1.3.1. Não thùy
Theo Phạm Minh Thành và Nguyễn Văn Kiểm (2009) [24], bất kì một loài cá nào khi tuyến sinh dục thành thục thì hoạt tính của não thùy là cao nhất. Bởi vì, 2 loại kích tố trong não thùy là FSH và LH được sản sinh ra nhiều nhất khi tuyến sinh dục thành thục, ngoài ra các thành phần kích tố khác cũng tham gia trực tiếp hay gián tiếp vào quá trình đẻ trứng của cá.
Não thùy cá Chép được coi là loại chế phẩm kích dục tố mạnh cho nhiều loài cá kể cả các đối tượng khác họ và các loài cá biển [1]. Sử dụng não thùy để kích thích sinh sản cá là một phương pháp phổ biến trong nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, phương pháp đơn giản này không phải lúc nào cũng thành công do một số nguyên nhân như thiếu tuyến yên, phương pháp bảo quản và liều lượng sử dụng. Ngoài ra, phương pháp này còn phải đối mặt với những bất tiện như khó xác định hiệu năng của chất kích dục có trong tuyến yên để từ đó đề ra kỹ thuật chuẩn [1].
Trong sinh sản nhân tạo, người ta dùng não thùy thay một số yếu tố ngoại cảnh để chuyển hóa, phá vỡ màng follycul và kích thích cá đẻ [20].
1.3.2. HCG
HCG còn gọi là kích dục tố màng đệm hoặc kích dục tố nhau thai do màng đệm thai (Chorion) tiết ra có chức năng duy trì thể vàng sau khi rụng trứng do tác dụng của LH. LH là hormone do tuyến yên tiết ra. HCG được hai nhà sinh lý học nội tiết người Đức là Zondek và Aschheim phát hiện năm 1927 trong nước tiểu phụ nữ mang thai và hiện nay là loại kích dục tố dị chủng được dùng có hiệu quả cho nhiều loài cá nhất. Việc dùng HCG để kích thích cá đẻ đã được thử nghiệm từ những năm 1930. Cũng như các kích dục tố khác, HCG tác động lên nang trứng cá, làm cho nang trứng sản xuất ra yếu tố gây chín (hormone Steroid C21) và yếu tố gây rụng trứng (làm vỡ nang trứng, chẳng hạn hormone Prostaglandin và enzym Protease) cho noãn bào thoát ra ngoài. Trứng cá chín và rụng bình thường theo ống dẫn trứng ra môi trường nước, gặp tinh trùng và được thụ tinh ở đó [9].
HCG đã được sử dụng có hiệu quả rõ rệt trong những thành công đầu tiên khi thử nghiệm kích thích cá Tra sinh sản trong điều kiện ở ĐBSCL, hiện nay HCG được dùng khá phổ biến để kích thích sinh sản cá Tra (có thể dùng cho cả cá Basa –
Pangasius bocourti và cá Hú – P. conchophilus) [1].
Ngoài ra, HCG còn có ba ưu điểm so với não thùy cá (chiết xuất tuyến yên): rẻ hơn nhiều, không dễ phân huỷ nên có thể để lâu hơn và sẵn có ở dạng tinh chế [9].
Tuy nhiên, Theo Phạm Minh Thành và Nguyễn Văn Kiểm (2009) [24], đã nhận định rằng trong sinh sản nhân tạo, liều lượng HCG sử dụng cho cá phụ thuộc rất nhiều vào mức độ tinh khiết của chế phẩm cũng như sự thành thục của cá. Thậm chí có loài dùng đơn độc HCG hiệu quả rất kém hoặc không có tác dụng.
HCG là một hormone polypeptide có chức năng như LH và FSH. HCG kích thích buồng trứng phát triển, sự rụng trứng và tiết ra hormone sinh dục [21].
1.3.3. LHRH-a
Leutinising Hormone Releasing Hormone (LHRH – hormone giải phóng hoóc môn kích dục) là tên của một loại hoóc môn của loài động vật có vú được sử dụng thành công để kích thích giải phóng các hoóc môn kích dục. Trong vài năm gần đây, LHRH nhân tạo, gọi là LHRH-a, được phát triển hiệu quả hơn nhiều. Vì chúng tinh khiết hơn và không được cá chuyển hóa nhanh, các chất này duy trì được tác dụng trong thời gian dài [9].
