CHƯƠNG 3: TƯ TƯỞNG VĂN HỌC CHỦ YẾU CỦA TRƯƠNG TỬU
4.2. Văn chương và xã hội (Đại học thư xã, 1944)
4.2.1. Về sự phản ánh xã hội và tính giai cấp của văn học
4.2.1.1. Theo Lương Đức Thiệp, văn học là một sản phẩm của đời sống xã hội: “Rút nguồn xã hội mà ra, văn học cũng như nghệ thuật phải là sản phẩm tất nhiên của xã hội” [116, tr. 12]. Từ đó, Lương Đức Thiệp đã khẳng định “sự quy định của đời sống xã hội đối với văn học”, kể cả với chủ thể sáng tạo ra nó. Vì vậy, tác phẩm văn học do tài năng sáng tạo ra cũng là sản phẩm của đời sống xã hội: “Một học thuyết dù cao siêu đến đâu cũng không
do công cuộc sáng tác riêng của một cá nhân. Cả cuộc tiến hóa lịch sử đã ấp ủ, thai nghén rồi phát sinh ra nó, giúp nó trưởng thành, rồi hoặc lại còn xô nó vào cõi chết theo nhịp tiến triển không ngừng của nhân loại” [116, tr. 13].
Lương Đức Thiệp hoàn toàn tin rằng: “Lịch sử sẽ mở lối và kích thích cho tài năng cá nhân nảy nở” [116, tr. 13].
Lương Đức Thiệp còn nghiên cứu và xác định nguồn gốc xã hội của văn học trên cơ sở tìm hiểu nguồn gốc văn tự và học thuật: “Nhu cầu (của xã hội) đã đẻ ra ngôn ngữ, ngôn ngữ mở ra nguồn cho văn tự, rồi văn tự khai sinh cho văn học” [116, tr. 7-8]. Ông thấy rõ mỗi bước biến chuyển của thơ ca Việt Nam, mỗi tốc độ và nhịp điệu phát triển của văn học Việt Nam đều có nguyên nhân từ đời sống xã hội: “Tình trạng xã hội mới đã nảy sinh ra những điều kiện thuận tiện cho nền học thuật mới phôi thai, đúng chiều với đà phát triển của xã hội Việt Nam đã nằm trong hệ thống học thuật thế giới” [116, tr. 52]. “Những mâu thuẫn xã hội ngày càng gắt gao (...) đã đẩy văn học Việt Nam nhảy những bước dài” [116, tr. 49].
4.2.1.2. Lương Đức Thiệp cũng bắt đầu đề cập đến vấn đề tính giai cấp trong văn học. Ông có vận dụng quan điểm của Mác - Ănghen: “Tư tưởng thống trị của một thời đại là tư tưởng của giai cấp thống trị” (Hệ tư tưởng Đức). Khẳng định điều này, Lương Đức Thiệp đã nêu ưu thế chủ đạo của bộ phận văn học thuộc tầng lớp thống trị so với các bộ phận văn học khác trong xã hội: “Trong xã hội đẳng cấp Ấn độ cũng như trong xã hội đẳng cấp Ai cập, văn học chính thức vẫn thuộc quyền giai cấp thống trị” [116, tr. 19].
Trong văn học Việt Nam cũng vậy, “trào lưu học thuật mạnh mẽ bao giờ cũng thuộc đẳng cấp đã chiến thắng (...). Cho nên, về thời phong kiến, văn học phong kiến vẫn trội hơn hẳn về lượng, đẳng cấp nho sĩ gây ra một trào lưu văn học quý tộc, đi ngược lại xu hướng của đại chúng nôm na không thuộc Hán học” [116, tr. 19].
Ngoài ra, Lương Đức Thiệp cũng nhận thấy sự giao thoa về tính đẳng cấp trong văn học thời phong kiến: “Nguồn gốc xã hội của đẳng cấp nho sĩ lại ở ngay trong đám quần chúng nông dân, nên dù bị ruồng bỏ, tiếng Nôm vẫn vang dội ít nhiều trong đẳng cấp ấy qua thành phần văn học nhàn rỗi” [116, tr. 24].
“Những văn chương của đại chúng Việt Nam dẫu có thắng, song chỉ thắng về mặt hình thức, còn tính cách đẳng cấp của các nho sĩ trong văn Nôm vẫn bộc lộ rành rành” [116, tr. 25].
Nhận thức về vai trò của tính giai cấp, Lương Đức Thiệp coi tính giai cấp là tiêu chí cơ bản để tìm hiểu và đánh giá một nền văn học:
“Muốn tìm xu hướng học thuật trong xã hội Việt Nam, mà ta bỏ quên yếu tố cơ bản là đẳng cấp ấy đi tức là ta đã đi lầm đường. Đã sai ngay từ khởi điểm, hẳn ta không thể tìm được chân tướng các trào lưu học thuật mà ta định phân tích hay tổng hợp” [116, tr. 33]. “Đó là một tiêu chuẩn khả dĩ giúp chúng ta xác nhận được tính cách các tác phẩm văn học hoặc tính cách của cả một trào lưu học thuật vừa phôi thai hoặc sắp suy tàn” [116, tr. 45]. “Tìm xu hướng xã hội học trong văn học Việt Nam, chúng ta tưởng cũng phải lấy đẳng cấp làm tiêu chuẩn” [116, tr. 46].
