Chương 3: DẤU ẤN VĂN HOÁ TRONG HÌNH THỨC NGHỆ THUẬT HÁT SẤNG CỌ CỦA NGƯỜI SÁN CHAY Ở ĐỊNH HOÁ, THÁI NGUYÊN
3.2.1. Ngôn ngữ giàu tính tượng hình
Một tác phẩm văn học do người nghệ sĩ sáng tác và thể hiện những khái quát bằng hình tượng về cuộc sống con người, từ những hình tượng được xây dựng, người đọc nhìn ra được những tâm tư, tình cảm, thái độ của tác giả đối với đối tượng trong đời sống. Hình tượng nghệ thuật chính là một phương tiện giúp cho độc giả khám phá tác phẩm. Nghệ sĩ không diễn đạt trực tiếp ý nghĩ và tình cảm của mình trong tác phẩm, người nghệ sĩ làm sống lại một cách gợi cảm những sự việc, những hiện tượng đáng làm ta suy nghĩ về tính cách và số phận, về tình đời, tình người qua chất liệu cụ thể. Theo cuốn Từ điển thuật ngữ văn học: “Hình tượng nghệ thuật chính là các khách thể đời sống được nghệ sĩ tái
hiện bằng tưởng tượng sáng tạo trong những tác phẩm nghệ thuật. Giá trị trực quan độc lập là đặc điểm quan trọng của hình tượng nghệ thuật. Bằng chất liệu cụ thể, nó làm cho người ta có thể ngắm nghĩa, thưởng ngoạn, tưởng tượng […].
Hình tượng nghệ thuật tái hiện đời sống, nhưng không phải sao chép y nguyên những hiện tượng có thật, mà là tái hiện có chọn lọc, sáng tạo thông qua trí tưởng tượng và tài năng của nghệ sĩ, sao cho các hình tượng truyền lại được ấn tượng sâu sắc, từng làm cho nghệ sĩ day dứt, trăn trở cho người khác”. [10, tr.146]
Hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm là những hình ảnh về con người, về tập thể người, về thiên nhiên,…tất cả những gì đời thường nhất khi trở thành hình tượng trong tác phẩm đều là những hình tượng mang ý nghĩa, bày tỏ tâm tư, tình cảm của chủ thể, nó mang những quan niệm sống, những triết lí và những chiêm nghiệm về thế giới, bộc lộ rõ thế giới quan của chủ thể. Hát Sấng cọ của người Sán Chay được xem là một điệu hát giàu tính hình tượng bởi những câu hát sử dụng hệ thống hình tượng vô cùng phong phú, phản ánh đầy đủ những cảm xúc, suy nghĩ của người hát, đặc biệt những hình tượng ấy mang đầy đủ những đặc trưng của hình tượng nghệ thuật.
Trước hết, những hình tượng nghệ thuật trong Sấng cọ gắn với đời sống, là sự phản ánh hiện thực trong tính toàn vẹn, sinh động. Phản ánh hiện thực không có nghĩa là sao chép y nguyên hiện thực mà xây dựng một cách sáng tạo dựa trên hiện thực, tái hiện một cách có chọn lọc và sáng tạo, họ biến những hình ảnh bình thường trong cuộc sống trở thành hình tượng có sức truyền cảm mạnh mẽ, gây ấn tượng cho người nghe:
Phiên âm Sán Chay:
“Hai sênh pin kệnh slợi pin ông Căn cun cúc nui sì mằn lồng Mằn lồng càu cun săn ại chấc Hờ dừn săn chấc nỉm nà chông”
Dịch nghĩa:
“Lời đầu xin chúc các cụ ông Sống lâu trăm tuổi như cây thông Cụ bà tuổi dài như dòng nước
Chăm bón hạt mầm nối tổ tông” [18, tr.9]
Là cư dân tư duy nông nghiệp nên những hình ảnh cây cối, nước, mầm đã là những hình ảnh quen thuộc với người nông dân. Chỉ là những cây thông, dòng
nước, hạt mầm nhưng khi đi vào câu hát, những hình ảnh đó trở thành hình tượng nghệ thuật bày tỏ những tâm tư, tình cảm của người hát. Cây thông thể hiện cho sự vững chãi như những người đàn ông trụ cột trong gia đình, dòng nước thể hiện cho sự mềm dẻo, linh hoạt như những người phụ nữ vun vén cho gia đình bằng tất thảy tình thương của mình sẽ tươi tiếu cho những hạt mầm – những thế hệ sau, những người con để xây dựng, phát triển gia đình, dòng tộc.
