Chương 1: CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ TỔNG QUAN
1.2. Khái quát chung về huyện Định Hoá và dân tộc Sán Chay ở Định Hoá
1.2.1. Định Hoá – mảnh đất văn hoá
1.2.1.1. Vị trí địa lí
Định Hóa là huyện miền núi của tỉnh Thái Nguyên, nằm trong khoảng toạ độ 105o29” đến 105o43” kinh độ đông, 21o45” đến 22o30” vĩ độ bắc; phía Tây - Tây Bắc giáp tỉnh Tuyên Quang, phía Bắc - Đông Bắc giáp tỉnh Bắc Kạn, phía Nam - Đông Nam giáp huyện Đại Từ, Phú Lương; huyện lỵ là thị trấn Chợ Chu, cách thành phố Thái Nguyên 50 km về phía Tây Bắc.
Địa hình huyện Định Hoá tương đối phức tạp và hiểm trở, xen giữa các dãy núi đá vôi và đồi là các cánh đồng hẹp. Huyện Định Hóa bao gồm thị trấn Chợ Chu và 22 xã với địa hình thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam, phân làm hai vùng:
Phần phía bắc huyện bao gồm các xã: Linh Thông, Quy Kỳ, Lam Vỹ, Tân Thịnh, Kim Phượng, Kim Sơn, Phúc Chu và Bảo Linh thuộc vùng núi cao với các dãy núi chạy từ Tây Bắc xuống Đông Nam, khu vực này có độ dốc lớn và có núi đá vôi, nơi đây có nhiều rừng già, khe suối nhỏ, ruộn đất ít và dân cư thư thớt. Ngày nay, trong quá trình khai hoang và cải tạo ruộng đất, dân cư đã có sự phát triển và nông nghiệp lúa được cũng được chú trọng hơn.
Phía nam huyện bao gồm thị trấn Chợ Chu và các xã Bảo Cường, Trung Hội, Trung Lương, Tân Dương, Định Biên, Đồng Thịnh, Phượng Tiến, Thanh Định, Bình Yên, Điềm Mặc, Sơn Phú, Phú Đình, Phú Tiến, Bộc Nhiêu, Bình
Thành là khu vực vùng núi thấp, độ thoải lớn, đồng ruộng và đất đai phì nhiêu với mật độ dân cư cao hơn.
Định Hoá có 520.75km2 ha đất tự nhiên có độ dốc không đồng đều nên ảnh ảnh hưởng đến mật độ dân cư giữa các xã trên địa bàn. Thiên nhiên tại huyện Định Hoá cũng vô cùng phong phú. Trước đây, số lượng rừng rậm nhiều nên hệ thống thực và động vật khá đa dạng với các loài như hươu, nai, hổ,…các loài gỗ quý có trầm hương, lim, sến…Đặc biệt, Định Hoá có số lượng tre, trúc, mai,…tương đối lớn, người dân thường dùng để làm nhà ở, đồ dùng sinh hoạt.
Cây cọ cũng là một loại cây đặc trưng ở huyện Định Hoá đem lại nhiều lợi ích về kinh tế như nghề làm nón truyền thống, dùng lá cọ để lợp mái nhà. Từ những năm giữa thế kỷ XX trở về trước, hệ thống động thực vật tại Định Hoá rất phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, trong quá trình khai hoang, xây dựng nhà cửa, rừng đã bị thu hẹp nhanh chóng, nhiều lâm sản quý không còn đáng kể, nhiều động vật quý hiếm như hổ, báo, gấu,…hầu như không còn.
Đặc điểm địa hình cũng ảnh hưởng tới khí hậu tại Định Hoá, nơi đây có khí hậu nhiệt đới chia làm hai mùa: mùa nóng từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm với nhiệt độ cao nhất là vào tháng 8; mùa lạng từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau, tháng lạnh nhất là vào tháng 1. Định Hoá có hai loại gió chính là gió mùa Đông Bắc và gió mùa Đông Nam gây ra mưa lớn. Mặc dù không phải nơi có hệ thống sông lớn nhưng huyện Định Hoá có những con sông, con suối và khe dày đặc, thuận lợi cho việc trồng trọt, chăn nuôi và sinh hoạt.
Định Hoá nằm giữa trung tâm Việt bắc, núi non hiểm trở và là nơi hoạt động bí mật cho cách mạng nên tới ngày nay, trên địa bàn huyện có tới 128 khu di tích lịch sử, trở thành địa điểm du lịch cho du khách trong và ngoài nước.
Chính bởi địa hình nhiều đồi núi, sông suối nên dân cư ở khu vực Định Hoá sống chủ yếu tập trung thành các làng bản. Những người dân ở các làng bản có mối quan hệ thân thiết, gần gũi với nhau tạo nên tính cộng đồng khăng khít.
Cũng chính địa hình sinh sống này là không gian nảy sinh các hoạt động sinh hoạt văn hoá đặc sắc như hát, múa, các điệu nhảy mang sắc màu rừng núi.