Nhận định tương tự cũng được đưa ra bởi Nguyễn Tường Anh (1999) [1], LHRH-a hay mGnRH-a (là chất tương tự GnRH của động vật có vú) là một trong những GnRH-a (những chất tổng hợp tương tự hormone phóng thích kích dục tố từ tuyến yên nhưng hoạt tính cao hơn hàng chục đến hàng trăm lần các hợp chất tự nhiên). Đối với kích thích sinh sản cá, các GnRH-a có lợi thế là giá rẻ, hoạt tính ổn định nếu được bào chế, bảo quản tốt, không gây phản ứng miễn dịch. Tuy nhiên, thời gian hiệu ứng có thể dài hơn so với việc dùng các kích tố khác hay hormone steroid. Ở cá bố mẹ, sau khi được tiêm GnRH và đã đẻ xong thì tuyến yên không còn kích dục tố. Vì thế trong trường hợp nuôi vỗ và cho cá đẻ nhiều lần trong năm thì thời gian tái thành thục có thể dài hơn so với cá được nuôi vỗ lại sau khi kích thích sinh sản bằng các kích dục tố hoặc hormone steroid. Não thùy của cá bố mẹ sau khi đẻ nhờ được kích thích bằng GnRH không còn hoạt tính kích dục và không thể làm chế phẩm kích dục cho cá.
Vì những lý do trên nên LHRH-a được xem như là một trong ba loại GnRH-a được sử dụng phổ biến trong sinh sản nhân tạo cá [9].
1.3.4. Domperidon (DOM)
DOM là một trong những Antidopamine (Dopamine antagonist, Dopamine blocker) là chất chống lại Dopamin – kháng. Thường được sử dụng kèm theo các GnRH-a hay các chất tương tự GnRH trong sinh sản nhân tạo cá [1]. Trong điều kiện tự nhiên, cơ thể cá có một cơ chế phản ứng làm hạn chế việc giải phóng chất kích dục. Cơ chế này sử dụng một chất hóa học có tên là Dopamin, chất này kiềm chế hoạt động của LHRH. Khi cá có Dopamin, thì cả LHRH-a cũng bị hạn chế. Chất kháng Dopamin là DOM thường được sử dụng để hạn chế tác dụng của Dopamin. Khi sử dụng kết hợp LHRH-a và kháng Dopamin, sinh sản thành công tăng đột biến [1].
1.4. THỨC ĂN ƯƠNG CÁ TRÈN BẦU
1.4.1. Tép (Macrobrachium lanchesteri de Man, 1911)
Tép được sử dụng làm thức ăn ương cá trèn bầu là tép trấu hay tép gạo là một loài thuộc giống Macrobrachium, họ Palaemonidae.
Nguyễn Hữu Yến Nhi và ctv (2010) [16], đã phân tích mẫu tép và xác định hàm lượng dinh dưỡng của tép khô có 62,4 % protein, 6,21 % lipid, phần còn lại là các chất dinh dưỡng khác (Ca, P, ...). Theo nghiên cứu của R. Ponnuchamy et al, (1979) xác định trong tép có 56,36 % protein [44].
Hình 1.7: Tép làm thức ăn ương cá trèn bầu
1.4.2. Cá biển (cá bạc má_ Rastrelliger kanagurta Cuvier, 1817)
Hình 1.8: Cá bạc má băm nhuyễn cho cá trèn bầu ăn
Cá bạc má có tên tiếng Anh: Indian mackerel; tên khoa học: Rastrelliger kanagurta (Cuvier, 1817). Phân bố chủ yếu ở Vịnh Bắc Bộ, vùng biển Trung Bộ và Đông Tây Nam Bộ [37].
Đã phân tích mẫu cá bạc má và xác định hàm lượng dinh dưỡng của cá bạc má khô có 39 % protein.
