CHƯƠNG 3: TƯ TƯỞNG VĂN HỌC CHỦ YẾU CỦA TRƯƠNG TỬU
4.1. Việt Nam thi ca luận (Khuê Văn xuất bản cục, 1942)
4.1.2. Những vấn đề liên quan với đặc trưng chung của thơ
4.1.2.1. Lương Đức Thiệp đã từng xác lập một định nghĩa khá đúng đắn và đầy đủ về thơ:
“Thơ phải cấu tạo giữa nguồn rung động còn nóng hổi của cảm giác, của tình ý. Trong công cuộc sáng tác, thi sĩ lấy con người tình cảm làm trụ cột, con người trí tuệ trong ta chỉ được dựa vào một phần nhỏ bé. Tài liệu thể chất của thi sĩ là thanh âm, là màu sắc ghi bằng chữ và gợi lên bằng lời. Tài liệu tinh thần của thi sĩ là ý tình, cảm giác cũng ghi lại bằng chữ và gợi lên bằng lời...” [115, tr. 97].
Lương Đức Thiệp đã chủ trương “thơ là tiếng nói của tình cảm”, nhưng tình cảm không tách rời trí tuệ và sự vật đời sống, hiện thực đời sống; khẳng định mối quan hệ giữa nguồn thi cảm với chất liệu thể hiện, giữa tâm hồn thi sĩ và sự vật. Lương Đức Thiệp còn quan niệm: “Thơ không có mới, có cũ. Nó
chỉ hay và không hay thôi. Nó có đạt tới nghệ thuật không thôi” [115, tr. 67].
Với Lương Đức Thiệp, tình cảm thật sự trở thành nội dung chủ yếu của thơ ca: “Nếu thơ ca và các ngành nghệ thuật khác đều là hình thức phô diễn tình cảm nghĩa là những cơ sở vật chất cho tình cảm tựa vào, thì phần nội dung - phần hồn của nghệ thuật - tất nhiên phải là tình cảm” [115, tr. 53]. Cho nên có nhiều nét tương đồng giữa thơ với Nhạc và Họa:
“Thơ phải bao gồm các tính cách của Nhạc và Họa. Nó phải luôn luôn tựa trên nền tảng vật chất: tâm hồn thi sĩ, giác quan thi sĩ và sự vật chung quanh (hoàn cảnh xã hội và hoàn cảnh thiên nhiên).
Nó xa lánh hết thảy ý niệm tuyệt đối và quan niệm siêu hình. Nó phải là sự hoà hợp bằng âm Thanh và màu sắc giữa tâm hồn thi sĩ và sự vật...” [115, tr. 97]. “Nhạc điệu là đặc điểm của thơ ca (...). Ai cũng rõ nhạc điệu dồi dào làm tôn hẳn giá trị bài thơ lên” [115, tr. 84].
Mặc dù vậy, thi sĩ cũng không nên quá chú trọng vào nhạc điệu trong thơ mà quên đi giá trị về nội dung, ý nghĩa của thơ:
“Nhạc điệu chỉ mới cung được một chỗ đứng êm dịu cho hồn thơ. Nhạc điệu cũng mới chỉ là cái vỏ của thơ (...). Cái vỏ thơ lộng lẫy còn phải chứa một cái đẹp tương đương nữa (...). Trái lại, nhạc điệu nghèo nàn không nâng nổi giá trị bài thơ lên được, dẫu tứ thơ có đầy đủ, hơi thơ có mạnh mẽ, lời thơ có trau chuốt (...). Thi sĩ vừa phải chú ý vào nhạc điệu, lại vừa phải chú ý đến cả tứ thơ nữa. Hai thứ đó phải cân xứng nhau để hoà hợp lại thành một cái nhất thể nghệ thuật” [115, tr. 84-85-86].
Lương Đức Thiệp còn phân biệt giữa nội dung của thơ ca với nội dung của các ngành khoa học khác. Ông cho rằng:
“Triết học, khoa học là hoạt động của trí tuệ, còn thơ ca là tiếng nói của tình cảm, có nghĩa là coi tình cảm là nội dung cốt lõi, là linh
hồn của thơ ca. Nếu ý thức con người gồm tư tưởng và tình cảm (tức cả cảm giác nữa) thì hình thức hoạt động của ý thức cũng có nhiều. Triết học, khoa học là hình thức hoạt động của trí tuệ, là biểu thị của tư tưởng (tư tưởng cũng là ngoại giới biểu lộ qua óc con người). Một phần sinh hoạt ý thức kia là tình cảm phát lộ qua các hình thức nghệ thuật trong đó có thi ca” [115, tr. 51].
