Chương 2: DẤU ẤN VĂN HOÁ TRONG NỘI DUNG HÁT SẤNG CỌ CỦA NGƯỜI SÁN CHAY Ở ĐỊNH HOÁ, THÁI NGUYÊN
2.1. Tín ngưỡng sùng bái tự nhiên
Dân tộc Sán Chay quan niệm vạn vật hữu linh, chính vì điều đó, người Sán Chay luôn có một niềm tin mãnh liệt rằng còn một thế giới vô cùng thần bí và siêu nhiên song song với đời sống trần thế. Thế giới ấy là thế giới của thần linh, thế giới mà có sự phù trợ, bảo hộ cho người trần mắt thịt, đồng thời thế giới ấy có cả những điều cần phải kiêng kị, giữ phép. Niềm tin tâm linh ấy được đi vào trong những bài hát Sấng cọ một cách tự nhiên nhưng phản ánh đầy đủ thế giới quan về một cõi thần bí, siêu nhiên.
Là cư dân nông nghiệp lúa nước, người Sán Chay từ xưa đã có mối quan hệ chặt chẽ với thiên nhiên, phụ thuộc vào thiên nhiên nên tư duy mang tính tổng hợp, trong hình thức tín ngưỡng là tín ngưỡng đa thần. Chất âm tính trong văn hoá nông nghiệp nên các vị thần trong tín ngưỡng của người Việt nói chung và người Sán Chay nói riêng là các vị nữ thần, đại diện cho những người cai quản tự nhiên. Trong quá trình văn hoá Trung Hoa ảnh hưởng tới Việt Nam, xuất hiện thêm các vị thần như Ngọc Hoàng, Thổ Công, Hà Bá,… Đây đều là các vị thần gắn liền với tự nhiên, cai quản trời đất và gắn bó với nông dân trong việc trồng trọt và chăn nuôi. Đối với người Sán Chay, các vị thần là người phù hộ, mách bảo trong cuộc sống, bởi vậy họ luôn kính trọng và một lòng thành kính với các đấng thần linh.
Người Sán Chay có quan niệm “đất có thổ công, sông có hà bá”, bởi vậy mỗi khi tới những mảnh đất mới, người Sán Chay luôn dành một lòng thành kính tới thổ công đất ấy. Trong những câu hát Sấng cọ, niềm tin vào thần linh, lòng tin vào thổ công cũng được thể hiện qua cách người hát đối đáp luôn lễ bái thổ công trước tiên khi hát vào bản:
Phiên âm Sán Chay:
“Su lài hènh cù lênh tàu lù Lênh tàu lù sừng dơu lềnh sằn Slặn phát sliu dinh pại cấy pại
Cấy pại hènh dinh phồng quạy nhằn”
Dịch nghĩa:
“Đường dài đưa dẫn đến đầu thôn Gặp miếu thần linh sợ hết hồn Thắp nén hương thơm tam báy lạy
Cầu mong cho được gặp người khôn”
[18, tr.15]
Trong tín ngưỡng thờ thần của người Việt, ở phạm vi làng xã, việc thờ một vị thần làng là vô cùng quan trọng, vị thần đó sẽ cai quản, bảo hộ và định đoạt phúc hoạ cho cả làng đó, người Việt thường gọi vị thần đó là “Thần Hoàng”, còn người Sán Chay vẫn gọi là Thổ Công. Đối với người Sán Chay, Thổ Công chính là vị thần cai quản đất đai, nhà cửa, là vị thần giữ sự yên ổn cho xóm làng, cho người dân. Miếu thờ Thổ Công được mỗi làng xây dựng và trang hoàng ở nơi rộng rãi, khoáng đạt và có ban thờ thổ công. Vào mỗi dịp mùng 2 tháng Giêng và mùng 2 tháng 6 hàng năm, người dân Sán Chay lại đem lễ vật bao gồm gạo, rượu và gà đến miếu thổ công của xóm để người thầy cúng làm lễ khấn lên thổ công, báo cáo và cầu mong cho xóm làng được yên ổn, người dân làm ăn thuận lợi. Tín ngưỡng ấy có từ lâu đời, bởi vậy trong câu hát, người Sán Chay cũng thể hiện rõ tín ngưỡng của dân tộc mình khi đến bản khác liền thắp nén hương thơm xem như một lời chào tới vị thần cai quản đất đai và cầu mong cho đêm hát được trọn vẹn, tìm được ý trung nhân của mình.
