CHƯƠNG 2. CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA VIỆC XÂY DỰNG MÔ HÌNH LIÊN KẾT GIỮA TRƯỜNG ĐẠI HỌC – VIỆN NGHIÊN CỨU – DOANH NGHIỆP
2.2. Tiến trình phát triển của mô hình liên kết và lý thuyết ba vòng xoắn
2.2.1. Tiến trình phát triển của mô hình liên kết
Tiến trình phát triển của hệ thống liên kết về bản chất xảy ra trong điều kiện xung đột giữa hai vector phát triển đối kháng nhau: Nghiên cứu và việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu. Sự xung đột đó có thể nhận thấy dưới giác độ thể chế của các bên tham gia vào hoạt động liên kết để đổi mới. Do vậy, trong liên kết hai phía, sự xuất hiện của Nhà nước với tư cách là bên thứ ba là không thể thiếu được.
49
Hình thức liên kết của ba thành phần này đã trải qua nhiều đổi thay có lẽ đơn giản là vì sự hoạt động đơn lẻ của mỗi thành phần trong đó không thể dẫn tới các kết quả mong muốn. Chính vì vậy chức năng của mỗi thành phần trong tam giác liên kết theo tiến trình phát triển cũng đã và sẽ tiếp tục thay đổi.
Đầu tiên, không thể không nói đến sự liên kết được gọi là mô hình Xô Viết – trong đó Nhà nước là nhà tài trợ độc quyền trong mọi hoạt động xã hội, bao gồm cả hoạt động KH&CN. Điển hình là Nhà nước lên kế hoạch, Nhà nước cân đối các nguồn lực từ ngân sách để thực hiện. Mô hình đó được đặt dưới cái tên “hành chính - chỉ huy”. Mô hình này được xem là phổ dụng trong các nước xã hội chủ nghĩa cũ và không hẳn đã hết tàn dư cho đến ngày nay. Tuy vậy, cũng không nên phủ nhận hết vai trò của mô hình này, ít nhất trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng lưỡng dụng – một trong các lĩnh vực có nhiều đóng góp cứu cánh cho nền kinh tế Nga thời kỳ những năm 90, thậm chí cho đến ngày nay.
Tiếp đến, mô hình liên kết thứ hai xuất hiện với việc mở rộng quyền của các liên kết trong phạm vi chức năng của mình. Ở nước ta, đối với khoa học và giảng dạy, Quyết định 175/CP chính là một trong các chính sách công bố mở đầu cho việc mở rộng quyền được liên kết với các bên khác thực hiện hoạt động đổi mới của mình. Các chính sách công bố sau này như: Nghị định 217/HĐBT, 134/HĐBT cũng làm rõ nét hơn vai trò của mô hình liên kết thứ hai này.
Cuối cùng, mô hình liên kết được hình thành theo kiểu ba nhà: Nhà nước – nhà khoa học – nhà sản xuất, trong đó Nhà nước giữ vai trò quản trị bằng pháp luật, hình thành các mạng lưới liên kết tự do hóa trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Không hề cường điệu khi nói Nghị định 35/HĐBT là hòn đá tảng thể hiện chính sách công bố đảm bảo thực hiện mô hình liên kết này ở Việt Nam. Các tổ chức, các nhân đều được tự do hoạt động KH&CN hoặc tự mình hoặc thành lập các tổ chức R&D. Các tổ chức R&D có ba chức năng là nghiên cứu, đào tạo và sản xuất. Tương tự như vậy với các trường đại học, ngoài chức năng giảng dạy có chức năng nghiên cứu và sản xuất. Không phải ngẫu nhiên mà trong các trường đại học thập kỷ 90 có tới gần 200 tổ chức R&D – nơi nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm phục vụ cho nền kinh tế và cho bản thân lúc bấy giờ. Cái gọi là mô hình ba vòng xoắn của Sincovich hiện đại đã hình thành từ thời kỳ đó ở Việt Nam. Chỉ có điều khác mang tính cơ bản là mô hình ba vòng xoắn của Sincovich được hình thành trong điều kiện lịch sử hiện đại tại các nước kinh tế thị trường phát triển nên sự liên kết này được xây dựng trên cơ sở liên kết bình đẳng của ba thành phần: Nhà nước – doanh nghiệp
50
– trường đại học (mặc định trường đại học có nghiên cứu, có doanh nghiệp, doanh nghiệp có nghiên cứu).
