Chương 3: DẤU ẤN VĂN HOÁ TRONG HÌNH THỨC NGHỆ THUẬT HÁT SẤNG CỌ CỦA NGƯỜI SÁN CHAY Ở ĐỊNH HOÁ, THÁI NGUYÊN
3.3. Kết cấu đối đáp và thể thơ thất ngôn
3.3.2. Thể thơ thất ngôn
Thơ là loại hình văn học sớm nhất của nhân loại, là sản phẩm của nhận thức, tưởng tượng và sáng tạo để phản ánh cuộc sống, thể hiện những cung bậc tình cảm, cảm xúc bằng ngôn ngữ giàu hình ảnh, có vần, nhịp điệu tạo nên tính nhạc nên Hegel từng nói thơ gắn với nhạc và hoạ. Thơ chính là hình thái văn học đầu tiên của loài người, bởi vậy, ở một số dân tộc, các tác phẩm văn học đầu tiên xuất hiện đều thường được viết bằng thơ.
Lịch sử Việt Nam bị giặc phương Bắc đô hộ hơn 1000 năm, văn học Việt Nam cũng chịu nhiều ảnh hưởng của văn học Trung Hoa, trong đó cách sáng tác thơ của giai đoạn trước chịu nhiều ảnh hưởng của lối sáng tác của thơ Đường.
Thơ Đường luật có ba dạng chính là thơ bát cú, thơ tuyệt cú và thơ bài luật. Các bài thơ này đều tuân theo sự quy định về thanh bằng, thanh trắc, cách gieo vần,
cách đối nhất định. Thơ thất ngôn tứ tuyệt là thể thơ nhỏ gọn, xinh xắn nhưng vô cùng hàm súc, có thể giúp tác giả bộc bạch mọi nỗi niềm, tâm tư bằng lối sáng tác ý tại ngôn ngoại. Thơ thất ngôn tứ tuyệt tuy ngắn gọn nhưng nội dung truyền tải lại vô cùng lớn lao thông qua những hình ảnh, tứ thơ mang tính biểu trưng và gợi liên tưởng mạnh mẽ. Trong các bài hát Sấng cọ của người Sán Chay hầu hết tất cả các bài hát đều sử dụng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt với cách gieo vần, nhịp, thanh bằng trắc tuần theo quy luật của thơ Đường. Tuy nhiên, trong quá trình sáng tạo và để phù hợp với lối hát cũng như phù hợp với từng hoàn cảnh, thể thơ có đôi chỗ được giải quy phạm nhằm đáp ứng nhu cầu bộc lộ tình cảm của người hát.
Các câu hát đều được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt với 4 câu ngắn gọn, mỗi câu gồm 7 chữ:
Phiên âm Sán Chay:
“Cù nìn cù líu slăn nìn lài So slam so slợi pơi hènh hai So slam so slợi va hai sáo Tưy hắm sin tìu hưy lù lài”
Dịch nghĩa:
“Năm cũ qua rồi năm mới đến Mùng ba mùng bốn đi chơi xuân Mùng ba mùng bốn hoa đua nở Anh đi nghìn dặm thăm người thân”
[18, tr.8]
Những câu hát sử dụng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt và tuân thủ tương đối chặt chẽ quy luật sáng tác của thể thơ. Trước tiên là cách gieo vần, tác giả gieo vần rất chặt chẽ ở các chữ cuối của câu 1, 2 và 4: “lài”, “hai”, “lài”. Khi đọc các câu hát, ta thấy các câu hát đều được gieo đúng quy luật của thơ thất ngôn tứ tuyệt ở chữ cuối câu 1, 2 và 4:
Phiên âm Sán Chay:
“Hai sênh pin xịnh mòi sun tàu Sun tàu sun mấy lình dàu dàu Chộng vừy lơu sun sùi mấy vắn Sền làng lài chú kít phông làu”
Dịch nghĩa:
“Mở lời xin hát khen làng đẹp Đầu thôn cuối bản đèn sáng ngời Các vị già làng không yên giấc
Vì anh đến hát giọng đầy vơi” [18, tr.8]
Ở đây, chúng ta sẽ không bàn đến phần dịch nghĩa mà chỉ chú ý đến phần câu hát bằng tiếng Sán Chay, ta tiếp tục thấy vần được gieo ở các tiếng cuối như
“tàu”, “dàu”, “làu” và đều là vần bằng. Thanh bằng trắc trong các câu thơ cũng tuân thủ theo quy tắc nhị - tứ - lục phân minh ở câu 1, 2 và 4:
“Hai sênh pin xịnh mòi sun tàu B T B
Sun tàu sun mấy lình dàu dàu B T B
Chộng vừy lơu sun sùi mấy vắn Sền làng lài chú kít phông làu”
B T B
Khi khảo sát các câu hát khác, hầu hết các câu hát đều được sáng tác theo thể thất ngôn tứ tuyệt vần bằng và tuân thủ luật bằng trắc theo quy tắc nhị - tứ - lục phân minh. Nhiểu câu hát chỉ được gieo vần ở câu 2 và câu 4, dù vậy, đó vẫn là cách gieo vần theo quy luật của thể thơ thất ngôn tứ tuyệt:
Phiên âm Sán Chay:
“Xịnh liu san co co dắt pún Vằn lênh slinh dìu xịnh súi co Dàu sinh san co vằn xịnh liu Lại vằn xịnh hậy sờu sờn co”
Dịch nghĩa:
“Sơn ca đã hát xong rồi
Ta cùng nhau hát những bài thuỷ ca Du hương đường núi đã qua
Mời nàng du ngoạn thuyền hoa biển vàng”
[18, tr.29]
Ở đây, tác giả sử dụng cách gieo vần “co” ở tiếng cuối của câu 2 và câu 4 tuy nhiên có sự giải quy phạm khi cách gieo thanh không tuân theo chính xác quy tắc nhị - tứ - lục phân minh trong thơ đường mà có cách gieo thanh linh hoạt.
