Dân tộc Sán Chay ở Định Hoá

Một phần của tài liệu Hát sấng cọ của người sán chay ở định hoá, thái nguyên dưới góc nhìn văn hoá (Trang 26 - 31)

Chương 1: CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ TỔNG QUAN

1.2. Khái quát chung về huyện Định Hoá và dân tộc Sán Chay ở Định Hoá

1.2.2. Dân tộc Sán Chay ở Định Hoá

Người dân tộc Sán Chay ở Định Hoá chiếm một số lượng tương đối lớn, chủ yếu lập thành các bản, các xóm tập trung ở các xã như Tân Thịnh, Tân

Dương, Sơn Phú, Phú Đình,… Mỗi xóm thường tập trung một vài hộ gia đình đến vài chục hộ gia đình tùy vào thời gian sinh sống hay thời gian hình thành của làng, họ sống gắn bó đoàn kết với nhau. Theo thống kê của UBND các xã, thị trấn, số lượng người dân tộc Sán Chay là hơn 9.000 người chiếm hơn 10% dân số của Định Hoá (tính đến năm 2022). Ngày nay, số lượng người dân tộc Sán Chay ngày càng tăng lên ở các xóm, các xã và phân bố đồng đều hơn trên địa bàn huyện Định Hoá, số lượng người Sán Chay tập trung sống thành từng xóm riêng và giữ gìn nét văn hoá của cộng đồng dân tộc người Sán Chay như xóm Nạ Tẩm, Đồng Kệu, Nà Mùi,…thuộc xã Phú Đình, các xóm Bản Hin, Bản Trang,…thuộc xã Sơn Phú. Họ sống tập trung thành một cộng đồng và giúp đỡ nhau trong công việc, giao lưu với nhau về văn hoá của dân tộc mình từ đó giúp gìn giữ và quảng bá nét đẹp dân tộc Sán Chay.

1.2.2.2. Đời sống văn hoá của người Sán Chay ở Định Hoá

Truyền thống uống nước nhớ nguồn là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam được truyền từ đời này qua đời khác, người Sán Chay nằm trong dòng chảy Việt cũng luôn coi trọng việc thờ cúng tổ tiên trong gia đình. Người Sán Chay quan niệm ngoài thế giới thực còn có một thế giới dành cho tổ tiên, những thế hệ đi trước sẽ luôn dõi theo và phù hộ cho con cháu, bởi vậy tục thờ cúng tổ tiên được người Sán Chay rất coi trọng. Trong nhà người Sán Chay có rất nhiều bàn thờ, ngoài thờ cúng tổ tiên còn thờ trời đất, Thổ Công, bà Mụ, Thần Nông, Thần Chăn nuôi…và đặc biệt là gian thờ Ngọc Hoàng hay Thần Hoàng, Phật Nam Hoa. Khi xây nhà, dựng cửa, người Sán Chay luôn có một gian thờ lớn, tôn nghiêm, luôn luôn được quét dọn sạch sẽ thể hiện sự tôn kính đối với tổ tiên.

Cũng giống với tục của người Việt, gian thờ của người Sán Chay cũng được trang hoàng bởi đèn nến, lư hương, đồ thờ tự được coi là đồ vô cùng kính trọng, không được đem cầm bán mà phải luôn giữ gìn. Ngoài ra, tách biệt với gian thờ chính là một gian thờ Phật – thờ Thần Hoàng. Thường ở gian thờ Phật sẽ chỉ dâng hương hoa vào những dịp lễ lớn hoặc Tết Nguyên đán, các món dâng lên

cũng chỉ là bánh chay làm từ bột nếp, người nam trưởng trong nhà sẽ cắt hoa giấy gồm bốn vòng tượng trưng cho những thành quả làm được trong năm, sau đó cắm vào bát gạo và dâng lên Thần Hoàng. Ngoài ra, người Sán Chay còn có một gian thờ bà mụ - bà mụ được coi là người đỡ đầu, người chăm sóc cho những đứa trẻ nhỏ trong nhà khỏi ốm đau, bệnh tật. Một gian thờ cho những người tổ tiên đã khuất từ ba đời trước – gian này vào mỗi dịp tết Nguyên đán cần có một thúng cám và thắp ba nén hương trên đó, đây là những vị tổ tiên trông coi các loài vật nuôi trong nhà. Hằng năm, vào mỗi dịp lễ tết và ngày rằm, mùng 1 hàng tháng, người dân Sán Chay đều dâng lên tổ tiên những mâm lễ đầy gồm xôi, thịt gà, thịt lợn, rượu,…được sắp tươm tất. Số lượng bát, chén đặt trên ban thờ tuỳ thuộc vào từng gia đình. Từ tết Nguyên đán cho tới những tết nhỏ như mùng 3 tháng 3, mùng 5 tháng 5, 14 tháng 7, rằm tháng 8, tết tháng 10,…mỗi gia đình sẽ thịt gà, sắp lễ, rượu để dâng lên tổ tiên, đặc biệt vào tết tháng 7, người Sán Chay còn cắt áo bằng giấy đỏ để gửi tới các cụ đã khuất. Khi dâng lễ lên tổ tiên, người Sán Chay quan niệm không được cáu gắt, thái độ phải tôn kính, ăn mặc chỉn chu, lịch sự. Khi dâng lễ những ngày này không cần đến thầy cúng mà gia chủ chỉ cần thông báo tới các cụ và mời các cụ về hưởng lễ. Phải chờ hết tuần hương thì mới được hạ lễ và gia đình mới bắt đầu ăn uống. Đặc biệt, vào những dịp trọng đại như cưới xin, lên nhà mới, đầy tháng cho trẻ nhỏ, người Sán Chay không bao giờ quên thông báo với tổ tiên bằng mâm cao, cỗ đầy, đó có thể là một thủ lợn, là rượu, thịt ngon nhất dâng lên tổ tiên để tỏ lòng thành kính và mong tổ tiên phù hộ, giúp đỡ, chúc phúc cho gia đình, con cháu.