Hay những hình ảnh vô cùng quen thuộc trong hiện thực đời sống khi đi vào lời hát trở thành những lời tinh tế:
Phiên âm Sán Chay:
“Mấy sếch co
Pệc lợc phây thin mấy sếch ngò Sồng slạy dừ lầy mù cụ súi Sác lợc nình sun mù nời hò”
Dịch nghĩa:
“Anh không biết ca
Anh như cò trắng lượn la đà
Suốt ngày bùn nước nơi đồng vắng Làm sao dám sánh với thiên nga”
[18, tr.10]
Người con trai mượn hình ảnh quen thuộc trong tự nhiên như cò trắng, thiên nga như muốn bày tỏ nỗi niềm của một chàng giàu tình cảm nhưng nghèo khó, không dám tiến tới với người mình yêu – thiên nga. Sự đối lập giữa hai hình tượng làm nổi bật tâm tư, tình cảm của chàng trai dành cho cô gái.
Dù chỉ là những hình ảnh bình thường và quen thuộc trong đời sống nhưng đi vào trong câu hát Sấng cọ, hình ảnh ấy trở thành hình tượng nghệ thuật truyền tải suy tư, tình cảm của chủ thể, gửi gắm những ý nghĩa nhất định giúp người nghe hiểu được điều người hát muốn gửi gắm. Nhờ hệ thống hình tượng ấy mà cách thể hiện tình cảm không hề sỗ sàng mà còn vô cùng tinh tế.
Thứ hai, hình tượng nghệ thuật mang tính ước lệ. Ước lệ chính là việc tái hiện sự vật, hiện tượng bằng hình tượng có tính quy ước và đầy sáng tạo, nhờ tính ước lệ mà hiện thực được tái hiện một cách sinh động, có chiều sâu. Trong những câu hát Sấng cọ, người hát sử dụng các hình tượng đầy tính ước lệ thể hiện những suy tư sâu sắc, đầy tình cảm:
Phiên âm Sán Chay:
“Quạy nình nhợp ốc nhợp dàu dàu Hồng vằn pụn nhịt sời nùm tàu Mùng kịn nhằn dồng slăm dịu slính Kịn liu nhằn dồng tưy dịu càu”
Dịch nghĩa:
“Tiên nữ vào nhà đông vui quá Mây hồng, trăng tỏ đẹp như hoa Chưa thấy dáng hình lòng tưởng nhớ Gặp rồi chỉ muốn đến gần hoa”
[18, tr.12]
Bằng những hình ảnh ước lệ mây hồng, trăng tỏ, người hát như muốn gợi lên vẻ đẹp của người con gái kiêu sa, kiều diễm, vừa dịu dàng, ngọt ngào như mây, vừa trong sáng, thanh thoát như trăng. Việc sử dụng hình ảnh ước lệ, tình cảm của chàng trai gửi gắm tới cô gái trở nên ý nhị, tinh tế và đầy tình cảm, lời khen bỗng trở nên nhẹ nhàng, đẹp đẽ, đi vào lòng người.
Hay:
Phiên âm Sán Chay:
“Sịch sưng tím sìn các ậy sếch Xịnh co pắt tắc nỉm chăn vênh
Lợp chốc cắn chồng vàn chốc chộng Căn kính tồng lằm các slệnh mềnh”
Dịch nghĩa:
“Bờ ao có bụi trúc đào
Anh xin một nhánh trồng vào vườn anh Lân la chỉ độ một năm
Măng non lại nhú trúc xinh thành rừng”
[18, tr.11]
Hình ảnh “trúc đào” chính là hình ảnh người con gái xinh đẹp đến tuổi cập kê, người con trai mượn hình ảnh “trúc đào” để gián tiếp ngỏ ý với người con gái muốn được “trồng vào vườn anh” như lời tỏ tình, cầu hôn muốn rước cô gái về làm vợ. Nhờ những hình tượng ước lệ mà cách tỏ tình của chàng trai trở nên rất khéo léo. Việc sử dụng hình ảnh thiên nhiên để so sánh và ngợi ca vẻ đẹp người phụ nữ cũng được cộng đồng người Sán Chay thể hiện trong các lời hát Sấng cọ bằng hình tượng đầy tính ước lệ. Đây chính là cách phản ánh hiện thực khiến cho sự vật trở nên sinh động, hấp dẫn, nhờ tính ước lệ của hình tượng mà đối tượng được phản ánh có tính hàm súc cao, lôi cuốn và truyền tải được những ý đồ, tình cảm của người hát. Cũng nhờ tính ước lệ này mà trong các cuộc hát giao duyên,
người nam và người nữ gửi gắm tâm tư, tình cảm một cách khéo léo mà vẫn hiểu rõ tấm chân tình của đối phương, nhẹ nhàng không thô lỗ, tình cảm mà không sến súa, từ đó tình yêu được nảy nở và phát triển.
