Đậm vẻ mộc mạc, chất phác

Một phần của tài liệu Con người trong văn xuôi thái bình nửa sau thế kỷ xx từ góc nhìn địa văn hóa (Trang 57 - 63)

Chương 2. NHỮNG HÌNH TƯỢNG TIÊU BIỂU TRONG VĂN XUÔI THÁI BÌNH NỬA SAU THẾ KỶ XX TỪ GÓC NHÌN ĐỊA VĂN HÓA

2.1.3. Đậm vẻ mộc mạc, chất phác

Do những đặc điểm nguồn gốc cư dân, Thái Bình là nơi hội tụ và lan tỏa các sắc thái văn hóa, văn minh của vùng châu thổ Bắc Bộ. Nhiều danh sĩ nước Việt, nhờ được đồng đất Thái Bình nuôi dưỡng mà có công danh sự nghiệp để đời. Được chung đúc bởi khí thiêng sông biển nên những bậc anh hùng hào kiệt “lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa” ở đất này thời nào cũng có. Cần mẫn trong lao động, quả cảm trong chiến đấu, hiếu học và giàu chí tiến thủ là

những tố chất nổi trội của cư dân Thái Bình. Ngoài những phẩm chất đó, người các địa phương, vùng miền khác còn cảm nhận được nét chất phác dễ gần ở người Thái Bình. Và điều này được các cây bút văn xuôi Thái Bình nửa sau thế kỷ XX thể hiện đậm nét.

Vẻ chân chất, thuần phác của người đồng biển Thái Bình được bộc lộ ngay từ trong lời nói. Đọc Bến không chồng (Dương Hướng), có thể thấy khoảng cách giữa các nhân vật dường như được kéo lại rất gần bởi cách xưng hô thể hiện họ là những người trong một gia đình hoặc cùng làng xóm, cùng lứa tuổi…. Ngay khi chú Vạn về làng, gặp hai đứa trẻ quẩy đôi quang gánh nhũng nhẵng đi bên nhau, chú cũng đã suồng sã thân mật hỏi ngay: - Chúng mày đi đâu đấy? – Chúng mày là con cái nhà ai?” [25;10]. Gặp lại người bạn tên Đột ngày xưa, chú Vạn hỏi: “Mày không nhận ra tao à? – Mày làm chủ tịch à?” [25;12].

Cách xưng hô như vậy người dân nơi đây đã nói với nhau từ bao đời, cũng là cách mà khi còn nhỏ, Nghĩa vẫn xưng hô với Hạnh: “Mày có thích chuột con không? – Nghĩa hỏi và móc trong túi ra một nắm con tí đỏ hỏn chưa mở mắt đưa cho Hạnh"

[25;19]. Đó là cách xưng hô quen thuộc, có thể xuất hiện ở quan hệ thân mật - ngang bằng, cũng có thể là của bề trên với bề dưới, của cha với con, kiểu chủ tịch Đột hỏi con: “Mày thấy chú Vạn đến chưa?”.

Cách gọi theo lối quen thuộc này được dùng trong mọi hoàn cảnh. Khi chứng kiến cảnh Nghĩa và Hạnh ăn nằm với nhau, chú Vạn quát: “Chúng mày làm trò gì thế kia? – Từ nay tao cấm chúng mày không được đùa kiểu chết người như vậy”. Cách xưng hô của mẹ và con trai – của bà Khiên và Nghĩa, của mẹ và con gái – của bà Nhân và Hạnh cũng nhiều lần như vậy. Khi nhận tin Nghĩa và Hạnh yêu nhau, cả hai bà mẹ đều ngạc nhiên. Bà Khiên đã nói với Nghĩa: “Mày quên bổn phận của mày sau này cũng là trưởng tộc sao? Khi Hạnh chạy về nhà, bà Nhân hỏi cô: “Mày làm sao vậy Hạnh?”. Lòng người mẹ ấy buồn bã, đau xót khi hỏi con: “Chả lẽ chúng mày cứ lang thang mãi như thế sao?” [25;39]. Các đại từ xưng hô trên đều có thể xuất hiện trong nhiều mối quan hệ, không loại trừ mối quan hệ nào. Bạn bè thân nhau thì các đại từ này càng phát huy tác dụng.

Dâu và Hạnh là bạn bè thân thiết, thường xuyên tâm sự. Khi Nghĩa đã trở về mà

Hạnh mãi không có con, Dâu vỗ về bạn: “Khổ thân mày Hạnh ơi”, “Trông mày gầy rộc đi đấy".

