Chương 1. NHỮNG VẤN ĐỀ LÍ LUẬN LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI
1.1. Một số vấn đề lí luận liên quan đến đề tài
1.1.3. Nghiên cứu con người từ góc nhìn địa văn hóa
1.1.3.1. Không gian nghệ thuật - môi trường tồn tại của con người từ góc nhìn địa văn hóa
Không gian nghệ thuật là một bộ phận nghiên cứu của lí luận văn học.
Mỗi một tác phẩm văn học đều tái hiện thế giới thực tại, gồm cả thế giới vật chất và thế giới tinh thần, tạo nên không gian nghệ thuật. Không gian nghệ thuật thể hiện sự cảm nhận về không gian của con người, xa hơn, nó còn là sự cảm nhận một nền văn hoá trong một thời kỳ lịch sử nhất định.
Về khái niệm "không gian", Hoàng Phê định nghĩa: “Không gian là khoảng không bao trùm lên tất cả sự vật hiện tượng xung quanh đời sống con người” [41; 492].
Về "không gian nghệ thuật", Lê Bá Hán xác định: “Không gian nghệ thuật là hình thức bên trong của hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó”
[20;160]. Bàn thêm về "không gian nghệ thuật", nhà nghiên cứu Trần Đình Sử cho rằng: “Không gian ấy không giản đơn chỉ là nơi chốn, khung cảnh cho nhân vật hành động, không phải không gian vật chất, địa lí, không phải không gian tâm lí, nó không phải lúc nào cũng là không gian cụ thể mà là một không gian nghệ thuật có tính trừu tượng và phổ quát” [55]. Như vậy, không gian nghệ thuật có thể hiểu là phương thức tồn tại và phát triển của thế giới nghệ thuật, ở đó, nó trở thành một phương tiện mang “ý nghĩa biểu tượng nghệ thuật”, một đại biểu tượng của văn hóa. Không gian nghệ thuật không những cho thấy cấu trúc nội tại bên trong của một tác phẩm văn học, mở tung lớp ngôn từ tượng trưng mà còn cho thấy quan niệm về thế giới, chiều sâu trong cảm thụ của một tác giả, một giai đoạn văn học hay một trào lưu sáng tác nghệ thuật. Không gian ấy chính là cơ sở khách quan để khám phá tính độc đáo, đặc biệt trong nghiên cứu các loại hình của hình tượng nghệ thuật.
Không gian nghệ thuật là một trong những sản phẩm của văn hoá. Văn hoá dân tộc sẽ tạo nên màu sắc đặc thù trong không gian nghệ thuật trong tác phẩm văn học của đất nước đó. Không gian nghệ thuật không hề tách rời, đứng độc lập với văn hoá mà luôn biến đổi, biến hoá cùng sự vận động của văn hoá.
Là một thành phần quan trọng không thể thiếu của văn chương nghệ thuật, không gian nghệ thuật vừa mang tính ước lệ, vừa chứa đựng cảm xúc. Không gian không chỉ gắn bó thuần tuý với tự nhiên mà còn có mối liên hệ mật thiết với con người, với các hoạt động sinh tồn, sáng tạo trong đời sống của họ.
Không gian nghệ thuật là một phạm trù nghệ thuật, một phần không thể thiếu, đóng vai trò quan trọng cấu thành nên tác phẩm văn học. Nó là một phần quan trọng của thi pháp học, của lí luận văn học, của nghiên cứu tác phẩm văn học, là phương tiện, mô hình nghệ thuật về cuộc sống. Không gian nghệ thuật không bất biến, không ngưng đọng tại một thời điểm nhất định mà biến đổi theo dòng chảy của văn học, sự “uốn lượn” của văn hoá. Ở mỗi một thời kỳ, một giai
đoạn, một trào lưu văn học, không gian nghệ thuật đều mang những đặc trưng riêng, làm nên dấu ấn thời đại trong tác phẩm. Không gian nghệ thuật trở thành một trong những đối tượng phản ánh phổ biến của tác phẩm văn học, một phạm trù mang tính thẩm mỹ sâu sắc. Không gian nghệ thuật không những tạo bối cảnh cho nhân vật xuất hiện, hành động, biểu hiện phẩm chất, tính cách mà còn giúp nhà văn gửi gắm những quan điểm, tư tưởng có ý nghĩa quan trọng về cuộc sống, về con người, về nghệ thuật. Bên cạnh đó, việc xây dựng không gian nghệ thuật trong mỗi tác phẩm cũng góp phần không nhỏ trong việc bộc lộ tài năng, phong cách nghệ thuật của mỗi nhà văn.
