Từ chính trị phản tỉnh đến học thuật

Một phần của tài liệu Lý luận phê bình văn học của nhóm Hàn Thuyên . (Trang 102 - 111)

CHƯƠNG 3: TƯ TƯỞNG VĂN HỌC CHỦ YẾU CỦA TRƯƠNG TỬU

3.4. Sự chuyển biến nhanh chóng về tư tưởng và học thuật của Trương Tửu ngay khi tham gia Cách mạng và kháng chiến

3.4.2. Từ chính trị phản tỉnh đến học thuật

Như vậy, không thể không nhấn mạnh Trương Tửu là cây bút duy nhất trong nhóm Hàn Thuyên đã tích cực phục vụ và tận tình cống hiến cho công cuộc kháng chiến chống Pháp. Điều đáng quý hơn là song song với quá trình đó, ông đã rất nghiêm túc và chân thành nhìn lại những sai lầm lệch lạc trong những công trình trước Cách mạng của bản thân. Chuyện ông khẳng định một

chiều tác dụng của chỉnh huấn trên kia cũng là thành tâm. Đi kháng chiến, không những thay đổi về công tác mà còn phải thật sự chuyển biến về tư tưởng. Hai mặt này tương tác vừa là nguyên nhân vừa là kết quả với nhau.

Nhưng ở đây chủ yếu cần nói đến sự chuyển biến về tư tưởng học thuật.

Trong Lời nói đầu công trình Truyện Kiều và thời đại Nguyễn Du, ông viết:

“Hơn mười năm trước đây tôi đã viết và cho xuất bản cuốn Nguyễn Du và Truyện Kiều (1943) và cuốn Văn chương Truyện Kiều (1944) ký tên: Nguyễn Bách Khoa. Trong hai tập tiểu luận văn học này, tôi đã cố gắng phân tích và phê phán Truyện Kiều theo quan điểm đấu tranh giai cấp. Nhưng vì hồi ấy trình độ lý luận còn ấu trĩ, lập trường chính trị còn lệch lạc, tôi đã áp dụng phương pháp phê bình văn học Mác-xít một cách phiến diện, gò ép, máy móc, nên đã có những nhận định sai lầm căn bản khi tìm hiểu và phê phán tác phẩm của Nguyễn Du. Từ sau Cách mạng tháng Tám, được học tập thêm lý luận văn nghệ Mác - Lênin - Mao Trạch Đông, tôi đã nhận thấy những điều sai lầm trong quyển Nguyễn Du và Truyện Kiều” [143, tr. 419].

Như thế, điều cơ bản nhất là Trương Tửu tự thừa nhận lập trường chính trị lệch lạc, tuy không trình bày cụ thể nhưng chúng ta có thể hiểu là trước Cách mạng ông chưa thật sự hòa nhập vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam - điều mà sau Cách mạng ông đã thay đổi hẳn bằng những hành động thực tế như đã thấy ở trên.

Riêng về lý luận và từ đó chuyển hóa thành phương pháp luận nghiên cứu của chủ nghĩa Mác thì ông cũng đã tự nhận thấy còn ấu trĩ, phiến diện, gò ép máy móc là đúng, nhưng chưa đủ. Vấn đề còn ở chỗ ông còn kết hợp vận dụng nhiều lý thuyết khác mà cũng không thật nhuần nhuyễn thích hợp, cho nên mới đi đến những kết luận không những sai lầm nặng nề mà còn quái dị về tác giả, tác phẩm và nhân vật như Nguyễn Du là “một con bệnh thần kinh. Bệnh

của ông thuộc về thứ bệnh không có sự thương tổn về khí quan”; “Truyện Kiều chỉ là kết tinh những cái suy nhược trong cốt tính Việt Nam”; Thúy Kiều mắc bệnh ủy hoàng, v.v... Nhưng những sai lầm này đã được khắc phục ngay từ thời kháng chiến: “Trong giáo trình văn học sử Việt Nam giảng ở Dự bị đại học và Đại học Sư phạm (1952 - 1955) tôi đã có dịp chỉnh lý lại những điều ấy” [143, tr. 419]. Những điều này mang tính chất ứng phó kịp thời cho việc giảng dạy, đồng thời làm cơ sở, làm tiền đề cho việc “viết lại một quyển nghiên cứu về Truyện Kiều theo những kiến thức và quan điểm mới đã thu hoạch được” (...). “Tiếp thu ý kiến ông Trường Chinh, tôi đọc kĩ lại tác phẩm của Nguyễn Du và theo hướng đề ra, kiểm tra lại tài liệu, phân tích từng sự việc của truyện, nghiền ngẫm ý nghĩa từng câu thơ của thi nhân.