Sự hành chức của từ xưng hô trong gia đình phụ thuộc vào thói quen văn hóa của cộng đồng, văn hoá vùng miền. Mặt khác, khi đặt vào tình huống giao tiếp cụ thể mới thấy được sắc thái tình cảm, hàm ý của chủ thể giao tiếp và từ đó xác định được mục đích, hiệu quả giao tiếp. Theo các nhà từ vựng học, cặp từ xưng hô "mày", - "tao" nằm ở thang độ trung hòa nghiêng về sắc thái âm tính, cũng có khi thể hiện sự bất bình, hay chứa đựng một chút hàm ý đe doạ, bộc lộ rõ quyền lực của vai trên. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi ở những gia đình sống ở vùng nông thôn, khi ông bà gọi con cháu theo kiểu tao – mày/mầy/mậy thì sắc thái tình cảm ở đó không có gì thay đổi và cách xưng hô này thường thấy ở các gia đình thuần nông, chất phác. Cặp xưng hô "mày" -

"tao" có khi thể hiện sự suồng sã, bộc lộ sắc thái âm tính nhưng cũng có khi thể hiện sắc thái dương tính, thân mật, gần gũi. Cặp từ mày – tao cũng thường xuyên xuất hiện trong xưng hô giữa cha - con, mẹ - con. Cặp từ này xuất hiện với tần suất lớn các sáng tác văn xuôi Thái Bình nửa sau thế kỷ XX. Chủ tịch Đột gọi con thằng Công là “cu Tốn”, “thằng Tốn”. Lão Xung có lúc rỉ tai Vạn

“Mày có biết lão Hào còn có vàng giấu ở đâu đó” và có lúc gọi Vạn là “Thằng phản bội…”.

Ngoài cặp từ "tao - mày" để xưng hô giữa ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai, khi gọi ngôi thứ ba, các nhân vật gọi họ là "thằng", "con", "mụ", ... một cách rất tự nhiên. Nghĩa gọi anh trai của người yêu theo kiểu: “Thằng Hà thằng Hiệp không cho mày đi đâu”. Nhà văn cũng gọi nhân vật bằng chính cách gọi thân mật như vậy “Thằng Hà vừa nói vừa cởi quần nhảy phốc xuống ao…Thằng Hiệp xách xâu chim sẻ vừa bẫy được đến khoe mẹ”. Ngay cả những người lớn tuổi trong họ Nguyễn nhà chú Vạn như ông Xung, khi nói với ông Khiên cũng gọi chú Vạn là "thằng": “Anh định cho thằng Vạn về từ đường ở sao?”. Ông Khiên cũng gọi Nguyễn Vạn là "thằng" như thế. Tương tự, lối giao tiếp của chú Vạn và mụ Hơn cũng mang đậm màu sắc nông thôn, dân dã. Vạn và chính nhà văn đều gọi bà Hơn là “mụ Hơn": “Mụ Hơn cuống cuồng, nước mắt giàn

giụa…mụ ấp úng”. Khảo sát các tác phẩm văn xuôi Thái Bình nửa sau thế kỷ XX, chúng tôi thấy lớp từ xưng hô thân mật, suồng sã xuất hiện rất phổ biến.

Ngoài cặp từ xưng hô "mày - tao" và gọi người ngôi thứ ba là "thằng" hoặc

"con", "hắn", "mụ", "con mụ", "bọn", v.v, người dân nơi đây còn sử dụng các từ chỉ quan hệ họ hàng (chú, thím, cậu, dì, ...). Chính lớp từ xưng hô này góp phần thể hiện đậm màu sắc người dân thôn quê Thái Bình nói riêng, người vùng đồng chiêm trũng nói chung.

Bên cạnh sử dụng lớp từ ngữ đậm vẻ chân chất của người đồng biển, các nhân vật trong văn xuôi Thái Bình nửa sau thế kỷ XX còn sống động qua cách nói, cách trao đáp, cách diễn đạt đậm màu sắc đồng quê.

Chị Hai trong Dâu xanh ven sông hỏi người khách lạ: “Hỏi thế này không phải, dưng mà các bác ở mãi đâu ta quá bộ về tận cánh bãi chúng em xem đất…?”. Một người khác hỏi: “- Thế các ông ấy về làm gì vợi, chị Hai?”. “Cha ấy người đâu ta vậy?” [35;53]. Họ than thở với nhau: “Làm việc mà cứ ông chẳng bà chuộc, chán bỏ mẹ” [35;39]. Họ nhận xét: “Chúng mày ngu bỏ mẹ”

[25;108], "Trông mày ngu ngơ bỏ mẹ” [25;116]. Họ cáu bẳn: “Mẹ kiếp! Vừa về đến tỉnh đã lại báo động” [34;117]. Rồi kể lể: "Chỗ chị em, em nói thật, anh ấy nhà em cứ đay đớn món bá khất, thúc em xin cả bá để lo việc cưới cái út Len.

