Thiên nhiên tươi đẹp nhưng cũng đầy thử thách

Một phần của tài liệu Con người trong văn xuôi thái bình nửa sau thế kỷ xx từ góc nhìn địa văn hóa (Trang 89 - 95)

Chương 3. KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT - PHƯƠNG DIỆN QUAN TRỌNG

3.1. Không gian thiên nhiên

3.1.2. Thiên nhiên tươi đẹp nhưng cũng đầy thử thách

Mỗi vùng miền có những nét riêng, mang đặc trưng cảnh sắc thiên nhiên riêng. Cảnh sắc thiên nhiên ấy không chỉ là đối tượng để văn học miêu tả mà còn là nét khác biệt để người đọc dễ dàng phân biệt với cảnh sắc những vùng quê khác. Đến với văn chương Thái Bình nói chung, văn xuôi Thái Bình nói riêng nửa sau thế kỷ XX, người ta nhận thấy làng quê Thái Bình mang vẻ thuần khiết với cảnh sắc thiên nhiên rất đỗi bình yên, mang tới sự dịu êm cho tâm hồn.

Thái Bình nằm gọn trong vùng hạ lưu châu thổ sông Hồng, vừa có nhiều sông ngòi vừa có đường bờ biển tương đối dài. Với không gian như vậy, Thái

Bình được thiên nhiên ban tặng cho nhiều ưu thế: khí hậu ôn hòa, dễ chịu, đất đai màu mỡ, phì nhiêu. Yếu tố này đã góp phần làm nên không gian thiên nhiên tươi đẹp với những dòng sông, cánh đồng, biển xa,… Những con sông (đặc biệt là sông Hồng) vốn lúc nào cũng mải miết, hối hả chở nặng phù sa và những chỗ hai dòng nước giao nhau chảy chậm để lại báu vật là những lớp phù sa màu mỡ cho các làng ven sông. Các làng ven sông lúc nào cũng là những cánh bãi mướt mát màu xanh của dâu tằm, lúa, ngô, mía ngọt, … Dân làng Hạ, làng Vũ (huyện Vũ Thư) có tới hơn 200ha bãi ngoài đê được phù sa sông Hồng bồi tụ nên dân hai làng này đi đâu cũng khoe: “Chả biết đồng điền chư ông thế nào, chứ ở cánh bãi chúng tôi, lấy chân mà dũi cũng ra khoai, ra đậu; cắm cây mạ xuống, chẳng phải chăm bón gì sất, đến vụ cũng thu 1 sào dư 5 gánh cật. Ở cánh bãi chúng tôi, thứ gì cũng có, lúa này, ngô này, lạc này, vừng này, rau này, đậu này, mía này…

Thôi thì đủ cả, cứ như cái vườn hoa trên tỉnh ấy, đến là đẹp” [35;3]. Đặc điểm địa lý với ba bề bốn bên là sông ngòi, bờ biển đã tạo cho người dân Thái Bình có được những thuận lợi cơ bản để phát triển nông nghiệp.

Nói đến không gian thiên nhiên trong văn xuôi Thái Bình, không thể không nói đến những làng quê như làng Đông, làng Đoài với những “con đường phi lao cao vút chạy qua cánh đồng lúa”; những con đường đá mà hai bên đường rợp bóng tre xanh, mát rượi những trưa hè; những cầu đá mà tục lệ làng xưa các cô gái đi lấy chồng phải nộp “cheo” cho làng một phiến đá tảng để làng xây cầu, lát đường. Các bà mẹ làng Đông, làng Đoài ấy thể hiện niềm tự hào qua câu hát ru con: “À ơi.... / Chẳng to cũng gọi làng Đông/ Có cầu Đá Bạc bắc qua sông Đình/

Chàng ơi có nhớ đến mình/ Nhớ cầu Đá Bạc nhớ đình làng Đông”, “Sông làng Đông vừa trong vừa mát/ Đồng làng Đông ngan ngát hương thơm” [25;10].

Thiên nhiên của vùng quê lúa ấy vừa có nét đẹp của sự thuần khiết vừa có nét đẹp của sự mộc mạc, bình dị, dân dã với “cây đa, bến nước, sân đình”. Làng quê ấy của một thằng Vạn “mắt toét” (Bến không chồng) dường như vẫn thế.

