Sẵn sàng hi sinh vì Tổ quốc

Một phần của tài liệu Con người trong văn xuôi thái bình nửa sau thế kỷ xx từ góc nhìn địa văn hóa (Trang 63 - 74)

Chương 2. NHỮNG HÌNH TƯỢNG TIÊU BIỂU TRONG VĂN XUÔI THÁI BÌNH NỬA SAU THẾ KỶ XX TỪ GÓC NHÌN ĐỊA VĂN HÓA

2.2.1. Sẵn sàng hi sinh vì Tổ quốc

Như bao người con của đất nước, khi quê hương xuất hiện giặc thù, bờ cõi bị xâm lược, những chàng trai của miền quê lúa Thái Bình sẵn sàng lên đường tòng quân giết giặc. Có những người chiến sĩ tham gia kháng chiến chống Pháp rồi kháng chiến chống Mỹ. Có những gia đình nhiều người con cùng lần lượt ra mặt trận, có lúc cùng ra trận; có những gia đình cả 2 thế hệ cùng trên một chiến hào: "Cha còn đeo quân hàm/ Con đã ra nhập ngũ/ Một hòn đá Trường Sơn/ Cha con cùng gối ngủ" (Trinh Đường).

Là chàng trai giàu lí tưởng, dù yêu Hạnh say đắm, Nghĩa (Bến không chồng - Dương Hướng) vẫn xung phong vào chiến trường: “Anh đi đây! – Nghĩa nói và chạy biến vào hàng quân". Và Sơn (Ngày xưa thương mến - Trần Văn Thước) cũng vậy, dù rất yêu Ngân, nhưng anh cùng nhiều người bạn của mình tình nguyện lên đường ra trận. Trước khi chia tay, Sơn chỉ kịp nói với mẹ mình: "Mẹ ... con đi. Con hứa ... thế nào bố con con cũng sẽ gặp nhau ở chiến trường" mà chẳng kịp nói lời yêu với Ngân, trừ năm chữ: "Ngân... Sơn đi... Chờ nhé". Những chàng trai như như Sơn, Lập (Ngày xưa thương mến - Trần Văn Thước), như Biển

(Nhật ký của một chiến sĩ đại đội anh hùng - Nguyễn Khoa Đăng), như Thúc, Rư (Người lang thang không cô đơn - Minh Chuyên), như chú Vạn, Nghĩa, Hà, Hiệp (Bến không chồng - Dương Hướng), ... và hàng nghìn thanh niên vùng đồng biển này đã trở thành biểu tượng cao đẹp của người lính cách mạng sẵn sàng cống hiến, hi sinh tuổi xuân của mình cho sự trường tồn của dân tộc, đất nước. Họ vốn hiền lành như hạt lúa, củ khoai, nhưng khi xung trận lại rất quả cảm, sẵn sàng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Trận đánh cuối cùng của chiến sĩ Nguyễn Đình Thúc (Người lang thang không cô đơn), được trung đội phó Hoàng Rư đơn vị 468 Quân khu I Sài Gòn kể lại: “Ngày 25/12/1969 đơn vị 468 Quân khu 1 Sài Gòn của các anh được lệnh tấn công đoàn xe quân sự GMC của Mỹ chở vũ khí từ Trảng Bàng lên Bến Cát. Thúc gan lì đợi xe địch chồm sát mặt anh mới nổ súng làm hai chiếc xe tăng của chúng bốc cháy. Bọn Mỹ điên cuồng phản công mãnh liệt. Kết thúc trận đánh, Thúc bị thương rất nặng. Với tình đồng đội và hơn thế còn là tình đồng hương, Rư và 2 đồng đội khác đã xung phong hiến máu cho Thúc mặc dù sức các anh lúc đó cũng đã cạn kiệt. Khi máy bay địch “chà đi, sát lại, quần đảo” khu vực đội phẫu, Rư cùng đồng đội của mình lo cho số phận của những thương binh, trong đó có Thúc và hơn chục y bác sỹ ở đó, đã chiến đấu kiên cường. Để thu hút kéo địch ra xa đội phẫu, các chiến sĩ “vừa bắn trả máy bay, vừa chạy". Địch tập trung hoả lực bắn như đổ đạn xuống khu vực các chiến sĩ đánh nghi binh. Rư và Hậu vừa tới bờ suối, một loạt bom nổ trước mắt, sau ánh chớp nhằng nhịt, một luồng gió cực mạnh tung hai người lên. Rư bị thương nằm bất động” [14;363]. Còn đây là câu chuyện chiến đấu "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" của người chiến sĩ tên Định (Thủ tục làm người còn sống - Minh Chuyên): “Đêm 15 tháng 6 năm 1978, đơn vị của Định bao vây áp sát hai bên sườn cao điểm 62, một cao điểm thuộc đất Tân Biên (Tây Ninh) bị bọn Pôn Lốt tràn sang lấn chiếm. Rạng sáng hôm sau, vừa dứt loạt đạn pháo của ta nã xuống, từ hai sườn đồi, đơn vị Định ào lên chiếm lại cao điểm. Lính Pôn Pốt ẩn trong các hầm hào ùn lên mặt cao điểm chống cự. Định vừa ôm súng vừa nhả đạn, vừa lao tới, thì bỗng luồng gió cực mạnh ập đến, anh ngã vật ra, chỉ kịp nhận thấy bầu trời tối sẫm lại” [14;52].

