CHƯƠNG 2: KHÁI QUÁT VỀ NHÓM HÀN THUYÊN
2.1. Bối cảnh ra đời nhóm Hàn Thuyên
2.1.1. Bối cảnh chính trị, văn hóa xã hội
Nhóm Hàn Thuyên ra đời trong bối cảnh chính trị, văn hóa xã hội vô cùng phức tạp. Đây là thời kì đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp gay gắt.
Các chính sách đàn áp bóc lột của thực dân Pháp, phát xít Nhật đối với người dân Việt Nam và các cuộc khởi nghĩa, sự ra đời của Đảng Cộng Sản Đông Dương, sự va chạm của các luồng tư tưởng… đã tạo nên một cục diện hết sức đặc thù trong lịch sử Việt Nam, và cũng chính điều này ảnh hưởng không nhỏ đến mỗi cá nhân, tổ chức trong giai đoạn này.
2.1.1.1. Sự đàn áp bóc lột của thực dân Pháp, phát xít Nhật
Thực dân Pháp nổ tiếng súng đầu tiên xâm lược Việt Nam năm 1858, chúng tiến hành vơ vét bóc lột, biến Việt Nam thành nơi cung cấp nguyên liệu và nhân công giá rẻ, chiếm đoạt đất đai, hầm mỏ, xây dựng đồn điền, tắm các cuộc khởi nghĩa trong biển máu. Điều này đã được Nguyễn Ái Quốc sớm viết trong Bản án chế độ thực dân Pháp (1925), Sự thống trị của chủ nghĩa đế quốc Pháp ở Đông Dương (1927) và Tuyên ngôn Độc lập (1945). Trên lĩnh vực văn hóa, thực dân Pháp cấm tàng trữ lưu hành sách báo thể hiện tư tưởng cộng sản. Thực dân Pháp ra lệnh kiểm duyệt báo chí xuất bản, trong đó nổi bật nhất là kiểm duyệt Nam báo ở Trung Bắc Kỳ, các báo Tiếng nói chúng ta, Ngày mới, Đời nay, Người mới cũng từng bị khám xét, đóng cửa hàng loạt tòa soạn báo do Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương ở Sài Gòn. Chính sách này được đẩy mạnh hơn khi đại chiến thế giới lần thứ 2 nổ ra. Thực dân Pháp còn sử dụng nhiều bồi bút như Phạm Lê Bổng, Tôn Thất Bình… để tuyên truyền các khẩu hiệu có lợi cho thực dân Pháp. Bên cạnh đó, thực dân Pháp còn thi hành chính sách ngu dân, xây dựng nhiều nhà tù, sưu cao thuế nặng, khiến trong thời kì đó, 90% dân số Việt Nam mù chữ. Còn trong trường Việt - Pháp, học sinh sinh viên ngoài tiếp nhận tư tưởng văn hóa tiến bộ thì cũng bị ảnh hưởng không ít với chủ nghĩa hoài nghi, chủ nghĩa siêu hình. Điều này được Đặng Thai Mai chia sẻ trong Tuyển tập Đặng Thai Mai, tập 2, (Nxb Văn học, 1984, tr. 170-172). Không những thế, thực dân Pháp còn thi hành chính sách mị dân, tuyên truyền chính sách “Pháp Việt đề huề”, ca ngợi sự khai hóa
văn minh của chính quốc, cổ vũ cho các phong trào văn hóa có xu hướng cải lương như phong trào Âu hóa “vui vẻ trẻ trung”… nhằm đánh lạc hướng nhận thức của thanh niên trí thức về sự tàn bạo của kẻ thù xâm lược. Trong thời kì Mặt trận Dân chủ, những người theo chủ nghĩa Trotsky luôn tuyên truyền tư tưởng tả khuynh, xuyên tạc sự thật về các cuộc biểu tình và cho rằng Đảng Cộng sản đã chọn con đường cải lương.
Bối cảnh lúc bấy giờ trở nên phức tạp hơn khi phát xít Nhật vào Đông Dương, tập hợp các đảng phái thân Nhật như Đại Việt dân Chính, Đại Việt quốc xã… trong các đảng phái đó có một số trí thức văn nghệ tham gia như anh em Nhất Linh, Hoàng Đạo… Và các bồi bút cho Nhật trong Trung Bắc chủ nhật, Đông Pháp cũng ra sức tuyên truyền, ca ngợi đất nước quân đội và các chiến tích của quân Nhật, tuyên truyền cho học thuyết Đại Đông Á của Nhật. Phát xít Nhật cũng sử dụng các chính sách mị dân. Các chính sách bóc lột kinh tế, đàn áp chính trị và đầu độc về văn hóa của thực dân phát xít đã khiến cho hoạt động văn hóa văn học nghệ thuật công khai ở Việt Nam giai đoạn này gặp không ít khó khăn và thể hiện tính phức tạp của nó. Cũng chính cục diện này là một trong những nguyên nhân khiến thành viên của nhóm Hàn Thuyên và những đánh giá về hoạt động của họ cũng mang tính phức tạp.
