CHƯƠNG 4. ĐỀ XUẤT MÔ HÌNH LIÊN KẾT GIỮA TRƯỜNG ĐẠI HỌC – VIỆN NGHIÊN CỨU – DOANH NGHIỆP
4.2. Mô hình liên kết mới và các biện pháp đảm bảo nhằm tăng cường sự liên kết giữa trường đại học - viện nghiên cứu - doanh nghiệp
4.2.2. Giải pháp chung để vận hành mô hình mới
Từ những nghiên cứu về các yếu tố cản trở mối liên kết ba bên, dựa trên tiếp cận HTĐM, NCS nhận định về định hướng tăng cường liên kết giữa trường đại học - viện nghiên cứu - doanh nghiệp ở nước ta hiện nay gồm:
4.2.2.1. Điều tiết ở tầm vĩ mô nhằm hướng KH&CN vào phục vụ đắc lực cho các lĩnh vực sản xuất quan trọng
Chiến lược phát triển KH&CN dài hạn cần được xây dựng sao cho các định hướng ưu tiên phải xác định bằng các phương pháp hiện đại (ví dụ phương pháp nhìn trước công nghệ - technology foresight) có sự tham gia rộng rãi của các chuyên gia từ cộng đồng khoa học, doanh nghiệp. Định hướng ưu tiên phát triển KH&CN phải bám sát vào định hướng ưu tiên phát triển kinh tế nói chung và sản xuất nói riêng. KH&CN phải ưu tiên trong phục vụ cho các ngành sản xuất trọng điểm. Như vậy, Chiến lược phát triển KH&CN sẽ trở thành một bộ phận thực sự của Chiến lược phát triển kinh tế.
Các chương trình KH&CN trọng điểm cần bám sát vào các yêu cầu của sản xuất, tránh chạy theo các xu thế bên ngoài và thoát ly đòi hỏi trong nước. Trên thực tế một số chương trình trọng điểm như chương trình công nghệ vật liệu, chương trình tự động hoá đã đặt yêu cầu quá cao. Các công nghệ chế biến vật liệu polime composit tăng cường bằng sợi bazan, sợi cácbon, các loại bột vô cơ, sợi thực vật,
135
công nghệ luyện kim hiện đại, công nghệ chế tạo hệ thống tự động hoặc đồng bộ - liên ngành - đa mục tiêu.. hiện đang là “vũ khí” trong tay các nước công nghiệp hàng đầu mà trong tương lai gần, chắc chắn trình độ kinh tế Việt Nam chưa thể đầu tư, cạnh tranh. Nhiều chương trình trọng điểm còn thể hiện mối quan tâm quá dẫn tới không gắn với đặc thù cơ cấu kinh tế Việt Nam, không hướng vào mục tiêu phát huy lợi thế so sánh và khả năng cạnh tranh của kinh tế Việt Nam.
Như vậy, cần tổ chức lại các chương trình KH&CN trọng điểm sao cho phục vụ tốt nhất các lĩnh vực kinh tế, xã hội trọng điểm. Để các chương trình KH&CN quốc gia phục vụ đắc lực cho lĩnh vực sản xuất, thì các nội dung KH&CN phải được xác định rất cụ thể trên cơ sở đòi hỏi của hoạt động sản xuất. Đồng thời, bộ máy tổ chức thực hiện chương trình KH&CN quốc gia phải vừa có quyền lực, vừa mang tính tập trung, lại vừa có khả năng hướng thực hoạt động của mình phục vụ cho các ngành kinh tế và các doanh nghiệp.