Những chàng thanh niên mà "mẹ đi chợ quên mua quà còn khóc nhè"

[39;20] của vùng quê lúa ấy lên đường không phải bởi sự bồng bột, bốc đồng của tuổi trẻ mà chính bởi họ mang trong mình truyền thống yêu nước của gia đình, dòng tộc, làng xóm, quê hương. Truyền thống đó được tiếp nối từ đời này sang đời khác. Với truyền thống tốt đẹp đó, nhà nhà noi gương nhau, người người noi gương nhau cùng tận hiến cho Tổ quốc, tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì quê hương. Trong Bên tượng đài du kích làng Nguyễn (Trần Hoằng), ông đồ Đáp có bốn người con. Sau khi hai người con lớn là Thăng và Trù đi bộ đội và đều đã anh dũng hi sinh, ông vẫn cho tiếp hai người con còn lại đi bộ đội, bởi chiến tranh chưa kết thúc thì còn phải chiến đấu đến cùng. Còn cụ Mão, khi con trai lớn là anh Na viết thư báo về cho gia đình mình là phi công lái máy bay bay và đã lập công đánh giặc, cụ rất xúc động. Cụ tự hào không phải vì cụ có ba con đi bộ đội, "vì ở cái làng này số gia đình có từ ba đến năm con đi bộ đội tính có hàng trăm" [35;217]. Cụ tự hào vì cả gia đình cụ ai cũng hết lòng vì cách mạng.

Đã ngoài 60 tuổi, cụ vẫn hăng hái đảm nhận cái chức trung đội trưởng bạch đầu quân...” [35;217]. Tinh thần quyết tâm, tận hiến vì Tổ quốc luôn chảy trong huyết mạch mỗi người dân quê lúa như thế.

Bởi giặc giã mà những chàng thanh niên "áo nâu nhuộm bùn" phải "vùng đứng lên", trở thành những "Thạch Sanh của thế kỷ XX" Họ coi việc đánh Mỹ

"là thời cơ ngàn năm có một”, “làm trai muốn nên người phải xông pha nơi chiến trận. Ru rú ở nhà bám váy vợ thì nhục” [25;94]. Chú Vạn, người lính chống Pháp đã động viên các chàng trai làng Đông lên đường chống Mỹ bằng lời nói đầy khí thế và cũng rất tự hào: “Đi nhé! Hãy noi gương trai làng Đông, chiến đấu giỏi. Mày cứ nhìn chú đây mà sống” [25;97]. Còn Hạnh, phút chia tay chồng, đứng trước Nghĩa, không hiểu sao Hạnh không thể khóc. Hạnh đã nén lòng để Nghĩa lên đường không bị vướng bận bởi tình cảm vợ chồng, không bị cái tình cảm cá nhân ấy làm cho nhụt chí nam nhi. Đấy là một sự hi sinh, sự kìm nén của cả người đi và cả người ở lại. Sự hi sinh ấy đã được viết bằng những câu thơ cảm động: "Đất nước ta/ Đất nước của những người con gái, con trai/ Đẹp như hoa hồng, cứng hơn sắt thép/ Xa nhau không hề rơi nước mắt/ Nước mắt chỉ