Tuy nhiên Lương Đức Thiệp đã không thấy được tính độc lập tương đối và sự phát triển không đồng đều của văn học so với cơ sở kinh tế, với điều kiện sinh hoạt vật chất của xã hội như Các Mác từng lưu ý. Mặt khác, Lương Đức Thiệp cũng chỉ thấy tính quy định một chiều của đời sống xã hội đối với văn học, mà không thấy được sự tác động tích cực trở lại của văn học đối với xã hội. Mặc dù khẳng định thơ ca nói riêng, văn học nói chung đều nằm trong thượng tầng tổ chức xã hội, nhưng Lương Đức Thiệp cũng chưa thấy được sự ảnh hưởng và tác động qua lại giữa văn học với các hình thái ý thức xã hội khác. Ông còn bộc lộ một quan niệm phiến diện, không chú ý đến nguồn gốc của văn học dân gian khi khẳng định “văn tự khai sinh cho văn học”.
Về tính giai cấp, Lương Đức Thiệp cũng không tránh khỏi những cách nhìn thiếu khách quan và máy móc. Ông cắt nghĩa tính đẳng cấp trong văn học là do nguồn gốc phát sinh của văn học quy định: “Văn học và nghệ thuật phát sinh từ khi có chế độ phân công, nghĩa là từ khi có chế độ đẳng cấp, nên ngay từ khởi điểm văn học đã nhuốm màu vị đẳng cấp rồi. Cho nên từ thuở lọt lòng mẹ văn học cũng chẳng nằm ra ngoài mảnh lót của đẳng cấp” [116, tr. 15]. Đây là quan điểm không thật chính xác. Lương Đức Thiệp chưa thấy được trong xã hội văn minh, tính giai cấp của văn học được bộc lộ công khai, tự giác, còn trong xã hội trước đó thì nó có tính tự phát. Như vậy, dù đã có đề cập đến tính giai cấp của văn học trong sự vận động, biến đổi, nhưng quan niệm của Lương Đức Thiệp vẫn tỏ ra chủ quan, chưa thật thấm nhuần sâu sắc quan điểm lịch sử biện chứng.
Với quan niệm thơ ca không nên trở thành một lợi khí đấu tranh, Lương Đức Thiệp cho rằng làm thơ để phục vụ đấu tranh xã hội là làm thơ vì
“khí khái” và loại thơ này khó có giá trị lâu bền. Đây là sai lầm của Lương Đức Thiệp khi tách thơ ca ra khỏi phong trào đấu tranh xã hội. Ông chủ trương thi sĩ phải được độc lập trong sáng tác, độc lập với chính trị, với các đảng phái, các cuộc đấu tranh xã hội, tách văn học khỏi sứ mệnh cao cả, thiêng liêng. Theo Lương Đức Thiệp, thơ dựa vào tình, chủ đề tình cảm là thơ lâu dài. Hạn chế của Lương Đức Thiệp còn ở chỗ ông tách thơ “cảm khái” ra khỏi nguồn “chân cảm”.
Quan điểm của Lương Đức Thiệp về vị trí, vai trò của văn thơ trong phong trào đấu tranh xã hội luôn đầy mâu thuẫn. Ông vừa khẳng định văn chương là sản phẩm của đời sống xã hội, chịu sự quy định của đời sống xã hội, lại vừa chủ trương thơ ca đứng ngoài các phong trào đấu tranh của xã hội.
Có lúc ông lại khẳng định, nhờ tính giai cấp, văn học tất yếu trở thành vũ khí đấu tranh giai cấp:
“Là một sản phẩm của đẳng cấp nên văn chương cũng là một lực lượng xã hội mạnh mẽ. Nó là một lợi khí bảo vệ được quyền lợi của đẳng cấp khi đẳng cấp dùng nó để gieo rắc những ý tưởng vào ý thức dân chúng. Mà ý tưởng giao rắc vào dân chúng một khi dân chúng đã chiếm đoạt lấy ý tưởng thì không còn là ý tưởng thuần túy nữa. Chúng biến thành những lực lượng xã hội (...). Xem vậy, văn chương vẫn là một lợi khí đấu tranh rất sắc bén” [116, tr. 94-95].
Quan niệm này của Lương Đức Thiệp có phần đúng và có tính chất Mác-xít. Tuy nhiên, đây cũng thể hiện sự hiểu biết còn non nớt, sự diễn đạt còn vụng về và gây ra mâu thuẫn trong cả hệ thống quan điểm của ông như đã thấy ở trên.