Chương 3. KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT - PHƯƠNG DIỆN QUAN TRỌNG
3.1. Không gian thiên nhiên
3.1.3. Những biểu tượng nổi bật
“Cây đa, bến nước, sân đình” vốn là những hình ảnh quen thuộc của làng quê đồng bằng Bắc bộ. Văn xuôi Thái Bình cũng xuất hiện nhiều hình ảnh ấy.
Với những người con của vùng đất này khi đi xa, về gần nhìn thấy "cây đa cổ thụ sừng sững đầu làng" là nhìn thấy mái ấm yêu thương. Rồi vườn tược, hàng cau, gốc gạo, lũy tre xanh… những cảnh quan yên bình, giản dị đó đã đóng đinh hình ảnh về một miền quê lúa Thái Bình không thể trộn lẫn với nơi đâu. Ngay cả trong những ngày chiến tranh, sau những trận bom đạn tàn phá, vùng quê vẫn đứng đó với những hình ảnh thân thương, mộc mạc, thanh bình. Trong ánh mắt đen láy của bé Hạnh (Bến không chồng): “Làng Đông là thế giới huyền diệu, lũy tre làng xanh mượt, những thân cau cao vút, dòng sông Đình lung linh in bóng cây quéo và nhịp cầu Đá Bạc”. Và còn một loại cây nữa mà khi nhắc tới Bến không chồng của Dương Hướng, người đọc nhớ đến liền - đó là cây quéo. Hình ảnh cây quéo trở đi trở lại trong tác phẩm này nhiều lần, như một chứng nhân chứng kiến bao đổi thay, thăng trầm của vùng đất ven biển Kiến Thụy. Mở đầu Bến không chồng, người ta thấy một cây quéo cổ thụ gắn với làng Đông, đình Đông. Cây quéo như một biểu tượng cảnh quan của cái làng nhỏ bé ấy. Sau bao năm chinh chiến, anh bộ đội Vạn trở về làng, hình ảnh đầu tiên mà anh được nhìn thấy là cây quéo ấy: “Cây quéo trước của đình tán lá xanh sẫm cao lừng lững giữa khoảnh trời chiều” [25;5]. Người dân làng Đông những lúc rỗi rãi vẫn tụ tập dưới cái tán cây quéo cổ thụ ấy để trò chuyện, tâm tình và tán gẫu. Quanh gốc cây quéo ấy, người làng Đông có biết bao câu chuyện vui buồn để kể với nhau. Và cả đến những giây phút trọng đại nghe tin chiến thắng giải phóng miền Nam 30/4/1975, người làng Đông cũng tụ tập quanh gốc cây quéo đó, đứng lặng đi như uống từng lời từ chiếc loa phát ra… "rồi vồ lấy nhau nhảy cẫng lên”.
Cảnh quan thiên nhiên ở làng quê ấy tuy nhỏ bé nhưng rất đẹp, một vẻ đẹp giản dị, thuần khiết gắn với những biểu tượng văn hóa trầm tích trong đó lịch sử và truyền thống văn hóa. Người làng Đông thường nhận về làng mình với nhiều cái “nhất”: “Đình làng Đông to nhất. Cây quéo làng Đông cao nhất. Cầu Đá làng Đông đẹp nhất, nước sông Đình cũng mát nhất”... Người làng Đông thường
truyền tai nhau câu chuyện mà các cụ cao niên thường kể: “Đất làng Đông nằm trên mình con rồng. Dòng sông Đình bắt nguồn từ cống Linh chảy qua làng Đông uốn lượn như một con rồng. Nước sông như dòng sữa mẹ làm tươi tốt đất và người làng Đông" [25;10]. Ngay đến cái hồ nước ở giữa cánh đồng làng cũng có hẳn một câu chuyện truyền thuyết về cái hồ “mắt tiên”: Ngày xửa ngày xưa, có cô gái đẹp nhất làng Đông tên là Ngần. Cặp mắt cô Ngần tròn xoe long lánh như hạt nhãn mới bóc. Da cô Ngần trắng mịn, tóc dài và mịn như tơ. Vào tuổi trăng tròn, cô Ngần bị bố mẹ ép gả cho người mình không yêu. Đêm tân hôn cô Ngần trốn ra hồ nước giữa đồng tự vẫn. Thế là cái hồ nước vốn xưa kia lau sậy um tùm, tanh hôi như một vũng trâu đằm, nơi cú rúc, cuốc lủi hôi xì, đỉa bơi, cung