M ột số phương pháp dạy học môn Ngữ văn theo hướng đổi mới

Một phần của tài liệu Thực trạng quản lí đổi mới phương pháp dạy học môn ngữ văn ở các trường trung học (Trang 36 - 44)

CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÍ ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP D ẠY HỌC MÔN NGỮ VĂN Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG

1.3. Đổi mới phương pháp dạy học môn Ngữ văn ở trường THPT

1.3.4. M ột số phương pháp dạy học môn Ngữ văn theo hướng đổi mới

Thuyết trình là PPDH mà GV truyền đạt tri thức một cách trực tiếp, logic, hệ thống bằng việc sử dụng lời nói; HS tiếp nhận tri thức từ GV một cách thụ động. Để phát huy tính tích cực của HS, phương pháp thuyết trình phát triển theo hướng tích cực hơn – trình bày mang tính “nêu vấn đề”.

Thuyết trình nêu vấn đề là phương pháp GV trình bày hệ thống tri thức theo một trình tự logic, hợp lý dưới dạng nêu vấn đề gợi mở, “tính nêu vấn đề” thể hiện ở chỗ “vấn đề” được nêu ra không nhất thiết phải mang tính thường xuyên, liên tục và không phải là một giai đoạn, một bước, một chu kì như dạy học nêu vấn đề. Việc “nêu vấn đề” ở đây định hướng cho tư duy của HS và định hướng cho sự trình bày của GV.

Như vậy, phương pháp thuyết trình nêu vấn đề là GV Ngữ văn chỉ truyền đạt những tri thức trọng tâm, cơ bản, then chốt của bài học, những tri thức khó, trừu tượng, phức tạp mà HS khó tự lực thu nhận được. Thông qua việc nghe hiểu nắm vững những tri thức cơ bản, then chốt của bài, những tri thức khó không thể tự mình khám phá, nắm vững cách đặt vấn đề, giải quyết vấn đề, kết luận vấn đề của GV Ngữ văn mà HS vận dụng vào việc hiểu, tìm kiếm và nắm vững các tri thức khác của bài học.

1.3.4.2. Phương pháp đọc sáng tạo

Phương pháp đọc sáng tạo là phương pháp tiếp nhận nghệ thuật một cách sáng tạo mà vấn đề chủ yếu cần quan tâm là sự cảm thụ trực tiếp.

Phương pháp đọc sáng tạo được thực hiện dưới nhiều hình thức và mục đích khác nhau: đọc tạo cảm hứng, nhấn mạnh ấn tượng nổi bật hay những sự kiện văn học chủ yếu; đọc để kiểm tra mức độ cảm thụ của HS; đọc để hình thành và duy trì ấn tượng nghệ thuật để HS tiếp tục đi sâu và khai thác nội dung tư tưởng và hình thức ngôn ngữ tác phẩm. Các hình thức đọc như: đọc chuẩn bị ở nhà, đọc thầm và đọc to trên lớp, đọc theo nhân vật, đọc đối thoại, đọc tóm tắt, đọc bình chú, đọc ghi chép, đọc sau giờ giảng… để gây hình tượng hoàn chỉnh về bài văn và hình tượng nghệ thuật.

Phương pháp đọc sáng tạo theo hướng tích cực hóa hoạt động học tập của HS là hướng dẫn HS đạt được các cấp độ kĩ năng đọc hiểu:

- Đọc đúng là trung thành với nội dung ý nghĩa của văn bản. Đọc đúng để hiểu được phần nghĩa cơ sở (nghĩa đen, nghĩa trực tiếp) của văn bản. Để lĩnh hội được nghĩa trực tiếp của văn bản, cần căn cứ vào hệ thống từ vựng trong văn cảnh để xác định ý chính. Cấp độ này đòi hỏi người đọc phải chính xác về ngữ âm, ngữ nghĩa, ngừng nghỉ đúng dấu câu. Từ đó, người đọc có thể hiểu về sự vật hiện tượng được nêu trực tiếp trong văn bản.

- Đọc hay là bước đầu biết phát huy, nhấn mạnh hiệu quả nghệ thuật trong kết cấu âm thanh, nhạc điệu ngôn ngữ tác phẩm và chất giọng của người đọc.

