Về triển vọng của thơ

Một phần của tài liệu Lý luận phê bình văn học của nhóm Hàn Thuyên . (Trang 139 - 143)

CHƯƠNG 3: TƯ TƯỞNG VĂN HỌC CHỦ YẾU CỦA TRƯƠNG TỬU

4.3. Nghệ thuật thi ca (Nxb Hàn Thuyên, H.1945)

4.3.3. Về triển vọng của thơ

Khi suy nghĩ về giá trị thơ ca, Lương Đức Thiệp đã xác định phương pháp nghiên cứu, đánh giá và trong đó đặc biệt lưu ý đến mối quan hệ giữa thơ ca với xã hội: “Muốn xác định giá trị thực tại của thi ca, ta không thể cứ bằng vào cái “chủ quan” của ta mà đủ vì thơ ca cũng như các nghệ thuật

hay các dụng cụ sinh sản khác chỉ có giá trị khi chúng biểu thị tương quan xã hội. Một tác phẩm văn học nếu như không diễn tả một nhu cầu của đoàn thể chỉ là một nắm giấy vụn (...). Cho nên khi ta định ra giá trị một tác phẩm nào dầu là tác phẩm nghệ thuật chi nữa, ta không thể định nó ngoài xã hội được” [117, tr. 60-61].

Giá trị của văn học không phải là vĩnh viễn trong thời gian: “Một công trình tạo tác của con người cũng không thể vượt ra ngoài vòng chi phối của các điều kiện sinh hoạt chung cả xã hội (...). Vì vậy văn học và nghệ thuật biểu thị tư tưởng và cảm giác con người cũng tiến hóa, cũng đổi tính cách không ngừng. Cho nên văn học nghệ thuật chỉ có giá trị tương đối trong thời gian” [117, tr. 62-63].

Lương Đức Thiệp phê phán những quan điểm khẳng định giá trị tuyệt đối của thơ ca: “Nhiều học giả và nghệ sĩ duy tâm có các quan niệm tuyệt đối về thơ ca, nghĩa là cái giá trị mỹ thuật trên cả thời gian và không gian, trên cả đẳng cấp và ngoài xã hội” [117, tr. 65]. Ông còn chỉ ra tác hại của kiểu quan niệm ấy, nhất là nó ảnh hưởng đến quan niệm sáng tác của thơ ca hiện đại:

“Đứng về phương diện sáng tác, cái quan niệm sáng tác ấy là một trở lực lớn. Biết bao tài năng đáng lẽ còn phát huy được nữa phải ngừng lại trong sự tìm tòi, thay đổi để gắng khuôn theo những kiểu mẫu đã hình thành, đã đúc sẵn và được coi như những kiểu mẫu hoàn toàn rồi. Cái thái độ phục tùng, cái tính nệ cổ của đẳng cấp nho sĩ Việt Nam xưa một phần cũng do ở quan niệm tuyệt đối lầm lạc này. Cho tới ngày nay cái quan niệm tuyệt đối kia phần đông trí thức Việt Nam cũng được cởi thoát” [117, tr. 65].

Sau khi nêu ra nhiều khó khăn, tiêu cực và bế tắc trong sáng tác thơ kể cả phần nào của thế giới, Lương Đức Thiệp đã tìm hướng giải quyết trong sự thay đổi của xã hội trong tương lai: “Trong thế giới tương lai tổ chức lại theo

phương pháp khoa học, con người được hưởng tự do và bình đẳng hoàn toàn được sống trên sự sản xuất dồi dào của máy móc cho hết thảy mọi người thì (...) các tác phẩm thi ca biểu thị cái tâm trạng đau thương kia đâu còn phù hợp với tâm trạng hoàn toàn đổi khác của con người tương lai” [117, tr.71].

Ông còn cho rằng: “Giọt nước mắt khóc vì duyên lứa dở dang, vì tình yêu cưỡng ép sẽ được thấm khô khi đàn bà và đàn ông đều được xã hội đối đãi và giáo hóa như nhau” [117, tr. 72-73]. Ý chừng Lương Đức Thiệp muốn hướng về chủ nghĩa xã hội khoa học, nhưng sự hiểu biết còn rất mơ hồ, không tưởng.

Lương Đức Thiệp thể hiện những quan niệm về tư duy lịch sử khách quan, về giá trị văn học, nhưng còn ngây thơ và chưa phù hợp. Bởi, ông chưa nhận thức được đầy đủ, dù xã hội có thay đổi như thế nào thì những giá trị văn học thực sự, chân chính vẫn không bị mai một, vẫn là giá trị sống muôn đời của một dân tộc. Ông chưa thực sự hiểu và quan tâm đến tính nhân loại, tính dân tộc của văn học. Ngoài ra, ông cũng chưa thấy vai trò của người tiếp nhận đối với giá trị của tác phẩm văn học.

*

* *

Tiểu kết: Con đường lý luận phê bình văn học của Lương Đức Thiệp mở đầu bằng công trình Việt Nam thi ca luận (1942) đã tự chứng tỏ tác giả của nó là một thanh niên trí thức yêu nước rất am hiểu về thơ, say mê với thơ ca nước nhà, cổ điển cũng như hiện đại. Rồi ông đã bỏ hàng năm (1943) để nghiên cứu thêm về xã hội và lịch sử Việt Nam. Trên cơ sở một sự hiểu biết tương đối sâu về xã hội, lịch sử cùng thơ văn nước nhà, ông tiến lên giải quyết mối quan hệ Văn chương và xã hội (1944) theo quan điểm Mác-xít với

nội dung chủ yếu là tính xã hội và tính giai cấp của văn thơ cùng sự vận dụng nó vào văn học hiện đại Việt Nam. Công trình cuối đời là Nghệ thuật thơ ca (1945) ngoài phần cuối bàn về triển vọng của thơ ca, còn các mục Đào sâu thêm về tính xã hội và tính giai cấp của văn thơ; Lại nói thêm về nội dung tình cảm và hình thức ngôn ngữ của thơ, thì thực chất là bổ sung thêm những điều đã bắt đầu đề cập ở các công trình trước. Điều này là bình thường với các nhà nghiên cứu trẻ, nhất là đối với những vấn đề phức tạp.

Một phần của tài liệu Lý luận phê bình văn học của nhóm Hàn Thuyên . (Trang 139 - 143)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(167 trang)