4.2.2.2. Thay đổi vai trò chính quyền các cấp
Trước khi có Quyết định sô 175/CP năm 1981, mọi hoạt động nghiên cứu khoa học, sản xuất đều theo kế hoạch của Nhà nước. Nghị định 35/HĐBT ban hành ngày 28/01/1992 cho phép mọi công dân có quyền tiến hành các hoạt động KH&CN và thành lập các tổ chức KH&CN. Việc thành lập các tổ chức KH&CN chỉ cần đăng ký tại một tổ chức có thẩm quyền. Các tổ chức KH&CN tư nhân có quyền bình đẳng với các tổ chức KH&CN của Nhà nước trong việc tiến hành các hoạt động KH&CN, được tham gia đấu thầu các nhiệm vụ nghiên cứu do Nhà nước đặt hàng. Hoạt động KH&CN từ đây được thực hiện trên tinh thần dân chủ. Nghị định 115/2005/NĐ-CP ngày 05/9/2005 được xem là tuyên ngôn về quyền tự chủ của khoa học. Tuy nhiên sau 10 năm triển khai Nghị định vẫn chưa tạo ra được các kết quả mong muốn. Vũ Cao Đàm đã chỉ ra nguyên nhân của thực trạng này là do thiếu nhất quán giữa mục đích và phương tiện: Mục đích của Nghị định là cho các tổ chức KH&CN công lập tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhưng không được đề xuất các nhiệm vụ nghiên cứu mà vẫn thực hiện các đề tài của Nhà nước. Các tổ chức này được tự chủ tìm kiếm các hợp đồng ngoài thị trường nhưng trên thực tế vẫn chưa có kinh tế thị trường [4, 2014].
Theo tiếp cận HTĐM, để thúc đẩy mối liên kết viện – trường – doanh nghiệp cũng như thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, Nhà nước không giữ vai trò điều hành các hoạt động khoa học như trước mà thực hiện
136
vai trò quản lý vĩ mô, là nhà đầu tư (hoặc thông qua quỹ mạo hiểm hoặc từ ngân sách…) trong khuôn khổ của pháp luật PPP hiện hành. Như vậy sẽ tránh được khiếm khuyết của mô hình ba vòng xoắn vừa thực hiện vai trò điều phối chính sách liên kết và có thể nhân rộng mà không rời vào bẫy độc quyền công nghệ, kìm hãm phát triển. Bằng các công cụ quản lý như chính sách, pháp luật, Nhà nước thực hiện chức năng của mình thông qua các hoạt động:
- Nghiên cứu, hoạch định chính sách, thực thi quyền tự chủ của các tổ chức KH&CN. Tổng kết, sửa đổi các điều khoản liên quan để hoàn thiện hệ thống luật nếu thực tế triển khai có phát sinh hạn chế, sai sót.
- Thực viện vai trò hỗ trợ cho hoạt động đổi mới và liên kết: Nhà nước hỗ trợ tài chính cho các hoạt động R&D thông qua hình thức PPP và đầu tư chính cho nghiên cứu cơ bản; Nhà nước tạo môi trường cơ chế thuận lợi thông qua hệ thống quy phạm pháp luật để các phân hệ của tam giác liên kết phát triển và tăng cường hợp tác.
- Thanh tra, giám sát quá trình thực hiện các hoạt động R&D của khách thể quản lý.
4.2.2.3. Hoàn thiện hệ thống chính sách về KH&CN
Luật KH&CN và các Nghị định được ban hành trong thời gian gần đây đã thể hiện tư tưởng tiến bộ của các nhà quản lý khoa học nhằm hướng tới mục tiêu phát triển nền KH&CN nước nhà. Tuy nhiên, một số quy định của Luật vẫn vô tình hạn chế tính tự chủ, sáng tạo của khoa học. Cụ thể, Khoản 1, Điều 10 của Luật KH&CN đã quy định:“Căn cứ vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội... Bộ KH&CN chủ trì... xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập”.Quy hoạch là làm theo kịch bản cho trước, hoàn toàn trái với tính mới của khoa học. Tổ chức KH&CN công lập sẽ giữ nguyên phương thức hoạt động nhiều hạn chế như trước đây, như vậy là không có sự cải tiến.