- Đọc diễn cảm thể hiện được mối quan hệ xúc cảm và sự hiểu biết sâu sắc của cá nhân đối với tác phẩm, có cái nhìn thấu đáo của chủ thể về những sự vật không được nói đến trực tiếp mà ẩn chứa đằng sau câu chữ (ý tại ngôn ngoại). Đọc diễn cảm là nghệ thuật đọc nhằm tái tạo hình tượng nghệ thuật hoàn chỉnh, trọn vẹn và đạt tới sự biểu đạt ý nghĩa có màu sắc cảm xúc cá nhân. Cấp độ này đòi hỏi người đọc phải biết được cách hành văn, sắp xếp ý, dựng ý của tác giả… Từ đó hiểu được những thông điệp mà văn bản gửi đến.

Đây có thể được xem là hiểu phía sau những dòng chữ.

- Đọc bình luận là cấp độ thể hiện khả năng đánh giá giá trị, tính vững chắc hay tính chân thực của văn bản. Khả năng đọc bình luận gắn liền với kinh nghiệm, vốn sống của HS.

- Đọc sáng tạo là khả năng đọc cao nhất trong các cấp độ đọc hiểu. HS sáng tạo có khả năng tìm được ý nghĩa mới của văn bản, thậm chí hiểu được ý nghĩa ngoài tầm kiểm soát, phản ánh của tác giả. Đọc sáng tạo là để cảm, để sống, để thưởng thức, để sử dụng, để tự phát triển bản thân. Khi đọc sáng tạo người đọc còn có thể liên hệ những gì đang đọc với những gì đã đọc, lấy đó làm cơ sở để mở rộng biên độ sự hiểu biết. Đối với văn bản nghệ thuật, ý nghĩa của hình tượng có thể được mở rộng trong quá trình đọc sáng tạo.

1.3.4.3. Phương pháp gợi mở (phương pháp đàm thoại nêu vấn đề) Phương pháp gợi mở nằm trong hệ thống PPDH Ngữ văn, là phương pháp hỗ trợ phương pháp đọc sáng tạo, giúp cho HS mở rộng, đào sâu hoạt động nhận thức, thực sự phân tích, bình giá các hiện tượng văn học, xã hội.

Phương pháp gợi mở được thực hiện thông qua hệ thống câu hỏi gợi mở tạo điều kiện cho hoạt động song phương giữa thầy và trò để từng bước đi vào tác phẩm, bài học. Hệ thống câu hỏi này sẽ thường tập trung vào các vấn đề then chốt như đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm, hoặc trong việc giảng dạy lý luận phê bình văn học và lịch sử văn học. Những câu hỏi gợi mở vừa hấp dẫn HS về mặt nội dung vấn đề nêu ra vừa phải có ý nghĩa nghệ thuật và hình thức mới. Hỏi là để HS tự nguyện trả lời, mong muốn trả lời, muốn được giải đáp tiếp, khơi gợi mong muốn học hỏi ở chính các em.

Khi làm được điều này là chúng ta đã đạt tới nghệ thuật dẫn dắt. Cho nên, có thể nói hệ thống câu hỏi gợi mở không chỉ phục vụ cho hoạt động trí tuệ để HS tự chiếm lĩnh kiến thức mà còn chỉ ra phương hướng, cách thức lĩnh hội tri thức phù hợp với đặc trưng bộ môn nghệ thuật.

Phương pháp gợi mở theo hướng tích cực hóa hoạt động học tập của HS là nghệ thuật gợi cho HS tự mình cảm thụ cái hay, cái đẹp trong văn chương, rèn luyện kĩ năng phát hiện, chiếm lĩnh tri thức từ những tài liệu trong và ngoài nhà trường.

1.3.4.4. Phương pháp dạy học giải quyết vấn đề

PPDH giải quyết vấn đề là một hệ PPDH, trong đó GV Ngữ văn nêu ra vấn đề học tập, tạo ra tình huống có vấn đề, tổ chức, hướng dẫn HS tự lực tìm tòi cách giải quyết vấn đề, qua đó HS tự lực lĩnh hội tri thức mới và cách thức hành động mới, hình thành, phát triển năng lực sáng tạo.

Bản chất của dạy học giải quyết vấn đề thể hiện ở ba đặc trưng cơ bản là: GV nêu vấn đề nhận thức, HS được đặt vào tình huống có vấn đề và GV tổ chức cho HS giải quyết tình huống có vấn đề.

