Đào sâu thêm về tính xã hội và tính giai cấp trong thơ

Một phần của tài liệu Lý luận phê bình văn học của nhóm Hàn Thuyên . (Trang 133 - 138)

CHƯƠNG 3: TƯ TƯỞNG VĂN HỌC CHỦ YẾU CỦA TRƯƠNG TỬU

4.3. Nghệ thuật thi ca (Nxb Hàn Thuyên, H.1945)

4.3.1. Đào sâu thêm về tính xã hội và tính giai cấp trong thơ

4.3.1.1. Khi phân tích về giá trị thơ ca, Lương Đức Thiệp đặc biệt lưu ý đến mối quan hệ giữa thơ ca với xã hội: “Muốn xác định giá trị thực tại của thi ca, ta không thể cứ bằng vào cái “chủ quan” của ta mà đủ vì thơ ca cũng như các nghệ thuật hay các dụng cụ sinh sản khác chỉ có giá trị khi chúng biểu thị tương quan xã hội. Một tác phẩm văn học nếu như không diễn tả một nhu cầu của đoàn thể chỉ là một nắm giấy vụn (...). Cho nên, khi ta định giá trị một tác phẩm nào dầu là tác phẩm nghệ thuật chi nữa, ta không thể định nó ngoài xã hội được” [117, tr. 60-61].

Vận dụng quan điểm Mác-xít, Lương Đức Thiệp khẳng định tính giai cấp như một thuộc tính tất yếu của văn học trong xã hội có giai cấp: “Trong xã hội đẳng cấp, cái gì lại không nhuốm màu đẳng cấp (...). Cho nên trong văn học giới, dầu ý thức hay vô thức, cá nhân lẻ loi cũng vẫn biểu lộ rất trung thành quyền lợi và đặc tính của đẳng cấp mình” [117, tr. 45]. “Văn học vẫn

nảy sinh rồi phát triển ở xã hội đẳng cấp nên không đứng ngoài vòng chi phối của đẳng cấp được. Vì vậy, văn học là sản phẩm tất yếu của đẳng cấp. Trào lưu văn học nào thịnh hành hơn cả vẫn là trào lưu học thuật của đẳng cấp thống trị” [117, tr. 92-93].

Lương Đức Thiệp còn nhìn tính đẳng cấp trong sự vận động, biến đổi: “Một khi địa vị của mỗi đẳng cấp trong nền sinh sản đã biến đi, nghĩa là mối tương quan giữa các đẳng cấp đã thay đổi thì đồng thời nguyện vọng xã hội, chính trị và văn học của các đẳng cấp cũng thay đổi liền tính cách” [117, tr. 29] (...); “Một khi điều kiện sinh hoạt vật chất của xã hội đã thay đổi thì đồng thời học thuật và tư tưởng cũng biến đổi” [117, tr. 32] v.v...

Từ tư tưởng Mác-xít, Lương Đức Thiệp đã thể hiện niềm tin tưởng vào sự thắng thế của một trào lưu văn học cách mạng đang manh nha: “Theo luật biện chứng, nếu phẩm chất cũng biến sang lượng được thì một trào lưu học thuật tuy ban đầu còn yếu ớt song phù hợp với luật tiến hoá của xã hội cũng trở thành được một trào lưu mạnh mẽ cả về lượng nữa” [117, tr. 32].

4.3.1.2. Lương Đức Thiệp còn đưa ra khái niệm“bản năng đẳng cấp”

tương đối mới mẻ: “Văn sĩ “lẻ loi”“vô tư” đến đâu cũng chịu sức chi phối âm u của quyền lợi đẳng cấp (...). Bởi vậy, ngay trong phát hiện về văn học mà chúng ta thường cho là phần tinh hoa nhất của con người, “bản năng đẳng cấp” vẫn cứ hiện nguyên hình, yếu tố xã hội và dấu vết của thời đại vẫn cứ bộc lộ” [117, tr. 92]. Theo Lương Đức Thiệp, mức độ và phẩm chất của tính đẳng cấp là khái niệm phần nào có tính lịch sử: “Văn học đã chịu ảnh hưởng trực tiếp của đẳng cấp, của xã hội và của thời đại nên từ lúc nảy sinh cho đến lúc suy vong, văn học vẫn biểu thị rất đúng tính cách cấp tiến hay phản động của các đoàn thể xã hội tuỳ theo vai trò lịch sử của mỗi đẳng cấp mà nó đại diện trong mỗi giai cấp tiến hoá nhất định của xã hội” [117, tr. 93]. Ông cũng

cho rằng sự chi phối của đẳng cấp và điều kiện sinh hoạt xã hội đã khiến cho văn học có một giá trị giới hạn trong không gian và thời gian:

“Một công trình tạo tác của con người cũng không thể vượt ra ngoài vòng chi phối của các điều kiện sinh hoạt chung cả xã hội (...), văn học nghệ thuật cũng tự khoác cho mình một giá trị xã hội. Mà xã hội đâu có giữ nguyên trạng thái. Nó vẫn tiến hoá (...). Trong quá trình tiến hoá ấy, tư tưởng tình cảm của con người biến thái luôn luôn. Vì vậy, văn học và nghệ thuật biểu thị tư tưởng và cảm giác con người cũng tiến hoá, cũng đổi tính cách không ngừng. Cho nên văn học và nghệ thuật chỉ có giá trị tương đối trong thời gian” [117, tr. 62-63].

Trên tinh thần ấy, Lương Đức Thiệp phê phán những quan niệm khẳng định giá trị tuyệt đối của thơ ca: “Nhiều học giả và nghệ sĩ duy tâm có các quan niệm tuyệt đối về thơ ca, nghĩa là cái giá trị mỹ thuật trên cả thời gian và không gian, trên cả đẳng cấp và ngoài xã hội” [117, tr. 65].

Nhưng Lương Đức Thiệp có tỏ ra máy móc khi quá đề cao vai trò của điều kiện sinh hoạt đẳng cấp với tính đẳng cấp trong văn học: “Có xác nhận được điều kiện sinh hoạt của đẳng cấp, ta mới xác nhận được xu hướng văn học của đẳng cấp ấy” [117, tr. 29]. Khi xem xét văn học trong sự vận động, biến đổi, Lương Đức Thiệp chưa chỉ ra được đầy đủ mối quan hệ liên đới của tính giai cấp; cũng chưa tìm hiểu mối quan hệ giữa tính giai cấp với tính nhân loại, tính nhân dân. Coi nhẹ tính dân tộc trong văn học chính là một biểu hiện không coi trọng chủ nghĩa Lênin về văn học. Quan niệm tính giai cấp của Lương Đức Thiệp nói chung còn mang tính chất cô lập, siêu hình tĩnh tại, chưa thấy nó mang tính chất liên đới, phát triển và chuyển hóa.

Ngoài ra, ông chưa thấy quy luật phát triển không đồng đều giữa sự phát triển của văn học với sự phát triển của xã hội. “Nhịp tiến triển của thơ ca thường nhịp đúng với đà tiến hóa lịch sử (...). Tình trạng ngưng đọng trong

sinh sản lực bao giờ chẳng gây thành một tình trạng tương đương trong nghệ thuật, trong văn hóa” [117, tr. 15].

Trở lên là những bổ sung cho vấn đề phản ảnh xã hội và tính giai cấp của văn học với những đúng - sai, ưu - khuyết mà Lương Đức Thiệp vốn cũng đã bày tỏ trong cuốn Văn chương và xã hội vừa công bố năm 1944. Điều này chứng tỏ, Lương Đức Thiệp bước đầu rất cố gắng đi theo khuynh hướng Mác xít như Trương Tửu. Cả hai nhà nghiên cứu này tuy trình độ khác nhau, nhưng cũng đã trình bày được nhiều vấn đề và có đúng có sai là chuyện khó tránh khỏi. Nắm cho thật vững quan niệm tính giai cấp của chủ nghĩa Mác, phải theo tinh thần duy vật biện chứng, nếu tư duy siêu hình thì sẽ xem xét tính giai cấp một cách cô lập, tĩnh tại chứ không thể phát triển chuyển hóa.