Khoản 1, Điều 11. Điều kiện thành lập, đăng ký hoạt động của tổ chức KH&CN đã quy định:“Tổ chức KH&CN được thành lập khi có đủ điều kiện sau đây:a) ...;b) Nhân lực KH&CN, cơ sở vật chất - kỹ thuật đáp ứng yêu cầu thực hiện mục tiêu, phương hướng và điều lệ tổ chức và hoạt động”.Quy định đủ nhân lực đồng nghĩa với việc ngành khoa học mới không có nhân lực đủ thì không được mở, như vậy là cam chịu đi sau sự phát triển của khoa học. Cần bỏ quy định này
137
hoặc có ưu tiên ngoại lệ đặc biệt cho các ngành khoa học mới. Ngoài ra, khoản 2 điều này cũng quy định việc thành lập tổ chức KH&CN công lập phải phù hợp với quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN. Như vậy, một lần nữa Luật KH&CN lại có quy định đi ngược lại với tính mới của khoa học khi yêu cầu phải làm theo kịch bản cho trước.
Khoản 3, Điều 18. Tổ chức đánh giá độc lập quy định:“Tổ chức, cá nhân thực hiện đánh giá, xếp hạng phải chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá, xếp hạng của mình”. Quy định này thực ra không rõ ràng và có phần vô lý. Cần nói rõ là
“chịu trách nhiệm về quá trình đánh giá, xếp hạng của mình phải đảm bảo tính trung thực, khách quan, khoa học...” Nếu chỉ viết như khoản 3 Điều 18 sẽ dẫn đến cách hiểu rằng người đánh giá phải chịu trách nhiệm cả về những hệ lụy kinh tế, xã hội, uy tín... mà người/tổ chức bị đánh giá nhận được sau khi có kết quả xếp hạng. Nếu kết quả được đánh giá cao thì tốt, kết quả tồi thì sẽ bị nhiều ảnh hưởng xấu. Quy định như khoản 3 Điều 8 không khác gì việc yêu cầu người tư vấn phải chịu trách nhiệm về mọi hậu quả xảy ra nếu người được tư vấn làm theo lời khuyên của mình.
Khoản 4 Điều 20 Luật KH&CN cho phép thành lập doanh nghiệp KH&CN hoạt động trong một số lĩnh vực theo quy định của Thủ tướng. Ở Việt Nam hiện nay Chính phủ chưa đề xuất được một danh mục các vấn đề mới để nghiên cứu và thực tế là không thể đề ra. Ví dụ như công nghệ nano không nằm trong lĩnh vực được nghiên cứu (vì chưa được biết). Cùng với quy định về quy hoạch như hiện nay sẽ làm cho không dám lập tổ chức KH&CN để nghiên cứu về lĩnh vực KH&CN mới.
Điều 28. Phương thức giao nhiệm vụ KH&CN quy định:“ Nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước được giao theo phương thức tuyển chọn, giao trực tiếp, xét tài trợ từ quỹ của Nhà nước trong lĩnh vực KH&CN”. Tiêu chí tuyển chọn hiện nay là điều đáng bàn. Quỹ NAFOSTED đang sử dụng một căn cứ để xét cấp tài trợ là dựa trên số bài báo được công bố trên các tạp chí có thứ hạng về IF.
Đây là một căn cứ sai lầm. Bởi vì, IF ít liên quan đến chất lượng trích dẫn của một bài báo cụ thể, bởi vì rất có thể bài báo đang cần được đánh giá không hề được trích dẫn mà chỉ số trích dẫn của toàn tạp chí có được từ các bài báo khác trong đó. Mặt khác, có trường hợp những bài báo công bố trên tạp chí có IF không cao nhưng được trích dẫn nhiều. IF các ngành có thể rất khác nhau. Với những ngành ít biến động như Toán, các tạp chí sẽ có IF thấp hơn so với những ngành mà quan điểm có thể thay đổi hằng năm như Y học, Thiên văn học và Vật lý năng lượng cao. Ngoài
138
ra, cũng không loại trừ khả năng những công trình nghiên cứu tồi, sai lầm vẫn được nhiều người nhắc đến và trích dẫn (để làm gương cho người khác). Nhiều nghiên cứu “tốt”, có chất lượng thường đi trước thời gian, và người ta chỉ hiểu rõ giá trị của chúng sau nhiều năm sau khi công bố.
