Chương 1. NHỮNG VẤN ĐỀ LÍ LUẬN LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI
1.2. Đặc điểm địa - văn hóa tỉnh Thái Bình - những yếu tố ảnh hưởng tới khí chất con người Thái Bình
1.2.3. Đặc điểm kinh tế, xã hội tỉnh Thái Bình qua các thời kỳ
Thái Bình là vùng đất được bao bọc bởi "ba bề bốn bên" là sông, biển.
Đặc điểm tự nhiên đó vừa là điều kiện thuận lợi, là tiền đề để tạo nên một "vùng đất cửa sông Hồng phì nhiêu đầy sức sống, phù sa tuôn đỏ rực ra tận biển xa".
Nhưng cũng vì nhiều sông, giáp biển lại ở vùng trũng nên "từ ngàn xưa cho đến bây giờ, người đồng biển Thái Bình đã phải chống lụt, chống nước biển tràn, đương đầu và khắc phục thiên tai" [35;1]. Cũng bởi điều kiện tự nhiên đó, nhân dân Thái Bình từ lâu đã luôn có ý thức xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng các công trình thủy lợi để phục vụ sản xuất, gây dựng đời sống cũng như góp phần xây dựng, bảo vệ quê hương đất nước.
Ở các thời Đinh, Lý, Trần, Lê chính sách khuyến nông của các nhà nước phong kiến được quan tâm, đẩy mạnh và đạt được những thành tựu đáng kể. Các
phương pháp cải tạo nguồn nước, thau chua rửa mặn đã làm cho nhiều vùng đầm lầy nước mặn có thể trồng cấy, canh tác được. Một số đê biển cũng được xây dựng. Vào thời Trần, ở Thái Bình, các công trình thủy lợi lớn nhỏ đều được chú ý tu sửa, bồi đắp, cải tạo hoặc mở rộng thêm. Một số đê biển cũng được bắt đầu xây dựng. Đoạn đê sông Hồng từ làng Đông tới làng Văn Lang dài 24 km được đắp nhằm chống lũ sông Hồng để bảo vệ toàn bộ phía nam của tỉnh. Sông Thái Thường (còn gọi là sông Thái Sư, để ghi nhận công lao của Thái sư Trần Thủ Độ) không lớn nhưng lại nối với các dòng sông lớn chảy bao quanh tỉnh nên rất thuận lợi cho giao thông, phục vụ thiết thực cho việc xây dựng, phát triển kinh tế. Do sớm biết quan tâm phát triển thủy lợi nên việc khẩn hoang ở Thái Bình thuận lợi và có nhiều kết quả. Nhiều trang ấp, làng mới được thành lập ở các nơi (nhiều nhất ở vùng Hưng Nhân, Duyên Hà, Quỳnh Côi, Phụ Dực ngày nay).
Năm 1266, nhà Trần cho phép các vương hậu, công chúa, phò mã, cung phi chiêu tập dân nghèo để đắp đê ngăn nước mặn, khai phá vùng đất phì nhiêu dọc sông Hồng, lập nên những điền trang rộng lớn ven biển, trong đó có khu vực Thái Bình. Những công trình khẩn hoang, thủy lợi như vậy đã thúc đẩy nông nghiệp ở đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có Thái Bình phát triển nhanh, đạt được trình độ thâm canh, tăng vụ rất cao ở thời Trần. Ngoài trồng lúa, nhân dân còn trồng nhiều hoa màu, trồng dâu nuôi tằm, cây ăn quả, ... Thời nhà Hồ (tuy chỉ tồn tại trong thời gian ngắn), việc đắp đê ngăn mặn để tiện cho việc cày cấy ở vùng sông Hồng, trong đó có Thái Bình được Hồ Hán Thương quan tâm chỉ đạo.
Nhờ thủy lợi phát triển mà phần lớn đất đai Thái Bình được khai phá, đồng ruộng được mở mang, trù phú hơn. Đồng thời, Thái Bình trở thành một trong những vùng đất có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quốc gia Đại Việt độc lập. Thế kỷ XIX, thời Nguyễn, được thừa hưởng thành quả và kinh nghiệm hàng nghìn năm của các thời kì trước để lại, công việc thủy lợi của Thái Bình vẫn có những thuận lợi nhất định. Tuy vậy, nhìn một cách tổng quát, thủy lợi thế kỷ XIX ở Thái Bình cũng như cả nước vẫn bộc lộ nhiều mâu thuẫn, thể hiện trình độ tổ chức, quản lý trong công tác thủy lợi có nhiều yếu kém, hạn chế. Từ cuối năm 1827, sang năm 1828, việc đào sông, đắp đê, xây đập, xây
cống ở Thái Bình diễn ra sôi nổi, rầm rộ gắn với tên tuổi Nguyễn Công Trứ. Sức lao động sáng tạo to lớn của nông dân cùng với tài tổ chức chỉ đạo của tướng công đã giải quyết tốt vấn đề thủy lợi, đem lại hiệu quả to lớn. Năm 1883, Thái Bình bị thực dân Pháp chiếm và thiết lập nền đô hộ. Các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa đều được thực hiện theo mục đích vì quyền lợi của chính quyền thực dân.