Cưới xin là một nghi thức vô cùng trang trọng đối với người Sán Chay, là một nét đẹp văn hoá riêng biệt của cộng đồng dân tộc này. Lễ cưới của người Sán Chay phải trải qua các bước từ ăn hỏi rồi mới tới lễ đón dâu. Sau khi đôi trai gái có thời gian tìm hiểu và quyết định tiến tới hôn nhân, nhà trai sẽ đem rượu, gà, trầu cau sang để làm lễ ăn hỏi. Lễ ăn hỏi gồm có 4 con gà (2 đôi) và rượu.

Trong lễ ăn hỏi, nhà gái sẽ thách cưới lễ vật và tiền dẫn cưới, số tiền dẫn cưới sẽ tuỳ thuộc vào từng gia đình và do hai bên thoả thuận. Đối với người Sán Chay ở

Định Hoá từ xa xưa, trước khi chính thức có lễ thành hôn, trước ngày cưới chính, nhà trai phải dẫn đại lễ sang nhà gái. Đại lễ này là các lễ vật dẫn cưới gồm một con lợn to (khoảng 70 – 80kg), một nửa gạo tẻ, một nửa gạo nếp, số lượng rượu do hai bên thoả thuận. Vào ngày đón dâu, nhà trai tiếp tục chuẩn bị lễ đón dâu gồm một đôi gà (nếu không đem gà sẽ chuẩn bị 2 miếng thịt lợn đã luộc chín), 2 chai rượu, 2 mét vải, 1 đôi nón, 2 con dao, khăn đội đầu. Đối với người Sán Chay ở Định Hoá, lễ đón dâu bắt buộc phải theo đôi, theo cặp bởi người dân Sán Chay quan niệm đó là biểu tượng cho sự gắn kết, hoà hợp và thuỷ chung của cặp vợ chồng. Vải để cho cô dâu may áo, may váy, con dao là dụng cụ lao động, là mong ước cho đôi vợ chồng sẽ cùng nhau làm ăn, phát triển kinh tế, ấm no, hạnh phúc.

Theo phong tục của người Sán Chay, khi muốn đón dâu, nhà trai sẽ bị chặn ở đầu cầu thang và hát đối đáp với nhà gái mới được bước lên nhà. Nhà gái sẽ hát những câu hát dò hỏi, như một thử thách dành cho nhà trai, nếu nhà trai đối đáp lại bằng những câu hát hay sẽ được nhà gái cho vào nhà tiếp tục tiến hành lễ đón dâu. Những câu hát này chính là những câu hát Sấng cọ - linh hồn, nét đẹp văn hoá của người Sán Chay.

Tục cưới xin của người dân tộc Sán Chay ở Định Hoá mang một nét đẹp văn hoá và thể hiện được mong ước vào sự thuỷ chung, son sắt của những cặp trai tài, gái sắc, đó cũng chính là tính nhân văn trong cộng đồng người Sán Chay.

Văn hoá ẩm thực cũng là một nét đặc trưng riêng của mỗi vùng miền, mỗi dân tộc. Dân tộc Sán Chay là dân tộc sống ven các vùng suối, vách núi, gắn với nông nghiệp lúa nước, bởi vậy bữa ăn chính của người Sán Chay vẫn là cơm được làm từ gạo tẻ. Thời xưa, khi còn trồng lúa trên nương rẫy, việc trồng cấy, gặt hái còn nhiều khó khăn dẫn tới bị đói kém, mất mùa nên người cộng đồng Sán Chay thường dựa vào những thức ăn có sẵn như măng rừng, củ mài, khoai, sắn, ngô,…. Bữa ăn của người Sán Chay thường chia thành hai bữa chính ngoài ra bữa phụ sẽ ăn vào lúc sáng sớm trước lúc đi làm việc, nhưng không thành bữa

mà thường sẽ có gì ăn thứ nấy để đảm bảo năng lượng khi ra đồng. Ngoài ra, người dân tộc Sán Chay còn chế biến các loại củ ngô, khoai, sắn thành các món ăn vào dịp lễ tết, cưới xin, ma chay…tạo nên sự độc đáo trong ẩm thực. Tết Nguyên đán thường sẽ dùng gạo nếp để làm bánh chưng như nét văn hoá của người Việt. Ngoài ra, những dịp này, người Sán Chay còn xay gạo thành bột, đúc theo khuôn thành bánh khảo. Bánh khảo vừa là món bánh có thể dâng lên tổ tiên, vừa có thể trở thành món quà vặt cho những người thích vị ngọt bởi bên bột gạo được hoà với đường phèn tạo độ ngọt thanh. Những dịp Tết như Rằm, Tết cơm mới,…người Sán Chay còn thường làm bánh rợm, bánh tẻ, bánh giò, “bánh gio”

hay “bánh tro”.