Trong tín ngưỡng sùng bái giới tự nhiên, người Sán Chay còn xem một số thực vật hay động vật là các vị thần. Trên núi có hổ, dưới sông có rồng, người Sán Chay coi hai con vật đó là những con vật có sức mạnh to lớn nên chúng có quyền năng như các vị thần giúp đỡ và bảo hộ cho con người. Trong cuốn Cơ sở văn hoá Việt Nam của Trần Ngọc Thêm cũng cho rằng “Hình tượng con rồng xuất phát từ Đông Nam Á […] cá sấu – Rồng được coi là chúa tể cai quản vùng sông nước. […] Con Rồng mang đầy đủ nét đặc trưng cơ bản của tư duy nông nghiệp…” [20, tr.135]. Hình tượng rồng, hổ được coi như các vị thần cũng được
đưa vào trong các câu hát Sấng cọ thể hiện niềm tin tâm linh và tín ngưỡng “đa thần” của người Việt:
Phiên âm Sán Chay:
“Sờu sờn hậy tạo cáu tìu cang
Hò pun (lồng mu) sắt sệnh sời cang than
Mù chi (di mù) kéch pịt làng súi lù Mù chi (di mù) kéch pịt tưy co tàng”
Dịch nghĩa:
“Đoàn thuyền bơi đến chín cửa sông Có một con rồng chắn ngang sông Muốn đi phải có đồ cúng lễ
Bái lạy ông rồng cửa mới thông”
[18, tr.34]
Hình tượng rồng là hình tượng vô cùng linh thiêng và trong tâm thức của người Sán Chay, rồng là loài linh vật ngự trị dưới nước. Rồng là một loài vật không có thật nhưng lại là linh vật xuất hiện với nhiều ý nghĩa. Rồng là biểu tượng cho sự quyền lực cao quý được tôn vinh và quy phục. Đặc biệt, rồng đại diện cho nguồn nước, cho sự sinh sôi, nảy nở của muôn loài và muôn vật. Trong bài “Súi co sờu cụ hái” (Bơi thuyền vượt biển), con rồng xuất hiện với cương vị là vị thần trấn thủ những con sông, muốn qua được sông tới vùng đất mới cần phải cúng lễ lên vị thần rồng này để cầu mong chuyến vượt biển gặp nhiều thuận lợi, được thần rồng bảo vệ và phù trợ trong suốt chuyến đi. Người Sán Chay tâm niệm những cơn cuồng phong hay sóng biển lớn trên biển là do thần rồng tức giận, bởi vậy mong ước vượt biển thành công, người Sán Chay cần dâng lễ vật lên thần rồng với tấm lòng thành kính nhất.
Hay:
Phiên âm Sán Chay:
“Cụ sạn pin kệnh san tời mộc Cụ súi pin kệnh súi lồng lằn Cụ sun pin kệnh sun lơu tời
Kệnh sun lơu tời hắm sềnh nhằn.”
Dịch nghĩa:
“Qua núi lạy chào cây to nhất Qua sông kính cẩn trước long thần Qua làng kính chúc người già cả Chúc người già vui sống trăm xuân”
[18, tr.14]
Rồng trong tiếng Hán – Việt còn gọi là “Long”, như đã nói ở trên, hình tượng rồng là biểu trưng của quyền lực, quyền năng, hơn nữa rồng còn là biểu trưng cho sự phát triển và vươn lên, sự thịnh vượng của con người và của cộng đồng. Người Sán Chay quan niệm ở sông nước luôn có “long thần” cai quản nên khi đi qua sông cần phải kính cẩn nghiêng mình với long thần, cầu cho người người nơi nơi được bình an. Với tín ngưỡng đa thần cùng với không gian sống của người Sán Chay chủ yếu ở những nơi rừng núi, đây là nơi có nhiều những con vật lớn như hổ, báo,… Đặc biệt, tục ngữ người Việt có câu “Cây gạo có ma, cây đa có thần”, trước đây, diện tích rừng còn lớn và còn nhiều cây cổ thụ, người Sán Chay tâm niệm ở những cây lớn là nơi các vị thần núi ngự trị để quan sát và theo dõi thế giới con người. Bởi vậy, khi đứng trước những cây lớn, người Sán Chay thường thể hiện lòng thành kính với đấng thần linh. Trong bài hát Sấng cọ cũng có câu “Qua núi lạy chào cây to nhất” chính là thể hiện niềm tin tâm linh vào tự nhiên, vào các vị thần đang ngự trị ở rừng lớn. Bởi vậy, người Sán Chay thường hiếm khi chặt các cây lớn vì họ cho rằng nếu chặt đi là phá huỷ chốn ở của các thần, sẽ bị thần trừng phạt. Nếu bất đắc dĩ phải chặt cây lớn, người Sán Chay thường phải làm lễ để xin phép thần linh.
Những câu hát Sấng cọ không chỉ là bày tỏ tình cảm mà còn là những lời răn dạy cho con cháu biết cung kính với các vị thần:
Phiên âm Sán Chay:
“Co sì kềnh phùng chứ phằn san Phằn san chạng lợc dứt lồng san Sếch quạ pin sì Hồng Chí lưy Slợi hái thông sư cáng hú nhờn”
Dịch nghĩa:
“Thơ ca kính phụng ông thổ sơn Thổ sơn trú tại đất long thần Người ở đất này đều thông thái Hiểu sách khổng phu lời cổ nhân”
[18, tr.50]
Niềm tin tâm linh ở các vị thần của người Sán Chay vô cùng mạnh mẽ và được truyền lại cho thế hệ sau bởi người Sán Chay quan niệm thế giới này là thế giới hữu linh, việc chúng ta tôn kính, coi trong những vị thần, những đấng thần
linh thì thần linh sẽ bảo vệ, phù hộ và giữ cho cuộc sống của con người bình an.
Những câu hát Sấng cọ là một trong những phương tiện truyền tải niềm tin tâm linh một cách tự nhiên và gần gũi của người Sán Chay. Đồng thời, đó còn là một cách bày tỏ sự tôn kính với các vị thần qua các câu hát có nhịp điệu, từ tâm thức đã đi sâu vào trong cả những giá trị văn hoá.