Tích cực phục vụ chế độ mới

Một phần của tài liệu Lý luận phê bình văn học của nhóm Hàn Thuyên . (Trang 97 - 102)

CHƯƠNG 3: TƯ TƯỞNG VĂN HỌC CHỦ YẾU CỦA TRƯƠNG TỬU

3.4. Sự chuyển biến nhanh chóng về tư tưởng và học thuật của Trương Tửu ngay khi tham gia Cách mạng và kháng chiến

3.4.1. Tích cực phục vụ chế độ mới

Cần nhắc lại những biểu hiện tốt từ gốc gác gia đình của Hàn Thuyên như đã nêu ở trước: Chủ sở hữu của Nhà xuất bản Hàn Thuyên thật ra của nhạc phụ Nguyễn Xuân Giới với trưởng nam Nguyễn Xuân Tới giữ vai trò Giám đốc điều hành chung, thứ nam Nguyễn Xuân Lương phụ trách hành chính, tài vụ, quản trị v.v... Còn chàng rể Trương Tửu chỉ phụ trách chuyên môn, tương đương như Tổng biên tập hiện nay. Nhưng chính Trương Tửu, trong khi đề xuất phương hướng nội dung có nêu rõ: “Tôn vinh văn hóa lịch sử dân tộc, chống phong kiến thực dân. Có tư tưởng Mác-xít, hướng về chủ nghĩa xã hội” như đã dẫn ở trước. Chính vì thế mà trong 6 năm hoạt động Nhà xuất bản Hàn Thuyên đã từng bị nhà cầm quyền Pháp Nhật đàn áp, khủng bố, tịch thu, cấm đoán v.v... Không phải ngẫu nhiên mà về sau cụ Nguyễn Xuân Giới đã hiến nhà xuất bản cho cách mạng và đi theo kháng chiến. Nguyễn Xuân Lương còn tham gia quân đội rồi phục viên với quân hàm Đại tá.

Có thể thấy, truyền thống yêu nước của gia đình, dù là gia đình vợ như thế này, chắc chắn sẽ tác động mạnh mẽ đến hành động và tư tưởng của Trương Tửu. Không thể không nhắc đến những tình cảm trong những phút giây ban đầu đối với Cách mạng ở Trương Tửu. Chính trong những ngày tháng sôi sục tiền khởi nghĩa, vào tháng 7/1945, Trương Tửu cũng thuộc diện đối tượng bị phát xít Nhật truy lùng phải lẩn trốn về quê ở Gia Lâm, nhưng ông vẫn viết Tương lai văn nghệ Việt Nam và liền công bố vào một tuần sau

ngày Quốc khánh. Tất nhiên như đã biết cuốn sách cũng liền được Giáo sư Đặng Thai Mai (Thanh Bình) phê bình thẳng thắn, nhưng vẫn khẳng định:

“Tôi rất vui lòng nhận thấy trong tập sách Tương lai văn nghệ Việt Nam những lời nói chan chứa nhiệt tình đối với văn học và nghệ thuật, những cảm tình thân thiết đối với mọi giai tầng dân chúng và sự tin tưởng đối với tương lai văn hóa dân tộc. Ông Trương Tửu từng sống những giờ băn khoăn, những đêm mắt cay cay cả đến tâm hồn. Ông đã bất mãn với thực tế, với hiện trạng văn nghệ vì ông thấy rằng cảm thông đã đứt đoạn giữa đại chúng và nghệ sĩ (...), nhưng ông Trương Tửu không hề thất vọng. Ông đã mang nặng trong tâm hồn cái nguyện vọng tốt đẹp của một nhà văn hóa đối với tiền đồ văn hóa. Hơn nữa ông cũng muốn tích cực tham gia vào công cuộc xây dựng nền văn hóa mới” [3, tr. 19-20].

Những tâm huyết tiềm ẩn trong sách báo tiền khởi nghĩa liền được chứng thực ngay sau đó. Đang lẩn trốn ở quê, nghe Cách mạng bùng nổ, Trương Tửu liền quay về thủ đô tham gia biểu tình cướp chính quyền, đồng thời ông cũng rất nhạy cảm thấy ngay nhiệm vụ thiết yếu của giới mình. Chả là lực lượng văn hóa cứu quốc trên chiến khu chưa về kịp, Trương Tửu qua tờ Văn mới tập họp anh em văn nghệ sĩ tổ chức một Hội nghị văn hóa ra tuyên bố ủng hộ Mặt trận Việt minh. Trên cơ sở đó đã hình thành Ủy ban văn hóa lâm thời ở Bắc kỳ do ông làm Chủ tịch, tất nhiên về sau đã gia nhập vào Hội Văn hóa cứu quốc chung trong cả nước. Nhưng trong lúc chờ đợi, Ủy ban văn hóa lâm thời đã thống nhất chương trình hành động là phải viết ngay một cuốn sách đen và tổ chức một cuộc triển lãm hội họa tố cáo tội ác của thực dân Pháp. Những suy nghĩ và việc làm bước đầu này là rất cần thiết và có ý nghĩa, liền được Hồ Chủ tịch quan tâm. Mười chín giờ ngày 07/9/1945 đã diễn ra cuộc tiếp kiến thân tình và trọng thị của Hồ Chủ tịch với Lãnh đạo Ủy ban văn hóa Bắc kỳ. Trương Tửu đã thành kính bày tỏ:

“Thưa Cụ! toàn thể anh em trong giới văn hóa chúng tôi, bao lâu nay vẫn sống trong sự áp bức ngột ngạt của chính sách thực dân. Tuy vậy dù cường quyền áp bức đến bực nào, anh em chúng tôi vẫn cố gắng vươn đến một ánh sáng vươn đến độc lập và tự do. Ngày nay sự giải phóng của dân tộc đã thực hiện một phần rất lớn. Cái ánh sáng tự do cần thiết cho sự phát triển của văn hoá mà chúng tôi hằng khao khát đã nhờ sự giải phóng ấy mà bắt đầu tưng bừng, cho nên đối với chúng tôi, tranh đấu cho nền độc lập của nước nhà trong lúc này cũng tức là tranh đấu cho sự giải phóng của nền văn hoá Việt Nam” [9].

Có thể xem đây là tâm nguyện nhiệt thành của Trương Tửu đối với chế độ mới, quan trọng hơn còn là thể hiện những việc làm cụ thể. Quay về với Nhà xuất bản Hàn Thuyên, Trương Tửu chủ trương tăng cường tuyên truyền chủ nghĩa Mác. Ông đã trực tiếp dịch Tuyên ngôn Đảng Cộng sản và lần đầu tiên công bố ở nước ta vào năm 1946. Thật ra, ông còn tiếp tục viết Lịch sử quốc tế Cộng sản: Đệ nhất, Đệ nhị, Đệ tam... Nhưng rồi kháng chiến bùng nổ, nhà in Hàn Thuyên đã chuyển lên Việt Bắc và ông đưa cả gia đình kể cả cụ ngoại tản cư vào Thanh hóa. Từ đây, Trương Tửu đã dốc sức phục vụ kháng chiến và ngày càng được tín nhiệm cao trong công cuộc kháng chiến chống Pháp cả trên hai mặt trận: Văn hóa và Giáo dục. Có thể kể qua một số sự việc theo năm tháng như sau: Kể từ năm 1947, Trương Tửu tham gia sáng lập Đoàn văn nghệ kháng chiến Liên khu IV; được bầu vào ban Bí thư Đoàn; Chủ biên tạp chí Sáng tạo của Đoàn văn nghệ kháng chiến Liên khu IV; Làm giám đốc các lớp văn hóa kháng chiến Liên khu IV mở ở Thanh Hóa; Giảng dạy về Lí luận văn học, Văn học hiện đại Việt Nam. Đến năm 1948, ông tham gia Đại hội thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam ở Việt Bắc, được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Hội. Cùng với Hải Triều, ông tham gia sáng lập Chi hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở khu IV, làm Chi hội phó Chi hội Văn hóa

Thanh Hóa, phụ trách các lớp tu nghiệp, bồi dưỡng văn nghệ sĩ Liên khu III, Liên khu IV. Năm 1952, ông được nhà nước bổ dụng làm Giáo sư Trường Dự bị Đại học mở ở Thanh Hóa.

Năm 1954, Trương Tửu về tiếp quản Đại học Hà Nội, được bổ nhiệm giáo sư tại Trường Đại học Tổng hợp và Đại học Sư phạm Hà Nội, giảng dạy về Lí luận văn học và Lịch sử văn học Việt Nam. Năm 1956, ông tham gia phái đoàn Giáo dục Đại học Việt Nam tham quan nghiệp vụ tại Trung Quốc và được thay mặt Đoàn phát biểu vấn đề Tiến quân vào thành trì khoa học trên Đài phát thanh Bắc kinh. Sở dĩ trong giai đoạn này, ông ngày càng được tín nhiệm là vì làm việc gì ông cũng tận tình chuẩn bị chu đáo.

Trước hết có vẻ nghịch lý, nhưng cũng biện chứng là trong suốt thời kỳ tản cư này như trong hồi ký của trưởng nam Trương Quốc Tùng có kể lại:

“Gánh nặng gia đình nội ngoại hơn chục người trong đó có ông ngoại tôi tuổi gần 70 đè lên vai cha tôi vừa lo toan cuộc sống cho gia đình, lo học hành cho con, lo công tác. Gia đình tôi qua đủ nghề: làm vườn, buôn tạp hóa, làm nón, thợ may và nghề nào cũng do cha tôi khởi xướng” [136]. Đây không thuần túy là đưa gia đình chạy giặc mà là quyết tâm tham gia kháng chiến. Đằng sau sự chu tất ấy hàm chứa một sự chuẩn bị vượt gian khổ phục vụ lâu dài cho công tác kháng chiến.