quăng, ếch nhảy chòm chõm bỗng chốc biến hình. Lau sậy lụi tàn, cú cuốc cũng lủi sạch. Đỉa cũng mất tăm. Cái hồ nước đục ngàu xưa nay trở nên trong vắt quanh năm. Đàn bà con gái trong làng ai có nỗi khổ hay oan khuất thường trốn ra hồ để tắm. Chính vì có hồ tiên mà gái làng Đông da cô nào cũng trắng mịn, mang nhiều nét khêu gợi của tiên nữ [25;11]. Đã có câu chuyện về hồ mắt tiên, người làng Đông lại có câu chuyện về gò ông Đổng - cái gò bên cạnh hồ mắt tiên. Cái gò ấy “quanh năm bị dân vạc cày cấy xung quanh, chuột đồng đào bới, vậy mà gò đất vẫn không nhỏ mà dường như lại đầy lên, cỏ cây xanh tốt” [25;12]. Người già vẫn kể cho lũ trẻ nghe câu chuyện cái gò ông Đổng ấy: Ngày xửa ngày xưa có một người trai làng Đông đi đánh giặc 10 năm, chiến thắng trở về oai phong lẫm liệt, mắt sắc mày ngài, kiếm cung thao lược. Khi về đến cánh đồng làng nghe tin người vợ ở nhà bạc tình liền nhảy phốc lên gò đất cạnh đấy hét lên một tiếng vang trời, máu từ miệng hộc ra chết tươi. Người làng Đông mỗi khi có dịp qua đây đã ném lên đó một nắm đất. Vì thế ngôi mộ ngày một to cao lên mãi". Câu chuyện về hồ mắt tiên, gò ông Đổng của dân làng Đông là sự thêu dệt. Nhưng đằng sau những tích chuyện ấy người làng Đông muốn giải thích và thể hiện sự kiêu ngầm về vẻ đẹp của các cô gái làng, về chí khí khác thường của trai làng Đông, cũng như gửi gắm thái độ, quan điểm về sự chung thủy, tình nghĩa vợ chồng.
Còn biết bao câu chuyện xưa gắn với những vùng đất cụ thể ở khắp tỉnh Thái Bình. Ở đâu cũng có những câu chuyện và tích xưa được lưu giữ để người
dân Thái Bình hiểu về nguồn cội, về mảnh đất mà mình sinh sống. Biểu tượng làng quê Thái Bình vì thế không dễ bị trộn lẫn. Các cụ làng Đông còn bảo: “Đã là người làng Đông không biết tích làng mình là hỏng”. Đó không chỉ là lời nhắc nhở mà còn như một sự đánh dấu biểu tượng gắn với không gian tinh thần của mỗi làng quê.
Đọc văn xuôi Thái Bình, có những độc giả dù có thể chưa một lần đến với mảnh đất này những vẫn dễ dàng cảm nhận được đây là mảnh đất dung dị, mộc mạc đậm tình người qua những hình ảnh mang tính biểu tượng: những cánh đồng lúa mênh mông, thanh bình, những dòng sông hiền hòa, những cây cổ thụ trầm mặc đầu làng, những bến nước bình lặng, những dải đê hút tầm mắt ... Hình ảnh làng Đông trong Bến không chồng là một dẫn chứng: “Làng Đông xanh mờ phía trời xa. Hai đứa hối hả đi học dọc theo bờ mương chạy giữa cánh đồng lúa xanh non. Giữa trưa nắng cánh đồng Diêm không một bóng người. Một đàn cuốc đen chũi cẳng cao kều thơ thẩn bên bờ mương, thấy bóng người chúng chạy chúi xuống đám ruộng làm mấy con cun cút giật mình lao vút lên trời kêu chéo chéo, ... mấy con rắn nước đang bơi loăng quăng, thoáng thấy bóng người cũng vội vã lỉnh xa. Nắng như dội lửa loang loáng, những chú cua đồng ngoi lên đánh đu trên thân lúa thổi bong bóng” [25;18]. Còn đây nữa, quê của Ngân (Ngày xưa thương mến) với xóm Đông, xóm Đoài, với "Bãi Bàng như con cá rô đồng nằm tơ hơ trên bờ sông Sứ" với "những ngọn lửa hoa đồng nội bập bùng"
cùng "đàn châu chấu rào rào bay lên mỗi khi thấy động" [39;9]. Những cảnh như vậy in đậm dấu ấn của một vùng quê "lấy canh nông làm vi bản”.