PPDH giải quyết vấn đề có nhiều mức độ khác nhau, được qui định bởi mức độ GV Ngữ văn tổ chức, hướng dẫn điều khiển quá trình HS tiếp xúc và giải quyết vấn đề của họ và do đó cũng đánh giá được mức độ tích cực trong nhận thức của HS. Theo đó, chúng ta có các mức độ là: phương pháp trình bày nêu vấn đề, phương pháp tìm tòi bộ phận và PPDH giải quyết vấn đề có tính chất nghiên cứu. Tuy nhiên, tùy theo mục tiêu, nội dung bài học, đặc điểm, trình độ nhận thức của HS mà GV Ngữ văn có thể tiến hành dạy học giải quyết vấn đề ở các mức độ khác nhau.

1.3.4.5. Phương pháp luyện tập, ôn tập

Phương pháp luyện tập là phương pháp dưới sự hướng dẫn của GV Ngữ văn, HS lặp lại nhiều lần những hành động nhất định trong những hoàn cảnh khác nhau nhằm hình thành và phát triển kĩ năng, kĩ xảo, kĩ năng tư duy, kĩ năng tổ chức học tập một cách khoa học.

Phương pháp ôn tập là PPDH giúp HS mở rộng, đào sâu, khái quát hóa, hệ thống tri thức đã học, kĩ năng kĩ xảo đã được hình thành, phát triển trí nhớ, tư duy và qua đó điều chỉnh những sai lầm trong nhận thức của họ.

Sử dụng phương pháp luyện tập, ôn tập theo hướng tích cực hóa hoạt động của HS thể hiện thông qua việc tăng cường hoạt động của HS. Cụ thể là, HS được luyện tập theo mẫu, từ đó phát hiện, phân tích cách dùng của tác giả, vận dụng trong bài văn để hình thành kĩ năng thực hành tiếng Việt, làm văn.

Ngoài ra, HS cần được ôn tập một cách tích cực thông qua việc GV Ngữ văn hướng dẫn, tổ chức hoạt động ôn tập của HS: ôn trên lớp, ôn ở nhà, ôn sau khi học, ôn trước khi quên, ôn tập trung, ôn xen kẽ…

1.3.4.6. Phương pháp trực quan

PPDH trực quan là phương pháp sử dụng những phương tiện trực quan, phương tiện kĩ thuật dạy học để hình thành, củng cố, hệ thống hóa và kiểm tra tri thức, kĩ năng, kĩ xảo ở HS.

PPDH trực quan bao gồm:

+ Phương pháp quan sát là cách thức GV Ngữ văn tổ chức và hướng dẫn HS độc lập quan sát các sự vật hiện tượng một cách có mục đích và có kế hoạch, nhằm rút ra kết luận, hình thành tri thức mới.

+ Phương pháp trình bày trực quan là cách thức GV Ngữ văn trình bày nội dung bài học dựa trên các phương tiện trực quan khác nhau tùy vào mục đích, yêu cầu, nội dung bài học. GV Ngữ văn có thể sử dụng dưới hai hình thức là minh họa (bản mẫu, hình vẽ, tranh ảnh, chân dung…) và trình bày (thiết bị kĩ thuật, chiếu phim, đèn chiếu).

Sử dụng PPDH trực quan theo hướng tích cực hóa học tập là tập trung vào sử dụng các phương tiện trực quan trong lớp học, ứng dụng CNTT, PTDH hiện đại một cách hiệu quả, thông qua việc GV Ngữ văn không lạm dụng nó mà sử dụng theo đúng nguyên tắc sư phạm và thành thạo trong kĩ thuật sử dụng.

1.3.4.7. Phương pháp dạy học theo nhóm nhỏ

PPDH theo nhóm nhỏ là cách thức GV Ngữ văn chia HS thành từng nhóm để thảo luận về một vấn đề học tập dưới sự tổ chức, hướng dẫn của GV nhằm thực hiện các nhiệm vụ học tập.

Trong dạy học theo nhóm phải có sự gặp gỡ, tiếp xúc trực diện giữa GV – HS, HS – HS do GV tổ chức, qua đó HS tự do trao đổi những ý tưởng và cảm nhận các vấn đề học tập, cùng phối hợp hoạt động. Khi đó, các hoạt động của cá nhân riêng lẻ được tổ chức, liên kết hữu cơ và thống nhất với nhau trong hoạt động chung, cùng thực hiện nhiệm vụ học tập. Trong quá

trình tương tác này cũng sẽ hình thành và tích hợp các quan hệ tương tác giữa GV - nhóm và HS. Trong đó, mỗi nhân tố sẽ có từng vai trò cụ thể: HS là chủ thể tích cực của hoạt động học tập; GV là người tổ chức, hướng dẫn, điều khiển hoạt động học tập; nhóm vừa là môi trường vừa là phương tiện giúp HS lĩnh hội tri thức, phát triển trí tuệ và nhân cách; còn tri thức là mục đích nhận thức của HS.

