Phong tục hôn nhân của người Sán Chay

Một phần của tài liệu Hát sấng cọ của người sán chay ở định hoá, thái nguyên dưới góc nhìn văn hoá (Trang 39 - 46)

Chương 2: DẤU ẤN VĂN HOÁ TRONG NỘI DUNG HÁT SẤNG CỌ CỦA NGƯỜI SÁN CHAY Ở ĐỊNH HOÁ, THÁI NGUYÊN

2.2. Phong tục, tập quán

2.2.1. Phong tục hôn nhân của người Sán Chay

Một trong những đặc trưng văn hoá của người Việt là tính cộng đồng, mọi công việc của cá nhân đều có sự có mặt của cộng đồng. Việc kết hôn của người Việt nói chung và của người Sán Chay nói riêng không phải chuyện riêng của hai người lấy nhau mà còn là chuyện vui lớn của xóm làng, của hai dòng họ. Việc trai khôn dựng vợ, gái lớn gả chồng là một việc hệ trọng đối với người Sán Chay và đây cũng là một việc thiêng liêng giúp duy trì nòi giống và phát triển gia đình, cộng đồng. Bởi vậy, từ xưa tới nay, người Sán Chay luôn coi trọng việc tổ chức hôn lễ sao cho đàng hoàng, đầy đủ nghi thức như dạm ngõ – ra mắt gia đình hai bên xem đôi trai gái có hợp tuổi hay không. Người Sán Chay quan niệm những tuổi khắc nhau sẽ khiến cho gia đình lục đục, hôn nhân không hạnh phúc nên trước đây, tuổi tác và mệnh của đôi trai gái được xem rất kĩ. Sau khi lễ dạm ngõ được diễn ra suôn sẻ, nhà trai sẽ chuẩn bị lễ vật và tiền cưới đến hỏi cưới và sau cùng là lễ rước dâu. Là cư dân nông nghiệp với nền văn hoá duy tình và có tính cộng đồng nên hôn nhân của một đôi trai gái còn là chuyện mừng của cả dòng họ và xóm làng. Trong những ngày hỉ như vậy, gia đình, họ hàng và làng xóm sẽ cùng nhau bắt tay chuẩn bị cho lễ cưới, chuẩn bị cỗ bàn, và đặc biệt có một món ăn tinh thần không thể thiếu đó chính là hát Sấng cọ.

Theo phong tục của người Sán Chay, khi nhà trai đến rước dâu, nhà gái sẽ buộc dây thắt lưng xanh và đỏ trước cầu thang để thử thách nhà trai. Sau khi nhà trai hát đối đáp mới được cởi dây và mời vào nhà:

Nhà gái:

“Mòi pá sáu cẵn làn lù thàu Mờn từi héc nhăn chời ná chău Dực héc chằn sìu sìn pùng lợc Dực héc mò sìn héc thúi chău”

Nhà trai:

“Mòi pá sáu cặn làn lù thàu Từi sì héc nhằn chòi vùng chàu Cấy tò nhằn sìn chằn cà sắt Chếnh sì chằn sìu pắt thúi chặn”

Dịch nghĩa:

“Dây tơ hồng chắn ngang cửa Anh từ nơi nào đến nhà em Anh có sính lễ thì tới chơi

Anh chẳng sính lễ mời anh lại nhà”

“Dây tơ hồng chắn ngang cửa Anh đây từ phương xa tới

Bao nhiêu tiền bạc thông gia sắp Cớ sao bắt anh phải quay về”

[27, tr.12]

Khi muốn cưới một cô gái về làm vợ, nhà trai phải chuẩn bị sính lễ thật chỉn chu gồm lợn, gà, rượu, trầu cau và tiền để sang rước cô dâu về nhà chồng.

Toàn bộ đại lễ sẽ được đem đến nhà gái trước hôm chính hôn diễn ra. Vào ngày hôn lễ, nhà trai sẽ tập hợp những người thân trong gia đình, trong đó trưởng đoàn được lựa chọn kĩ lưỡng nhất vì đây là người có uy tín trong làng, có tiếng nói để đại diện gia đình ra mắt nhà gái, đồng thời là người thưa gửi, xin rước cô dâu về bên nhà chồng. Thường trong các cuộc hát đối đáp trong hôn lễ, người trưởng đoàn sẽ là người đáp lời nhà gái trước tiên. Lời hát đối đáp của nhà trai không chỉ thể hiện tình yêu chân thành, mong muốn được cưới cô gái mà còn thể hiện được sự khéo léo, tinh thế của nhà trai. Đây cũng là cách người nhà cô dâu “chấm điểm” nhà trai để tin cậy gả con gái làm dâu nhà người.