Nể bá, thôi em đành vay ngõ khác đập vào vậy" [12;38]. Mỗi nhân vật một lời, gom góp dựng dậy bức tranh đồng quê sống động với những con người có lúc thăm dò, mềm mỏng, có lúc tức khí, chua ngoa, nhưng trên tất cả vẫn là sự chân chất, mộc mạc.

Người dân Thái Bình từ bao đời đã gắn với nghề trồng lúa, trồng dâu,…

cho nên mọi cách cảm cách nghĩ, lời ăn tiếng nói cũng chân chất mộc mạc, giản dị như chính cốt cách, tâm hồn của họ. Với Thái Bình nói riêng, vùng đồng bằng Bắc Bộ nói chung, cây lúa, đồng ruộng là yếu tố quan trọng làm nên đặc trưng văn hóa nông nghiệp lúa nước. Vì thế kiểu tư duy cây lúa chi phối lời ăn tiếng nói, cách suy nghĩ của người nông dân. Đó là lối so sánh “người chết như ngả rạ”, là sự than thở "thời buổi thóc cao gạo kém", ... Trong giao tiếp, các câu nói của các nhân vật thường quy chiếu về hoặc có mối quan hệ với cây lúa, đồng

ruộng và những hình ảnh quen thuộc đã trở nên gắn bó, ăn đời ở kiếp với người nông dân. Và Thái Bình còn là vùng cửa biển, nên bên cạnh cách nói, ví von gắn với cây lúa còn có những ví von, so sánh gắn với biển, kiểu "Miệng dân, sóng biển" [12;37]. Người nơi đây cũng thường vận thành ngữ trong nói năng, kiểu:

“Ốc chả mang nổi mình ốc, lại còn đòi làm cọc cho rêu” [35;10], “Cánh tớ bàn nát cỏ gà ra rồi” [35;11], “Đê quê ta như cái bồ quây thóc” [35;55],...Đặc biệt, các bà, các mẹ, những người phụ nữ Thái Bình thường hay vận ca dao, tục ngữ trong lời nói, tạo nên lối nói đậm màu sắc dân gian. Quan trọng hơn, cách nói ấy thể hiện vẻ đẹp bình dị, thuần phác của con người nơi đây. Sau sự kiện dân quân du kích làng Nguyễn đánh giặc, lập công, các bà mẹ Thái Bình hát ru con: "…

Tượng đài du kích kèn đồng/ Mở đầu trang sử anh hùng quê ta!". Khi nhân dân hạ được máy bay địch trên những cánh đồng lúa bội thu, trên biển tường đầu làng, Ban Thông tin văn hóa đã kẻ lên đó một khẩu hiệu bằng văn vần: Hoan hô chiến thắng tuyệt vời/ Hai lần hai máy bay rơi chốn này" [34;226]. Sự bình dị, chân chất ấy được thấm vào tuổi thơ con trẻ, tỏa lan từ những bài đồng dao, hò vè mà trẻ thôn quê hay hát. Đây là bài vè mà lũ trẻ làng Đông (Bến không chồng - Dương Hướng) hay hát khi chơi trò "thả đỉa" đuổi bắt nhau vòng quanh gốc quéo: "Thả đỉa ba ba/ Chớ bắt đàn bà/ Phải tội đàn ông/ Cơm trắng như bông/

Gạo tiền như nước/ Đổ mắm đổ muối/ Đổ chuối đổ tiêu/ Đổ niêu cứt gà/ Đổ vào nhà nào/ Nhà ấy phải chịu". Cái chất dân gian còn được vận vào cả trong lời nói con trẻ còn thò lò mũi xanh, đang bi bô học nói: "ữ ...i...à...cái trống cối... ữ ...o... à... ái ... ung ...ồi ... khoai", "Xuyền xan ai ... ậu... ến ...xan...xấy ...en dất dả ơ hàn anh ương". Chất dân gian đó chính là sữa nguồn nuôi dưỡng, bồi đắp vẻ đẹp thuần phác của con người nơi đây.