Không gian nghệ thuật là một sản phẩm sáng tạo trên cơ sở không gian văn hoá. Tiếp cận không gian nghệ thuật theo góc nhìn "địa-văn hoá" thông qua các chỉ dẫn văn hóa với những giá trị, truyền thống mang lại những hiểu biết thú vị và giá trị về văn hóa vùng miền.
Clark Wissler và Alfred L.Kroeber cắt nghĩa “vùng- văn hoá” dựa trên nhiều tiêu chí nhưng quan trọng nhất vẫn là tiêu chí về ngôn từ, bởi ngôn ngữ vừa là công cụ giao tiếp hiệu quả nhất để tạo sự thống nhất văn hoá của một vùng, cũng vừa là một phương tiện gián tiếp của văn học để xây dựng các biểu tượng không gian, cắt nghĩa tầng nội dung hàm ẩn. Việc phân vùng văn hoá là một trong những tiêu chí quan trọng để cắt nghĩa và hiểu về không gian nghệ thuật mà dựa vào chủ yếu theo các yếu tố địa lý, lịch sử, kinh tế, phong tục tập quán, tín ngưỡng hay tôn giáo, đặc điểm sinh hoạt trong đời sống hàng ngày, các thành tựu văn hoá…
Ngô Đình Thịnh định nghĩa: “Vùng văn hoá là một vùng lãnh thổ có những tương đồng về mặt hoàn cảnh tự nhiên, dân cư sinh sống ở đó từ lâu đã có những mối quan hệ nguồn gốc và lịch sử, có những tương đồng về trình độ phát triển kinh tế - xã hội, giữa họ đã diễn ra những giao lưu – ảnh hưởng văn hoá qua lại, nên trong vùng hình thành những đặc trưng chung, thể hiện trong sinh hoạt văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần của cư dân, có thể phân biệt với các vùng văn hoá khác” [50;67]. Để phân tích và hiểu lớp nghĩa của không gian nghệ thuật trong mỗi tác phẩm văn chương theo góc nhìn địa văn hoá, thì trước
hết, cần hiểu rõ về vùng – văn hoá. Ở đó, văn hoá riêng của mỗi vùng, mỗi miền được thể hiện một cách sâu sắc nhất. Đó chính là cơ sở để bám víu, là sợi dây gốc để lý giải và thể hiện ý nghĩa địa – văn hoá trong các biểu tượng không gian nghệ thuật.
Theo Ngô Đình Thịnh, không gian gồm không gian địa lý tự nhiên và không gian văn hoá, trong đó không gian địa lý là tiền đề, là điều kiện tự nhiên để hình thành nên không gian văn hoá. Các đặc điểm tự nhiên như địa hình (đồng bằng, sông, núi), khí hậu,.. đóng vai trò không thể thiếu đối với văn hoá của một khu vực. Trong sự tương tác đó, không gian văn hoá ra đời từ sự cọ xát của con người với không gian địa lý tự nhiên. Chẳng hạn, vùng Trung bộ, đất rộng người thưa, địa hình đất đai thường bị chia cắt bởi các dãy núi, biển rộng và nhiều trận bão biển dữ dội, là vùng nắng nóng, gió rát,…. Điều kiện tự nhiên đó tạo nên một cuộc sống “khắc khổ và nhọc nhằn”, khiến con người ở nơi đây mang nét tính cách văn hoá đặc trưng như: cần cù, anh dũng, chịu thương chịu khó, sáng tạo,...
Nhìn nhận, tiếp nhận không gian nghệ thuật từ góc nhìn địa văn hoá là đi tìm những biểu tượng không gian của “vùng-văn hoá”. Mỗi biểu tượng không gian có vai trò truyền đạt và diễn tả một phạm vi nội dung văn hoá nhất định.
Theo quan điểm của Gert Hofstede, các thành tố của văn học giống như các lớp
“vỏ củ hành” mà lớp ngoài cùng là biểu tượng và lớp cốt lõi là quan niệm, giá trị.