Ngoài ra, Lương Đức Thiệp cũng chú ý tới sự khác nhau của tình cảm trong từng thời đại: “Không phải thất tình phát hiện ở người nào cũng giống nhau và ở thời nào cũng như nhau. Giữa người dã man và người văn minh, giữa nghệ sĩ và người thường, tình cảm phát hiện khác hẳn nhau”, “người thái cổ cảm xúc và nhận thức khác người hiện đại” [115, tr. 53-55]. Ông khẳng định nguyên nhân của sự khác nhau này là “do sự tác động tương hỗ giữa tư tưởng và tình cảm, giữa tình cảm cùng giác quan. Sự khác biệt có là do sự hoà trộn lẫn lộn của thất tình” (...). “Bởi vậy, sự đơn giản hay phiền toái trong tình cảm chỉ là sự hoà trộn nhiều hay ít của các tình khác trong một tình chính khi nó phát hiện ra” [115, tr. 56].
Từ đó, Lương Đức Thiệp suy luận về giá trị của thơ ca, về ý nghĩa sự tồn tại của thơ ca trong thời gian và không gian:
“Lượng và sắc thái của tình cảm biến đổi theo nhịp tiến hoá của xã hội thì giá trị thi ca hay là hiệu lực gợi cảm của nó cũng hết sức tương đối. Nó tương đối trong thời gian và không gian. Bởi vậy, những tác phẩm thi ca đời xưa đâu còn toàn vẹn giá trị đối với người đời nay.
Và thơ ca hiện đại đâu biểu thị đầy đủ nổi tâm trạng và cảm giác của con người tương lai. Thi ca của xứ này cũng không thể có đồng một hiệu lực gợi cảm đối với người xứ khác” [115, tr. 59].
Với những quan điểm nói trên của Lương Đức Thiệp, có thể thấy đây là những nhận định tương đối phù hợp về thơ ca Việt Nam nói riêng và về
nghệ thuật nói chung. Bởi thơ ca thời nào thì cũng đều là tiếng nói của tình cảm con người.
4.1.2.2. Lương Đức Thiệp còn tập trung thể hiện quan niệm của mình về thơ “thuần tuý”, một quan niệm có phần cực đoan về đặc điểm nổi bật của thể loại thơ ca:
“Phản đối cả mọi phái thơ “kiểu mới” hay “kiểu cũ” một chủ trương nữa về thơ cũng đột phát: Thơ thuần tuý (...) theo chủ trương này “thơ phải thuần tuý” nghĩa là thuần chất thơ. Ý thơ phải “cô đặc”
lại những câu hết sức tổng hợp. Hình ảnh, màu sắc, cảm xúc chỉ được nêu ra vừa đủ để gợi thi cảm của kẻ khác (...). Thơ là luồng điện truyền lan (...). Phái “thuần tuý” lại có một quan niệm rất cao về thơ. Đối với phái này, thơ phải có tính cách thần bí, siêu phàm! Hơn nữa! Thơ là đạo! Một quan niệm “quá siêu phàm” về thơ, coi thơ như một cái gì
“mầu nhiệm”, như một cái gì “tuyệt đối”, là đi xa quá, đi đến chỗ lập dị. Thơ không được đứng trên lập trường tự nhiên, nó ắt không thể phát huy được hết tính cách một nghệ thuật” [115, tr. 45-46].
Theo Lương Đức Thiệp: “Về thơ thuần tuý, Đường thi vẫn đáng lấy làm mẫu mực vì nó là sự điều hoà hoàn toàn giữa tâm hồn và sự vật, sự cân xứng trọn vẹn về hình thức và ý thơ” [115, tr. 90]. “Thơ thuần tuý phải hiểu trong ý ấy, chứ không phải trong hình thức quá gọt mãi”, bởi nếu cứ gọt giũa câu chữ mãi như thế thì nhà thơ sẽ xây dựng những bài thơ giống như những
“nếp nhà đẹp đẽ nhưng không có người ở” [115, tr. 86]. Liên quan vấn đề này, Lương Đức Thiệp mượn thơ Nguyễn Xuân Sanh ra phân tích:
“Chúng ta phải nhận ông Nguyễn Xuân Sanh có “hồn thơ”, có
“hơi” thơ. Nhưng “hồn” ấy mới “cô đặc” lại trong những câu lẻ loi nên ý thơ còn rời rạc. Sự thống nhất trong bài thiếu hẳn. Xem thơ ông, nhiều người không hiểu bởi nó tối tăm, bởi ông không khéo biểu thị,
mặc dù ông khéo thu gom được đủ nhạc điệu. Nguồn rung động chưa truyền lan được sang người đọc, sang người thưởng thức thơ ông, không phải là không có duyên cớ. Cái hình thức quá gọt mài để giữ tính cách tổng hợp của thơ đã giết chết một phần chân cảm (...). Một điều chắc chắn thơ ông không có, chưa có cái rung động, có luồng sinh khí của cuộc sống thật, của cuộc đời rộng rãi truyền sang” [115, tr. 47-48].
