Chương 2: DẤU ẤN VĂN HOÁ TRONG NỘI DUNG HÁT SẤNG CỌ CỦA NGƯỜI SÁN CHAY Ở ĐỊNH HOÁ, THÁI NGUYÊN
2.2. Phong tục, tập quán
2.2.2. Tục ma chay của người Sán Chay
Có một thế giới khó lí giải nhưng luôn song song với trần thế đó chính là thế giới tâm linh. Đối với người Sán Chay, họ quan niệm có hai cõi giới, khi một ai đó chết đi là khi họ về bên kia của thế giới. Việc kết thúc thời gian sống nơi trần thế không có nghĩa là chấm hết mà là tiếp tục một cuộc sống ở cõi giới khác, bởi vậy mà mỗi khi một ai đó kết thúc hành trình trên trần gian, người Sán Chay sẽ lo chu toàn, thận trọng trong việc tiễn biệt người chết về thế giới bên kia. Quá trình thực hiện sẽ diễn ra từ 2 đến 3 ngày đầy đủ các nghi thức từ việc tìm thầy cúng đến nhà khâm liệm, nhập quan; thầy cúng đi xem đất, chọn nơi làm huyệt sau đó trở về nhà làm tiếp các thủ tục khác.
Những nghi thức này đều được thực hiện một cách tỉ mỉ, chu toàn. Trong các câu hát Sấng cọ, có những bài hát miêu tả lại quá trình thực hiện nghi lễ ma chay của người Sán Chay. Trong cuốn “Trường ca Cao Lan” khi nói tới cái chết của Păc Po – một vị thần phạm thượng nên bị chết cũng miêu tả lại toàn bộ quá trình làm ma cho Păc Po:
Phiên âm Sán Chay:
“Pắc Po phờn sìu hợc súi slấy Lềnh săn sắt sệnh sời cang phan Pun sú chư nhì lài chạy quấy Ngu mơ lọc dinh chặn pá san”
Dịch nghĩa:
“Pắc po phạm thượng xuống nước chết
Thổ thần lên tiếng tại thác này Tìm lấy lợn con đến cúng chay Năm ngựa sáu dê đến cúng ma”
[15, tr.76, 77]
Trước cái chết của Pắc Po, “lợn đến cúng chay” và “năm ngựa sáu dê đến cúng ma” giống như cách người Sán Chay tổ chức tang ma cho người đã khuất.
Họ hàng, anh em xa sẽ đến cúng chay, thường sẽ đem gạo, rượu và hương vàng
tới để cúng chay, mong cho người đã khuất sớm siêu thoát. Còn những người thân trong gia đình, kể cả nhà thông gia cũng cần có lễ để đến cúng ma, lễ bắt buộc có gà hoặc lợn, rượu, gạo, hương,…
Trong quá trình làm tang ma cũng cần người để làm ma, người đưa tiễn:
Hỏi:
“Păc po sới líu pắc pi thai Mời sú hò pun lài chhuj chai Hò nhằn chu chai hò nhằn tủ Hò nhằn tủ slộng sưng phăn tài”
Lời đáp:
“Pắc Po slay líu Pắc Po thai Pin sứ lưi như lài chụ chai
Phợt nhằn chụ chai pháp nhằn tủ Sằng nhằn tủ sộng sưng phặn tài”
Dịch nghĩa:
“Pắc Po chết rồi Pắc Po thiêng Mời lấy con gì tới làm ma
Người nào làm ma người nào đưa Người nào dẫn đường tới mộ phần”
[15, tr. 78]
Dịch nghĩa:
“Pắc Po chết rồi Pắc Po thiêng Mới lấy cá chép tới làm chay Người phật làm chay sư phụ cúng Thầy cao tay đưa đưa tới mộ phần”
[15, tr.78]
Trong đám ma của người Sán Chay, thầy cúng là người vô cùng quan trọng. Khi có người mất, gia chủ sẽ mời thầy cúng về làm ma, các thầy cúng thường sẽ thực hiện một số bài cúng như xin quyền lực từ thần linh, căn dặn người chết và cảm ơn mọi người tới làm chay. Thầy cúng mới cấp sắc sẽ có 120 binh mã, thầy cao tay nhất có tới hàng vạn binh mã, thường những thầy cúng này sẽ ăn chay và không sát sinh. Thầy cúng sẽ điều phối âm binh này tạo thành một thế lực dùng để chế ngự người chết khi đã vào quan tài để linh hồn được siêu thoát, không đi lang thang và không trở lại quấy phá dương gian.