Như vậy, trải qua các thời kỳ lịch sử, trong những điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, nhìn chung kinh tế Thái Bình đã có những thành tựu đáng kể. Nhân dân đã biết kết hợp giữa việc đắp đê, xây dựng cống đập với việc khơi, đào sông để thoát lũ, chống vỡ đê, giải quyết việc tưới, tiêu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp; lợi dụng thủy triều để tưới tiêu, tiết kiệm công sức lao động cho nông dân; có thể biến ruộng một vụ thành ruộng hai vụ... Sự phát triển thủy lợi, việc tưới, tiêu được cải thiện giúp nghề nông có điều kiện thuận lợi để phát triển.
Thủy lợi phát triển đã góp phần tích cực vào việc khẩn hoang, lập làng, ấp, mở rộng địa bàn cư trú và mở rộng diện tích canh tác,
Ở vị trí vùng duyên hải, Thái Bình liên tiếp phải đón nhận những trận bão lịch sử, bị tàn phá nặng nề về mọi mặt. Ngày nay, trong ký ức của nhân dân địa phương vẫn còn ghi nhớ về nhiều cơn bão khủng khiếp đã tàn phá nhà cửa, ruộng đồng, mùa màng, gây nên đói rét, dịch bệnh.... Cùng với đó Thái Bình cũng thường phải chịu những trận mưa lớn, là một trong những tỉnh có lượng mưa trung bình cao trong cả nước. Cùng với bão to, mưa lớn, hạn hán cũng thường xảy ra đối với vùng chiêm trũng này. Những đợt hạn dài ngày đã tàn phá mùa màng và gây ra nạn đói, dịch bệnh khắp vùng đồng bằng sông Hồng và tỉnh Thái Bình, khiến nhân dân Thái Bình nhiều người phải tha phương cầu thực. Câu ca: "Thái Bình là đất ăn chơi/ Tay bị tay gậy khắp nơi tung hoành" mà dân gian lưu truyền bấy lâu chính là nói về thực tế của vùng "đất chật người đông" này. Trong khi điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, dân số Thái Bình giai đoạn cuối thế kỷ XIX và 30 năm đầu của thế kỷ XX tăng nhanh chóng đã tạo nên thách thức và tạo sức ép lớn tới phát triển kinh tế, xã hội Thái Bình. Thái Bình trở thành một trong những tỉnh đông dân nhất ở Bắc Kỳ giai đoạn 30 năm đầu thế kỉ XX. Ngay ở năm đầu tiên
sau ngày cách mạng tháng Tám thành công, mùa lũ năm 1945, Thái Bình bị lũ lụt phá hoại nặng nề sau trận ngập lụt kéo dài gần một tháng. Lúa, hoa màu vụ mùa (1945) toàn tỉnh bị mất trắng. Đê Đìa (Hưng Nhân) và đê Mỹ Lộc (Thư Trì) bị vỡ, khiến các phủ, huyện trong tỉnh ngập lụt hết. Nhà cửa tài sản của nhân dân bị nước lũ tàn phá nặng nề. Sau nạn lụt là bệnh dịch và nạn đói đe dọa nghiêm trọng. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thực hiện các biện pháp diệt giặc đói của Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình tổ chức lãnh đạo nhân dân thực hiện 3 biện pháp lớn: Tổ chức cứu tế; bảo vệ đê điều chống nạn lụt; vận động tăng gia sản xuất, tiết kiệm. Trong khi nước lụt chưa rút hết, nông dân các vùng có chân ruộng cao đã tranh thủ gieo mạ để cấy tái giá; đồng thời trồng các cây màu ngắn ngày như đậu, ngô, khoai, nhất là khoai lang được trồng ở khắp nơi. Kết quả, toàn tỉnh đã tranh thủ cấy lại được hàng trăm mẫu lúa và cây lương thực phụ để chống đói. Ngày 28-4-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm tỉnh Thái Bình lần thứ 2 và khen ngợi những thành tích đắp đê phòng lụt của nhân dân địa phương. Các đơn vị bộ đội, cán bộ, nhân viên nhà nước, công nhân các thị trấn, thị xã,... đã tự nguyện về nông thôn cùng nông dân đắp đê, đào sông ngòi phòng lụt, khai hoang, phục hóa, thực hiện khẩu hiệu "tấc đất tấc vàng", nên gần một vạn mẫu đất hoang trong tỉnh đã được khai phá và canh tác.