Vẻ đẹp mộc mạc, chân chất, trọng nghĩa tình, biết gắn bó, yêu thương, đùm bọc, sẻ chia của người Thái Bình còn thể hiện trong hành động mà họ đối đãi với nhau. Tình cảm của người dân quê ấy giống như hạt lúa, củ khoai nhưng đằm thắm vô cùng. Còn nhớ ngày tiễn anh thanh niên Bùi Văn Kệch đẹp trai, trắng trẻo vào bộ đội lên đường Nam tiến, dân làng “vây quanh vòng trong vòng ngoài” bên anh [14;198] và sau 53 năm, trở về, người thanh niên ấy đã thành

một ông già với “đôi mắt mờ bạc, tâm tưởng lơ mơ, giọng lắp bắp, thân hình lọm khọm và một vết sẹo sâu hoắm trên đỉnh đầu” [14;198] nhưng những người bạn, người hàng xóm, người thân còn lại của ông Kệch vẫn ngày ngày qua lại chơi với ông. Dân làng bàn cách lập cho ông một gia đình riêng. Người góp công, người góp tiền, người góp vật liệu tre, nứa dựng cho ông một căn nhà hai gian. Cắt cho ông “hai sào ruộng và thay phiên đến cày, cấy, gặt hái” giúp ông [14;203].

Bất cứ đâu trên mảnh đất Thái Bình này, người ta luôn nhận được tình làng nghĩa xóm như vậy. "Tôi" (Tháng ba thương mến - Trần Văn Thước) chia sẻ: "Lệ quê tôi, những ai trước buổi đi xa hoặc trở về, dân làng đều rủ nhau đến chúc mừng, thăm hỏi. Với những người lính, khách đến càng đông hơn. Buổi tối đầu tiên tôi trở về cũng như trước ngày tôi đi lính, khách ngồi chật trong nhà, ngoài thềm, cả phần bán mái của ngôi nhà ba gian hỗn hợp tre - đất, vốn là nơi đặt cối xay thóc" [12;36]. Còn nhiều và rất nhiều những câu chuyện cảm động về sự gắn bó, yêu thương, tinh thần chia sẻ của người nông dân Thái Bình, những phẩm chất dồn tụ làm nên vẻ đẹp thuần phác của con người nơi đây được văn xuôi Thái Bình nửa sau thế kỷ XX ghi lại. Bà Tám - mẹ của anh thương binh Nguyễn Đình Thúc (Người lang thang không cô đơn - Minh Chuyên) nhớ lại ngày Thúc có giấy gọi nhập ngũ, bà con anh em đến chật cả trong nhà ngoài sân. Rồi cái ngày nghe tin Thúc hy sinh có giấy báo tử về, bà con cũng đến đông như thế. Họ chia sẻ với ông bà, vì thế nỗi đau dần dà dịu lại. Rồi, khi hay tin anh Thúc còn sống trở về, người làng Tống Vũ kéo đến chật nhà để mừng cho ông bà Tám: "Tối nay, người dân quê ấy họ không túm tụm ở một vài nhà như mọi khi nữa mà kéo đến chật cả sân như hôm tiễn Thúc lên đường. Từ chiều bà Tám đã nấu mấy nồi nước chè xanh đặc quánh, cho trẻ chạy đi mượn dăm ba bộ bàn ghế, kê ngay ngắn ở sân. Bà mời chào khách đon đả...". Có thể thấy, chính tình làng nghĩa xóm ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn con người, giúp họ gắn kết, cùng vượt qua những thử thách, gian lao.

Sự gắn kết cộng đồng của người Thái Bình không chỉ thể hiện trong những tình huống tiễn đưa người đi xa hay đón rước người trở về mà mang tính thường

trực. "Vào những buổi tối, người dân thường túm tụm ở một vài nhà uống nước, tán chuyện hoặc coi vô tuyến “tàng hình”. Vì ở nơi máy thu kém, người trên màn hình có bóng, một hóa thành hai, nên người dân gọi là “vô tuyến tàng hình”.

Những buổi tối như thế có biết bao chuyện trên trời dưới đất để nói: “Nào là ông thần Nông lưng hơi còng xuống, tháng này không khéo mưa to". "Ngoài ruộng hai linh ba bị sâu đục thân phá tiệt". Đến chuyện ông A, ông B được cất nhắc lên nhậm chức ở Hà thành. Rồi chuyện con nái nhà bà Gở đẻ ra chú ỉn con hai đầu.

Cả chuyện I Rắc và Cô Oét xung đột v.v và v.v... Ở những nhà khấm khá, sắm được ti vi màu, trẻ con người lớn kéo đến xem ngồi chật cả bờ hè [14;471]. Qua những câu chuyện sinh động đó, độc giả có thể thấy được và càng thêm trân trọng, yêu quý những nét tính cách tiêu biểu của người nông dân Thái Bình mà sự thuần phác là vẻ đẹp có tính bền vững, làm nên truyền thống con người Thái Bình qua tháng năm, lịch sử.

Một phần của tài liệu Con người trong văn xuôi thái bình nửa sau thế kỷ xx từ góc nhìn địa văn hóa (Trang 57 - 63)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(127 trang)