Trong mắt Vạn - người từng bỏ làng ra đi, bây giờ là anh lính Điện Biên chiến thắng trở về, con đường đất bây giờ vẫn là “con đường đất mấp mô vết chân trâu”. "Nguyễn Vạn tập tễnh bước. Đàn chim kéo ào qua, vạch một đường cong

ngang trời. Cây ruối già đầu cánh mả Rốt lơ thơ mấy chiếc lá trên những cành cong queo. Mả Rốt mấp mô những mồ mả” [25;6]. Cái không gian đặc quánh chất quê ấy vào những ngày hè: “Những tia nắng cuối cùng của một ngày hè oi ả đang vội vã khép lại. Ráng chiều vàng rực còn lại trên vòm cây cao tít bảng lảng tan dần. Trời bỗng nổi gió. Tảng mây màu ngũ sắc đằng tây đột biến, xám lại, rồi cuồn cuộn, lô xô, đùn lên phía ráng chiều vừa khuất, chả mấy chốc đã che kín một góc chân trời. Phía ấy, chớp loằng ngoằng vạch vẽ lên khoảng trời đùng đục. Gió ào ào trong cát bụi đường làng” [14;352]. Còn khi thu về, làng quê ấy khiến người ta nao lòng, chùng mình trước vẻ đẹp thơ mộng diệu kỳ: “Chao ơi, chiều thu quê hương sao mà đẹp thế. Mênh mông, tít tắp chỉ toàn thấy vàng rực một màu óng ả.

Lúa trải ngập đến tận chân tre. Mới hôm nào, cánh đồng này còn nham nhở những hố bom, hố đạn đại bác, mà giờ đây lúa đã phong kín hố bom. ….". [14;388]. Đôi khi, chỉ cần vài nét phác họa, cái hồn thu đồng bằng Bắc bộ ấy đã tỏa lan trong trang văn: "Nắng cuối thu se hanh vàng cả khoảng ruộng ngoài bến sông”

[25;123]. "Cánh đồng làng Đông nhuộm vàng trong ánh rạng đông. Đàn chim két xao xác nối nhau bay mải miết. Trên những thửa ruộng lúa sớm đã gặt nhấp nhô những mô rạ khum chờ đón nắng lên. Gió lao xao trên những thửa ruộng chưa gặt, lúa chín vàng óng. Hương vị đồng quê thật kì lạ" [25;123]. Đây là bức tranh đích thực thuộc về mảnh đất của vùng quê lúa. Không gian thiên nhiên ấy không thể pha trộn với nơi đâu. Điều này, Nghĩa (Bến không chồng) đã phải

“thừa nhận” "Dù có đi xa đến đâu Nghĩa vẫn thấy làng Đông hoàn toàn khác biệt". Đó là thế giới huyền diệu có "luỹ tre làng xanh mượt, những thân cau cao vút, dòng sông Đình lung linh in bóng cây quéo và nhịp cầu Đá Bạc [25;19].

Cùng là khi thu về, nhưng với mỗi vùng miền, bởi thiên nhiên và cảnh quan không gian không giống nhau nên hình ảnh thu, biểu tượng thu mỗi nơi có những đặc trưng riêng biệt. Nếu như với Hà Nội, thu được cảm nhận trước hết qua sắc lá hàng cây, sắc xanh hồ nước, hay với vùng trung du thì thu xâm chiếm hồn người trước hết qua những rừng cây mênh mông xao động với hương rừng thanh mát tỏa lan, còn với vùng biển đảo, thu lộng lẫy hiện diện qua trời xanh nối biển xanh, qua mây trắng nắng vàng mênh mang hùng vĩ, thì với vùng quê

