CHƯƠNG 2. CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA VIỆC XÂY DỰNG MÔ HÌNH LIÊN KẾT GIỮA TRƯỜNG ĐẠI HỌC – VIỆN NGHIÊN CỨU – DOANH NGHIỆP
2.1. Hệ khái niệm công cụ
2.1.3. Chính sách đổi mới
Cho đến nay đã có nhiều tài liệu và đặc biệt là các tài liệu của Uỷ ban châu Âu và một số học giả phương Tây nghiên cứu về đổi mới đưa ra những cách nhìn nhận khác nhau về chính sách đổi mới.
Stoneman [44, 1987] coi chính sách đổi mới là những chính sách liên quan đến sự can thiệp của chính phủ trong nền kinh tế với mục đích tác động đến quá trình đổi mới công nghệ. Mowery [42, 1992] thì định nghĩa chính sách đổi mới là những chính sách ảnh hưởng đến những quyết định của doanh nghiệp để phát triển, thương mại hoá và thực hiện các công nghệ mới.
Xuất phát từ hai định nghĩa trên Haukness và Wicken năm 1999 [7, 2008]
đưa ra cách xác định chính sách đổi mới theo nghĩa rộng hơn, vượt ra khỏi phạm vi của những chính sách đổi mới đã công bố (tức là chính sách tác động mạnh mẽ trực tiếp lên việc thực hiện đổi mới) bao gồm chính sách công nghiệp, chính sách tài chính, chính sách thương mại, các biện pháp điều chỉnh và luật pháp, và nhiều vùng chính sách khác. Theo các tác giả này thì chính sách đổi mới bao gồm cả những chính sách công bố và chính sách ngầm định (liên quan đến thẩm quyền của bộ về
41
đổi mới và các bộ không có chương trình hành động đổi mới riêng). Nói như vậy có nghĩa là chính sách ngầm định sẽ tạo ra một môi trường và những điều kiện cần thiết của chính sách đổi mới công bố.
Trong một nghiên cứu về chính sách đổi mới và cách tiếp cận HTĐM, Edquist [32] cho rằng chính sách đổi mới là sự can thiệp của nhà nước dẫn đến sự thay đổi kỹ thuật và các hình thức đổi mới khác, bao gồm: chính sách R&D, chính sách công nghệ, chính sách cơ sở hạ tầng, chính sách vùng và chính sách giáo dục.
Điều này có nghĩa là chính sách đổi mới vượt ra khỏi phạm vi của chính sách KH&CN (ảnh hưởng đến đổi mới từ bên cung) và như vậy chính sách đổi mới bao gồm cả hoạt động ảnh hưởng đến đổi mới từ bên cầu.
Nghiên cứu về chính sách đổi mới trong nền kinh tế tri thức, Cowan and Van de Paal năm 2000 đã đưa ra cách xác định chính sách đổi mới như một tập hợp các hoạt động chính sách nhằm gia tăng số lượng và hiệu quả của các hoạt động đổi mới [7, 2008]. Các hoạt động đổi mới ở đây đề cập đến sự sáng tạo, sự thích nghi và chấp nhận các sản phẩm, qui trình hoặc dịch vụ mới hoặc được cải tiến. Ở phạm vi doanh nghiệp hay tổ chức thì các hoạt động này diễn ra nhằm giới thiệu các sản phẩm, qui trình hoặc dịch vụ mới hoặc được cải tiến nhằm tăng năng suất, lợi nhuận hoặc thị phần, với mục tiêu cuối cùng là tăng tính cạnh tranh của tổ chức mình trong khoảng thời gian dài.
Trong nghiên cứu của Uỷ ban châu Âu về Đổi mới thì cho rằng chính sách đổi mới không đơn thuần chỉ tập trung vào R&D mà đúng hơn chính sách này tập trung vào các biện pháp tốt nhất để thúc đẩy một môi trường có lợi cho đổi mới, đó là một môi trường tạo điều kiện để truyền bá tri thức và công nghệ trong hệ thống.
Môi trường thể chế thuận lợi bao gồm “nhu cầu” cho đổi mới: môi trường kinh tế vĩ mô, cạnh tranh lành mạnh và hiệu quả, liên kết khoa học-công nghệ tốt, tiếp cận đến nguồn vốn mạo hiểm và quản lý chuyên môn cho cho việc hình thành doanh nghiệp, điều kiện hình thành mạng lưới, cơ cấu hỗ trợ và nền tảng giáo dục [7, 2008].
Tóm lại, từ những định nghĩa trên đây, xét ở tầm quốc gia thì chính sách đổi mới có thể hiểu là những can thiệp có hệ thống của nhà nước tạo điều kiện thuận lợi và môi trường thúc đẩy cho sự thay đổi kinh tế có lợi nhất, khuyến khích sự phát triển nguồn nhân lực, nảy sinh những ý tưởng mới và hiện thực hoá những ý tưởng mới này thành các sản phẩm, qui trình và dịch vụ.