1.2.1.2. Kinh tế
Người dân Định Hoá dựa vào thuận lợi về địa hình với diện tích đất ruộng lớn, nhiều con suối là nguồn nước dồi dào thuận tiện cho việc trồng lúa nước. Định Hoá nổi danh với gạo bao thai Định Hoá – loại gạo trắng, dẻo, thơm đặc trưng của địa phương. Bên cạnh trồng lúa, mỗi vụ mùa, người dân Định Hoá còn trồng thêm các loại hoa màu như ngô, khoai, sắn phục vụ cho gia đình và xuất khẩu.
Là một huyện có diện tích đất trồng chè lớn khoảng 600 ha, mỗi năm huyện Định Hoá thu hoạch tới hàng tấn chè tươi. Chè ở khu vực Định Hoá được trồng và chăm bón tỉ mỉ, thu hoạch bằng tay để có được những búp chè tươi non nhất.
Đây chính là nguồn thu chính của địa phương, góp phần phát triển kinh tế của gia đình và kinh tế huyện. Trên địa bàn huyện hình thành các hợp tác xã trồng chè với quy mô và sự đầu tư lớn, đạt tiêu chuẩn OCOP như hợp tác xã nông sản Phú Đạt với sản phẩm Trà Long Vân và Tâm Như trà nõn được chứng nhận OCOP 3 sao. Ngày nay, mô hình sản xuất chè đạt tiêu chuẩn OCOP được người dân Định Hoá chú trọng giúp thị trường chè ngày càng được mở rộng, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân trong huyện.
Ngoài ra, với diện tích đất rừng tương đối lớn, Định Hoá còn tập trung trồng các loại cây ăn quả như cam, quýt, bưởi, nhãn và trồng rừng, khai thác rừng để thu nguồn lợi lớn cho gia đình. Diện tích chăn thả lớn cũng là lợi thế cho huyện phát triển chăn nuôi nên đàn trâu bỏ của huyện phát triển.
1.2.1.3. Đời sống văn hoá
Huyện Định Hoá được nhắc đến là một mảnh đất An toàn khu kháng chiến, nơi đây có truyền thống đoàn kết, cần cù và có truyền thống yêu nước, kiên cường đấu tranh bảo vệ quê hương. Định Hoá với tinh thần quật cường đã chiến đấu chống giặc Minh đô hộ (năm 1407) và anh dũng chiến đấu chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Tại huyện Định Hoá có tổng cộng 128 khu di tích lịch sử, văn hoá gắn liền với một thời kì lịch sử oai hùng. Định Hoá còn được biết đến là vùng đất văn hoá mới nhiều loại hình văn hoá được lưu giữ và phát triển cho tới
ngày nay. Ta có thể kể đến múa rối cạn của người Tày ở Thẩm Rộc, xã Bình Yên và Ru Nghệ, xã Đồng Thịnh, đây là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian và đã được xếp hạng di sản văn hoá phi vật thể quốc gia năm 2015. Với số lượng người dân tộc Tày chiếm hơn 40% dân số toàn huyện, nghi Lễ then của người Tày cũng là một nét văn hoá đặc sắc. Then phản ảnh thế giới tâm linh của người Tày và là linh hồn của dân tộc này. Ngoài ra, huyện Định Hoá còn diễn ra nhiều lễ hội, tiêu biểu là Lễ hội Lồng tồng, tổ chức vào ngày 9 và ngày 10 tháng Giêng hàng năm cầu chúc cho mưa thuận gió hoà, đồng thời là dịp cho người dân Định Hoá được tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí như các trò chơi dân gian, không gian văn hoá hát then, nhảy tắc xình,…Ngoài ra, vào ngày 14 và 15 tháng Giêng, người dân Định Hoá còn tham gia lễ hội Chùa Hang để cầu phước lành cho gia đình, thành tâm hướng đến thần Phật.
Đối với dân tộc Sán Chay, hai loại hình văn hoá nổi bật nhất chính là nhảy tắc xình và hát Sấng cọ. Trên địa bàn huyện thường xuyên tổ chức các cuộc thi nhằm giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hoá của các dân tộc. Nhiều câu lạc bộ được lập ra để đảm bảo nhu cầu giải trí, đồng thời lưu giữ giá trị văn hoá truyền thống như câu lạc bộ nhảy tắc xình ở Tân Dương, Định Hoá và câu lạc bộ hát Sấng cọ ở xã Phú Đình, Tân Dương, Sơn Phú. Hai năm gần đây (2022 – 2023), huyện Định Hoá đặc biệt đầu tư vào phát triển đời sống văn hoá của người dân địa phương gắn với bảo tồn giá trị văn hoá dân tộc. Các câu lạc bộ được hoạt động thường xuyên hơn, chú trọng vào tính dân tộc kết hợp với tính chuyên nghiệp và nghệ thuật. Nhờ vậy, những nét đẹp văn hoá của các dân tộc anh em sống lâu đời tại Định Hoá ngày một được nâng cao giá trị, khơi dậy trong thế hệ trẻ trên huyện nhà lòng tự tôn dân tộc và ý thức bảo tồn văn hoá cha ông.