. Do đó, khi giải quyết các vấn đề ở khu vực Trung Đông, Mỹ không thể gạt bỏ hoàn toàn vai trò của Iran. Bằng chứng rõ nét nhất là gần đây, Mỹ phải công nhận vai trò của Iran trong tiến trình hòa bình ở Syria. Do đó, bên cạnh việc ngăn chặn Iran, Mỹ cũng cần sự hợp tác của Iran nhằm giải quyết những xung đột, vấn đề tồn tại ở khu vực này.
Và cuối cùng, không thể không nhắc đến sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ. Các phát minh mới trong cải tiến công nghệ sản xuất đã làm cho năng suất lao động tăng nhanh. Bên cạnh đó, những tiến bộ vượt bậc trong giao thông vận tải, trong công nghệ thông tin đã “xóa nhòa” khoảng cách địa lí giữa các quốc gia. Đồng thời cũng tạo ra những thách thức trong việc bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ đối với mỗi quốc gia trên thế giới. Trong lĩnh vực quân sự, các thế hệ vũ khí mới liên tục ra đời. Ngày càng nhiều quốc gia tiếp cận gần hơn với công nghệ sản xuất vũ khí hạt nhân. Trung Quốc, Iran… là những ví dụ tiêu biểu cho sự vươn lên mạnh mẽ của các nước “thế giới thứ ba” trong việc phát triển các loại vũ khí chiến lược, trong đó bao gồm vũ khí hạt nhân. Thực tế, trong mối quan hệ với Iran, chương trình hạt nhân và chương trình tên lửa của quốc gia này là một trong những động lực chủ yếu khiến chính quyền Mỹ lựa chọn một chính sách cứng rắn nhằm bảo vệ những lợi ích quan trọng của Mỹ trong khu vực cũng như vị thế siêu cường số một thế giới của mình.
2.3.1.2. Tình hình khu vực Trung Đông
Trong những thập niên gần đây, Trung Đông trở thành tâm điểm của thế giới bởi xung đột tôn giáo - sắc tộc, dầu mỏ và sự phát triển của chủ nghĩa khủng bố.
Trước hết, tình hình Trung Đông hiện nay chịu sự chi phối của các mối quan hệ cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc khu vực như: Iran - Saudi Arabia, Iran - Israel, Israel - Saudi Arabia... nhằm tranh giành ảnh hưởng và lợi ích. Các mối quan hệ cạnh tranh đó đã biến Trung Đông trở thành một thùng thuốc súng khổng lồ có thể bùng lên ngọn lửa chiến tranh bất cứ lúc nào.
Với trường hợp Iran - Saudi Arabia, mâu thuẫn giữa Iran và Saudi Arabia tồn tại từ lâu trong lịch sử. Mâu thuẫn này thực chất là sự cạnh tranh quyền lãnh đạo thế giới Islam ở Trung Đông khi Iran được cho là đại diện của dòng Shi’ite và Saudi Arabia được cho là đại diện của dòng Sunni. Mâu thuẫn giữa hai dòng Sunni và Shi’ite đã bắt đầu xuất hiện từ thế kỷ VII TCN. Sau khi người sáng lập ra tôn giáo này là nhà Tiên tri Mohammed qua đời (632 SCN), tranh cãi trong việc lựa chọn người kế vị đã chia Islam giáo ra làm hai giáo phái chính là: Sunni và Shi’ite. So với những người Shi’ite, người Sunni có truyền thống bám trụ quyền lực vì Caliph thường là người đứng đầu về phương diện chính trị của đế chế Islam đồng thời là lãnh tụ tôn giáo của đế chế này.