Cuối cùng trong quá trình tổng hợp các điều nhận xét lúc phân tích tôi tự nghĩ đã tìm thấy cái lý do khiến cho nông dân Việt Nam say mê Truyện Kiều từ trước đến giờ.” [143, tr. 419].

Then chốt của những kiến thức và quan điểm mới này là việc khắc phục những nhược điểm trước đây tuy có theo chủ nghĩa Mác, nhưng không theo chủ nghĩa Lênin và đường lối quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bây giờ thì ông vận dụng triệt để, sát sườn những quan điểm của Lênin, Trường Chinh, Lê Duẩn ngay vào việc nghiên cứu Truyện Kiều. Ông đã trích dẫn ý kiến của Lênin về L.Tolstoi rồi có nhận định về Nguyễn Du: “Nếu chúng ta có một nghệ sĩ thật sự vĩ đại chứng kiến cuộc cách mệnh thì nghệ sĩ đó tất nhiên phải phản ảnh trong tác phẩm ít nhất cũng được một vài cục diện cốt yếu của cuộc cách mạng. Xét rằng: toàn bộ đời sống ý thức của Nguyễn Du hình thành song song với toàn bộ quá trình thành bại của phong trào Tây Sơn; lại xét rằng: Nguyễn Du quả là một nghệ sĩ thật sự vĩ đại; vậy không có lý gì Nguyễn Du lại không phản ảnh được trong tác phẩm một vài cục diện cốt yếu của phong trào Tây sơn...” [143, tr. 420].

Trong một cuộc họp với một số văn nghệ sĩ, đồng chí Trường Chinh cũng có nhận xét:

“Điều đáng chú ý khi nghiên cứu Truyện Kiều là: Từ bao nhiêu lâu nay nông dân Việt Nam vẫn rất thích Truyện Kiều. Vậy Truyện Kiều có cái gì mà khiến được nông dân thích như thế? Chúng ta phải tìm hiểu điều ấy”. Trương Tửu có dự họp và sau đó có bày tỏ: “Tiếp thu ý kiến ông Trường Chinh, tôi đọc kỹ lại tác phẩm Nguyễn Du (...) tôi tự nghĩ đã tìm thấy cái lý do khiến nông dân Việt Nam say mê Truyện Kiều từ trước đền giờ. Lý do ấy là tác giả Truyện Kiều đứng về phía các tầng lớp nhân dân chống phong kiến ở đương thời, đã phản ảnh trung thành, ca tụng nhiệt liệt một cuộc khởi nghĩa vĩ đại nhất của nông dân Việt Nam trong lịch sử - cuộc khởi nghĩa Tây Sơn với tất cả ưu và nhược điểm của nó (...). Theo tôi nghĩ, nếu không nghiên cứu Nguyễn Du như một hiện tượng tâm lý phản ảnh phong trào Tây Sơn, thì sự thành công bền bỉ của Truyện Kiều trong nông dân Việt Nam là một điều bí ẩn không sao giải thích được” [143, tr.420].

Trương Tửu cũng đã coi trọng và trích dẫn ý kiến từ 1952 của Lê Duẩn xem nó như “một nhận xét mới đi sâu vào chân tướng Truyện Kiều”:

“Đúng như ông Lê Duẩn đã nhận định: Cô Kiều đương sống trong một thời kỳ phong kiến bước qua tiền tư bản. Đồng tiền đã muốn làm chủ thế gian. Đồng tiền đã chà đạp nền đạo lý thần thánh của phong kiến. Trung hiếu tiết hạnh, tài hoa nhan sắc như cô Kiều đã bị đồng tiền làm cho ba chìm bảy nổi, đã hóa cô Kiều làm món hàng xa xỉ của thế gian (...). Đồng tiền giải quyết mọi việc khó khăn cuả xã hội.

