Thực trạng liên kết của doanh nghiệp với trường đại học, viện nghiên cứu 112 Tiểu kết chương 3

Một phần của tài liệu Xây dựng mô hình liên kết giữa trường đại học viện nghiên cứu doanh nghiệp dưới tiếp cận hệ thống đổi mới (Trang 122 - 129)

CHƯƠNG 3. THỰC TRẠNG MỐI LIÊN KẾT GIỮA TRƯỜNG ĐẠI HỌC – VIỆN NGHIÊN CỨU – DOANH NGHIỆP

3.3. Thực trạng hoạt động liên kết của doanh nghiệp

3.3.2. Thực trạng liên kết của doanh nghiệp với trường đại học, viện nghiên cứu 112 Tiểu kết chương 3

Để tìm hiểu ý kiến của doanh nghiệp về sự cần thiết của việc thiết lập hợp tác trong trao đổi thông tin, bên cạnh việc sử dụng số liệu điều tra 104 doanh nghiệp của đề tài KX06.06/11-15, NCS đã tiến hành phỏng vấn sâu về mức độ quan trọng của các nguồn thông tin đối với hoạt động R&D trong doanh nghiệp. Kết quả điều tra bằng bảng hỏi về nguồn thông tin các doanh nghiệp nhận được trong hoạt động R&D cho thấy, nguồn thông tin được doanh nghiệp sử dụng nhiều nhất là thông tin từ các đối tác truyền thông trong nước (78,8%) và thông tin được sử dụng ít nhất là từ internet (23,1%). Thông tin KH&CN nước ngoài đa số chỉ đạt dưới 24%. Trong số các nguồn thông tin nước ngoài, nguồn “hội chợ, triển lãm”có tỷ lệ cao nhất (23,1%) và thông tin từ “tổ chức nhà nước” chiếm tỷ lệ thấp nhất (4,4%). Cụ thể kết quả điều tra bằng bảng hỏi như sau:

Bảng 3.12. Nguồn thông tin doanh nghiệp thu nhận cho hoạt động R&D (%) Nguồn thông tin phục vụ R&D Trong nước Nước ngoài

Tổ chức xúc tiến thương mại 57.7 14.4

Cơ quan nhà nước 46.2 4.4

Hiệp hội ngành nghề 46.2 5.8

Bạn hàng, đối tác truyền thống 78.8 8.7

Hội chợ, triển lãm 51.9 23.1

Mạng internet, niên giám 23.1 14.4

Nguồn: Số liệu khảo sát từ đề tài KX06.06/11-15

Khi được hỏi về mức độ quan trọng của các nguồn thông tin đối với hoạt động R&D của doanh nghiệp, các ý kiến thu được từ phỏng vấn sâu tuy có khác nhau song hầu hết đều cho rằng: “Thông tin từ các nhà cung cấp dịch vụ kinh doanh, từ bạn hàng và các doanh nghiệp khác là quan trọng nhất. Nó gợi ý cho chúng tôi cần chuyển đổi hình thức kinh doanh như thế nào cho hiệu quả, lựa chọn sản xuất cái gì và nên đầu tư vào đâu”. Các thông tin từ trường đại học, viện nghiên cứu trong nước không thực sự quan trọng với các doanh nghiệp. “Chờ đợi các giáo sư, nhà khoa học nghiên cứu được một quy trình công nghệ thì không biết đến bao

113

giờ, kết quả có thành công hay không nên tôi thường mua công nghệ sẵn có của nước ngoài” (nam, 54 tuổi, giám đốc doanh nghiệp sản xuất điện thoại di động).

Tìm hiểu về mức độ hợp tác, liên kết của doanh nghiệp với viện nghiên cứu và trường đại học về hoạt động nghiên cứu khoa học – một kênh chuyển giao nhân lực KH&CN, NCS đã tiến hành phỏng vấn sâu một số giám đốc doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất. Đa phần các ý kiến cho rằng doanh nghiệp không muốn đầu tư vào hoạt động nghiên cứu khi đầu ra của công việc này không chắc chắn.