đồng chiêm trũng Thái Bình, thu đậu trên những cánh đồng lúa vàng óng ả với hương lúa bao trùm cả không gian đồng ruộng. Khi thu về, Thái Bình mang vẻ đẹp yên bình, đậm chất thơ, lắng đọng như một nỗi niềm cổ tích: "Nền trời mây trắng xanh bồng bềnh man mát tầm nhìn. Con sông lúc này đẹp lên một cách rực rỡ. Mặt trời chiếu ánh nắng xuống mặt sông và mặt sông lại óng ánh lên những lớp sóng vàng. Đàn ngỗng của đơn vị đang thong thả bơi, trông như những con thiên nga trắng thường thấy trong phim [34;7]. Và khi đêm về, "vầng trăng hiện ra nhuốm vàng mọi cảnh vật... Bầu trời đầy sao lung linh và vầng trăng đơn độc lửng lơ trên nền trời” [25;176]. Vào những đêm trăng, quê lúa Thái Bình chìm trong vẻ yên tĩnh đặc trưng: “Càng về khuya, trăng lại càng sáng. Trăng như quả bòng vàng dính trên nền trời vời vợi. Thưa thoảng, một đám mây bông bạc trôi ngang, đột ngột khép bầu trời lại. Bóng tối mờ ảo bao trùm. Đám mây lại vội vã trôi qua, trả lại ánh trăng chan hòa cho đồng lúa… Ánh trăng lọt qua những vòm phi lao, rơi xuống con đường cát sỏi, cỏ viền như có người rắc lên những chùm hoa trắng. Gió nồm phảng phất thổi mùi hương lúa thoang thoảng, thổi những chùm hoa trắng xôn xao. Ở cuối làng, chiếc diều của ai đó buông từ chiều hôm vẫn cần mẫn thổi vào không gian những tiếng sáo ngân vang da diết” [14;356].

Trên vùng đất trù phú ấy, người với người gắn bó, yêu thương: "Trăng đã nhô lên in rõ bóng hai đứa trên vạt cỏ. Cửa Cống Linh đèn vó bè rực lên như những ngôi sao lung linh trên mặt nước, thỉnh thoảng lại có những chiếc vó cất lên rít ken két. Cả hai đứa lặng nhìn những chú cá mòi trắng bạc nhảy xua xúa trong vó, tiếng nước chảy qua cửa cống nghe ào ào ngỡ như có mưa rào dưới trăng"

[25;36].

Mùa đông, vùng đất Thái Bình vẫn mang vẻ dịu êm, an lành như rơm rạ:

“Mùa đông nước sông cạn, phơi ra dải cát trắng phau lấp lóa dưới nắng. Nước sông trong veo, lặng lẽ trôi giữa đôi bờ cỏ cây xanh tốt” [25;17]. Trên bờ sông là

“cây gạo lặng lẽ, cành lá khẳng khiu”. Và khi xuân về: “Khắp cánh đồng màu rực lên những dây cờ xanh, đỏ, trắng vàng và những thằng người nộm…Lũ chim sẻ khôn như ranh, sà xuống chén những mầm đậu đội mũ đứng thành hàng đều tăm tắp dưới làn mưa xuân lất phất bay” [25;20]. Cuối tháng hai, làng quê ấy dịu

dàng với "Nắng chiều xuân nhàn nhạt. Vòm trời chiều xuân cao cao. Những vầng mây phớt xanh nhờ nhờ trắng đan vào nhau làm âm ấm không gian, âm ấm mắt nhìn" [12;36]. Và sang tháng ba, đồng quê bừng lên sức sống: "Dưới nắng hanh, bờ bãi hiện ra như hai tà áo xanh khép hờ để lộ giải lụa trắng lấp lóa.

Đứng bên này trông sang bên ấy cứ ngỡ bên ấy bên này là một, đâu cũng đất đỏ mịn màng, đâu cũng bờ bãi xanh lấp chân đê... Ờ, có lẽ mình đã từng gắn bó với sông nước, con mắt mình ưa màu xanh yên ả ruộng đồng, cho dù đi đâu xa xôi mấy, gặp được dòng nước là tự nhiên muốn quen thân... Hãy theo sông Hồng về biển, và khi đứng giữa Ba Lại mênh mông sóng nước thì vẫn cảm thấy muốn gần, muốn thân hơn khi trông về những giải núi mờ phía Nam Định, Ninh Bình xa lắc xa lơ... " [43;66]. Ấn tượng về vẻ đẹp mảnh đất này được cảm nhận trước hết qua những trang văn về mùa màng đầy ắp sự sinh sôi và tràn đầy sức sống như thế.