Các tác phẩm của Nguyễn Xuân Sanh đã bộc lộ một thái cực gần như đối lập với xu hướng lãng mạn, có “những bài thơ tổng hợp đến quá mực”, gọt giũa quá công phu đến mức Nguyễn Xuân Sanh đã “biến ra một kỹ thuật gia”, “một kiến trúc sư trong việc xây dựng bài thơ”. Nhưng ở đây có vấn đề quan hệ giữa ý thơ sâu sắc với lời thơ giản dị (ý thâm từ thiển) như nhà thơ Viên Mai đã nói. Ý và lời đều thô thiển thì vứt đi. Ý và lời đều sâu xa thì cũng tốt thôi. Nhưng tốt nhất là ý sâu sắc mà lời giản dị. Cách nhìn của Lương Đức Thiệp cũng gần như thế,nghĩa là khá biện chứng chứ không phiến diện cực đoan: “Lối thơ dễ dãi mà ai cũng hiểu được trên đầu lưỡi chưa chắc đã có giá trị, mà lời thơ khó hiểu không phải là dở cả, hay không chứa đựng được một nghệ thuật cao siêu. Nhưng thường cái gì ta đã thấu hiểu, dầu tế nhị đến đâu, ta cũng diễn tả ra được rõ ràng” [115, tr. 87].
4.1.2.3. Lương Đức Thiệp cũng dành một dung lượng khá lớn cho việc khẳng định những nguyên tắc sáng tác thơ cụ thể mà ông chủ trương.
Một là nguyên tắc: “Nối liền mối thông cảm giữa sự vật với tâm hồn thi sĩ là nguyên tắc thứ nhất trong sự sáng tác... Bài thơ hay bài ca do hai nguồn rung động kết tinh. Nó nối liền thi nhân với sự vật... Nếu thi sĩ chỉ hứng vì có nguồn cảm xúc của sự vật truyền sang mình, bài thơ không được đầy đủ...
Không có tâm hồn người ấp ủ sự vật, làm thơ hoá khô khan. Cho nên cảnh phải ủ tình mà tình phải nương cảnh” [115, tr. 106]. Đây cũng là theo tinh thần tình cảnh hài hòa mà phương Đông thường nhấn mạnh.
Hai là nguyên tắc: “Giác quan hóa hay cụ thể hoá tình cảm, ý tưởng là nguyên tắc thứ hai của thi sĩ trong sự sáng tác” [115, tr. 106]. Bởi vì ý niệm, cảm giác, cảm tình là những thứ trừu tượng nên “thi sĩ phải mượn sự vật cụ thể mà hình dung những ý tình cảm giác ấy”. Có như thế lời thơ mới thật sinh động làm xúc động lòng người!
Ba là nguyên tắc: “Tượng trưng hóa sự vật và ý tình là nguyên tắc thứ ba của thi sĩ trong sáng tác” [115, tr. 108]. Ở đây, tác giả muốn nói phải xây dựng những hình ảnh tượng trưng, những hình ảnh có tính chất ẩn dụ, những cách gọi tên và hình dung mới mẻ về sự vật. Về nội hàm khái niệm “sự vật”, theo Lương Đức Thiệp không chỉ bao hàm những cảnh trí thiên nhiên mà
“sự vật còn bao trùm cả mọi hình thức hoạt động của con người trong xã hội” [115, tr. 92], tức là bao gồm cả đồ vật, sự kiện, ý tưởng, cảm xúc... của con người. Lương Đức Thiệp còn cho rằng: “Sự vật không thể tồn tại độc lập, tách rời với ý thức và tình cảm con người, của thi sĩ, nhất là khi thơ vốn chủ quan...
Sự vật, đối tượng chính của thi sĩ, vốn tự nó dã vô hồn. Chỉ tả chân sự vật, thi ca không đủ sinh khí nên suông nhạt... Nhưng sự vật vô hồn đối với thi nhân bao giờ cũng tiềm tàng một cuộc sống riêng dẫu là chỉ sống một cuộc đời vô tri vô giác của những thứ ù lì. Trăng, gió, trời, mây vẫn hấp dẫn thi nhân mạnh mẽ và vẫn truyền sang thi nhân được những cảm xúc sâu xa” [115, tr. 91].