Nhờ đẩy mạnh công tác thủy lợi, gần một năm sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, diện tích trồng cây hoa màu, lương thực tăng lên. Vụ chiêm, vụ mùa năm 1946 được phục hồi và bội thu. Sản lượng lúa, ngô, khoai, sắn, đỗ, rau màu,... tăng lên, nhất là sản lượng khoai lang tăng gấp nhiều lần.
Vấn đề lương thực, thực phẩm được giải quyết, nạn đói bị đẩy lùi. Đời sống tính thần, vật chất được cải thiện, nhân dân càng phấn khởi tin tưởng vào Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và chế độ dân chủ mới. Từ tháng 12- 1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, nhân dân cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Nhưng từ tháng 12-1946 đến tháng 2-1950, Pháp chưa đánh chiếm đến Thái Bình. Trong điều kiện thuận lợi đó, Chính quyền nhân dân cách mạng, Mặt trận Việt Minh tỉnh Thái Bình tăng cường tổ chức, vận động đồng bào trong tỉnh chuẩn bị mọi mặt để kháng chiến.
Nhờ chính sách khuyến nông của Chính phủ, thủy lợi được chăm sóc, cải thiện nên việc khai hoang đạt kết quả. Diện tích ruộng đất hoang của tỉnh được khai phá, canh tác mở rộng. Vì vậy mà sản lượng lúa, lương thực phụ, rau màu toàn tỉnh những năm này tăng rõ rệt. Cùng với diện tích trồng lúa và rau màu, cây lương thực, tỉnh cũng chú trọng việc tăng diện tích trồng bông, cây dâu tằm. Nhờ vậy, Thái Bình những năm 1946-1949 không những tự túc được lương thực, áo mặc mà còn cung cấp cho tiền tuyến. Mặc dù chiến tranh ác liệt, giặc Pháp và tay sai ra sức phá hoại, cản trở; nhân dân không xây dựng và phát triển được các công trình thủy lợi mới nhưng nhờ sự lao động dũng cảm, cần cù, sáng tạo của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, các công trình thủy lợi trong toàn tỉnh vẫn được bảo vệ, tu sửa, củng cố, phát huy hiệu quả góp phần thúc đẩy sản xuất, đóng góp cho thành công của công cuộc "Kháng chiến, kiến quốc".
Sau cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi, trước yêu cầu mới của cuộc cách mạng, Thái Bình có kế hoạch xây dựng, phát triển kinh tế, trong đó ngành kinh tế chủ yếu của tỉnh là nông nghiệp được phát triển toàn diện, cân đối, mạnh mẽ theo phương hướng hợp tác hóa - tập thể hóa xã hội chủ nghĩa. Trong công cuộc này, thủy lợi đi trước một bước, dần được hiện đại hóa. Việc tưới tiêu bằng phương pháp khoa học (lợi dụng thủy triều dòng nước tự chảy, dùng máy bơm v.v...) đã góp phần cải thiện điều kiện lao động, giúp giảm bớt vất vả, cực nhọc của nông dân, tiết kiệm được sức lao động trong việc làm thủy lợi cũng như trong sản xuất, tạo điều kiện phân công lao động hợp lý ở nông thôn. Mạng lưới điện, máy móc, thiết bị phục vụ việc làm thủy lợi, việc cơ khí hóa thủ công nghiệp trong nông nghiệp (xay xát lương thực, nghiền thức ăn gia súc, chế biến nông, hải sản, máy tuốt lúa v.v...) phát triển nhanh. Hệ thống đê, đường, cầu, cống, sông ngòi ngày càng mở rộng, hoàn chỉnh, tạo tiền đề để Thái Bình phát triển kinh tế công - thương nghiệp. Các đầu mối giao thông, bến bãi được mở rộng, tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa ở Thái Bình. Công cuộc thủy lợi hóa của Thái Bình đã thúc đẩy kinh tế phát triển, bảo vệ, cải thiện môi trường sống, làm cho nông thôn đổi mới, đời sống nông dân ổn định và được cải thiện. Nhờ vậy, Thái Bình có đủ điều kiện hoàn thành nghĩa vụ đóng góp cho Nhà nước, góp
phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ miền bắc XHCN, kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Sau 1975, đặc biệt là sau Đổi mưới 1986, sản xuất, giao thông Thái Bình dần phát triển, cơ chế làng xã phát triển theo cơ chế mở và giao lưu ngày càng rộng rãi với thế giới bên ngoài. Quá trình điện khí hóa, cơ khí hóa ở nông thôn được thúc đẩy nhanh chóng. Cơ cấu xã hội nông thôn thay đổi, người nông dân sống theo pháp luật, có kiến thức khoa học - kỹ thuật, lao động cần cù, bền bỉ, thông minh, sáng tạo, đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau, gắn kết cộng