để dành cho ngày gặp mặt" (Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi Việt Nam ơi - Nam Hà). Những cuộc tiễn đưa, những cuộc chia tay ấy đã diễn ra trên khắp đất nước này trong suốt cuộc trường chinh vĩ đại. Và vùng quê Thái Bình cũng vậy. Những chàng trai, trụ cột kinh tế gia đình đã quyết chí lên đường chiến đấu vì quê hương, đất nước. Bởi họ xác định: “Chúng tôi đi không tiếc đời mình/ Nhưng tuổi 20 làm sao không tiếc/ Nhưng ai cũng tiếc tuổi 20 thì còn chi Tổ quốc” (Những người đi tới biển - Thanh Thảo). Bao lớp thanh niên trai tráng của các vùng quê đều xung phong ra trận. Cả những thanh niên chưa đủ tuổi cũng hăng hái xin được lên đường đánh giặc. Có người còn viết đơn bằng máu để thể hiện tinh thần không sợ chết, quyết bảo vệ độc lập tự do cho non sông đất nước, bởi “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. “Chiều hôm ấy, hai mươi bảy thanh niên đã từ giã xóm làng lên đường ra trận…Trước khi lên đường, họ đến thăm các gia đình liệt sĩ với lời hứa sẽ tiếp bước họ đánh giặc trả thù... Anh em đứng nghiêm thề trước tượng đài du kích, vẫy chào cánh đồng 10 tấn Nguyễn Văn Bé của quê nhà" [35;64].

Chống Pháp, rồi chống Mỹ, biết bao người con của vùng quê Thái Bình đã tình nguyện ra đi với tinh thần xả thân cứu nước như thế. Năm 1951, khi mới tròn 20 tuổi, Nguyễn Văn Nghĩa (Hai người lính ở hai phía đối mặt – Minh Chuyên) tòng quân chống Pháp. Nhờ thành tích chiến đấu dũng cảm, hai năm sau Nghĩa được kết nạp vào Đảng. Chiến tranh chống Mỹ bước vào thời điểm quyết liệt, người lính ấy tái ngũ, tình nguyện lên đường đi B đánh giặc. Hai lần tình nguyện lên đường và 2 tấm huân chương chiến công, đó là dấu mốc cuộc đời bộ đội Nguyễn Văn Nghĩa. Ông tâm sự: “Tình nguyện lên đường ra trận là mình đã chấp nhận tình nguyện chết vì Tổ quốc, vì nhân dân. Còn các tấm huân chương, nó là thước đo lòng dũng cảm của người lính trước kẻ thù” [14;130].

Ông không nhớ hết bao nhiêu đợt sống chết trong gang tấc, bao nhiêu lần thoát hiểm. Nhưng có một trận đánh diễn ra ngày 9/5/1968 ông không bao giờ quên.

Ông Nghĩa gọi đó là ngày “định mệnh” của hai người lính ở hai chiến tuyến:

“Khi tiếng súng đã im, nhìn phía bụi cây trước mặt thấy rung động, tôi cúi xuống, giương súng quan sát, bên dưới một lính Mỹ nằm ngửa, một tay gác lên

khẩu súng, người thỉnh thoảng giật giật. Một dòng máu chảy ra từ phía ngực anh ta”. Ánh mắt của người lính Mỹ nhìn mình có vẻ lạ lắm, “vừa như giận dữ, vừa như cầu xin”. “Tôi đoán anh ta cũng chừng tuổi tôi, có thể kém vài tuổi. Trước ngày đi B, tôi còn mẹ già, vợ và 3 đứa con nhỏ, chắc anh ta cũng thế”. Nhìn