Sự bảo trợ của đế chế đã giúp cho dòng Sunni trở thành dòng thống trị ở nhiều quốc gia Trung Đông như Saudi Arabia, Oman, Kuwait, Qatar... “Hiện nay, có khoảng 87 - 90% người Hồi giáo trên thế giới theo dòng Sunni” [96; tr.2]. Còn với những người thuộc dòng Shi’ite, họ đã nhanh chóng tụ lại và trở thành đa số ở các nước
như Iraq, Iran, Bahrain. Họ cũng tạo thành những cộng đồng thiểu số quan trọng ở Saudi Arabia, Lebanon và Pakistan. Người Shi’ite đông hơn người Sunni ở những khu vực sản xuất dầu lửa chủ yếu ở Trung Đông, không chỉ ở Iran, Iraq mà còn ở cả Đông Saudi Arabia. Giới cầm quyền Sunni duy trì sự độc quyền về quyền lực của họ bằng cách không cho người Shi’ite tham gia quân đội và bộ máy hành chính. Trong lịch sử Islam giáo, hầu như giới cầm quyền người Sunni đã đối xử với người Shi’ite như đối với tầng lớp dưới, giới hạn họ ở các công việc lao động chân tay và không chịu chia sẻ các nguồn tài nguyên quốc gia một cách công bằng. Mâu thuẫn giữa hai dòng Sunni và Shi’ite ngày càng sâu sắc theo thời gian xuất phát từ những bất công này. Mối quan hệ cạnh tranh, đối địch giữa Iran và Saudi Arabia là minh chứng rõ nét nhất cho mâu thuẫn tôn giáo phức tạp này.
Trong giai đoạn vua Reza Pahlavi nắm quyền ở Iran, mối quan hệ giữa Iran và các quốc gia Arab tương đối hòa hoãn. Cả Iran và Saudi Arabia đều là những trụ cột quan trọng trong chính sách “trụ cột song song” của chính quyền Mỹ. Cả hai chính quyền Iran và Saudi Arabia khi đó đã bắt tay nhau để đối phó với những kẻ thù chung, đặc biệt là phong trào Arab cấp tiến trong những năm 1950, 1960.
Tuy nhiên, sau khi cuộc cách mạng Islam bùng nổ và thắng lợi ở Iran vào năm 1979, mâu thuẫn giữa Iran và khối các quốc gia Arab bùng phát trở lại. Cuộc cách mạng của những người Shi’ite ở Iran một mặt truyền cảm hứng cho mọi quốc gia Trung Đông trong việc xóa bỏ ảnh hưởng của các thế lực nước ngoài khỏi đất nước. Mặt khác, cuộc cách mạng ấy cũng tạo ra tâm lí lo sợ cho những người đứng đầu tại các quốc gia mà phái Sunni nắm quyền lực như Jordan, UAE, Kuwait, Saudi Arabia và các quốc gia vùng Vịnh khác… Họ sợ hãi khi nghĩ tới một cuộc cách mạng Shi’ite khác có thể bùng nổ ở một quốc gia Arab, lật đổ sự thống trị của những người Sunni. Thay vì hợp tác như trước, nhiều quốc gia Arab lựa chọn một chính sách cứng rắn hơn với mục tiêu ngăn chặn ảnh hưởng của Iran và dòng Shi’ite Islam ở khu vực Trung Đông. Bằng chứng là ba ngày sau khi chiến tranh Iran - Iraq nổ ra, vào ngày 19/9/1980, Saudi Arabia, Kuwait, Bahrain, Qatar và UAE đồng ý cho Iraq vay 14 tỷ USD để ủng hộ Iraq trong cuộc xâm lược Iran [187; tr.68].
Iran và Israel từng có một mối quan hệ hợp tác tốt đẹp, đặc biệt là dưới chế độ của Shah. Tuy nhiên, bắt đầu từ thập niên 1990, quan hệ giữa Israel và Iran bắt đầu có dấu hiệu đi xuống. Đặc biệt, bước sang những năm 2000, Iran vươn lên trở thành đối trọng lớn nhất của Israel sau khi chế độ Taliban ở Afghanistan và Saddam Hussein ở Iraq sụp đổ. Giới chức Israel bắt đầu coi Iran là “nguồn cơn của những xung đột trong khu vực cũng như giữ mối liên hệ với các tổ chức vũ trang chống Israel như Hamas hay Hezbollah” [164; tr.17]. Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp quốc vào ngày 27/9/2012, Thủ tướng Israel, Benyamin Netanyahu đã đặc biệt nhấn mạnh tới những thách thức mà Iran tạo ra đối với Israel nói riêng và khu vực Trung Đông nói chung, đặc biệt là chương trình hạt nhân của quốc gia này. Do đó, với Israel, Iran là
“mối đe dọa đối với toàn bộ các quốc gia phương Tây”. Từ những phát biểu của người đứng đầu nhà nước Do Thái, có thể thấy rằng, chính quyền nước này xem Iran như một quốc gia “cực đoan, đen tối và nguy hiểm” [181; tr.229]. Từ vị thế là đồng minh, Israel và Iran đã trở thành kẻ thù của nhau, cạnh tranh ảnh hưởng và lợi ích ở khu vực một cách gay gắt.
