Khái quát chung của hát Sấng cọ của người Sán Chay ở Định Hoá, Thái Nguyên

Một phần của tài liệu Hát sấng cọ của người sán chay ở định hoá, thái nguyên dưới góc nhìn văn hoá (Trang 31 - 35)

Chương 1: CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ TỔNG QUAN

1.3. Khái quát chung của hát Sấng cọ của người Sán Chay ở Định Hoá, Thái Nguyên

Sấng cọ của người Sán Chay ở Định Hoá đã có từ lâu đời gắn với những tích truyện dân gian và được lưu truyền tới ngày nay. Đến hiện tại, Sấng cọ vẫn là một hình thức văn hoá văn nghệ đặc sắc của cộng đồng người dân tộc Sán

Chay, họ coi hát Sấng cọ là linh hồn của dân tộc, là một nét đẹp văn hoá cần được gìn giữ và lưu truyền. Sấng cọ từ xưa đã gắn với tích truyện về một vị thần ca hát là nàng Lưu Tam (Lau Rãm).

Nội dung hát chủ yếu sẽ là hát ngỏ ý làm quen, hát bày tỏ tình cảm với người mình yêu. Ngoài ra, trong các cuộc đám cưới, đây còn là lối hát đối đáp giữa nhà trai và nhà gái, nếu nhà nam đối đáp được những câu hát mà nhà gái đưa ra mới được tiến vào hành lễ đón dâu. Không chỉ vậy, trong những đám cưới, đây cũng là những câu hát để chúc phúc cho các cặp vợ chồng đầu bạc răng long, là cơ hội để những đôi trai gái làm quen, bắt chuyện với nhau. Gắn với sinh hoạt nông nghiệp, hát Sấng cọ còn được người Sán Chay ở Định Hoá hát khi vừa kết thúc một mùa vụ bội thu, lời hát ca ngợi quá trình lao động, vừa mong ước cho một mùa mới bông lúa nặng hạt, kho thóc đầy nhà.

Không gian diễn ra những cuộc hát Sấng cọ cũng vô cùng đặc biệt trong nhiều không gian khác nhau, thể hiện đặc trưng văn hoá của người Sán Chay.

Không gian chủ yếu thường diễn ra trong bối cảnh làng xóm, gốc đa, sân đình, đầu làng, trên nhà sàn hoặc khi thực hiện các lễ nghi tín ngưỡng ví dụ như cưới hỏi, ma chay và trong các lễ hội. Khi hát Sấng cọ, đặc biệt là những khúc hát giao duyên, những lời hát thể hiện tình cảm đôi lứa, người Sán Chay thường đi đến một làng khác, đứng nơi đầu làng hoặc được mời vào nhà sàn ngồi hát.

Không gian đầu làng với mái đình, cây đa, ánh trăng, giếng nước là không gian thơ mộng giúp cho những đôi trai gái có thể bày tỏ mọi nỗi niềm, thể hiện những tình cảm sâu kín với người mình thầm thương, trộm nhớ.

Đôi khi, Sấng cọ của dân tộc Sán Chay còn được diễn xướng trong các không gian như cưới hỏi, lễ hội. Ngoài ra, với mục đích hát để khích lệ, động viên nhau trong quá trình lao động, không gian cánh đồng, đồi nương cũng là một không gian lí tưởng cho người Sán Chay cất lên những câu hát chất chứa bao tâm tình, thể hiện niềm vui hăng say lao động và ngợi ca những thành quả lao động đã đạt được sau một mùa vụ bội thu.

Thời gian diễn ra các cuộc hát Sấng cọ cũng là một điều đặc biệt. Người Sán Chay thường hát khi đón khách quý, khi tết đến xuân về, khi có cuộc vui giao lưu giữa xóm này, làng kia. Đặc biệt, khi diễn xướng Sấng cọ, người Sán Chay có thể hát thâu đêm suốt sáng tới khi hết bài hát.