1.4.3. Trùn chỉ (Tubifex tubifex Mueller, 1774)
Trùn chỉ thuộc họ Naididae hay còn gọi là giun đỏ là động vật đáy thuộc nhóm giun ít tơ (Oligochaeta), sống ở nơi có dòng chảy, nhiều chất hữu cơ dơ bẩn. Thân có
hình ống, màu đỏ, dài 1,5 – 3 cm, đường kính 0,1 – 0,3 mm, chúng sống bằng cách vùi một phần dưới đáy bùn và phần lớn cơ thể hướng thẳng lên và uốn lượn như gợn sóng. Chỉ cần một dấu hiệu nguy hiểm nhỏ chúng sẽ rút vào đáy bùn, sau đó lại thò ra để lấy ít oxy trong nước bẩn. Trùn chỉ vẫn còn sống ngay cả khi nhiệt độ nước xuống 21,5 0C, nên nó là thức ăn lý tưởng cho cá vào mùa đông. Để bảo quản trùn chỉ ta có thể giữ trong điều kiện nước chảy nhẹ liên tục hoặc cho vào một vật chứa bằng phẳng, không để trùn dày quá 1 cm, cho một ít nước vào cho ngang với bề dày của trùn, để nơi mát, ngày thay nước 2 lần [37].
Phân tích của R. Ponnuchamy et al, (1979) [44], cho kết quả là trong trùn chỉ sống có 83,76 % là nước, khi phân tích trùn ở trọng lượng khô thì thành phần dinh dưỡng của trùn chỉ gồm có khoáng 4,26 %, lipid 33,67 %, protein 62,07 %.
Hình 1.9: Trùn chỉ cho cá trèn bầu ăn
1.4.4. Thức ăn công nghiệp (UP T503)
Thức ăn được sử dụng trong nghiên cứu là thức ăn công nghiệp UP T503 có kích cỡ hạt nhỏ, màu xám nhạt. Thành phần nguyên liệu: độ ẩm tối đa 10 %, protein tối thiểu 40 %, béo thô tối thiểu 4 %, tro tối đa 12 %, xơ thô tối đa 6 % [50].
Hình 1.10: Thức ăn công nghiệp UP T503
1.4.5. Sơ lược nhu cầu dinh dưỡng của họ cá trèn bầu
1.4.5.1. Protein
Nhu cầu protein là lượng protein tối thiểu có trong thức ăn nhằm thỏa mãn yêu cầu các amino acid để đạt tăng trưởng tối đa [6, 42].
Choltisak Chawpaknum (2003) [35] đã cho rằng nhu cầu dinh dưỡng protein tối ưu của cá trèn bầu từ 1 – 4 tháng tuổi là 37,66 %. Trong một nghiên cứu khác cũng của tác giả đã kết luận rằng mức năng lượng có trong thức ăn 40 % đạm tối ưu cho sự tăng trưởng của Ompok bimaculatus là khoảng 466,40 và 489,50 kcal.100 g-1 thức ăn 40 % protein.
Nghiên cứu ương cá Leo bằng thức ăn chế biến được thực hiện bởi Lam Mỹ Lan và Trần Bảo Trang (2010) [11] ở cá 27 ngày tuổi. Thí nghiệm được bố trí trong bể composite (500 lít) ở mật độ 50 con/bể với 3 nghiệm thức (I) thức ăn chế biến 40 % đạm, (II) thức ăn chế biến 50 % đạm và (III) cá tạp. Mỗi nghiệm thức lập lại 3 lần và thí nghiệm trong 30 ngày. Kết quả cho thấy với thức ăn chế biến 50 % đạm và cá tạp cho tỷ lệ sống và tốc độ tăng trưởng của cá cao hơn thức ăn chế biến 40 % đạm.
1.4.5.2. Lipid (năng lượng)
Riêng về nhu cầu năng lượng cung cấp từ lipid của động vật thủy sản thì được xác định dựa vào nhu cầu về năng lượng, yêu cầu về acid béo cần thiết, nhu cầu về phospholipid và cholesterol và đặc điểm sống và dự trữ lipid của loài. Đối với cá, hàm lượng lipid thay đổi tùy theo loài, tuy nhiên mức đề nghị từ 6 – 10 % [6].