Còn đây là khúc giao mùa nối xuân sang hạ: "Mưa xập xùi cả tuần, rồi đêm qua bất ngờ đổ trận mưa rào. Nằm nghe giọt nước mái nhà tong tong, nghe ếch nhái gọi nhau ran ran mọi ngả, lại như có cả tiếng sấm lục bục ùng ùng đâu đây mà mát ruột mất lòng. Sáng thì nắng chang chang, trời ngăn ngắt xanh. Lúa con gái ngấp nghé đầu bờ, lẫy theo tiếng sấm, giọt nước mát đầu mùa mà nên duyên thắm xanh, rồi mềm như mớ tóc dày mới gội của cô gái trẻ. Lúa xanh tràn lấp bờ vùng bờ thửa, trông hai bên đường 10, đường 39 như cảnh ruộng bát ngát không bờ...Đi trên vùng châu thổ sông Hồng - sông Luộc, sông Trà, tôi nghĩ đến vòng tay đỏ của những dòng sông. Hưng Hà–Quỳnh Phụ—Đông Hưng— Thái Thụy... cả một vùng đất màu rộng lớn nằm trong những vòng tay đỏ. Vòng tay cứ ngày một nới rộng ra, bởi phía trước là biển Đông. Đất biển theo bàn tay con người cứ cồn dần lên những làng mạc, những cánh đồng cói bạt ngàn. Đất biển bạc sẽ cứ sinh sôi, phía ấy tỉnh ta không giới hạn! Còn bây giờ tôi đang tới một miền đất có giới hạn. Ở đó sông Hồng chia bên này Thái Bình bên kia Hải Hưng. Gọi là ranh giới theo quy ước xã hội thôi, chứ thật ra cây lúa, cây khoai bên ấy bên này cũng đâm bông kết củ từ đất mát, nước ngọt phù sa" [43;78].

Nhưng vì là vùng chiêm trũng với ba bề bốn bên là sông, biển, nên khi trời không yên, biển không lặng, người dân đồng biển phải đối mặt với những hiểm nguy khó lường. Những con sông nơi đây, khi trời quang mây tạnh mang dáng vẻ "êm ái như dải lụa uốn lượn", nhưng mùa mưa bão thoắt biến hình cuồn cuộn, cuồng nộ như con thủy long lao vào cuộc chinh chiến với biển cả" [39;9].

Chính vì lẽ đó, dễ hiểu vì sao người dân nơi đây bốn mùa phải "Trông trời trông đất trông mây/ Trông mưa trông nắng trông ngày trông đêm/ Trông cho chân cứng đá mềm/ Trời yên biển lặng mới yên tấm lòng" (ca dao). Và hiểu như vậy, độc giả mới thấm thía cảnh, khi “Bầu trời xám đục mầu chì, những đụn mây cuồn cuộn sà xuống thấp dần. Mặt đất oi nồng thỉnh thoảng lại tung lên lớp bụi bay ràn rạt trên các nóc nhà ngọn cây" thì "Những người dân đang làm động bỗng nhớn nhác ngửa mặt nhìn trời lo lắng cho cánh đồng lúa đang độ làm đòng.

Gió bỗng mạnh hơn cuốn theo những nhành cỏ khô và những chiếc lá bạch đàn trên bờ mương bay phấp phới như những cánh chim chao đảo. Đã có những hạt mưa rơi vào lưng áo Hạnh. Mọi người ơi ới gọi nhau chạy về làng” [25;154].

Canh mưa bão, chống lũ lụt là công việc thường trực với người dân quê lúa Thái Bình. Lịch sử vùng đất này từng ghi nhận những trận lụt lịch sử với rất nhiều tổn thất, mất mát. Trong trận lụt năm 1969, toàn tỉnh Thái Bình có 129 điểm đê sạt lở, tổng cộng gần 9 cây số và 70 cây số đê nước tràn. Rồi trận lũ năm 1971, cả tỉnh Thái Bình bị bao vây ba bề bốn bên là lũ: “Từ trên máy bay trực thăng nhìn xuống, Thái Bình như một cái thau xanh nổi trên mặt nước” [35;56]. Mặc dù vậy, khi những trận bão qua đi, bằng sức mạnh nội sinh trong mỗi người và tinh thần đoàn kết, ý chí, nghị lực của tập thể, người Thái Bình lại gây dựng bức tranh quê lúa dịu dàng, hiền hòa như chưa từng biết tới những ngày tháng vật lộn với thiên tai.

Sau tất cả, quê lúa Thái Bình luôn được bảo vệ, vun đắp với không gian thiên nhiên dịu dàng, với những cảnh sắc, âm thanh, mùi hương đậm hương đồng gió nội. Đọc các trang văn xuôi Thái Bình nửa sau thế kỷ XX, độc giả luôn cảm nhận rất rõ vẻ đẹp ấy.

Một phần của tài liệu Con người trong văn xuôi thái bình nửa sau thế kỷ xx từ góc nhìn địa văn hóa (Trang 89 - 95)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(127 trang)