Họ mong muốn được Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho các nhà khoa học, giảng viên tiến hành nghiên cứu, phục vụ sản xuất. Giám đốc công ty KOSUKI cho rằng:

“Doanh nghiệp có thể đầu tư để các nhà khoa học của trường đại học, viện nghiên cứu tiến hành nghiên cứu chế tạo công nghệ theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.

Tuy nhiên chúng tôi không muốn quá mạo hiểm, vì đầu tư như vậy không chắc chắn nhà khoa học đó có thành công hay không, và kể cả có làm được thì cũng hoàn thành đúng hạn được hay không. Vấn đề thời điểm là rất quan trọng đối với thành công của doanh nghiệp” (nam, 55 tuổi, giám đốc doanh nghiệp). Ngay cả một giáo sư trong trường đại học cũng phải thừa nhận: “Khi tiến hành nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu cơ bản, chúng tôi chỉ dám nói thành công 50% là đã cao rồi” (nam 54 tuổi, PGS,TS, ĐHCN). Như vậy, đây là một cản trở không nhỏ cho việc thúc đẩy đầu tư nghiên cứu của doanh nghiệp dành cho khối trường, viện.

Theo số liệu khảo sát khi thực hiện đề tài KX.06.06/11-15, với câu hỏi

“Doanh nghiệp có được tư vấn về chính sách liên quan đến khoa học công nghệ và đổi mới”, có 56/104 doanh nghiệp trả lời nhận được tư vấn, chiếm gần 54%. Xét riêng trong nhóm 54 doanh nghiệp có tư vấn, các hình thức tư vấn khác nhau được khảo sát tại doanh nghiệp gồm: Tham gia hội thảo, tập huấn; tự nghiên cứu thông tin; thuê tư vấn; tuyển cán bộ có chuyên ngành. Kết quả sử dụng các hình thức tư vấn của 54 doanh nghiệp được thể hiện qua biểu đồ sau:

114

Biểu đồ 3.5. Tỷ lệ phần trăm các hình thức tư vấn mà doanh nghiệp sử dụng

Tham gia hội thảo, tập huấn Tự nghiên cứu thông tin Thuê tư vấn

Tuyển cán bộ có chuyên môn

Nguồn: Số liệu khảo sát của đề tài KX06.06/11-15

Như vậy, trong số 56 doanh nghiệp có được tư vấn thì phần lớn (57,1%) sử dụng hình thức thuê tư vấn, tiếp theo là hình thức tự nghiên cứu thông tin (30,3%).

Hình thức ít doanh nghiệp sử dụng nhất là tuyển cán bộ có chuyên ngành, chỉ 3/56 doanh nghiệp, chiếm 5,5% và hình thức tham gia hội thảo, tập huấn (4/56 doanh nghiệp, chiếm 7,1%). Kết quả phỏng vấn sâu giám đốc doanh nghiệp sản xuất giấy dán tường do NCS thực hiện đã giải thích được phần nào kết quả nghiên cứu trên.

Khi doanh nghiệp ông nhập công nghệ sản xuất giấy dán tường, bản thân ông và các lao động trong công ty không thể tiếp nhận, làm chủ ngay được. Để rút ngắn thời gian, ông đã thuê các kỹ sư, giảng viên của ĐHBKHN tư vấn cho ông từ khâu lựa chọn công nghệ nhập, cách sử dụng công nghệ (cụ thể ở đây là cách pha chế màu công nghiệp) và hướng dẫn lại cho các công nhân của nhà máy.

Xét về hoạt động nghiên cứu khoa học, kết quả khảo sát cho thấy chỉ có 79%

trong số doanh nghiệp được hỏi có thực hiện hoạt động này. Như vậy có nghĩa là đa số kết quả cải tiến sản phẩm/quy trình có được là nhờ doanh nghiệp Việt Nam cải tiến công nghệ sẵn có [24, 2015]. Phỏng vấn sâu giám đốc doanh nghiệp cho biết:

“Doanh nghiệp của tôi chuyên sản xuất thức ăn gia súc. Khi mới bắt đầu đi vào hoạt động, tôi có ký hợp đồng với một Giáo sư trường Đại học Khoa học Tự nhiên để nghiên cứu chế tạo công nghệ xử lý chất thải khí, biến khói đen thành khói trắng.