Nói đến cảnh quan thiên nhiên với những cánh đồng lúa nặng trĩu bông của Thái Bình không thể không nói đến những dòng sông gắn với nền nông nghiệp lúa nước, gắn với đời sống tinh thần của nhân dân. Đó là sông Diêm Hộ, sông Trà Lý, sông Luộc, sông Lân... Những con sông ấy gắn với tên đất, tên làng cụ thể và giản dị đi vào văn học nghệ thuật như một cách để định vị miền quê lúa Thái Bình chứ không phải đâu khác. Trên mảnh đất được bao bọc
“ba bề bốn bên” là sông nước, Thái Bình có không biết bao nhiêu bến sông.
Bến sông là nơi già trẻ lớn bé, nam thanh nữ tú và cả đến những con trâu cũng ì
oạp vào những ngày hè. Bến sông đã trở thành biểu tượng cho sự hy sinh to lớn của người phụ nữ miền quê Thái Bình trong những năm tháng chiến tranh: “Bến sông này cùng với mảnh đất con người nơi đây đã đi vào đời sống văn học nghệ thuật ghi một dấu ấn sâu sắc như bản tình ca bi tráng về cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại” [36;213]. Và có một bến sông đã đi vào lịch sử như một huyền thoại là “bến không chồng”. Đó là cái bến nước cầu Đá Bạc nơi con sông Đình chảy qua. Người làng Đông (Bến không chồng) luôn tự hào vì mình được sống ở mảnh đất nằm trên mình con rồng. Bến cầu Đá Bạc ấy đã chứng kiến bao cuộc tiễn biệt những chàng trai làng ra trận nhưng không trở về, để bao người phụ nữ khắc khoải, thương đau, tụ lại ở cái bến này, hình thành nên bến không chồng. Hình ảnh cầu Đá Bạc là một phát hiện, một tín hiệu thẩm mỹ đầy ám ảnh mà Dương Hướng mang đến trong Bến không chồng. Ở nơi này, “những người đàn bà làng Đông tìm cho mình niềm vui gặp gỡ, chuyện trò… dẫu mỗi thực thể lặng lẽ, cô đơn chiếc bóng, nhưng ít ra bến nước này tụ hội những người cùng cảnh ngộ, nơi để họ có thể dìu nhau, vịn yêu tin để sống, để trông chờ phép màu mong một ngày người đàn ông của họ trở về” [36;199]. Cũng từ con sông quê, tình yêu đầu của Ngân với Sơn nảy nở: "Nơi ấy, vào một buổi chiều, giữa cuộc ngụp lặn đuổi bắt, có cô bé chợt phát hiện ra mình sắp thành thiếu nữ. Nỗi hoảng hốt khiến cô bé cứ lùi ra giữa dòng mà ngỡ đang tiến vào bờ. Dòng sông mùa lũ cuồn cuộn. Cô bé hụt chân chơi vơi... May nhờ có một người, mắt luôn dõi tìm người thương mến, kịp nhìn thấy cô chới với, đã hét lên và lao ra giữa dòng" [39;18].
Những con sông trên mảnh đất Thái Bình, khi đi vào những trang văn của các tác giả Thái Bình đã không chỉ ghi lại dấu ấn lịch sử hình thành và phát triển của mảnh đất nơi đây, ghi lại công cuộc khai hoang lập đất của bao lớp người đi trước mà còn là nơi chứng kiến, lưu giữ tình yêu lứa đôi, tình yêu gia đình, tình yêu quê hương đất nước. Bến nước, dòng sông vì thế vừa có giá trị vật thể vừa có giá trị phi vật thể. Nó chính là biểu tượng của làng quê Thái Bình mà văn xuôi nửa sau thế kỷ XX của tỉnh đã xây dựng được một cách ấn tượng.