Như vậy, PPDH theo nhóm nhỏ là cách thức đặc thù để tổ chức và điều khiển mối quan hệ giữa GV Ngữ văn – HS – tri thức. Trong đó, HS không chỉ là một cá nhân mà còn là một cộng đồng các chủ thể và liên kết, chủ thể liên nhân cách nhằm giúp tự giác, tích cực chiếm lĩnh tri thức bằng chính hành động của mình.

1.3.4.8. Phương pháp dạy học theo dự án

Theo định nghĩa của Bộ giáo dục Singapore thì dạy học theo dự án là hoạt động học tập nhằm tạo cơ hội cho HS tổng hợp kiến thức từ nhiều lĩnh vực học tập, áp dụng một cách sáng tạo vào thực tế cuộc sống. Hay nói cách khác, dạy học theo dự án được hiểu như một PPDH, trong đó GV Ngữ văn tổ chức, hướng dẫn HS tự lực thực hiện một nhiệm vụ học tập phức hợp thông qua quá trình giải quyết một bài tập tình huống gắn với thực tiễn – dự án.

Trong dạy học theo dự án, các hoạt động học tập được thiết kế mang tính thiết thực, định hướng vào HS, định hướng hoạt động thực tiễn và định hướng sản phẩm, cụ thể là các hoạt động này liên quan đến nhiều lĩnh vực kiến thức, lấy HS làm trung tâm và gắn kiến thức nhà trường với những vấn đề thực tiễn của thế giới hiện tại. Dự án là một bài tập tình huống mà HS phải giải quyết vấn đề đòi hỏi sự tự lực cao của HS. Khi HS được lựa chọn nội dung/ tiểu chủ đề và tự đặt ra vấn đề cần tìm hiểu nghiên cứu, HS sẽ hoàn toàn chủ động tích cực trong việc lập kế hoạch nghiên cứu, tìm kiếm, tổng

hợp, xử lý thông tin để giải quyết vấn đề và tạo ra được những sản phẩm vật chất gắn với hoạt động thực tiễn, thực hành.

1.3.4.9. Phương pháp hướng dẫn học theo sách giáo khoa và tài liệu Phương pháp hướng dẫn học theo sách giáo khoa Ngữ văn và tài liệu là phương pháp nhằm giúp HS không những nắm vững, đào sâu, mở rộng tri thức mà còn hình thành kĩ năng, kĩ xảo đọc sách, tài liệu để học tập suốt đời.

Việc cho HS làm việc với SGK và tài liệu có thể diễn ra trên lớp và ngoài lớp. Tuy nhiên, trước khi tổ chức cho HS tự nghiên cứu SGK và tài liệu, GV cần hướng dẫn HS thông qua hoạt động đàm thoại một cách cặn kẽ, tỉ mĩ về chủ đề học tập, nêu lên những vấn đề cơ bản của tài liệu phải nghiên cứu và xác định trình tự và phương pháp nghiên cứu theo trình tự ấy. Bên cạnh đó, chúng ta cần đặt các câu hỏi về những nội dung HS tự nghiên cứu và kích thích các em trả lời nhằm biết được trình độ lĩnh hội nội dung, qua đó điều chỉnh, sửa chữa những điều HS hiểu chưa đúng. Kiểm tra chặt chẽ mức độ đạt được các yêu cầu mà GV Ngữ văn giao cho, từ đó có những giúp đỡ kịp thời cũng rất quan trọng trong việc hướng dẫn các em học tập.

Để việc hướng dẫn HS học theo SGK và tài liệu đạt hiệu quả, GV Ngữ văn cần hình thành cho HS một số kĩ năng như: kĩ năng tìm kiếm tài liệu, kĩ năng đọc, kĩ năng ghi chép…

Trong dạy học Ngữ văn, phương pháp hướng dẫn học theo sách giáo khoa và tài liệu còn có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng kĩ năng phân tích và cắt nghĩa văn học. GV Ngữ văn hướng dẫn để HS có thể tự lực phân tích, cắt nghĩa tác phẩm, đối chiếu các tác phẩm với nhau, lý giải các hình tượng nhân vật theo quan điểm và lập luận của mình.

1.4. Quản lí đổi mới phương pháp dạy học môn Ngữ văn ở trường trung học phổ thông

Một phần của tài liệu Thực trạng quản lí đổi mới phương pháp dạy học môn ngữ văn ở các trường trung học (Trang 36 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(154 trang)