Thế là hết đạo lý, thế là hết tài với sắc. Mọi sinh hoạt xã hội đều quay về với đồng tiền” [143, tr. 441-442].

Khắc phục lối vận dụng phiến diện máy móc quan điểm giai cấp của

Mác, quán triệt thêm những cách nhìn khá cụ thể, sát sườn của Lênin, Lê Duẩn, Trường Chinh, Trương Tửu đã đoạn tuyệt hẳn với lối nhận định thời Hàn Thuyên: “Một xã hội ốm, một đẳng cấp ốm, một cá tính ốm; tất cả Truyện Kiều là ở đó”; đồng thời Trương Tửu đánh đổ cái thuyết thông tục cho rằng: “Đem sách Kim Vân Kiều truyện diễn dịch ra quốc âm, Nguyễn Du... chỉ cốt để hả hê những nỗi cảm xúc đối với một người mà ông tưởng như là tiền thân của mình vậy” [143, tr. 437], để đi đến một kết luận suy tôn Truyện Kiều là tác phẩm cổ điển của văn học Việt Nam với những nội dung cơ bản như sau:

“Trước hết vì Truyện Kiều là một tác phẩm dân tộc (...) biểu hiện một khoảnh khắc của ý thức dân tộc… Đứng về phía các tầng lớp xã hội bị áp bức đang vươn đến sự giải phóng, thi sĩ đã nhiệt liệt đề cao những yếu tố tinh thần quý giá nhất của con người: tự do, công bằng, nhân đạo, tài tình; thi sĩ lên án rất kịch liệt mọi chế độ bóc lột đè nén con người… Tiếng nói của Nguyễn Du trong Truyện Kiều là tiếng nói của chính nghĩa, của dân tộc Việt Nam nhân đạo và dũng cảm...

Truyện Kiều là một tác phẩm cổ điển còn vì là tiếng nói đại chúng: Nguyễn Du đã tạc được những tính khí điển hình (tích cực và tiêu cực) với tất cả tài năng của nhà điêu khắc thiện nghệ là nhờ chỗ đứng của ông để quan sát con người gắn liền với chỗ đứng của quần chúng Tiếng nói của Nguyễn Du trong Truyện Kiều là tiếng nói của tình cảm và lý trí đại chúng chống phong kiến, chống bóc lột và áp chế...

Truyện Kiều là một tác phẩm cổ điển vì nó đạt tới một nghệ thuật tính cao độ: “Nghệ thuật Truyện Kiều làm vẻ vang cho tiếng nói dân tộc. Ở tác phẩm kiệt xuất ấy, mỗi từ ngữ là một chất sống, mỗi hình ảnh là một giá trị tình cảm, mỗi nhịp điệu là một nét uẩn khúc của tâm tư, mỗi cảnh ngộ là một tư tưởng sinh động. Toàn truyện là một hòa điệu siêu việt của ngôn ngữ, tình tứ, tư tưởng và cuộc sống dân tộc tràn trề sinh lực... ” [143, tr. 565-572].