Sự phức tạp trong quan hệ quốc tế ở Trung Đông sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách của Mỹ đối với khu vực này cũng như với riêng trường hợp của Iran. Trong cuộc cạnh tranh, đối đầu giữa Saudi Arabia - Iran, Israel - Iran, Mỹ đứng trên lập trường bảo vệ lợi ích của các đồng minh và lợi ích của Mỹ. Điều này góp phần cổ súy giới cầm quyền Mỹ lựa chọn những chính sách cứng rắn đối với Iran.
Ngoài ra, còn có nhiều diễn biến khác ở Trung Đông cũng góp phần chi phối đến quá trình hoạch định chính sách của Mỹ với Iran. Trong những năm 90 của thế kỉ XX, cuộc xung đột Israel - Palestine tiếp tục diễn ra căng thẳng. Israel liên tục mở rộng các khu định cư trái phép tại các vùng lãnh thổ của Palestine, đặc biệt là dải Gaza và khu Bờ Tây sông Jordan. Đáp lại, những người thuộc tổ chức Hamas của Palestine cũng thực hiện nhiều cuộc đánh bom liều chết nhằm vào các mục tiêu dân sự của Israel, nhiều lần nguy cơ bùng nổ chiến tranh được nhắc đến. Mỹ cho rằng Iran có liên quan đến cuộc xung đột này. Iran đứng sau hậu thuẫn Hamas, tài trợ tiền và vũ khí cho tổ chức này thực hiện cuộc chiến chống lại Nhà nước Do Thái. Trong quan điểm của Mỹ, việc Iran hậu thuẫn cho lực lượng Hamas ở Palestine còn phản ánh tham vọng của Iran muốn khuếch trương ảnh hưởng của dòng Shi’ite ở Trung Đông và cạnh tranh vị thế người lãnh đạo trong thế giới Islam với những người Sunni. Những lo ngại của chính quyền Mỹ không phải là không có cơ sở khi thực tế trong lịch sử, không ít lần mưu đồ chính trị được núp bóng dưới chiến tranh tôn giáo. Hiệp ước Westphalia 1648 ở châu Âu là một ví dụ điển hình như thế khi các quốc gia châu Âu mượn ngọn cờ tôn giáo để gây chiến. Kết quả là những nước thuộc phe Tân ước (ủng hộ cho đạo Tin lành) đã chiến thắng phe Cựu ước (ủng hộ Thiên chúa giáo). Bản đồ châu Âu thay đổi mạnh mẽ sau cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm, Đức và các quốc gia thuộc phe Cựu ước khác chịu thất bại nặng nề. Các quốc gia theo phe Tân ước như Pháp, Thụy Điển nổi lên như những thế lực mới có ảnh hưởng mạnh mẽ ở châu Âu. Bài học Westphalia đã khẳng định nếu các quốc gia sử dụng tôn giáo nhằm để thực hiện các mục đích chính trị sẽ có thể tạo ra những thay đổi mang tính bước ngoặt liên quan đến cán cân sức mạnh giữa các quốc gia trong một khu vực rộng lớn. Từ thực tiễn lịch sử đó, việc Iran giương cao ngọn cờ ủng hộ cuộc đấu tranh của Hamas thực sự là một mối đe dọa không chỉ với Mỹ và Israel mà còn với các quốc gia Arab dòng Sunni ở khu vực Trung Đông.
Trong khi tiến trình hòa bình Trung Đông chưa đi đến hồi kết thì cơn địa chấn
“Mùa xuân Arab” tiếp tục làm rung chuyển khu vực Trung Đông từ sau năm 2010 đến nay. Bên cạnh những yếu tố nội tại, sự can thiệp của Mỹ và các quốc gia Phương Tây vào “mùa xuân Arab” đã khiến cho tình hình chính trị - xã hội ở khu vực Trung Đông