Ở một số câu hát, các tác giả vẫn phá vỡ quy luật của thơ thất ngôn để tạo nên những sáng tạo nghệ thuật và phục vụ cho nhu cầu bày tỏ tình cảm và diễn đạt ý tới người nghe:
Phiên âm Sán Chay:
“Mấy sếch co
Pệc lợc phây thin mấy sếch ngò Sồng slạy dừ lầy mù cụ súi Sác lợc nình sun mù nời hò”
Dịch nghĩa:
“Không biết ca
Anh như cò trắng lượn la đà Suốt ngày bùn nước nơi đồng vắng Làm sao dám sánh với thiên nga”
[18, tr.10]
Đối với thơ thất ngôn, quy luật trong bài thơ cần có đủ 7 chữ, tuy nhiên tác giả đã cắt bớt 4 chữ trong câu đầu tiên để biến câu hát như một câu chào dạo đầu ngắn gọn mà súc tích. Tuy vậy, cách gieo vần ở tiếng cuối câu 1, 2 và 4 và thanh bằng trắc vẫn được tuân theo quy luật của thể thất ngôn tứ tuyệt. Giải quy phạm trong văn học thể hiện được cái tôi sáng tạo, đồng thời cũng là dụng ý của tác giả muốn vượt lên những giới hạn cho phép.
Thể thơ thất ngôn được sử dụng trong toàn bộ những bài hát Sấng cọ của người Sán Chay vừa thể hiện một nét văn hoá đặc sắc của dân tộc bởi ngôn ngữ chính là một trong những phương tiện truyền tải văn hoá. Vốn dĩ người Sán Chay từ xưa được di cư từ Trung Quốc sang Việt Nam nên phần nào ảnh hưởng của nền văn học Trung Hoa, đồng thời, chữ viết của người Sán Chay lúc bấy giờ chủ yếu là chữ Hán và chữ Nôm nên việc sáng tác các câu hát bằng thể thơ thất ngôn có lẽ xuất phát từ những giao thoa văn hoá. Đồng thời, thể thơ thất ngôn có một đặc điểm đó chính là ngắn gọn, súc tích, truyền tải một cách nhanh chóng mà sâu lắng những suy tư, tình cảm của người hát, là thể thơ rất thích hợp cho việc hát giao duyên, không quá dài nhưng vẫn đủ sức mạnh truyền cảm tới người nghe.
Tiểu kết chương 3
Chúng tôi đã dựa trên những kiến thức lí luận về nghệ thuật văn học để phân tích, đánh giá những câu hát Sấng cọ để thấy được những đặc điểm về nghệ thuật cũng gắn với văn hoá của người Sán Chay thông qua các câu hát. Đặc biệt, khi tìm hiểu về biểu tượng, chúng tôi đã hệ thống được các biểu tượng xuất hiện với tần suất lớn đó là biểu tượng trời và đất, biểu tượng thuyền và biểu tượng gà.
Biểu tượng chính là yếu tố mà từ đó người đọc, người nghe có thể hiểu được nhiều lớp nghĩa, nhiều cảm xúc mà tác giả muốn gửi gắm, truyền tải. Những biểu tượng được nghiên cứu đều là các sự vật gần gũi và đi vào đời sống sinh hoạt cũng như đời sống sinh hoạt cũng như đời sống tâm linh của người Sán Chay.
Hơn nữa, những nét đặc sắc về nghệ thuật ngôn từ đã cho thấy một lối tư duy đầy sáng tạo, phong phú và sinh động của người Sán Chay, cũng đầy tình cảm sau
lớp ngôn từ ấy. Kết cấu đối đáp là nét đặc trưng cơ bản và không thể trộn lẫn của hát Sấng cọ, là điều chi phối nội dung hát và cả hoạt động diễn xướng hát Sấng cọ của dân tộc này.
Ở chương 3, chúng tôi đã làm rõ được dấu ấn văn hoá của dân tộc Sán Chay trong nghệ thuật của hát Sấng cọ, nổi bật được nét văn hoá thiểu số tại Định Hoá, Thái Nguyên, đây cũng là tiền đề giúp loại hình dân ca này ngày một được gần gũi, có cơ hội được lan toả nét đẹp đối với mọi đối tượng người đọc, người nghe.