Đây là tóm tắt sơ lược gần 10 trang phần Kết luận trong cuốn Truyện Kiều và thời đại Nguyễn Du, nhưng có thể thấy một bước tiến nổi bật. Nếu trước kia bàn chung về Tương lai văn nghệ Việt Nam, chỉ nêu lên các tính chất cách mạng, xã hội chủ nghĩa, quần chúng và khoa học, không có tính chất dân tộc, nhưng nay bàn riêng về tác phẩm cổ điển liền thấy phải có tính chất dân tộc, hơn nữa đó phải là phẩm chất đầu tiên. Điều này có chắc chắn Trương Tửu đã chịu tác động của việc nhấn mạnh phương châm dân tộc hóa lên hàng đầu trong Đề cương văn hóa Việt Nam của Đảng, nhất là sự góp ý trực tiếp của đồng chí Trường Chinh: “Ông Trường Chinh không đồng ý với tôi về quyển Tương lai văn nghệ Việt Nam... Ông phê bình tôi là không nói tính dân tộc không được” [143]. Đó là một thay đổi then chốt nhất trong quan điểm, phương pháp nghiên cứu - phê bình văn học của Trương Tửu. Thật ra công trình Truyện Kiều và thời đại Nguyễn Du vốn có tham vọng góp phần giải quyết hàng loạt vấn đề như Trương Tửu đã khái quát như sau: Truyện Kiều là tiếng nói của giai cấp nào? Truyện Kiều có hiện thực không? Truyện Kiều có phản phong không? Tính chất hiện thực và phản phong của Truyện Kiều bị ý thức hệ thống trị đương thời và điều kiện lịch sử giới hạn như thế nào? Có mâu thuẫn giữa mỹ cảm và tư tưởng trong bản thân Nguyễn Du không? Tại sao các tầng lớp bình dân lại thích Truyện Kiều v.v…

Toàn những vấn đề thiết yếu mà lý thú, tất nhiên không phải vấn đề nào cũng giải quyết thấu triệt và thỏa đáng, như việc liên tưởng quá trực diện giữa Từ Hải với Nguyễn Du không phải ai cũng chấp nhận. Nhưng đó là chuyện trong khoa học không thể có kết luận cuối cùng nói chung. Song ở đây không thuần túy đề cập đến giá trị khoa học của Truyện Kiều và thời đại Nguyễn Du, mà chủ yếu xem xét nội dung công trình đã khắc phục những lệch lạc hữu quan thời trước cách mạng và đã bắt đầu quán triệt thêm tư tưởng Lênin cùng đường lối quan điểm của Đảng ra sao, tất nhiên là với loại tư tưởng đường lối

quan điểm chính thống theo ngữ cảnh lúc bấy giờ trong giai đoan 1945 - 1956, chứ không thể như giai đoạn Đổi mới sau này.

Phê bình nhóm Hàn Thuyên, trong bài viết ngày 23/9/1944, Mấy nguyên tắc lớn của cuộc vận động văn hóa mới Việt Nam, đồng chí Trường Chinh đã nói một câu rất chí lý: “Tại sao họ lại chĩa ngọn lửa đấu tranh văn hóa vào các nhà văn hóa dân tộc (Tri tân, Thanh nghị) trong khi quyền lợi của dân tộc bắt phải liên minh thân thiện với các nhà văn hóa ấy đặng chĩa ngọn lửa đấu tranh văn hóa vào phát xít Nhật Pháp?”. Giá mà cái thiện ý dân tộc trên hết sáng ngời ấy được bừng sáng lại trong mười năm sau với trường hợp của Trương Tửu, một người thuộc vào loại có công tích cao trên mặt trận văn hóa giáo dục trong công cuộc kháng chiến chống Pháp, tiền thân cuả công cuộc chống Mỹ cứu nước tiếp theo,thì quý hóa xiết bao!... Tất nhiên có sai nữa thì vẫn phải phê bình tiếp, nhưng không nên khơi lại chuyện cũ mà họ đã thành tâm khắc phục từ sớm.

*

* *

Tiểu kết: Như trên đã nói: “Tư tưởng văn học chủ yếu của Trương Tửu thời Hàn Thuyên về cơ bản không theo chủ nghĩa Trotsky, nhưng cũng không theo chủ nghĩa Lênin, mà chủ nghĩa Mác ở ông lại kết hợp với chủ nghĩa S.Freud. Hai khía cạnh này đã chi phối và điều chỉnh sự vận dụng triết lý nghệ thuật của Hypolyte Taine mà ông đã sớm tiếp xúc. Chúng ta không nên đồng nhất chủ nghĩa Mác với chủ nghĩa Mác - Lênin và cho Trương Tửu phản Mác xít hoặc Mác xít giả hiệu. Không phải vậy!” Chủ nghĩa Mác phát triển theo hướng Lênin mới gọi là chủ nghĩa Mác - Lênin, nếu không như thế vẫn là chủ nghĩa Mác. Cho nên tư tưởng văn học của Trương Tửu vẫn mang tính