Xét trong phạm trù thi pháp học, không gian nghệ thuật là lớp vỏ rộng nhất, bao quát cả tác phẩm cũng như các thành tố khác chung quanh. Ở đó, các biểu tượng không gian nhỏ lẻ, hợp lại làm nên một không gian nghệ thuật hoàn chỉnh. Văn hoá là “những mạng lưới và phân tích chúng không phải là việc của khoa học thực nghiệm mà của khoa học chú giải đi tìm nghĩa (meaning)” [49;22]. Mỗi một biểu tượng không gian tự nhiên (không gian địa lý) sẽ chứa đựng trong đó ý nghĩa của một “lớp vỏ củ hành”. Trong tiếng Hy Lạp, biểu tượng được lý giải là những
“dấu hiệu nhận ra nhau”. Ở đó, "biểu" là dấu hiệu còn "tượng" là tình trạng, hình tượng. Nếu hiểu theo quan niệm này, biểu tượng được coi như một công cụ thể hiện một cách sinh động, cụ thể qua một hình thức cụ thể, có tính chất riêng hoặc
là dùng cái vô hình, hữu hình để đánh dấu các tín hiệu đặc thù của sự vật, hiện tượng đó. Biểu tượng không chỉ dành riêng cho một phạm trù cụ thể. Biểu tượng nói thay mọi phạm vi không gian, thời gian, giao tiếp với con người. Không dừng lại ở đó, biểu tượng còn là một sợi dây liên kết xã hội thành một cộng đồng. Là một sợi dây vô hình có sức mạnh gắn kết vô hình tạo nên một dòng sức mạnh làm nên bản sắc cho mỗi dân tộc. Văn học cũng như các loại hình nghệ thuật khác, nó cũng cần “tiếng nói” của các biểu tượng mà cụ thể là các biểu tượng về không gian, thời gian, biểu tượng con người,… để tái hiện thế giới, làm cho con người và cuộc sống của chính họ như “động đậy”. Phân tích ý nghĩa các biểu tượng chính là việc bóc những lớp vỏ đầu tiên của “củ hành”.
Làng quê có lẽ là một trong những biểu tượng có tần suất xuất hiện nhiều nhất trong các tác phẩm văn xuôi viết về nông thôn. Làng quê là một không gian nghệ thuật rộng lớn, ở đó, những biểu tượng nhỏ lẻ hơn đã tạo thành một hệ thống biểu tượng chỉnh thế cấu thành nên biểu tượng làng quê. Biểu tượng của cây lúa - quốc hồn của dân tộc Việt Nam, biểu tượng nước (hay những biến thể của nó là sông, ao hồ, cơn mưa, lũ lụt,…), bếp lửa, cây đa, giếng nước,… được xuất hiện với nhiều ý nghĩa. Nếu như lúa là biểu tượng cho cái nôi phát triển nền văn minh lúa nước, nền văn hoá nông nghiệp Việt Nam, là biểu trưng cho phẩm chất cần cù, chăm chỉ và những thành tựu chinh phục thiên nhiên của người Việt thì giếng nước, gốc đa cũng là biểu tượng không thể mất đi khi nhắc đến trường biểu hiện của làng quê. Bồi tụ bởi chiều sâu văn hoá, hình ảnh cây lúa thân thuộc và gần gũi với làng quê hơn bao giờ hết. Có thể nhận thấy một cách rõ ràng, biểu tượng làng quê đã thấm sẵn trong nó dòng chảy của văn hoá làng Việt, là lớp trầm tích văn hoá kết tinh sức mạnh tinh thần, cốt cách của Việt Nam, vừa là hệ biểu tượng cho văn minh, vừa là nguồn lương thực quý, cũng vừa là biểu tượng của sự dồi dào, thịnh vượng. Nhưng biểu tượng làng quê không tách rời độc lập, mà luôn có mối quan hệ gắn bó với những biểu tượng khác. Nhiều làng quê sẽ tạo thành một đất nước, nhiều biểu tượng sẽ tạo nên cả trường văn hoá. Biểu tượng lịch sử xuất hiện với lối tư duy tổng hợp với việc
khái quát hoá, trừu tượng hoá đã đi vào trong văn xuôi, ở lại và trở thành là một trong những biểu tượng quan trọng bậc nhất.