Có thể nói, tính phức tạp của nhóm Hàn Thuyên mà người viết trình bày ở phần sau là một sản phẩm của lịch sử.
2.1.1.2. Hoạt động của Đảng Cộng sản và ảnh hưởng trên lĩnh vực văn hóa văn học
Trong thời kì này, sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, sau này đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương là một sự kiện trọng đại. Đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân được xác định. Với sự ra đời của Đảng Cộng sản Đông Dương, cách mạng Việt Nam liên tiếp dành được thắng lợi mà cao trào những năm 1930 - 1931 là phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Các
cuộc đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh vũ trang liên tục nổ ra, trừng trị cường hào ác bá tay sai, phá bỏ các luật lệ, các thứ thuế phi lí, thực hiện quyền tự do dân chủ. Phong trào cách mạng bị đế quốc Pháp đàn áp khủng bố tàn bạo. Chúng xây dựng thêm nhiều nhà tù, trại tập trung nhằm tiêu diệt phong trào cách mạng cũng như ý chí chiến đấu của các chiến sĩ cách mạng yêu nước. Từ 1936 phát triển mặt trận dân chủ, Đảng đưa ra khẩu hiệu chống phát xít và chiến tranh, đòi ấm no, tự do, dân chủ và hòa bình, tìm các hình thức tuyên truyền tập hợp quần chúng, trong đó có việc ra các tờ báo công khai, như tờ Dân chúng… Các tờ báo công khai có nhiệm vụ tuyên truyền cho đường lối chính sách của Đảng, chiến lược, sách lược của Mặt trận dân chủ Đông Dương. Bên cạnh đó còn tổ chức các hội nghị báo chí, thành lập Hội truyền bá quốc ngữ để dạy chữ Quốc ngữ. Các cuộc biểu tình thị uy lực lượng của quần chúng, biểu tình đấu tranh đòi tự do dân chủ, đòi cải thiện đời sống, tố cáo chế độ phản động của Pháp ở thuộc địa liên tiếp nổ ra, như cuộc biểu tình nhân dịp Justin Godart sang, cuộc biểu tình nhân dịp Brévier sang làm toàn quyền Đông Dương, và các cuộc biểu tình ở cả Sài Gòn, Hà Nội, Huế năm 1937… Trong thời kì này, công tác văn hóa văn nghệ được coi là một phần của công tác tư tưởng chính trị. Sau này công tác văn hóa văn nghệ được chú ý nhiều hơn, điều đó được đánh dấu bằng sự ra đời của Đề cương văn hóa Việt Nam (1943) và sự ra đời của tổ chức Văn hóa cứu quốc. Đề cương văn hóa (1943) có thể coi là tuyên ngôn, cương lĩnh đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam về văn hóa, định hướng cho nhận thức và hoạt động văn hóa văn nghệ của Đảng và nhân dân. Đề cương văn hóa đặc biệt chú trọng phương châm “dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa” trong xây dựng phát triển văn hóa.
Sự ra đời của Đảng Cộng sản và các hoạt động văn hóa chính trị xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng đã ảnh hưởng không nhỏ đến sáng tác văn nghệ
thời kì này. Phong trào văn nghệ cách mạng phát triển ngay trong dân chúng, trở thành một hiện tượng quần chúng phản ánh chân thực những ngày sôi động của cách mạng thông qua các bài vè dân gian như Kể chuyện tranh đấu ở Nam Đàn, Dân Hạnh Lâm phá nhà Ký Viễn… Cũng trong thời kì này xuất hiện bộ phận thơ ca cách mạng trong các nhà tù đế quốc. Ngoài những sáng tác bí mật, những người làm cách mạng bị tù đày còn tổ chức các hội thi thơ ngay trong nhà tù Kontum, Hỏa Lò, Côn Đảo.
Có thể nói, bối cảnh chính trị văn hóa xã hội dẫn đến sự ra đời của nhóm Hàn Thuyên là bối cảnh vô cùng phức tạp. Trong thời kì đó xuất hiện các lực lượng chính trị xã hội khác nhau với các cuộc đấu tranh gay gắt, khốc liệt, có chính sách bóc lột đàn áp của Pháp, Nhật, có cuộc đấu tranh của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong xã hội có sự hoạt động của các Đảng phái với các luồng tư tưởng khác nhau. Vì thế, mỗi cá nhân tổ chức trong thời kì này có thể đứng hẳn về một hướng nhưng cũng có thể có những dao động, có những biểu hiện không thuần nhất.