chất Mác xít, cụ thể hơn là tính chất Mác xít - phân tâm, một loại hình của chủ nghĩa Mác phương Tây, tất nhiên là với tất cả ưu, nhược điểm của nó. Ưu điểm ở chỗ gợi ý cho người Mác xít không nên xem nhẹ lý luận hiện đại phương Tây; khuyết nhược điểm của nó không những vận dụng chủ nghĩa Mác và phân tâm học cũng chưa hòa toàn chính xác và đầy đủ, mà quan trọng hơn là không theo những nguyên lý của Lênin về văn học nghệ thuật. Chính điều này đã gây ra sự vấp váp mang tính chất bi kịch chua chát cho một người thành tâm theo chủ nghĩa Mác, nhưng hoạt động bên cạnh những người Cộng sản đang giữ vai trò lãnh đạo cách mạng toàn diện, tuy cũng là Mác-xít, nhưng còn theo chủ nghĩa Lênin với những yêu cầu về tính đảng, tính dân tộc nữa. Nhưng điều đáng quý là sau ngày Tổng khởi nghĩa, Trương Tửu liền đứng vào hàng ngũ Cách mạng và kháng chiến do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo, và trên cơ sở đó đã tự phản tỉnh, rồi sửa chữa những sai lầm học thuật của mình trong giai đoạn Hàn Thuyên.

CHƯƠNG 4

TIẾN TRÌNH LÝ LUẬN PHÊ BÌNH VĂN HỌC CỦA LƯƠNG ĐỨC THIỆP

Để cho thật sát với tiến trình tư tưởng văn thơ vốn có của Lương Đức Thiệp, chúng tôi sẽ phân tích riêng những công trình lý luận phê bình đúng theo trình tự thời gian xuất hiện của chúng: 1 - Việt Nam thi ca luận (1942); 2 - Văn chương và xã hội (1944); 3 - Nghệ thuật thi ca (1945). Tiêu đề của ba công trình được phân biệt nhau thành ba lĩnh vực tương đối riêng biệt: Bàn về thơ văn Việt Nam; Lý thuyết về mối quan hệ giữa văn học và xã hội; Lý thuyết về đặc trưng thể loại (theo nghĩa rộng với những điều hữu quan) của thơ ca. Nhưng đi vào nội dung cụ thể của từng công trình thì không hẳn như vậy. Cả ba công trình ít nhiều đều có phần về thơ ca, thậm chí cả văn học Việt Nam. Công trình 1 và công trình 3 đều có kiến giải về văn học Việt Nam và cũng đều có bàn về đặc trưng thể loại của thơ ca. Công trình 2 và công trình 3 đều có lý thuyết về mối quan hệ giữa thơ văn với đời sống xã hội.

Tất nhiên vẫn có thể triển khai theo một dàn bài logic mà các mục chính là tiêu đề của ba công trình. Cụ thể hơn, đối với mỗi công trình chỉ trình bày nội dung chủ yếu của nó, rồi kết hợp với những nội dung hữu quan của hai công trình kia. Làm như thế thì nội dung tư tưởng học thuật của Lương Đức Thiệp về phương diện cấu trúc vẫn được triển khai đầy đủ, nhưng sẽ che lấp phương diện lịch sử của nó. Thao tác này chưa thật sát hợp hoàn toàn với đối tượng và phương pháp luận nghiên cứu. Con đường tư tưởng học thuật về lý luận phê bình văn học của Lương Đức Thiệp ngắn ngủi, lại hầu như không còn những tư liệu hữu quan nào khác, từ đó có thể và cần phải khảo sát tỉ mỉ tinh tế những bước đi cụ thể được chừng nào cũng tốt chừng ấy. Bước đi ban đầu xuất phát từ đâu, bước thứ hai có gì lặp lại không, nhưng đã có những tiếp

Một phần của tài liệu Lý luận phê bình văn học của nhóm Hàn Thuyên . (Trang 102 - 111)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(167 trang)