“máu từ vết thương trên ngực của anh ta vẫn chảy ướt sũng chiếc áo đang mặc”, anh lính cụ Hồ đã không thể cầm lòng: “Tự dưng tôi thấy thương người sắp chết. Nếu không được cứu, chỉ một lát nữa thôi anh ta sẽ tắt thở”. Thế là anh bộ đội vùng quê lúa Thái Bình, vốn chân chất, mộc mạc và giàu lòng yêu thương, cộng với phẩm chất nhân đạo của người lính cụ Hồ đã quyết định cứu người lính đó. Ông Nghĩa kể: “Khi tôi mở chiếc ba lô lấy băng, băng chặt các vết thương trên người anh, hai mắt anh dịu lại, vẻ biết ơn. Lúc này tôi không còn nghĩ anh ta là người phía bên kia, mà trước mặt tôi là một nạn nhân nếu không được cầm máu thì sẽ chết... Vừa lúc đó một loạt đạn nổ trước mặt tôi. Lính Mỹ thúc nhau xông vào trận địa cướp thương binh... Tôi không kịp mang theo chiếc ba lô, bằng phản ứng rất nhanh, bắn lại phía ba tên lính và nhanh chóng rút về phía sau” [14;131]. Và 25 năm sau cái ngày mà ông Nghĩa gọi là “định mệnh” của hai người lính ở hai phía đối mặt ấy, ông đã nhận lại được chiếc ba lô ông để lại bên người lính Mỹ, từ chính tay người mà ông đã cứu sống, tại chính ngôi nhà của ông. Những người lính như ông Nghĩa và rất nhiều người lính khác của miền quê Thái Bình lam lũ này, khi ra trận không chỉ dũng cảm, kiên cường trong chiến đấu chống giặc mà còn là những người đã góp phần viết nên những câu chuyện huyền thoại cho lịch sử dân tộc.

Còn nhiều và rất nhiều những con người có thực trong cuộc đời này được các nhà văn Thái Bình ghi lại trong văn xuôi giai đoạn nửa sau thế kỷ XX. Có thể thấy, văn xuôi Thái Bình nửa sau thế kỷ XX đã viết về những người con quê hương mình trong cuộc trường chinh vệ quốc vĩ đại với niềm tự hào, say mê, trân trọng. “Mỗi trang văn đều soi bóng thời đại mà nó ra đời”

(Tô Hoài). Văn xuôi Thái Bình đã phản ánh được những cuộc chiến tranh, hành trình gìn giữ đất nước của cha ông, khơi dậy trong tâm tưởng mỗi người những giá trị nhân bản, nhân văn về con người, về lịch sử. Qua đó, chúng ta

một lần nữa có điều kiện hiểu hơn về con người “quê lúa đất nghề”, không chỉ cần cù, lam lũ trên đồng ruộng mà cũng rất dũng cảm, kiên cường nơi trận mạc xông pha. Họ, những người lính ấy đã tô đậm trang lịch sử oai hùng, viết nên những huyền thoại cho dân tộc và cho quê hương Thái Bình yêu dấu.

2.2.2. Chịu nhiều mất mát, thương tổn sau chiến tranh

Chiến tranh kết thúc, một phần những người con Thái Bình may mắn vượt qua cửa từ trên chiến trường để trở về quê hương, mang theo mình bao thương tích, tật nguyền và những di chứng chiến tranh. Độc lập, Nghĩa (Bến không chồng - Dương Hướng) đi xe Jep trở về trong sự thán phục của cả làng, vẫn cao lớn đẹp trai như ngày trước, giờ mang quân hàm thiếu tá, sao vạch lấp lánh trên vai. Vợ chồng Nghĩa - Hạnh vỡ òa hạnh phúc, tưởng như cuộc đời họ từ đây chỉ có sum vầy, ấm êm với những câu chuyện gia đình ngọt ngào, ấm cúng. Nhưng niềm vui ngày sum họp ngắn chẳng tày gang. Không chịu nổi sức ép từ gia đình và dòng họ Nguyễn do không sinh được con, Hạnh chủ động li hôn để Nghĩa được tự do kiếm tìm người phụ nữ khác, để người ấy sinh cho anh đứa con nối dõi tông đường. Sau khi Hạnh ra đi, Nghĩa chung sống với Thủy. Nhưng đợi mãi tin vui vẫn bặt tăm. Cuối cùng Thủy đành thú nhận sự thật giấu kín bấy lâu:

Nghĩa đã nhiễm chất độc màu da cam và không thể có con. Dù Thủy đã động viên Nghĩa: “Không. Đấy không phải tại anh. Tại chiến tranh, tại những năm anh ở chiến trường...". Nhưng sự thật như cái tát phũ phàng khiến Nghĩa chết điếng người, sững lặng đi. Bi kịch chồng lên bi kịch, chiến tranh như cơn lũ, cuốn đi tất cả những gì anh trân qúy nhất.