Nhưng “gọi thẳng tên sự vật, nói trắng ý tưởng ra, thơ sẽ mất nửa phần giá trị, bởi tưởng tượng và giác quan người thưởng âm không được kích thích mạnh mẽ. Nên muốn cho tác phẩm của mình thêm màu sắc, đồng thời, thêm cả cảm giác và ý tưởng thi sĩ phải căn cứ vào mối tương quan của sự vật, của ý tình mà mượn hình ảnh thích ứng để gợi sự vật và tình ý ấy ra” [115, tr. 108];
Đồng thời ông cũng lưu ý: “Những tượng trưng sự vật cũng phải có chừng.
Nếu không, thơ sẽ biến ra một lối đánh đố bằng hình ảnh, một cuộc ú tim giữa hàng chữ, giữa âm thanh sự sáng sủa trong thơ sẽ mất” [115, tr. 108].
Bốn là nguyên tắc: “Thi vị hóa sự vật là nguyên tắc thứ tư trong sáng tác”. Trong thực tiễn sáng tác gặp những sự vật “không thể tượng trưng hóa được”, thì phải “nhân cách hóa sự vật hoặc sinh vật hóa những vật vô cơ....
Tất nhiên thi sĩ chỉ được thi vị hóa sự vật cho có chừng để khỏi sa vào chỗ kiểu cách lố lăng” [115, tr. 109]. Nói một cách khác đây chỉ là nguyên tắc bổ sung, không nên lạm dụng. Nói chung những nguyên tắc này được nhiều người đồng tình vì tính đúng đắn và hữu ích của nó.
Tuy nhiên, trong lập luận của Lương Đức Thiệp cũng nhiều khi tỏ ra mâu thuẫn. Ông vốn thừa nhận “Những tác phẩm về thi ca do nguồn cảm xúc mạnh mẽ, đột ngột đến tạo ra không phải không có giá trị” [115, tr. 81]. Ông còn cho rằng: “nhiều bài thơ hình thành được là do một tâm trạng đặc biệt của một tình cảnh cũng đặc biệt gây nên. Hoàn cảnh tâm lý ấy chỉ đến có một lần để không bao giờ trở lại nữa” [115, tr. 81]. Nhưng rồi lại nói: “Các tác phẩm của những thi sĩ nhất thời này chỉ có phẩm mà không bao giờ có lượng. Nó là con đẻ của sự tình cờ. Mà nghệ thuật không bao giờ trau dồi bằng sự tình cờ cả. Nó phải là kết quả của sự cố gắng có ý thức” [115, tr. 81]. Mâu thuẫn của Lương Đức thiệp là ở chỗ ông vừa khẳng định giá trị của những vần thơ là kết quả của nguồn cảm xúc mạnh mẽ, đột ngột, vừa phủ nhận chúng. Trong thực tế, nhiều tác phẩm có giá trị lớn, lâu dài, lại được ra đời từ những nguồn cảm xúc tình cờ. Khẳng định yêu cầu “chân thành” của tình cảm, cảm xúc thơ ca, đòi hỏi nghệ thuật phải là “kết quả của sự trau dồi”, sự cố gắng có ý thức là đúng, nhưng phủ nhận giá trị của những tác phẩm ra đời từ nguồn cảm xúc tình cờ lại là chưa thỏa đáng.
Qua công trình đầu đời, chưa đến tuổi “tam thập nhi lập”, mặc dù không tránh khỏi sai sót, nhưng Lương Đức Thiệp đã hiện lên hình ảnh một trí thức Tây học có những hiểu biết khá cơ bản về đặc trưng thể loại của thơ ca và bộc lộ lòng yêu nước qua nhiệt tình đối với nền thơ ca cổ kim của dân
tộc. Nhưng nghiên cứu thơ ca dân tộc, phải chăng nên am hiểu xã hội và lịch sử Việt Nam. Có lẽ chính vì thế mà đến năm 1943 ông tập trung vào hai công trình Xã hội Việt Nam và Việt Nam tiến hóa sử như đã nhắc đến ở chương hai. Đến đây, Lương Đức Thiệp đã tương đối có đủ điều kiện: vừa hiểu biết thơ ca lẫn xã hội Việt Nam để đặt ra một vấn đề khái quát hơn là mối quan hệ giữa văn chương và xã hội. Và cũng chỉ đến đây ông mới bắt đầu vận dụng chủ nghĩa Mác.