Điều này, ngay Trương Tửu cũng chưa làm được, huống chi Lương Đức Thiệp như đã nói ở trước (chương 3). Nhưng nếu vấn đề tính giai cấp của văn học phải đặc biệt có tư duy biện chứng, thì vấn đề tính xã hội, ý thức xã hội của văn học càng phải nắm vững phương pháp duy vật lịch sử. Cụ thể là phải xem xét văn học với tư cách là một hình thái ý thức xã hội nằm trong kiến trúc thượng tầng. Ý kiến bàn luận về vấn đề này của Lương Đức Thiệp có mâu thuẫn là vì chưa dựa vào cơ sở lý thuyết vững chắc, thật sự có hệ thống.

Trong cuốn Tiến hóa sử luân Trương Tửu đã bắt đầu tiếp cận với vấn đề này, nhưng cũng chưa đầy đủ. Phải thấy rằng, xã hội là một tổ chức phức tạp, không chỉ có lao động mà còn có đấu tranh; không chỉ có lực lượng sản xuất mà còn có quan hệ sản xuất, có cơ sở hạ tầng, lại còn có kiến trúc thượng tầng. Tất cả những cái đó lại tác động lẫn nhau trong sự diễn biến qua nhiều hình thái nối tiếp nhau. Vận dụng quan điểm duy vật lịch sử thì bản chất và quy luật phát triển của văn học với tư cách là một loại hình thái ý thức xã hội đặc thù, nhưng vẫn nằm trong kiến trúc thượng tầng phản ánh bản chất và quy luật của hạ tầng cơ sở với những điều kiện lịch sử cụ thể trong các hình thái

kinh tế xã hội. Nhưng đây hoàn toàn không phải là sự phản ảnh thụ động, máy móc trực diện. Chủ nghĩa duy vật lịch sử thừa nhận sự phát triển không đều giữa văn học với những hình thái xã hội tương ứng, khẳng định tính chất tương đối độc lập trong sự hình thành và phát triển của nó. Trong bài Góp phần phê phán chính trị kinh tế học, Mác có viết:

“Đối với nghệ thuật, người ta biết rằng những thời kỳ hưng thịnh nhất định của nghệ thuật hoàn toàn không tương ứng với sự phát triển chung của xã hội, do đó cũng không tương ứng với sự phát triển của cơ sở vật chất của xã hội, của cái xương sống của tổ chức xã hội. Thí dụ, so sánh người Hy lạp với các dân tộc hiện đại hay Sếcxpia thì cũng thế.

Đối với một số hình thức nghệ thuật, ví dụ như thể anh hùng ca, người ta lại còn nhận rằng những hình thức đó không bao giờ có thể được sáng tạo ra dưới cái hình thức cổ điển lừng lẫy một thời trong lịch sử thế giới, một khi mà sáng tác nghệ thuật đã bắt đầu với tư cách là sáng tác nghệ thuật, như vậy người ta nhận rằng trong bản thân lĩnh vực nghệ thuật, một số hình thức nghệ thuật quan trọng chỉ có thể xuất hiện ở giai đoạn thấp của sự phát triển nghệ thuật. Nên điều đó diễn ra trong giới hạn của nghệ thuật, trong mối quan hệ giữa các loại nghệ thuật khác nhau thì không lấy gì làm lạ khi điều đó cũng đã diễn ra trong mối quan hệ giữa toàn bộ lĩnh vực nghệ thuật với toàn bộ sự phát triển xã hội” (dẫn theo Giáo sư Phương Lựu) [65].

Một điều nữa cần lưu ý là, trong Thư gửi Borghiuxơ Mác còn nêu cả sự phát triển không đồng đều giữa các loại hình nghệ thuật với nhau, nhưng chủ yếu là để thêm phần luận chứng cho sự phát triển không đồng đều giữa nghệ thuật với xã hội. Thật ra, điều này là hiển nhiên bởi vì cũng như nhiều hình thái ý thức xã hội khác, văn học nghệ thuật đâu chỉ có chịu sự quyết định của cơ sở kinh tế xã hội mà còn chịu sự tác động qua lại với chính trị, triết học,

pháp luật, tôn giáo thời đến lượt mình nó lại phát huy tính năng động trở lại với xã hội.

Một phần của tài liệu Lý luận phê bình văn học của nhóm Hàn Thuyên . (Trang 133 - 138)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(167 trang)