Hai chiếc dây thắt lưng xanh đỏ chắn ngang cầu thang sẽ được tháo gỡ để mừng nhà trai vào nhà làm lễ khi nhà trai đã đối đáp khéo léo, thuận ý nhà gái:

Phiên âm Sán Chay:

“Vằn sằu hấy

Sằu hấy sằu cằn làn lù quày Sằu hấy sắu cằn làn lù líu

Tàm phù tìn kếch nhợp mùn thày”

Dịch nghĩa:

“Ta thu đi

Ta thu hết những thứ chắn đường này Ta thu hết những thứ chắn qua cầu thang Mở đường cho gánh lễ vào nhà”

[27, tr.7]

Từ xa xưa, việc thưởng trà đã là một nét đẹp văn hoá của người Việt, đặc biệt ở huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên là huyện có hơn 600 ha diện tích trồng chè. Chè nơi đây không chỉ là sản phẩm nhằm phát triển kinh tế mà từng lá chè xanh chế biến thành những ấm trà thơm đã trở thành một nét đẹp của người dân nơi đây. Tập tục uống chè (hay uống trà) của người Việt nói chung và người Sán Chay ở Định Hoá nói riêng đã trở thành một điều không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày, đặc biệt vào những dịp quan trọng lại càng không thể thiếu những ấm trà thơm. Mời trà là một lối ứng xử văn hoá thể hiện sự thành kính, lễ độ và lòng mến khách, ngược lại việc đón nhận một chén trà từ gia chủ và thưởng thức nó cũng là một cách ứng xử văn hoá đáp lại tấm lòng của người mời trà. Trong hôn lễ của người Sán Chay đặc biệt không thể thiếu nét đẹp này, đó là khi nhà gái sẽ chuẩn bị sẵn một ấm trà nóng, chờ khi nhà trai bước vào cửa, ấm trà sẽ được bưng lên và mời nhà trai như một cách thể hiện lòng hiếu khách đầy chân tình.

Và dĩ nhiên, nhà trai không thể nào khước từ những chén trà do nhà gái đã ân cần chuẩn bị đón tiếp mình:

Phiên âm Sán Chay:

“Tàm pù tìn kếch sừng mùn tàu Dắt sùng pá lạng chời mùn tàu Xầu súi dâu lòi chồng nhằn kếch Giờ hò chênh súi chời mùn tàu”

Dịch nghĩa:

“Gánh lễ lên cầu thang vào nhà Một đôi cau đặt ở trước cửa Lấy nước về xin mời khách uống Giờ nước đã bưng ngay cửa nhà”

[27, tr.7]

Khi nhà trai đã đón nhận tấm chân tình qua những chén trà của nhà gái, nhà trai tiếp tục tiến vào để thực hiện lễ rước dâu. Cũng giống truyền thống của người Việt, việc thờ cúng tổ tiên là một nét đẹp quan trọng và luôn được duy trì.

Người Sán Chay quan niệm tổ tiên là những người luôn dõi theo và phù hộ cho con cháu, gia đình và dòng tộc, bởi vậy, trong hôn lễ của người Sán Chay muốn rước được cô dâu cần thưa với tổ tiên trước nhất mong tổ tiên chứng giám cho tình yêu đôi lứa và phù hộ cho tình yêu bền vững, con đàn cháu đống:

Phiên âm Sán Chay:

“Kềnh cú thói pệc kềnh chú công Thái pệc nhằm chắu chời tàm xài Thái pệc nhằm cháu mầy mầy xìn Thếnh từi cò sì chằu mấy chắn”

Dịch nghĩa:

“Kính thưa tổ tiên cùng ông bà Rượu đã mời trên bàn thờ

Tổ tiên ông bà rượu uống không hết Câu ca nói ra rất thật lòng”

[27, tr.8]

Mối quan hệ dòng tộc, quan hệ anh em trong gia đình luôn luôn được coi trọng, người Sán Chay quan niệm việc lớn, việc nhỏ trong gia đình đều cần được thông qua tất cả anh em họ hàng. Bởi vậy, trong hôn lễ của người Sán Chay, tất cả những người trong dòng tộc sẽ được tập trung lại, người ở xa sẽ sắp xếp trở về nhà để bàn bạc, phụ giúp và xắn tay áo cùng hỗ trợ nhau. Đặc biệt, ở vai vế của những người ông chú, ông cậu trong dòng tộc vô cùng quan trọng. Trong ngày cưới, ông chú và ông cậu của cô dâu hay chú rể đều cần có mặt, họ như những người đại diện cho cha mẹ, cho dòng họ, là người cùng cha mẹ cô dâu, chú rể bàn bạc việc tiệc tùng, khách khứa, cũng là người giúp cha mẹ cô dâu, chú rể tiếp khách quý trong hôn lễ, bởi vậy khi tới rước dâu, người trưởng đoàn cần thưa các ông chú, ông cậu để thể hiện lòng thành kính:

Phiên âm Sán Chay:

“Kềnh cú sóc còng cầu ồng Tàm pù sù nhợp chắn diu chồng Tàm pù sù nhợp cháu diu vùi Mọc chác tàm pù lưi mấy chếnh”

Dịch nghĩa:

“Kính thưa ông chú và ông cậu Gánh lễ đã được đưa vào nhà Đưa vào đám cưới đang đông vui Nay gánh lễ đã thông” [27, tr.8]

Việc thưa chuyện với ông chú, ông cậu và các bậc lão niên trong họ nhà gái chính là một lời ngỏ ý để nhà trai làm lễ rước dâu, cũng là lúc chàng rể quý ra mắt họ nhà gái, được công nhận là con của gia đình. Và khi “gánh lễ đã thông”

là lúc nhà trai xin phép họ nhà gái cho cô dâu từ giây phút này sẽ trở thành người của họ nhà trai, trở thành người dâu hiền, vợ thảo.

Mỗi mảnh đất, mỗi địa phương sẽ có một phong tục, nét đẹp văn hoá riêng biệt. Nếu người anh em các dân tộc ở vùng đồng bằng sau khi đem lễ vật vào nhà sẽ làm lễ thưa gửi tổ tiên và làm lễ xin dâu thì người Sán Chay còn cần qua các bước mời rượu và đặt tiền để được rước dâu. Khi bước vào nhà, nhà trai phải tiếp tục hát mời và đáp lễ nhà gái. Có một điều vô cùng đặc biệt trong đám cưới của người Sán Chay, đó là khi người trưởng bếp sẽ cầm một chiếc thớt hoặc một chiếc đế nồi ra mời rượu, mời nước nhà trai. Việc đáp lễ của nhà trai dành cho trưởng bếp chính là lời cảm ơn tới những người phụ giúp trong gia đình ngày trọng đại.

Nhà gái:

“Cò ềng chắu

Lềng sắu phu lài chòi lềnh pềnh Cằm dì sắt mùn hài chắu tím Chồng sằn nhằm chắu thếng kềnh sềnh”

Nhà trai:

“Sằn cà dâu chắu tàm pù phát Tàm pù phát hấy mùn tài tàu Cắm chiu sắt mun hài chắu tím Thăy vầy sồi tằu hài chắu xin”

Dịch nghĩa:

Cái sàng gạo

Hai tay đưa lại trước mặt anh

Tối nay đến nhà mời chén rượu hồng Thay mặt bếp trưởng mở nắp rượu”

Dịch nghĩa:

“Thông gia có rượu nâng chén mời Có rượu xin mời từ ngoài vào Sáng nay ra cửa mời rượu tiếp

Có tiền, có rượu tôi đây mời bếp trưởng”

[27, tr.10]

Dân cư vùng đồng bằng Bắc bộ và các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc, trong đó có Định Hoá, Thái Nguyên đều biết cách chưng cất rượu từ những loại ngô, khoai, sắn, gạo để phục vụ đời sống sinh hoạt. Trong ngày trọng đại, những chén rượu hồng trong ngày cưới là những chén rượu đong đầy tình cảm và chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ, và việc kính rượu với quan viên hai họ là cách thể hiện sự trân quý với tình cảm mà khách khứa, họ hàng tới chung vui với gia đình:

Phiên âm Sán Chay:

“Sềnh nhằn nhắm

Sềnh nhằn nhắm xùng mọc nhắm tàn Nhằm xùng hắm tắc sếnh xùng tùi Nhằm tàn pẹc chán tàng vùi hàn”

Dịch nghĩa:

“Mời ăn uống

Mời người uống đôi đừng uống lẻ Uống đôi chén mới thành đôi lứa Uống một chén là không gặp may”

[27, tr.22]