Như vậy, chỉ số IF không phản ánh được hết các giá trị cần đánh giá của một công trình nghiên cứu. Bản chất đánh giá theo chỉ số IF là đánh giá một công trình nghiên cứu theo số lần được trích dẫn trên các tạp chí có tầm ảnh hưởng cao, được ISI bình chọn. Vì vậy, nếu IF được sử dụng như một trong những tiêu chí được các quỹ dùng để xét tuyển tài trợ nghiên cứu thì khó đảm bảo được sự công bằng và cơ hội cho những nhà khoa học trẻ, các ngành khoa học mới.
4.2.2.4. Nâng cao hiệu quả và hiệu lực của chính sách phát triển nhân lực KH&CN Phát triển nhân lực KH&CN là điều kiện quan trọng để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, thúc đẩy mối liên kết giữa đào tạo nghiên cứu và sản xuất. Bên cạnh chủ trương thúc đẩy phát triển nhân lực KH&CN, một số điều khoản trong Luật KH&CN lại vô tình làm cản trở việc khuyến khích nhà nghiên cứu. Trong điểm c, khoản 2, Điều 16 của Luật KH&CN ghi rõ việc đánh giá tổ chức KH&CN nhằm mục đích sau đây:“...Làm cơ sở xem xét việc tuyển chọn, xét giao trực tiếp cho tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN, thực hiện chính sách ưu tiên đầu tư từ ngân sách nhà nước, cho vay, tài trợ, bảo lãnh vốn vay của quỹ trong lĩnh vực KH&CN”. Quy định như vậy là không khuyến khích được các nhà khoa học.Bên cạnh đó, Luật KH&CN đã đề ra những quy định cụ thể trong đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nhân lực KH&CN, quan tâm đãi ngộ nhà nghiên cứu trên cả phương diện tinh thần (được tôn vinh), vật chất (thu nhập) và môi trường, điều kiện làm việc.
Nâng cao chất lượng nhân lực KH&&CN, năng lực nghiên cứu có thể thực hiện thông qua hoạt động hợp tác đào tạo, nghiên cứu, trao đổi nhân lực, cử cán bộ đi học, thực tập, đào tạo không chỉ giảng lý thuyết mà cần chú ý tăng cường khả năng thực hành tác nghiệp.
4.2.2.5. Chính sách đầu tư kinh phí cho hoạt động R&D
Vốn là điều kiện thiết yếu để các tổ chức R&D, các doanh nghiệp hoạt động và nghiên cứu. Kết quả khảo sát tại các viện, trường và doanh nghiệp cho thấy hầu hết các trường đại học, viện nghiên cứu chưa nhận được vốn từ quỹ đầu tư mạo hiểm. Luật KH&CN và Luật Công nghệ cao đã nói tới quỹ đầu tư mạo hiểm song
139
lại quy định nguồn tài chính hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm dựa trên ngân sách nhà nước. Điều này chưa thực sự phù hợp với đặc điểm của quỹ đầu tư mạo hiểm và vì thế, số lượng đối tượng nhận được đầu tư từ quỹ rất hạn chế.
Một công cụ chính sách khác có tác dụng tạo điều kiện cho doanh nghiệp thêm kinh phí dành cho hoạt động R&D là chính sách thuế. Nghị định 218/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp. Khoản 3 Điều 4 của Nghị định quy định miễn thuế đối với: “thu nhập từ việc thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, thu nhập từ bán sản phẩm sản xuất thử nghiệm và thu nhập từ sản xuất sản phẩm làm ra từ công nghệ mới lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam, thời gian miễn thuế tối đa không quá 01 năm, kể từ ngày bắt đầu có doanh thu từ bán sản phẩm theo hợp đồng nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, sản xuất thử nghiệm hoặc sản xuất theo công nghệ mới” và Khoản 11“Thu nhập từ chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực ưu tiên chuyển giao cho tổ chức, cá nhân ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”. Thuế suất ưu đãi 10%
trong thời hạn 15 năm áp dụng đối với:“Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; b) Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới thuộc các lĩnh vực:
Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao; ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đầu tư mạo hiểm cho phát triển công nghệ cao...; d) Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”.Với chính sách thuế của Nhà nước, các doanh nghiệp có thêm vốn để hoạt động và đầu tư cho nghiên cứu, đổi mới công nghệ.
Chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát triển KH&CN của Nhà nước còn được thể hiện ở quy định về trích lập quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp tại Điều 18 của Nghị định. Theo đó, doanh nghiệp được trích tối đa 10% trên thu nhập tính thuế hàng năm để lập Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp. Riêng đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ ngoài việc thực hiện trích quỹ phát triển KH&CN theo quy định của Luật này còn phải đảm bảo tỷ lệ trích quỹ tối thiểu quy định tại Luật KH&CN.
Về ưu đãi thuế trong nhập khẩu máy móc và linh kiện, ông NVT, giám đốc công ty sản xuất điện thoại cho rằng quy định của Nhà nước là gây khó cho doanh
140
nghiệp. Cụ thể, khi doanh nghiệp nhập khẩu máy móc sẽ được ưu đãi thuế nhưng nếu nhập linh kiện sẽ bị đánh thuế cao. Trong khi đó, nhập khẩu linh kiện mới là điều doanh nghiệp mong muốn vì đem lại lợi nhuận cao hơn còn nhập nguyên máy thì giá thành cao và không có lợi nhuận. Điều này cũng hạn chế phát triển lắp ráp linh kiện ở nước ta.
Thời hạn nộp thuế cũng là một điểm cần nghiên cứu cải cách để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có đủ thời gian quay vòng vốn. Nhà nước cần giảm thủ tục hành chính để giải quyết vay vốn cho doanh nghiệp đồng thời trong một số trường hợp có thể kéo dài thời hạn nộp thuế để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Khi phỏng vấn sâu một số giám đốc doanh nghiệp, NCS nhận thấy một nguyện vọng chung của doanh nghiệp là muốn đổi mới quy trình sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh nhưng không muốn mạo hiểm đầu tư cho các nhà khoa học để đặt hàng nghiên cứu vì không ai dám đảm bảo đầu ra có đáp ứng đơn đặt hàng hay không. Các doanh nghiệp mong muốn trong những dự án nghiên cứu lớn, tiềm năng sẽ nhận được hỗ trợ vốn từ Nhà nước cho hoạt động của nhà khoa học.
Đối với các trường đại học, viện nghiên cứu được hỗ trợ kinh phí của Nhà nước, các nhà khoa học mong muốn công tác xét duyệt giao đề tài được thực hiện công khai, minh bạch và công bằng hơn. Kinh phí cho nghiên cứu cần nhiều hơn và giảm thiểu các chi phí hành chính, chi phí quản lý để nâng cao chất lượng kết quả nghiên cứu. Sau khi nghiệm thu đề tài, công trình khoa học, các nhà nghiên cứu mong muốn kết quả đó phải được niêm yết công khai để có nhiều người biết đến và có thêm phản biện sau nghiệm thu.
4.2.2.6. Hoàn thiện và thực hiện tốt Luật SHTT
Luật SHTT 2005 đã quy định đối tượng được bảo hộ quyền SHTT gồm:
Quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý và quyền đối với giống cây trồng, vật liệu nhân giống. Mặc dù Luật đã được ban hành hơn 10 năm và ngày càng được xã hội biết đến hơn song quá trình thực hiện vẫn còn nhiều vi phạm. Nhiều doanh nghiệp chưa dám đặt hàng với viện nghiên cứu, trường đại học những nhiệm vụ nghiên cứu liên quan đến toàn bộ bí quyết công nghệ. Vì vậy, để tăng cường liên kết giữa nghiên cứu – đào tạo và sản xuất, Nhà nước cần có chế tài chặt chẽ và nghiêm khắc hơn khi xử lý các vi phạm liên quan đến bảo hộ SHTT.
Mặt khác, cần tuyên truyền dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, dễ hiểu để