Bổ sung lipid vào thức ăn sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng. Hiệu quả sử dụng protein ở động vật thủy sản, nhờ tác dụng chia sẻ nhu cầu năng lượng của protein [6].
1.4.5.3. Carbohydrate (bột đường)
Lê Thanh Hùng (2008) [6] cho rằng, carbohydrate không phải là thành phần dinh dưỡng cần thiết trong thức ăn thủy sản và động vật thủy sản không có nhu cầu carbohydrate trong thức ăn như acid amin và các acid béo thiết yếu. Tuy nhiên, carbohydrate là nguồn thức ăn, cung cấp năng lượng rẻ tiền. Khi thiếu nguồn năng lượng này trong thức ăn các động vật thủy sản sẽ sử dụng protein và lipid làm nguồn năng lượng. Một số loài cá, đặc biệt là cá ăn tạp dùng carbohydrate trong thức ăn sẽ giúp cá tăng trưởng tốt hơn và sử dụng protein hiệu quả hơn.
1.4.5.4. Vitamin
Vitamin đóng vai trò quan trọng trong thành phần dinh dưỡng của động vật thủy sản. So với các thành phần dưỡng chất chính trong thức ăn như protein, lipid và carbohydrate, vitamin chiếm một lượng rất nhỏ từ 1 – 2 % trong thức ăn. Tuy nhiên, vitamin có vai trò quyết định trong quá trình trao đổi chất của cơ thể và chi phí có thể lên đến 15 % trong khẩu phần ăn. Vì hầu hết các vitamin giữ vai trò đặc biệt như là một co-enzyme hay các tác nhân hỗ trợ các enzyme thực hiện các phản ứng sinh hóa trong cơ thể sinh vật. Nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy, động vật thủy sản không có khả năng hay khả năng tổng hợp rất ít không đủ cho nhu cầu nên việc cung cấp vitamin vào thức ăn cho động vật thủy sản là rất cần thiết. Động vật thủy sản ăn thức ăn không được cung cấp đầy đủ vitamin sẽ sinh trưởng chậm, tỉ lệ sống thấp, khả năng chịu đựng với biến động môi trường kém và dễ bị bệnh. Một điều cần lưu ý khi bổ sung vitamin vào thức ăn cho động vật thủy sản là ngoài việc căn cứ vào nhu cầu của đối tượng thủy sản còn phải xem xét đặc tính của loại vitamin [6].
1.4.5.5. Chất khoáng (đa và vi lượng)
Chất khoáng là những nguyên tố hóa học cần thiết để xây dựng nên cơ thể và tham gia vào quá trình trao đổi chất trong cơ thể động vật. Chất khoáng có vai trò như là chất xúc tác đối với các enzyme, hormone và protein [7].
Nhu cầu chất khoáng cho động vật thủy sản là một trong những nhu cầu khó xác định nhất, bởi lẽ cá có thể hấp thu khoáng trực tiếp từ môi trường nước qua mang, da. Các khoáng vi lượng hiện diện với một tỷ lệ nhỏ trong thức ăn, nhưng giữ vai trò quan trọng: xúc tác các phản ứng hóa học xảy ra trong dinh dưỡng của cơ thể [6].
1.5. MẬT ĐỘ ƯƠNG TRONG HỌ CÁ TRÈN BẦU
Chưa có nhiều nghiên cứu về ương nuôi cá trèn bầu trong nước và trên thế giới được công bố ngoại trừ một số nghiên cứu đã được nêu ở phần trên. Có thể tham khảo một số kết quả nghiên cứu có liên quan về việc ương cá với các mật độ khác nhau của một số loài cá thuộc họ Siluridae.
1.5.1. Nghiên cứu ương cá Leo
Theo kết quả “Bước đầu về sinh sản nhân tạo cá Leo” của Dương Nhựt Long và Nguyễn Hoàng Thanh (2008) [14]: cá Leo bột được ương trên bể ximăng 1 m2 với thức ăn tự nhiên chủ yếu là luân trùng (Brachionus), trứng nước (Moina), trùn chỉ, ấu trùng Artemia và thức ăn tự chế biến có hàm lượng protein dao động từ 30 - 32 % ở các mật độ ương khác nhau (100, 200 và 300 cá bột.m-2). Thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên với 3 lần lặp lại. Khẩu phần ăn dao động từ 10 - 120 % khối lượng thân và được điều chỉnh về số lượng theo sự phát triển khối lượng của cá ương. Kết quả sau 30 ngày ương khối lượng trung bình là 17 g.con-1.