Theo các chuyên gia của OECD khi nghiên cứu về hệ thống KH&CN và đổi mới của Việt Nam, giai đoạn hiện nay ở Việt Nam có thể coi là giai đoạn đang hướng tới một hệ thống đổi mới đầy đủ và có chức năng (từ năm 2011 trở đi) [45, 2014]. Như vậy, có thể nói giai đoạn phát triển thứ 4 của mối quan hệ ba bên này là mô hình hệ thống đổi mới. Liên kết giữa trường đại học – viện nghiên cứu, doanh nghiệp theo mô hình hệ thống đổi mới, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm, được coi là mô hình tiên tiến nhất hiện nay. Việt Nam gần đây đã bước vào một giai đoạn mới và có thể là giai đoạn quyết định cho sự phát triển của một hệ thống đổi mới quốc gia trưởng thành. Việt Nam đã có những tiến bộ và đạt được một số cơ sở nền móng cho việc xây dựng một hệ thống đổi mới hoàn toàn. Tuy nhiên, để phát triển một hệ thống đổi mới thành công, trưởng thành có thể đảm nhận vai trò là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội bền vững thì còn nhiều việc phải làm để khắc phục những hạn chế hiện nay.
Báo cáo của OECD đã phân tích những điểm yếu của Việt Nam hiện nay ảnh hưởng đến việc xây dựng hệ thống đổi mới như: Mức năng suất và thu nhập thấp;
Điều kiện khung không đầy đủ và không khuyến khích đổi mới; Hạn chế trong tiếp cận nguồn vốn, đặc biệt ở các doanh nghiệp tư nhân trong nước; Sự không hiệu quả trong khu vực doanh nghiệp nhà nước; Thiếu cơ sở hạ tầng; Ít đổi mới và thậm chí là thiếu năng lực R&D trong các khối doanh nghiệp; Các nghiên cứu của khu vực công còn yếu, chưa được đầu tư đầy đủ do đó hạn chế về kết quả nghiên cứu và do vậy ít đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội nước nhà; Yếu trong tổ chức và điều hành các trường đại học, viện nghiên cứu; Việc phân công lao động trong phạm vi các viện nghiên cứu công và giữa viện công với các trường đại học được xác định không đầy đủ...
Có lẽ khi nền kinh tế phát triển, khi Chính phủ “kiến tạo” với tư cách là Chính phủ hỗ trợ, rất có thể mô hình liên kết ba vòng xoắn sẽ được phổ dụng, ít nhất việc áp dụng hình thức PPP (Private – Public Partnership) là cơ sở để khẳng định điều này. Việc phân tích cho thấy mô hình liên kết I và II có ý nghĩa dưới góc độ của lý thuyết định mức. Hệ thống hành chính – mệnh lệnh tạo nên khung khổ quá hẹp cho các sáng kiến từ dưới lên. Với mô hình liên kết thứ hai, Nhà nước lấy thị trường làm chủ đạo từ bỏ vai trò “chỉ thị - định mức”, từ bỏ vai trò độc quyền trong mọi hoạt động xã hội (trong đó có hoạt động KH&CN), từ bỏ đơn quyền chi
51
phí tài chính (huy động vốn xã hội); Nhà nước đặt ra các mục tiêu phát triển, khẳng định việc thực hiện các mục tiêu đó bằng KH&CN để đổi mới, khuấy động tinh thần đổi mới của các doanh nghiệp thông qua các chính sách hỗ trợ và sức ép hội nhập.
Mô hình thứ ba có thể xem là sự “tương phản” của nền kinh tế phải đổi mới để hội nhập khi mà vai trò chỉ huy được xem như là “thất bại” của Nhà nước cùng với các thất bại trên thị trường (market failure) trong hoạt động đổi mới. Gần đây, không thể mãi “bấu víu” vào vai trò chỉ huy với việc dựa vào các tập đoàn kinh tế Nhà nước bảo thủ không muốn đổi mới làm công cụ để khỏa lấp các khiếm khuyết của thị trường. Chính phủ phải đứng bên cạnh các nhà đổi mới (nếu không muốn nói là hòa đồng cùng họ như mô hình ba vòng xoắn Sincovich) để sớm hình thành một hệ thống đổi mới quốc gia như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã đề ra. Ở nước ta, mô hình HTĐMQG bằng KH&CN có lẽ thích hợp trong thời gian 5 năm tới. Có lẽ còn quá sớm để có thể nói tới mô hình trong đó Nhà nước được xem như là một bên liên kết bình đẳng tự chịu lỗ lãi cùng với các bên còn lại. Toàn bộ phân tích trên được thể hiện trong hình dưới đây:
Mô hình I: Hành chính – chỉ
huy Mô hình II: Thị trường Mô hình 3 vòng xoắn