Tuy nhiên, đến khi hợp đồng hết hạn, sản phẩm vẫn không nghiệm thu được vì lúc đó chưa đạt yêu cầu, nhà khoa học cần thêm thời gian. Tôi đánh giá cao trình độ

115

chuyên môn của vị giáo sư Hóa đó song tôi hiểu có nhiều cản trở khiến ông khó hoàn thành công việc như hợp đồng. Một trong những lý do chính là mặc dù tổng số tiền tôi phải chi trả cho hợp đồng này là vài trăm triệu nhưng người nghiên cứu phải gánh quá nhiều chi phí quản lý, cuối cùng chỉ còn khoảng 10% kinh phí thực sự dành cho nghiên cứu thì làm sao nghiên cứu được cái gì?” (nữ, 49 tuổi, giám đốc doanh nghiệp). Thiết nghĩ đây cũng là một trong những lý do dẫn tới thực tế hiện nay: Doanh nghiệp đa phần muốn mua công nghệ sẵn có hơn là muốn đầu tư cho nghiên cứu, chế tạo.

3.3.2.2. Thực trạng chuyển giao kết quả nghiên cứu

Kết quả từ hoạt động R&D của doanh nghiệp cũng đem lại nhiều điều khả quan. Theo kết quả điều tra, 63% doanh nghiệp “đưa ra các quy trình mới”, 60,6%

“đưa sản phẩm mới ra thị trường”, 59,3% doanh nghiệp đạt được kết quả “cải thiện hiệu quả quá trình sản xuất và cũng tỷ lệ này “cải thiện được chất lượng sản phẩm”.

Tuy nhiên, chỉ có 8% doanh nghiệp có kết quả “được cấp bằng sáng chế” từ hoạt động R&D. Lý do không phải vì các doanh nghiệp không có sản phẩm nghiên cứu có giá trị mà vì nhiều doanh nghiệp cho rằng thủ tục đăng ký sáng chế mất thời gian, rườm rà và luật chưa chặt chẽ. Vậy kết quả trên của doanh nghiệp có đóng góp gì từ viện nghiên cứu và trường đại học không?

Theo kết quả khảo sát 104 doanh nghiệp, các sản phẩm, quy trình mới mà doanh nghiệp đang triển khai trong năm 2013 đã thể hiện thực trạng liên kết của doanh nghiệp với trường đại học và viện nghiên cứu. Cụ thể kết quả như sau:

Bảng 3.13. Tỷ lệ các sản phẩm, quy trình mới doanh nghiệp đang triển khai từ những nguồn khác nhau so với tổng sản phẩm của doanh nghiệp

Dưới 25% Từ 25% - 75% Trên 75%

Tự doanh nghiệp tiến hành 11,4 14,3 74,3

Từ các doanh nghiệp khác 100 0 0

Từ các viện nghiên cứu 100 0 0

Từ các trường đại học 74,3 25,7 0

Nguồn: Số liệu khảo sát của đề tài KX06.06/11-15

Như vậy, 100% doanh nghiệp trả lời phỏng vấn thừa nhận doanh nghiệp của họ có liên kết với viện nghiên cứu trong nghiên cứu, triển khai quy trình sản phẩm mới nhưng chỉ ở mức độ dưới 25% tổng sản phẩm có được. Có nghĩa là, trên 75% sản phẩm, quy trình mới của doanh nghiệp đến từ nguồn khác. Sự hợp

116

tác này với trường đại học cũng ở mức độ khiêm tốn: 74,3% doanh nghiệp trả lời rằng sản phẩm mới do hợp tác với trường đại học mà có chỉ dưới 25%. Mức độ từ 25 – 75% có 25,7% doanh nghiệp lựa chọn. Mức độ này ở viện nghiên cứu là 0%, nghĩa là tất cả hợp tác giữa doanh nghiệp với viện trong sản xuất, nghiên cứu luôn dưới mức 25%.