Vốn sống gần khu vực rừng, suối, người Sán Chay còn biết sử dụng những tạo vật thiên nhiên vào làm bánh. Món bánh trứng kiến là món bánh ngon, ngậy và đặc biệt chỉ có một số đối tượng ăn được loại bánh này. Đây là loại bánh được làm từ bột như bánh rợm, nhưng bên trong là nhân trứng kiến , được gói bằng lá vả - họ cây sung. Bởi được gói bằng loại lá này nên khi ăn, bánh trứng kiến vừa có vị ngậy ngậy của trứng kiến, vừa có độ giòn khi bắt đầu đặt miệng vào miếng bánh. Vào dịp tết tháng ba, ngoài làm các loại bánh, người Sán Chay còn thường thường gói xôi đỏ, đen làm bằng lá cẩm. Tết tháng năm có làm xôi, bún, xôi lá gừng thơm để dâng lên tổ tiên.

Đặc biệt, người Sán Chay có bún sợi to được làm một cách cầu kì, công phu. Mỗi sợi bún được làm ra phải trải qua nhiều khâu. Ban đầu phải ngâm gạo khoảng 3 – 5 ngày, sau đó xay gạo thành bột, tiếp đến nặn bột và hấp cho bột chín, bột được hấp sẽ đem giã trong cối cho nhuyễn, tiếp tục nặn bột sao cho vừa khuôn ép. Sau khi đã xong các khâu chuẩn bị bột, những khối bột đã được cho ra các sợi bún trắng tinh, dẻo dai. Những người con dân tộc Sán Chay rất thích những buổi làm bún truyền thống bởi đây là lúc mọi người trong gia đình có thể gặp nhau đông đủ nhất, hợp sức để cho ra từng sợi bún ngon ngậy.

Vào những dịp Tết tháng 7, người Sán Chay thường làm bánh chưng nhân đỗ hoặc xôi trám đen dâng lên tổ tiên. Vào khoảng tháng 9, thời điểm những

ngọn lúa non trĩu nặng, thơm ngậy, đồng bào dân tộc Sán Chay sẽ đem về làm thành cốm và bánh cốm. Những hạt cốm được làm từ ngọn bao thai – loại lúa đặc trưng của địa phương cũng đem đến những hương vị đặc biệt. Những ngày thu hoạch mùa vụ xong, họ sẽ gói bánh giày để chúc mừng vụ lúa kết thúc.

Văn nghệ dân gian của người Sán Chay cũng vô cùng phong phú và đặc sắc. Vốn gắn với truyền thống canh tác nông nghiệp, từ xa xưa, do điều kiện tự nhiên mà phần lớn người dân Sán Chay phải trồng lúa trên các đồi, nương, chính bởi vậy mà các hoạt động lao động in sâu vào trong tâm thức người Sán Chay.

Để ca ngợi quá trình lao động cũng như thành quả lao động, người Sán Chay ở Định Hoá có điệu nhảy Tắc Xình tái hiện lại toàn bộ những hoạt động sản xuất nông nghiệp. Nhạc cụ phục vụ múa Tắc Xình chủ yếu là bộ gõ bằng tre, nứa là các vật dụng phù hợp với điều kiện tự nhiên sản sinh ra điệu múa và phù hợp trong không gian văn hóa của đồng bào Sán Chay. Múa Tắc Xình có tiết tấu âm nhạc đơn giản, nguyên sơ không pha tạp các tiết tấu âm nhạc hiện đại. Điệu nhảy Tắc Xình là những động tác biểu hiện công việc hàng ngày như rủ nhau đi tìm bãi mới, rừng mới để mà làm ăn sinh sống, cùng nhau đi phát đường, dọn đường, san đường, phát nương…

Ngoài ra, người Sán Chay còn có những câu chuyện cổ tích, bài thơ và đặc biệt là ca hát với hát Sấng cọ. Lối hát Sấng cọ là một nét sinh hoạt văn hoá quen thuộc của dân tộc Sán Chay. Lối hát này chủ yếu là hát giao duyên giữa những người nam chưa vợ, gái chưa chồng, những người đã có gia đình sẽ không tham gia những cuộc hát này bày tỏ những cảm xúc, ước vọng của người Sán Chay về con người và cuộc đời.

Một phần của tài liệu Hát sấng cọ của người sán chay ở định hoá, thái nguyên dưới góc nhìn văn hoá (Trang 26 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)