Ngày nay, cộng đồng dân tộc Sán Chay đã thu hẹp không gian và thời gian diễn xướng để phù hợp với bối cảnh xã hội, chủ yếu là hát trong nhà, trong những buổi tối nhàn rỗi. Tuy nhiên, ở trong những lễ hội, người Sán Chay ở Định Hoá vẫn thường xây dựng lại bối cảnh ngày xưa để tìm lại không khí ban sơ thuở nào.

Trong quá trình sinh hoạt văn hoá và giao lưu văn hoá với các địa phương khác, người Sán Chay tại Định Hoá đã lưu giữ được các bộ sách hát Sấng cọ, nhiều bản được ghi chép bằng tay. Theo thống kê, hiện tại các nghệ nhân ở Định Hoá đang lưu giữ cuốn hát ví tập 1, tập 2, tập 12; sưu tầm được cuốn “Trường ca Cao Lan” của ông Hoàng Giang Lâm, cuốn “Xịnh ca Cao Lan” của Lâm Quý. Để gìn giữ và lưu truyền loại hình dân ca này, nhiều nghệ nhân đã phiên âm những bài hát từ chữ Nho sang tiếng Sán Chay, và dịch từ tiếng Sán Chay sang chữ quốc ngữ để thế hệ sau hiểu rõ ý nghĩa từng câu hát. Bởi dân tộc Sán Chay có hai nhóm địa phương là Cao Lan và Sán Chỉ nên các bài hát Sấng cọ có nhiều tên gọi khác nhau như “Trường ca Cao Lan”, “Xình ca Cao Lan” hay

“Hát ví của người dân tộc Sán Chay”,… Tất cả những tên gọi đó tựu trung lại đều là những bài hát Sấng cọ của người Sán Chay. Với số lượng là 8 bài trong một cuốn, mỗi một bài lại tương ứng với một một không gian diễn xướng khác nhau. Nếu hát vào bản, hoạt động diễn xướng chủ yếu ở trong nhà sàn. Nếu hát đám cưới, hoạt động diễn xướng cần chuẩn bị lễ vật, thực hiện đúng các nghi thức cưới xin của người Sán Chay. Người Sán Chay ở Định Hóa vẫn đang diễn xướng các lời hát được ghi chép trong những cuốn sách gối đầu giường ấy và thực hiện các hình thức diễn xướng đa dạng phù hợp với từng bài hát.

Tiểu kết chương 1

Ở chương 1, chúng tôi đã làm rõ khái niệm về văn hoá và văn học, đồng thời làm rõ được mối quan hệ giữa văn hoá và văn học để phục vụ cho việc nghiên cứu Sấng cọ ở những chương tiếp theo là hợp logic khi tìm hiểu điệu hát này dưới góc nhìn văn hoá. Bởi Sấng cọ là một tác phẩm thuộc văn học nhưng phản ánh rõ và đầy đủ, phong phú bản sắc văn hoá tộc người Sán Chay tại huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên.

Chương 1 cũng đã nêu đầy đủ đặc điểm địa bàn huyện Định Hoá về vị trí địa lí, kinh tế, đời sống văn hoá và đặc biệt khái quát được những nét cơ bản về Sấng cọ của dân tộc Sán Chay ở huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên với nguồn gốc ra đời của loại hình dân ca này, những đặc điểm về không gian và thời gian khi diễn ra các cuộc hát đều mang sắc màu của cộng đồng dân tộc Sán Chay tại Định Hoá.

Những cơ sở lí thuyết và tổng quan về huyện Định Hoá cũng như Sấng cọ của dân tộc Sán Chay ở Thái Nguyên sẽ là tiền đề vững chắc để chúng tôi xác định rõ và luôn đi đúng hướng trong nghiên cứu này. Đó là nghiên cứu Sấng cọ của người Sán Chay với bản chất là một tác phẩm văn học nhưng phản ánh toàn bộ bản sắc văn hoá vùng miền, nét đẹp văn hoá của cộng đồng dân tộc Sán Chay tại Định Hoá.

Chương 2

Một phần của tài liệu Hát sấng cọ của người sán chay ở định hoá, thái nguyên dưới góc nhìn văn hoá (Trang 31 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)