Thứ hai, Trương Tửu làm gì cũng lấy việc nghiên cứu khoa học làm cơ sở (chuyện châm cứu sau này cũng không lệ ngoại). Trong mấy năm kháng chiến chống Pháp vừa công tác ở một số tổ chức, đoàn thể văn hóa, vừa dạy ở trường Thiếu sinh quân, Dự bị đại học v.v... ông vẫn xuất bản được mấy công trình Phương pháp phê bình văn học, Bốn mươi năm văn học Việt Nam cận đại, Văn nghệ bình dân Việt Nam v.v.... Cuốn đầu tiên là thoát thai từ 30 bài giảng về phê bình cho lớp Văn hóa kháng chiến Liên khu IV được khởi thảo ở

Quần Tín từ cuối năm 1947... Cho nên, từ một nhà phê bình không hàm cũng chẳng vị đã trở thành một Giáo sư Đại học danh tiếng là hiển nhiên. Nhất là sau 1954, trở về chính thức dạy ở các trường Đại học, thì liền có ngay Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam (Nxb Xây dựng, H. 1957) cũng là tất yếu vậy, bởi vì thực chất giảng dạy ở Đại học là nghiên cứu khoa học.

Thứ ba, Trương Tửu rất có ý thức chính trị trong công tác học thuật.

Điều này thể hiện trong cuốn Chống văn học đồi trụy cuả Mỹ (Nxb Minh Đức, H. 1955), được triển khai rất bài bản với các chương: Nguồn gốc lịch sử và xã hội của văn hóa nô dịch; Chính sách nô dịch văn hóa của đế quốc Mỹ và phe lũ; Nội dung ý thức của văn hóa nô dịch Mỹ; Văn hóa nô dịch Mỹ ở xứ ta v.v...

Cuối cùng, Trương Tửu rất có ý thức học tập đường lối chính sách của Đảng để quán triệt trong công tác của chính mình, kể cả việc tuyên truyền cho thế hệ sau. Ngay sau chiến thắng chống Pháp, vừa hồi cư về thủ đô, năm 1955. Trương Tửu đã công bố tập tiểu luận Chỉnh huấn là gì? (Nxb Minh Đức, H. 1955), hơn 50 trang, gồm 6 chương: Tại sao có chỉnh huấn; Cơ sở lý thuyết của chỉnh huấn; Phương pháp học tập trong chỉnh huấn; Phê bình tự phê bình; Tổng kết tư tưởng; Kết quả của chỉnh huấn; v.v... Nếu không ghi tên tác giả, người đọc có thể nhầm đây là tài liệu gốc của Ban Tuyên huấn.

Tất nhiên là bàn về vấn đề tu dưỡng tư tưởng lập trường rất nghiêm túc, nhưng lại rất thuyết phục bởi sự chân thành và toàn diện trong lập luận và dẫn chứng. Hóa ra đây là của Giáo sư Trương Tửu mà như ông đã tâm tình trong lời Tựa tập sách:

“Viết tập sách nhỏ này, tôi mong sẽ làm tiêu tan được sự hoang mang thắc mắc của các bạn đã bị địch làm cho có thành kiến sai lầm về chỉnh huấn. Với cương vị một nhà giáo kháng chiến, tôi đã được đi chỉnh huấn. Tôi đã lưu tâm đến kết quả chỉnh huấn ở các đơn vị của

bạn tôi. Tôi sẽ dùng sự hiểu biết của riêng tôi để giới thiệu đại cương một phương pháp cải tạo con người mà tôi cho là khoa học nhất, nhân văn nhất, hiệu nghiệm nhất” [145, tr. 399].

Tất nhiên, không cần nói về động cơ, mục đích, nhưng chỉnh huấn về mặt phương thức không phải là không có nhược điểm, cho nên về sau không kéo dài nữa. Nhưng từ góc độ lịch sử chứng tỏ Trương Tửu không những hăng say tham gia công tác thực tiễn mà đồng thời về mặt tinh thần cũng rất có ý thức làm sao con người mình chóng hòa nhập với tư tưởng đường lối quan điểm cách mạng. Trong tâm trạng như thế cũng dễ nảy sinh thái độ khẳng định ngợi ca một chiều. Trong Sổ tay văn học, phân biệt với các mẫu người quân tử, tu sĩ, hiệp sĩ, Trương Tửu đã viết về người Cộng sản:

“Người Cộng sản tự tu dưỡng nghiêm khắc để thực hành cách mạng giải phóng con người (...) luôn luôn nuôi tinh thần chiến đấu không mệt mỏi, sẵn sàng chịu đòn tra tấn, tù đày, chết chóc, không gia đình, gạt hết mọi tình cha mẹ, vợ con, anh em họ hàng để chuyên tâm hoạt động Đảng, tất cả vì Đảng, tất cả vì mục đích cuối cùng là giải phóng cả loài người” [136, tr. 274].

Tất nhiên điều này không đúng hoàn toàn, nhưng sự ca ngợi, lý tưởng hóa này là thật lòng, là thành tâm, không phải ngẫu nhiên về sau trong suốt mấy mươi năm tai vạ mà không hề oán trách, lại khuyên con mặc dù không nhất thiết phải trở thành đảng viên, nhưng phải sống và làm việc như một người cộng sản.

Một phần của tài liệu Lý luận phê bình văn học của nhóm Hàn Thuyên . (Trang 97 - 102)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(167 trang)