1.5.2. Nghiên cứu ương cá Kết
Nghiên cứu được tiến hành bởi Nguyễn Văn Triều và ctv (2008) [26] sử dụng các loại thức ăn khác nhau để ương cá Kết nhằm tìm ra loại thức ăn thích hợp để ương cá. Có thể sử dụng bể nhựa, ximăng có thể tích 1 m3 ương cá. Nước phải được lắng, lọc cẩn thận; mức nước 50 – 60 cm; có sục khí liên tục. Mật độ thả là 2,5 con.l-1. Sau khi nở được hai ngày thì cho cá vào bể ương chuẩn bị sẵn. Trước khi thả, cá bột được ngâm vào bể ương khoảng 15 phút, sau đó thả từ từ. Ba ngày đầu, cho cá ăn Artemia (4 lần.ngày-1), ngày thứ 3 – 10 cho ăn Monia (3 – 4 lần.ngày-1), ngày thứ 7 – 15 cho ăn trùn chỉ (3 lần.ngày-1), từ ngày thứ 15 trở đi, có thể tập cho cá ăn thức ăn chế biến có hàm lượng đạm cao (trên 40 %). Đến ngày thứ 45, cá đạt 5 – 7 cm. Trong quá trình ương, hàng ngày làm vệ sinh (dọn phân cá và thức ăn thừa), thấy nước dơ thì thay 30 % mỗi ngày đến khi thấy sạch lại thì ngưng. Quan sát biểu hiện của cá để có biện pháp xử lý kịp thời.
Nghiên cứu ương cá Kết từ cá bột lên cá giống ở các mật độ khác nhau. Thí nghiệm 1, cá Kết được ương trong xô nhựa 35 lít với các mật độ lần lượt là 1,5 con.l-1, 3,5 con.l-1, 5,5 con.l-1 và 7,5 con.l-1; thức ăn là trùn chỉ. Thí nghiêm 2, cá Kết được ương trong bể xi măng 1 m3 với các mật độ là 1500 con, 2000 con và 2500 con; thức ăn viên. Kết quả ở thí nghiệm 1, mật độ 7,5 con.l-1 cho tăng trưởng tuyệt đối, tăng
trưởng tương đối và tỷ lệ sống thấp hơn có ý nghĩa so với các nghiệm thức còn lại. Kết quả ở thí nghiệm 2, mật độ 1500 con có tăng trưởng tuyệt đối, tăng trưởng tương đối cao hơn có ý nghĩa so với các nghiệm thức còn lại nhưng tỷ lệ sống giữa các nghiệm thức khác nhau không có ý nghĩa thống kê [28].
CHƯƠNG 2: VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 2.1. Đối tượng, thời gian và địa điểm nghiên cứu
- Đối tượng nghiên cứu: cá trèn bầu (Ompokbimaculatus Bloch, 1797). - Thời gian nghiên cứu: từ tháng 10/2011 đến tháng 06/2012.
- Địa điểm nghiên cứu: trại thực nghiệm Thủy sản, trường Đại học An Giang.
2.2. Nguyên vật liệu nghiên cứu
- Cá trèn bầu, LHRH – a + DOM, HCG, não thùy, cân đồng hồ, kim tiêm, bể 0,5 m3, hệ thống sục khí, nhiệt kế, bộ test – sera: pH, NH3/NH4+, DO, bình Weys, kính hiển vi, cân điện tử, thước đo, giá thể, ống siphon, lòng đỏ trứng gà, bột đậu nành, trứng nước (moina), tép, cá biển, trùn chỉ, thức ăn công nghiệp (UP T503) và một số dụng cụ khác.
- Nguồn nước: nước ngọt được bơm vào bể lắng 24 giờ rồi đưa qua bể chứa xử