Thứ ba, những hình tượng nghệ thuật xuất hiện trong các bài hát Sấng cọ của người Sán Chay còn là sự thống nhất giữa hai mặt khách quan và chủ quan, giữa lí trí và tình cảm. Người hát sử dụng các hình tượng nhằm khách quan hoá thế giới hiện thực từ con người cho tới sự vật, song song với đó, họ còn thổi vào đó những cảm tính, cách nhìn và thế giới quan của mình vào trong hình tượng nghệ thuật.
Phiên âm Sán Chay:
“Pục chí tồng pầy tồng sự lùm Chiu chí tồng cồng tồng sự va Pằng dơu tồng sun các can ốc Phu say tồng chắm các di nà”
Dịch nghĩa:
“Quả xổ vỏ cong ôm lấy múi
Buồng chuối quả cong ôm lấy cành Khỉ con tay dài ôm lấy mẹ
Anh muốn nằm co ôm lấy em”
[18, tr.11]
Hình ảnh “Quả xổ vỏ cong ôm lấy múi”, “Buồng chuối quả cong” và “Khỉ con tay dài ôm lấy mẹ” là những hình ảnh rất đỗi quen thuộc trong tự nhiên, đó là vật hiện hữu xung quanh chúng ta vốn từ xưa vẫn vậy, người hát sử dụng những hình ảnh đó vào trong câu hát chính là sự phản ánh hiện thực một cách rất chân thực và đầy khái quát cho một hiện tượng. Song, phải chăng từ những hình tượng quen thuộc ấy mà tác giả muốn bộc lộ chút suy tư, tình cảm của mình. Phải chăng những hình ảnh cong ôm lấy múi của quả xổ, buồng chuối và sự gắn bó gần gũi của khỉ con và khỉ mẹ làm người hát liên tưởng tới sự mong muốn được gắn bó, gần gũi và khăng khít với người mình yêu. Toàn bộ đoạn hát, tác giả nêu ra lần lượt các hình tượng và để cuối đoạn bày tỏ trực tiếp và rõ ràng ước nguyện sánh đôi của mình với cô gái: “Anh muốn nằm co ôm lấy em” (Phu say tồng chắm các di nà).
Trong mỗi hình tượng được tạo ra, đó còn mang một chủ ý cá nhân của người sáng tạo, mặc dù hình tượng mang tính khái quát của hiện thực nhưng đi vào từng câu hát, nó đều ẩn chứa một ý đồ của tác giả:
Phiên âm Sán Chay:
“Sịc sừn tép sìn các ệnh chang Sịnh co pát tắc nỉm chăn làng
Lợp chốc cắn cồng mằm chốc chộng Căn kính tồng lằm các họ hàng”
Dịch nghĩa:
“Đá lên còn có thác đổ xuống Sình ca không được nhận họ hàng Cây tre còn cùng họ cây hóp
Còn rỗng trong lòng cùng họ hàng”
[15, tr.22]
Theo tục lệ của người Sán Chay, người cùng dòng tộc sẽ không được hát đối đáp trao duyên với nhau, đó chính là loạn luân. Người Sán Chay tự nhắc nhở nhau trong câu hát vô cùng tinh tế, họ mượn hình ảnh cây tre, cây hóp để nói ý về việc cùng họ, cùng hàng. Ở đây, cây tre, cây hóp không chỉ đơn thuần mang tính khái quát là một loài cây nữa mà nó đã được thổi vào đó một quan niệm, một ý nghĩa nhân sinh về quan hệ dòng tộc, họ hàng. Cây tre, cây hóp trong những câu hát Sấng cọ của người Sán Chay đơn thuần là gợi về tình anh em, họ hàng, nhắc nhở về một triết lí sống, về một phong tục tập quán mà có lẽ người Sán Chay khi nghe câu hát đó sẽ hiểu hơn ai hết. Đó chính là tính chủ quan của hình tượng nghệ thuật tương quan với tính khách quan trong các câu hát Sấng cọ.
Trong chính các hình tượng khách quan đó, người sáng tạo lại đặt tình cảm, cảm quan của mình để hình tượng đó không chỉ biểu hiện hiện thực khách quan mà còn truyền tải được những thông điệp cá nhân mà người sáng tác muốn gửi gắm.
Người Sán Chay xưa còn thường mượn những sự vật, hiện tượng thiên nhiên để nói thay nỗi lòng của mình, cái tình cảm xuất hiện trong khả năng sáng tạo nghệ thuật bằng lí trí của những câu hát Sấng cọ càng làm tăng thêm sự sâu lắng, rung động lòng người. Mỗi tác phẩm nghệ thuật đều mang đến cho người đọc, người nghe những cảm xúc riêng, có người thấy vui, người xao xuyến, người man mác buồn, người lại đầy day dứt,… Tất cả những cảm xúc ất tuỳ thuộc vào độc giả hay thính giả cảm nhận tác phẩm qua hình tượng nghệ thuật ra sao. Người
mình truyền tải tới mọi người, và cảm xúc ấy tới với mỗi người theo một cách riêng, dù là cách nào thì khi người đọc, người nghe cảm nhận được cảm xúc, điều đó đã là sự thành công của một người nghệ sĩ. Đối với hát Sấng cọ, vốn dĩ đây là một loại hình nghệ thuật đầy tính âm nhạc, song bằng chất văn học với những hình tượng được xây dựng một cách hài hoà giữa lí trí của sáng tạo nghệ thuật và sự thăng hoa của cảm xúc, mỗi câu hát Sấng cọ lại càng thêm truyền cảm xúc của mình tới người nghe bằng nhịp điệu và sức mạnh của ngôn từ.