đồng. Những mặt tích cực của nền văn hóa nông nghiệp lúa nước được phát huy. Những hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống, đặc sắc của nhân dân (các lễ hội, múa rối nước, đua thuyền, dân ca, hát chèo v.v...) được quan tâm phát triển. Đầu năm 1988, thực hiện Nghị quyết "Đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp" (Nghị quyết 10) của Bộ Chính trị, Thái Bình đã sắp xếp lại tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên môn hóa, kết hợp với kinh doanh tổng hợp; thực hiện giao khoán ruộng đất, ao hồ. Tỉnh đã hoàn thành việc giao quyền sử dụng ruộng đất ổn định lâu dài cho từng hộ xã viên, thực hiện "dồn điền, dồn thửa", hình thành kinh tế trang trại ở một số nơi. Đầu những năm 90 của thế kỷ XX, các địa phương trong tỉnh tổ chức thực hiện đổi mới về tổ chức, quản lý hợp tác xã nông nghiệp; đổi mới nội dung, hình thức hợp tác xã. Ban Quản trị hợp tác xã nông nghiệp chuyển đổi chức năng, vai trò của mình sang làm công tác dịch vụ sản xuất cho hộ xã viên. Từ sau 1991 trở đi, Thái Bình tổ chức thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Từ đó các vùng sản xuất nông nghiệp mang tính chất hàng hóa của tỉnh được hình thành: vùng sản xuất lúa - lợn chất lượng cao, đặc sản xuất khẩu; vùng lúa màu vụ đông; vùng cói;
vùng dâu tằm; vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm, vùng nuôi trồng thủy sản... Đồng thời, xây dựng cánh đồng đạt giá trị 50 triệu đồng/ha trở lên. Ở thập kỷ cuối thế kỷ XX, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế nhiều thành phần, hoạt động theo cơ chế thị trường của Thái Bình được quan tâm đẩy mạnh,
tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội phát triển nhanh. Tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, các khu công nghiệp, thương mại, làng nghề,... phát triển.
Nằm ở vùng Đông nam của đồng bằng sông Hồng, có diện tích không rộng (khoảng 1550km2), được bao bọc bởi ba con sông lớn (sông Hồng ở phía Tây Nam, sông Luộc phía Tây Bắc, sông Thái Bình ở phía Đông Bắc và phía đông là biển), Thái Bình giống như một “cù lao” được bao bọc bởi sông nước. Dân số Thái Bình có 1.860.447 người (theo số liệu năm 2019), dân số vùng nông thôn chiếm tới 80%. Mật độ dân số Thái Bình, đến năm 2000 đạt đến 1.200 người/km2, cao gấp 6 lần mật độ bình quân của toàn quốc. Với đặc điểm địa lý và dân số như vậy, Thái Bình là tỉnh được coi là “đất chật, người đông”. Điều này hình thành nên tính cách con người Thái Bình siêng năng, cần cù, tiết kiệm, dễ thích nghi, có nhiều sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Những phẩm chất đó được phản ánh trong những thành tựu mà Thái Bình đạt được trên bước đường phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, Thái Bình cũng là mảnh đất đồng bằng màu mỡ, từ xa xưa đã là nơi di cư của người dân vùng trung du Bắc bộ và nhiều nơi khác nên người dân Thái Bình cũng tiếp nhận được nhiều nguồn văn hoá, cách sống khác. Đó là sự phóng khoáng, cởi mở, dễ tiếp nhận mà không quá cực đoan giữ tính cách khu biệt.
Cũng bởi tính chất “hợp cư” nên Thái Bình là nơi hội tụ nhiều đặc trưng văn hoá, đặc biệt là văn hoá vùng đồng bằng Bắc bộ. Cùng với Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình được coi là cái nôi của chiếu chèo. Chèo Làng Khuốc - làng chèo nổi tiếng thuộc xã Phong Châu, huyện Đông Hưng được coi là nơi sản sinh ra chèo, có lịch sử hình thành hàng ngàn năm. Vùng đất Thái Bình đã sản sinh ra nhiều nghệ sĩ chèo ưu tú như Nguyễn Mầm, Nguyễn Tích, Tống Văn Ngũ (tức Năm Ngũ)… Nhà hát chèo Thái Bình được thành lập từ năm 1959, cho đến nay vẫn là nơi đào tạo nhiều thế hệ diễn viên chèo triển vọng.
Về chèo, theo nhà văn Dương Hướng, tác giả của những tiểu thuyết nổi tiếng như Bến không chồng, Dưới chín tầng trời, Trần gian đời người, khi được hỏi “cái gì” là hồn cốt của làng quê, nhà văn hào hứng trả lời: “Đó là chèo!”.
Ông còn cho biết thêm: Trong cả 3 tác phẩm nổi tiếng nhất của ông đều có