Là một khái niệm rộng, biểu tượng văn hoá chứa nhiều lớp lang biểu tượng khác. Một trong những con đường để hiểu biểu tượng văn hoá chính là đi tìm hiểu các nét ý nghĩa của các biểu tượng về lễ hội, lễ nghi, phong tục, tập quán. Giải mã biểu tượng văn hoá theo góc nhìn địa - văn hoá là cách khám phá và “đào sâu” vào các lễ nghi văn hoá, những lối sống đặc trưng, tín ngưỡng trong những không gian địa lý cụ thể.
1.1.3.2. Hình tượng con người từ góc nhìn địa văn hóa
“Văn học là nhân học” (M.Gorki). Văn học từ bao đời vẫn là sự tái hiện, khám phá về con người qua những số phận, cuộc đời cụ thể. Tất cả những gì thuộc về con người, biểu đạt ý chí, nguyện vọng, tình cảm của con người đều trở thành những hạt nhân nội tại, phạm vi quan tâm của văn học. Khám phá con người trong văn học là cách để hiểu về con người, cuộc sống thực.
Con người là yếu tố cơ bản và then chốt nhất của một chỉnh thể nghệ thuật mà ở đó, ít nhiều đều thể hiện văn hoá của một vùng xứ sở. Nói như K.Marx,
"con người là tổng hòa các mối quan hệ trong xã hội", vì vậy, khi nghiên cứu con người trong văn học không thể tách rời với những mã văn hóa và mã địa lý.
Hai mã này có sự hoà kết, tạo thành một lớp mã của địa – văn hoá. Có gương mặt của địa lý, con người mới "bấu víu" vào đó để xây dựng nên những điển hình nhân vật không lệch lạc. Và cũng dựa vào “chất” văn hoá ngấm sâu vào trong nghệ thuật mà thể hiện nó ra với bạn đọc qua hình tượng con người.
Nếu như ngôn ngữ là kho lưu trữ đồng thời cũng là phương pháp thể hiện ký ức văn hoá của cả một cộng đồng thì ngôn ngữ trong tác phẩm văn học cũng diễn đạt điều đó. Người sáng tạo nghệ thuật sẽ đánh thức và làm hiển hiện dấu ấn văn hoá ấy thông qua ngôn từ của nhân vật. Ở đó, đồng hiện cả suy tư, trăn trở, tình cảm của nhân vật với những cuộc đời riêng, chung, và cũng là dấu hiệu rõ nét để đo tầm vóc văn hoá mà tác giả thể hiện.
Văn học với tư cách là một sản phẩm sáng tạo của văn hoá sẽ được hiển hiện trên tấm thảm ngôn từ. Bởi lẽ ngôn từ là phương thức quan trọng nhất để xây
dựng nên một tác phẩm văn chương nghệ thuật. Mỗi một lời thoại, một câu phát ngôn, một suy nghĩ dù là độc thoại hay đối thoại của con người trong các tác phẩm văn học cũng đều mang chở những nét nghĩa về văn hoá. Phong vị của văn hoá, của một vùng đất, một triền núi, một xứ sở được hiện lên đậm đà nhưng lại kín đáo trong ngòi bút sắc sảo của những người làm nghệ thuật. Ngôn ngữ của con người trong văn học biểu hiện văn hoá được xem xét dưới nhiều hình thức và góc độ. Ngôn ngữ không chỉ là thước đo cho tầm vóc văn hoá của người nghệ sĩ mà còn tạo ra dấu ấn riêng trong phong cách viết của mỗi nhà văn. Như vậy, một trong những vẻ đẹp ngôn từ trong tác phẩm văn học chính là ý nghĩa mang chở vẻ đẹp của văn hoá vùng miền. Ngôn từ của nhân vật (con người) trong văn học cũng là một phương thức biểu hiện của văn hoá. Nhưng suy cho cùng, con người ở vùng nào, sống ở đâu, trên một lãnh thổ, một vùng địa lý nhất định thì mới có sự am hiểu và sử dụng thuần thục những kiểu dạng ngôn từ như vậy. Từ những lý do đó, bản thân con người trong tác phẩm văn học là một cách thức để biểu hiện văn hoá, và ngôn từ của họ là cách thức biểu đạt rõ hơn, trực tiếp về địa – văn hoá.