Không chỉ đối mặt với những mất mát về người trong chiến tranh, sau khi đất nước đã hoà bình, thống nhất, những người dân vùng quê Thái Bình vẫn phải âm thầm chịu đựng, âm thầm đối mặt với những di chứng của chiến tranh. Chiến tranh dữ dằn và khốc liệt đã lấy đi sinh mạng bao con người, lấy đi bao phần thân thể của những con người cường tráng, những trụ cột của nền kinh tế gia đình và đất nước. Dù có được trở về từ cuộc chiến nhưng dấu ấn thương tích mà người lính phải gánh chịu vẫn còn kéo dài không chỉ với bản thân họ mà còn với cả những người thân ở hậu phương. Ở chiến trường 19 năm, anh bộ đội Trần

Văn Ngô không hề dính một mảnh đạn nào nhưng khi lấy vợ, sinh con thì đứa con đẻ ra đã làm cho bà vợ ông Ngô phải thất thần rú lên “Đứa bé da đen, lông dày, cổ rụt, hai chân bé tí, cái đầu dài ngoẵng”. Càng lớn lông trên người thằng con ông Ngô càng xù ra, cứng ngắc. Được 5 tuổi thì đứa trẻ đó qua đời [14;89]. Di chứng của chất độc da cam không chỉ tàn phá một thế hệ mà còn tán phá hai, ba thế hệ tiếp theo. Con trai thứ của ông Ngô (tên Nguyên) khi lấy vợ, sinh con ra “Đầu nó rụt như con ba ba. Chân tay quặp chặt vào nhau, cổ cứng đờ, cứ nghênh nghênh”

[14;89]. Chính di chứng chiến tranh ấy đã quật ngã ông Ngô - người lính không hề dính viên đạn nào từ cuộc chiến nay đã thành ông già tâm thần, ra tận nghĩa địa moi xương con đem về đốt" 14;87]. Chiến tranh quá tàn ác.

Có lẽ vì ám ảnh di chứng chất độc da cam mà bao cô gái thanh niên xung phong quê hương Thái Bình đã chọn gửi thân nơi cửa Phật sau khi từ chiến trường trở về. Chỉ có ở nơi hư vô ấy, lòng các cô gái mới bớt nỗi sầu đau (Vào chùa gặp lại - Minh Chuyên). Di chứng chiến tranh, chất độc đioxin không chỉ là những hiểm họa hữu hình mà người ta có thể nhìn thấy từ những đứa trẻ quái dị được sinh ra mà còn có sức huỷ hoại âm ỉ, dai dẳng, giết chết hạnh phúc của con người. Đó là sự huỷ hoại hạnh phúc của Nghĩa với Hạnh, với Thuỷ. Vì bị nhiễm chất độc da cam nên Nghĩa không thể cho Hạnh hưởng thiên chức làm mẹ. Cô đã phải đau đớn li hôn chồng trước dư luận nghiệt ngã của dòng tộc họ Nguyễn mà Nghĩa là trưởng tộc. Mặc dù chưa bao giờ Nghĩa nghĩ đến chuyện phụ bạc Hạnh nhưng những lời của bà con họ tộc đưa anh vào ngõ cụt: “Anh còn sống với con Hạnh ngày nào, mẹ con anh còn khổ, con Hạnh sẽ chẳng bao giờ có con. Anh nên nghĩ cả đến tương lai của anh, gia đình, họ tộc”. Và ngay cả đến mẹ anh, bà Khiên, người rất yêu quý Hạnh, đứa con dâu đẹp người, đẹp nết cũng có lúc phân vân: “Nghĩa ơi, con cũng phải cân nhắc cho kỹ lời chú Xeng nói. Mẹ cũng không ghét bỏ gì con Hạnh. Nhưng tương lai của con không thể mãi thế này được” [25;243]. Quả thực, những quan điểm ấy đã làm cho Nghĩa chao đảo, để rồi chấp nhận li hôn Hạnh và mãi mãi sống trong ân hận, dày vò.

Không giống Nghĩa, Thành rời chiến trường với những chứng tích hằn trên khuôn mặt biến dạng. Vì vậy mà Thành bị Cúc, vợ sắp cưới từ hôn.

Một phần của tài liệu Con người trong văn xuôi thái bình nửa sau thế kỷ xx từ góc nhìn địa văn hóa (Trang 63 - 74)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(127 trang)