Khi tiến hành phỏng vấn sâu, tất cả người trả lời đều khẳng định sự cần thiết và vai trò quan trọng của hoạt động R&D và đổi mới trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà sự đầu tư cho hoạt động này còn hạn chế, hợp tác giữa doanh nghiệp với trường đại học và viện nghiên cứu cũng vì thế còn lỏng lẻo, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Qua khảo sát của NCS, đa phần các doanh nghiệp tư nhân hợp tác tương đối chặt chẽ với trường đại học và viện nghiên cứu trong hoạt động đào tạo, tư vấn.

Những hoạt động này không thường xuyên và chỉ mang tính thời vụ. Lý do doanh nghiệp hợp tác với hai đối tác này chưa mang ý nghĩa lâu dài (để thiết lập đối tác chiến lược lâu dài, để chuyển giao bí quyết sản xuất...). Mặc dù hầu hết các doanh nghiệp được hỏi đều thừa nhận họ có nhu cầu hợp tác với trường đại học, viện nghiên cứu song trên thực tế sự hợp tác này còn rất khiêm tốn, lỏng lẻo.

Như vậy, các doanh nghiệp ở nước ta hiện nay chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, khả năng đầu tư cho tự đổi mới còn hạn chế trong khi Nhà nước chưa có cơ chế, chính sách hiệu quả. Sự gắn kết giữa doanh nghiệp với viện nghiên cứu, trường đại học còn rời rạc, nhỏ lẻ.

117

Tiểu kết chương 3

Chương 3 đã phân tích thực trạng mối liên kết giữa trường đại học – viện nghiên cứu – doanh nghiệp từ góc độ của từng chủ thể liên kết (ý kiến của trường đại học, của viện nghiên cứu và của doanh nghiệp) về mối liên kết này. Qua đó có thể kết luận về thực trạng liên kết giữa trường đại học – viện nghiên cứu – doanh nghiệp như sau:

Thứ nhất, mô hình liên kết mang đặc điểm của mô hình thị trường và mô hình ba vòng xoắn. Kiểu liên kết này trong bối cảnh nước ta hiện nay bộc lộ những hạn chế nhất định. Đó là sự chưa hoàn thiện của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về KH&CN và những vấn đề liên quan (bao gồm các quy định tác động đến quá trình nghiên cứu, chuyển giao kết quả nghiên cứu và thương mại hóa sản phẩm). Những hạn chế trong chính sách này sẽ được đề cập ở chương 4.

Liên kết theo mô hình ba vòng xoắn đem lại lợi ích kinh tế cho đơn vị (trường hợp này là IMI). Tuy nhiên, số lượng các thực thể liên kết theo mô hình này ở nước ta chưa đủ nhiều để khỏa lấp khiếm khuyết của mô hình ba vòng xoắn: Dẫn tới độc quyền công nghệ.

Thứ hai, hoạt động liên kết đang áp dụng tại các trường đại học, viện nghiên cứu được khảo sát hiện nay gồm các dạng: Tổ chức hội thảo, hội nghị, trao đổi học thuật; Đào tạo nâng cao năng lực cho giảng viên, nghiên cứu viên; Mời giảng (giảng viên là người đang làm việc tại viện, doanh nghiệp); Hợp đồng nghiên cứu; Nghiên cứu chung; Tài trợ nghiên cứu; Làm cơ sở thực hành, thực tập cho sinh viên, tuyển dụng sinh viên khi tốt nghiệp... Hoạt động liên kết hiện nay chủ yếu thực hiện giữa khu vực trường với trường, trường với viện, sự tham gia của doanh nghiệp (giảng dạy, hội thảo...) còn hạn chế. Các hình thức liên kết với doanh nghiệp như mời giảng, đặt hàng nghiên cứu, cùng hướng dẫn sinh viên thực tập... còn chiếm tỷ lệ thấp so với các hình thức liên kết giữa trường – viện – trường. Nếu không có biện pháp thúc đẩy sự tham gia hơn nữa của doanh nghiệp vào mối liên kết đào tạo – nghiên cứu – sản xuất thì sẽ mắc phải những hạn chế của “khoa học đẩy” hay “thị trường kéo” trong quá trình phát triển KH&CN và đổi mới trước đây.