Tầm quan trọng của chính sách đổi mới được thể hiện qua những minh chứng kinh tế cơ bản cho chính sách đổi mới. Ngày nay khi xem xét chính sách đổi
42
mới các nhà hoạch định chính sách thường đề cập đến hai minh chứng kinh tế cơ bản là thất bại thị trường và thất bại hệ thống [41, 2000].
Thất bại thị trường: Từ những nghiên cứu về đổi mới và chính sách đổi mới, một số nguyên nhân mà thị trường thất bại trong việc sản xuất và sử dụng tri thức đó là: (i) tính không chắc chắn và rủi ro trong các hoạt động R&D; (ii) sự thất bại trong thực hiện đổi mới và tri thức mới một cách hiệu quả; (iii) những sai lệch thông tin trong nền kinh tế; (iv) sự thất bại trong việc hiện thực hoá giá trị của tri thức đối với tăng trưởng kinh tế; (v) sự đánh giá không đúng mức về hàng hoá công nghệ trong chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp.
Để giải quyết vấn đề thất bại trong thị trường, chính phủ các nước có thể đưa ra nhiều biệp pháp chính sách, cơ chế khuyến khích khác nhau cho việc sản xuất và sử dụng tri thức, tăng cường lợi ích kinh tế và phúc lợi xã hội như: hình thành hệ thống SHTT thích hợp để công nhận những người sản xuất tri thức về những chi phí cho việc khám phá và cùng thời gian là phổ biến tri thức cũng như tăng cường kho tàng tri thức của nhân loại; hỗ trợ đầu tư vào R&D thông qua các công cụ tài chính hoặc hỗ trợ trực tiếp; hình thành các loại “tổ chức R&D đặc biệt” để tăng cường khả năng tiếp cận đến tri thức mới cho các doanh nghiệp; hỗ trợ các trường đại học và các viện R&D khám phá tri thức khoa học mới.
Thất bại hệ thống: đổi mới không phải là một quá trình tuyến tính từ khoa học đến thị trường mà là một hệ thống phức tạp bao gồm rất nhiều các nhân tố khác nhau. Bởi vì hệ thống được hình thành từ những nhân tố và do có tương tác giữa các nhân tố nên sự thất bại hệ thống sẽ xuất hiện. Một sự thất bại hệ thống phát sinh bất kỳ lúc nào khi việc tiếp cận đến tri thức cần thiết bị ngăn cản hoặc là do tổ chức sản xuất ra tri thức hay tiếp cận đến tri thức đó bị thất bại hoặc là những liên kết thông tin ý tưởng giữa các tổ chức tương ứng thất lạc hay hoạt động không hiệu quả (theo Gustafsson, et al., 2006, tr.7). Nghiên cứu của Ủy ban châu Âu đã chỉ ra môi trường, điều kiện cần thiết cho đổi mới, vai trò của các tác nhân như giáo dục, các cơ cấu hỗ trợ. Đây là gợi ý cho Luận án trong nghiên cứu để tìm ra giải pháp chính sách thúc đẩy mối liên kết trường – viện – doanh nghiệp.
Vai trò của chính sách đổi mới đối với sự phát triển kinh tế đất nước được thể hiện qua những minh chứng trong lịch sử về vấn đề này. Metcalfe năm 2000 đã đề cập đến hai minh chứng kinh tế cơ bản là thất bại thị trường và thất bại hệ thống (xem phần lịch sử nghiên cứu). Từ những minh chứng kinh tế đó cho thấy
43
việc hình thành một chính sách đổi mới toàn diện, điều hành và thực hiện một cách hiệu quả sẽ:
- Tăng cường khả năng truyền bá tri thức và công nghệ;
- Đảm bảo tiến trình chuyển tri thức và công nghệ thành những lợi ích kinh tế và xã hội lớn nhất;
- Tăng cường năng lực đổi mới, duy trì một nền tảng tri thức mạnh mẽ;
- Khuyến khích đầu tư vào đổi mới, tối ưu hoá chi tiêu khu vực công cho R&D;
- Giảm thiểu những rào cản trong việc hình thành và phát triển doanh nghiệp dựa trên công nghệ mới, doanh nghiệp đổi mới. Để thực thi chính sách đổi mới hiệu quả, cần có các điều kiện đảm bảo về: Hành chính – tổ chức, nguồn nhân lực, tài chính – kinh tế, cơ sở hạ tầng, pháp lý v.v.
Cũng cần phải nhấn mạnh rằng “chính sách đổi mới” không phải là một chính sách mới, độc lập như chính sách R&D, chính sách giáo dục, chính sách thương mại, chính sách đầu tư và tài chính,… mà đúng hơn nó là “một tập hợp thành hệ thống” các chính sách, và làm thế nào để tập hợp các chính sách thành phần thành chính sách đổi mới là vấn đề cần được nghiên cứu và xem xét.