Nếu miếng trầu là đầu câu chuyện thì đối với người Việt nói chung và người Sán Chay nói riêng, chén rượu chính là chén khởi đầu của cuộc vui. Trong câu hát Sấng cọ, cách mời rượu cũng vô cùng khéo léo vì người Sán Chay quan niệm trong hôn lễ, vật nào cũng cần có đôi, có cặp như ẩn ý cho sự gắn kết lứa đôi vợ chồng. Khi mời rượu, “uống đôi” ở đây chính là nghĩa của câu “chén tạc, chén thù”. “Chén tạc” là chén người chủ nhà mời khách với đầy thành ý, cảm ơn vì sự có mặt trong ngày trọng đại của gia đình, “chén thù” là lời đáp lễ của khách cũng như thay lời chúc phúc trăm năm cho đôi trẻ. Rượu từ lâu đã đi vào đời sống của người Sán Chay nói riêng và người Việt nói chung như một phương tiện để kết giao, để giãi bày tâm sự, tuy nhiên, dù là vậy nhưng có một điều vô cùng văn minh được thể hiện trên bàn tiệc trong lễ cưới của người Sán Chay đó chính là cách uống rượu chúc phúc văn minh, không ép buộc, uống chỉ mang nghĩa chân tình như nó vốn là:

Phiên âm Sán Chay:

“Sì xíu xèng lài mò vùi nhắm

Mùi xằng nhắm chắu pẹc mìn hồng Chắu pềnh tềnh xìn mò thồng lừi Mò nhằn sì xứt từi pùn chồng”

Dịch nghĩa:

“Người sinh ra không vì uống rượu Uống nhiều rượu mặt đỏ bừng bừng Uống nhiều rượu lời nói không hay Người uống ít lời hay ý đẹp”

[27, tr.22]

Việc trao cho nhau những chén rượu hồng cũng là cách gắn kết sự giao lưu, gắn bó giữa hai bên gia đình, đằng sau những chén rượu hồng là lời căn dặn

của cha mẹ vợ dành cho con rể, là sự gửi gắm con gái cho nhà thông gia, mong sao con mình nơi nhà người trở thành dâu hiền, vợ thảo, được nhà chồng thương yêu.

Sau những lời chúc tụng và những chén rượu hồng được trao đi, đáp lại, nhà trai sẽ xin phép gia đình nhà gái để ra về. Trước khi ra về, nhà trai tiếp tục hát những câu hát cảm ơn và chúc tụng dành cho nhà gái:

Phiên âm Sán Chay:

“Chắu cò kềnh phồng sằn cà dì Dừng nui xờng tời cà nhắn nhì Cằm nin cà lợc nhằn cà ốc

Khau cun tặc chếch nìm sằu mu”

“Cháu cò xầy phồng sằn cà dì Dừng nui dừng tời cá nhằn nhì Dâu dờn cá lợc phú cà ốc

Xằm nam xấy nui chíp chồng chì”

Dịch nghĩa:

“Cháu cò xầy phồng sằn cà dì Dừng nui dừng tời cá nhằn nhì Dâu dờn cá lợc phú cà ốc

Xằm nam xấy nui chíp chồng chì”

“Cảm ơn ông bà thông gia

Nuôi con gái trưởng thành gả nhà người

Có phúc có phần gả nhà giàu sang Sinh nam sinh nữ nối dõi tổ tông”

[27, tr.24]

Lời chào ra về là lời chúc cho gia đình cũng là lời cảm ơn của nhà trai dành cho cha mẹ cô dâu khi đã mang nặng đẻ đau, hết lòng nuôi dưỡng con gái thành người, dạy bảo con gái thành người đảm đang để bây giờ được làm dâu nhà người. Đây cũng là một lời chúc, lời mong ước của nhà trai với đôi vợ chồng trẻ sẽ hạnh phúc viên mãn, con đàn cháu đống để nối dõi tổ tông bởi những đứa trẻ vừa là món quà vừa là sợi dây gắn kết hai bên họ nội và họ ngoại, giúp tình cảm càng thêm gần gũi, bền chặt.

Tục cưới xin của người Sán Chay được tiến hành qua nhiều nghi thức và trong mỗi nghi thức lại có một ẩn ý nhất định làm nổi bật lên đời sống văn hoá, đời sống sinh hoạt và cả tín ngưỡng của cộng đồng dân tộc này. Những câu hát Sấng cọ trong hôn lễ của người dân tộc Sán Chay vừa là phương tiện để bày tỏ

tâm tư, tình cảm, vừa là chiếc cầu se duyên cho những đôi trai tài, gái sắc. Đồng thời, ở trong mỗi câu hát ta lại thấy được cả một vùng văn hoá đã ăn sâu vào đời sống tinh thần của người dân tộc Sán Chay, càng tô đậm cái đẹp của một phong tục lâu đời của cộng đồng.

Một phần của tài liệu Hát sấng cọ của người sán chay ở định hoá, thái nguyên dưới góc nhìn văn hoá (Trang 39 - 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)