Phiên âm Sán Chay:
“Pụi sừng thênh tàng sắt hậy sếnh Hènh cụ dắt cai cắn ngừi cai Hènh cụ slam cai mềnh dơu su Sếnh nình su lợc chệnh chông tài”
Dịch nghĩa:
“Ở giữa rừng xanh anh tìm mãi Qua làng thứ nhất đến thôn hai Thôn ba mới gặp hoa nở đẹp Anh hái đem về ngắm hoa tươi”
[15, tr 13]
Toàn bộ đoạn hát ta không hề thấy những từ ngữ bộc lộ cảm xúc nhưng bằng những hình tượng “anh tìm mãi”, “hoa nở đẹp”, “hoa tươi”, ta có thể thấy một tâm trạng đầy phấn khởi, háo hức và đầy hạnh phúc khi chàng trai tìm được ý trung nhân của mình.
Hay những cảm xúc trong tình yêu được thổ lộ một cách kín đáo qua hệ thống hình tượng nghệ thuật:
Phiên âm Sán Chay:
“Su xịnh chếch co sưng cắn sliu Va hai chắt phạ chông lài dìu Va hai chắt phạ phông lài tá Hấy tưy hòm sằu chiu cụ chiu”
Dịch nghĩa:
“Anh hát lời buồn cho số phận Chẳng bằng hoa nở giữa trời xuân Chẳng sợ gió về rung cành lá Nhị vẫn vào hoa kết quả xinh”
[18, tr.12]
Nỗi buồn đầy ngậm ngùi xót xa của một chàng trai yêu thầm cô gái nhưng tự thấy mình “chẳng bằng hoa nở giữa trời xuân” đành phải buồn cho số phận nhìn người con gái qua đò sang sông.
Cả những lời tỏ tình đầy e thẹn:
Phiên âm Sán Chay:
“Xíp tìu căm dì xịnh sì slíu
Ngò mầy nhịt ếnh chịu slam kenh Chi chao kít mung làn cụ lù Mù hai tời hù tưy nàn hènh”
Dịch nghĩa:
“Đêm nay lời hát hết rồi
Trăng lên soi tỏ núi đồi trong đêm Nhện vàng giăng mắc tơ duyên
Anh qua vướng phải khó xin đường về”
[18, tr.20]
Nếu ca dao người Việt có những lời tỏ tình đầy tinh tế như “Hôm nay mận mới hỏi đào/ Vườn hồng có lối ai vào hay chưa” hay “Hôm qua tát nước đầu đình, bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen/ Em được thì cho anh xin/ Hay là em để làm tin trong nhà” thì người Sán Chay qua những câu hát Sấng cọ cũng có cách tỏ tình rất khéo léo mà vẫn đầy tình cảm thông qua những hình tượng “Nhện vàng giăng mắc tơ duyên”. Hình tượng tơ nhện vừa mỏng manh nhưng lại có độ bám dính vô cùng chắc, giống như cách chàng trai muốn nói với cô gái rằng chàng trai đã bị thu hút bởi cô gái, tình cảm của chàng trai nay đã đặt ở nơi cô gái rồi, khó đường nào mà về được.
Hình tượng nghệ thuật chính là phương tiện giúp nghệ sĩ phản ánh cuộc sống một cách sáng tạo, thông qua đó người nghệ sĩ lí giải, khái quát về cuộc sống, đồng thời gửi gắm một ý nghĩa tư tưởng vào trong tác phẩm. Trong những câu hát Sấng cọ của người Sán Chay, việc bộc lộ tình cảm khi hát trao duyên, hình tượng nghệ thuật càng trở thành một “trợ thủ đắc lực” giúp họ bộc lộ cảm xúc một cách tinh tế, nhẹ nhàng nhưng vẫn đầy sâu lắng. Mỗi một hình tượng nghệ thuật là một viên gạch giúp xây dựng một tác phẩm nghệ thuật, các hình tượng có khi tách rời, có khi liên kết với nhau tạo thành tính khái quát mà ở đó chứa đựng những triết lí, quan niệm, tình cảm mà tác giả muốn thể hiện.