Người Sán Chay chuẩn bị rất kĩ lưỡng cho sự ra đi của người thân. Khi có người thân mất, con gái trong gia định phải xoã tóc chịu tang, toàn bộ con cái phải mặc áo trắng đưa tang, một điều đặc biệt là mặc áo tang trái, đeo bao dao ở hông trong suốt quá trình làm ma cho người thân. Với tính cộng đồng sâu sắc,
tang ma của người Sán Chay còn có sự giúp đỡ của họ hàng, làng xóm, họ sẽ là những người hỗ trợ gia đình như đào huyệt, khiêng người chết:
Phiên âm Sán Chay:
“Pắc Po sới líu Pắc Po thai Hò mợt phơi tàu lài chụ cai Hò mợt chốc pẹc hò hèng hạo Hò pun mù hạo sáu lài tài”
Dịch nghĩa:
“Pắc Po chết rồi Pắc Po chết Lớp con xoã tóc lại chịu tang Cá chép mặc trắng lại đưa tang Con gì không tang lại tới khiêng”.
[15, tr.78]
Việc tổ chức tang ma cho người chết không được làm tuỳ tiện mà phải chọn ngày phù hợp, ngày lành tháng tốt để người chết suôn sẻ về nơi suối vàng.
Quan niệm chọn ngày cũng được phản ánh trong các câu hát:
Phiên âm Sán Chay:
“Pắc Po sơi líu Pắc Po thai
Dằn nìn chạng lợc chặn hắm quai Dằn nìn chạng lợc phăn hắm háo Vùng như tạm hú sưng phặn tài”
Dịch nghĩa:
“Pắc Po chết rồi năm dần chôn Năm dần hạ huyệt mả mới tốt Năm dần hạ huyệt mả mới yên Cá vàng mang đất lên đắp mả”
[15, tr.79,80]
Khi chọn ngày lành tháng tốt đã xong, các thầy cúng tiến hành thực hiện nghi thức ma chay, trong đó, việc tìm đất để hạ huyệt là một điều vô cùng quan trọng. Việc chọn huyệt có thể được thể theo di nguyện của người đã mất, tuy nhiên, có những trường hợp thầy cúng phải rất khó khăn mới xin được ý của người đã mất. Quan niệm chọn đất hạ huyệt chính là nơi an cư của người đã mất ở cõi âm, cùng với quan niệm về phong thuỷ, thầy cúng sẽ chọn thế đất tốt như vậy mới tạo được phúc cho thế hệ con cháu. Người âm được ở thế đất tốt thì sẽ phù hộ cho con cháu ngày càng phát triển. Quan niệm này cũng được phản ánh qua các câu hát Sấng cọ:
Phiên âm Sán Chay:
“Cháng phần mìn dơng pát thìn tài Thái sắt nhì shờn có có quài
Mồng sàn mìn dơng shìn tài vúi Nhì shờn dì tời sắ shắu sài”
Dịch nghĩa:
“Táng mộ về hướng Tây
Sinh ra con cháu ai ai cũng đẹp Phần mộ được yên lành
Con cháu vừa khoẻ vừa tài”
[28, tr.7]
Hay:
Phiên âm Sán Chay:
“Cháng phằn mìn sìn dầu chếnh súi Thác sắt nhì shờn cò cò dằn
Mìn tàng sập pát, cùng mình lềnh Tàng cụn chú cối sầu mần sằn”
Dịch nghĩa:
“Táng mộ đằng trước có nước chảy trước mặt
Sinh ra con cháu người người hiền Mười tám tuổi sức khoẻ tràn đầy Làm việc không hề biết nản”
[28, tr.7]
Một ngôi mộ ở địa thế đẹp là ngôi mộ có nguồn nước chảy quanh sinh vượng khí hoặc chảy đằng trước ngôi mộ bởi “thuỷ” tượng trưng cho tiền của, nếu đặt mộ mà phía trước có dòng nước chảy quanh sẽ tạo nguồn tiền của hưng vượng cho con cháu. Đặc biệt, không nên đặt mộ có nguồn nước chạy thẳng vào mộ, như vậy sẽ khiến cho tài khí bị tiêu tan, đối với người Sán Chay, đây là vị trí tử địa hay tử huyệt, không tốt để an táng người đã mất.
Người Sán Chay cho rằng “dương sao âm vậy”, thế giới bên kia là thế giới sẽ che chở cho những người đã mất, bởi vậy họ phải thực hiện những nghi lễ thật tỉ mỉ, cẩn trọng, có những điều kiêng kị riêng dành cho thế giới tâm linh nhằm mong muốn người đã mất sẽ có cuộc sống êm ấm bên kia. Trong lời hát Sấng cọ, những quan niệm đó thể hiện vô cùng rõ ràng, cụ thể, như một cuốn “từ điển tâm linh” giúp cho người Sán Chay có thể thực hiện các nghi thức một cách chuẩn xác, không phạm vào giới nghiêm của thế giới này.