Liên kết xuất phát từ nhu cầu của trường, viện (khoa học đẩy) sẽ dẫn tới nghiên cứu không xuất phát từ nhu cầu doanh nghiệp và thị trường, do đó tỷ lệ kết quả nghiên cứu được thị trường đón nhận rất thấp, thậm chí không có hiệu quả kinh tế. Điều này dẫn tới không có nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu, hoạt động nghiên cứu, giảng dạy xa rời thực tế, chất lượng đào tạo bị hạn chế.

118

Liên kết xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp (thị trường kéo) có hạn chế:

Nhiệm vụ nghiên cứu phụ thuộc vào việc có đơn đặt hàng từ doanh nghiệp hay không; Nguồn đặt hàng nghiên cứu không ổn định do nhu cầu đổi mới của doanh nghiệp và khả năng tiếp nhận, chuyển giao kết quả nghiên cứu thành sản phẩm có giá trị thương mại của doanh nghiệp còn hạn chế; Nhiều doanh nghiệp e ngại liên kết vì nghi ngờ khả năng thành công của hợp đồng nghiên cứu; Thủ tục hành chính, pháp lý rườm rà; Vấn đề bảo hộ SHTT cần thực hiện tốt mới đảm bảo được lợi ích giữa các bên liên kết. Do đó cần tiến tới thực hiện liên kết trên cơ sở nhu cầu của hai phía (nghiên cứu – sản xuất) song để thực thi nó lại đặt ra nhu cầu xây dựng các điều kiện đảm bảo mà Luận án đang nghiên cứu giải quyết.

Thứ ba, về các điều kiện cho hoạt động KH&CN và liên kết: Tài chính để thực hiện nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm của các viện nghiên cứu, đặc biệt là viện công lập còn hạn chế. Kinh phí nghiên cứu của các trường đại học mặc dù có xét theo quy mô, đặc điểm của từng đề tài song về cơ bản vẫn theo cơ chế khoán và chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà nghiên cứu về kinh phí. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực của không ít trường, viện trong việc đáp ứng điều kiện thực hiện hợp đồng với doanh nghiệp còn hạn chế, cần tiếp tục được đầu tư nâng cấp.

Tại một số trường, viện, việc thiết lập liên kết còn mang tính tự phát (đối tác liên kết tìm được do tình cờ gặp trong hội nghị, hội thảo). Một số trường, viện chưa có bộ phận chuyên trách thúc đẩy hoạt động liên kết, do đó chưa có sự liên thông giữa các khoa, ban, đơn vị trong một tổ chức khi liên kết với đối tác bên ngoài. Ví dụ, khi một khoa gặp khó khăn trong thực hiện hợp đồng liên kết với đối tác thì có thể chuyển một phần hoặc toàn bộ nhiệm vụ cho khoa khác thực hiện.

Tóm lại, thực trạng liên kết như hiện nay chưa cho phép phát huy tối đa hiệu quả mà liên kết có thể đem lại, mức độ liên kết giữa khu vực đào tạo, nghiên cứu – sản xuất chưa tương xứng với tiềm năng.

119

CHƯƠNG 4. ĐỀ XUẤT MÔ HÌNH LIÊN KẾT GIỮA

Một phần của tài liệu Xây dựng mô hình liên kết giữa trường đại học viện nghiên cứu doanh nghiệp dưới tiếp cận hệ thống đổi mới (Trang 122 - 129)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(188 trang)