Với ưu thế của vùng đất ven biển phù sa màu mỡ, từ xa xưa, Thái Bình đã thu hút cư dân khắp nơi về khai phá lập làng. Người Thái Bình vốn cần cù lại khéo tay, thêm tính cộng đồng cao và ý thức gắn bó khăng khít, vì vậy Thái Bình đã hình thành rất nhiều làng nghề truyền thống như: làng bánh cáy (Đông Hưng), làng dệt (Hưng Hà), làng đan thảm cói (Kiến Xương, Tiền Hải)... Những làng nghề này cũng được xây dựng trên cơ sở của những hộ dân cùng tham gia vào một công việc, một ngành nghề nhất định. Cách tổ chức như vậy giúp người dân có cơ hội chia sẻ với nhau những kinh nghiệm trong làm ăn cũng như sinh hoạt thường ngày trong cuộc sống. Người Thái Bình tập trung chủ yếu ở vùng nông thôn, chiếm tới gần 90%. Cách tổ chức nông thôn với các đơn vị “làng”, “xóm”
chính là cách thức tổ chức nông thôn truyền thống của nông dân Bắc bộ, tiêu biểu cho nền văn hóa nông nghiệp lúa nước. Dấu ấn “làng”, “xóm” đó được in đậm trong văn xuôi Thái Bình nửa sau thế kỷ XX. Đó là làng Tống Vũ (Người lang thang không cô đơn - Minh Chuyên), nơi có người thương binh Nguyễn Đình Thúc, là làng Cọi Khê, huyện Vũ Thư (Câu chuyện trong phủ tổng thống Sài Gòn – Minh Chuyên), nơi có vị tình báo Vũ Ngọc Nhạ huyền thoại, là làng Thượng Gia xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương (Nỗi oan trần thế - Minh Chuyên), nơi có người nữ liệt sĩ phải ngậm ngùi nỗi oan trần thế gần 50 năm mới được giải oan, là làng Đông, làng Đình Đoài (Bến không chồng - Dương Hướng) và nhiều làng, xóm khác như Tống Văn, Cọi Giang... Mỗi tên làng gắn với một mảnh đất thân thương, mộc mạc. Có những làng được đặt tên theo vị trí địa lí như trên, dưới, trước, giữa, sau như các xóm trong Tháng ba thương mến (Trần Văn Thước).
Cũng có những làng được đặt tên dựa trên các hiện tượng tự nhiên… Đó là làng Hạ, làng Thượng, làng Vũ trong Dâu xanh ven sông (Đỗ Vĩnh Bảo): “Không chỉ người dân làng Hạ, làng Vũ mà ngay cả làng Thượng cách xa bốn, năm cây số, bấy lâu đói đất cũng đổ xô ra bãi khẩn hoang, san ruộng, vượt gồ” [35;2]. Đó là làng Nguyễn trong Bên biểu tượng du kích làng Nguyễn của Trần Hoằng mà "...
Theo các cụ kể lại thì làng ta đã có khoảng hai mươi đời, chừng sáu trăm niên.
Gia đình đầu tiên đến khai phá đất này lập nghiệp là họ Nguyễn Huy của ta bây giờ. Sau đó mới đến họ Nguyễn Văn, Nguyễn Hữu, Nguyễn Trọng, Nguyễn Đình,
Nguyễn Ba, Nguyễn Chất... cũng có đến hơn chục họ Nguyễn, còn chỉ có một vài họ khác như họ Phan, họ Trần, họ Hoàng. Vì thế nên đặt tên là làng Nguyễn"
[35;211].
Màu sắc vùng đồng chiêm trũng còn hiện lên qua lớp từ gọi tên đất, tên làng và các địa danh khác mà các nhà văn Thái Bình đưa vào các trang văn xuôi viết về quê hương của họ. Đó là lớp từ gắn với chốn thôn quê như làng, làng xóm, thôn xóm, đồng, cánh đồng, đường làng, đường quê, gốc đa, ao, bờ ao, bếp, ngõ sau, quê mẹ, chuồng gà, chuồng lợn, chuồng bò, sân kho, gốc chuối, gốc mít, cây quéo, gốc nhãn, mái nhà, thôn trước, thôn sau, từ đường, đền, chùa, đình, chợ, bến đỗ, bến sông, dòng sông, làng Đông, đình Đông, xóm Đông, bến Tình, cầu Đá Bạc, sông Đình, cống Linh, cánh mả Rốt, Bến không chồng, làng Đoài, cầu Đình Đoài, dòng sông Đình Đoài, sân Đình Đoài, đường làng Đoài, ... Cùng với lớp từ gọi tên địa danh là lớp từ gọi tên sự vật thuộc về tự nhiên, gắn với môi trường, thiên nhiên như: mùa màng, cò, vạc, hạc, con cuốc, con tằm, kiến, con rắn nước, cua đồng, ốc, ếch, nhái, cào cào, châu chấu, con ong, trái bầu, cà cuống, chim ri, chào mào, chim chích, chim khách, chim mòng két, con trâu, gà, lợn,... Hồn quê vùng đồng biển còn hiện lên qua lớp từ gọi tên các sự vật hiện tượng, tên vật dụng, từ chỉ công việc đặc thù, như cối đá, cối xay lúa, vại khoai khô, vại dưa muối, cày, bừa, cuốc, xẻng, gạo, thóc, nồi niêu, bát đĩa, mâm đồng, cái trục đá, thuổng, trống, kẻng, vó sào, chiếc nón, gọng vó, cây đàn tranh, đàn bầu, cây sáo, ngọn đèn, bùi nhùi rơm, quang gánh, bồ, sọt, nong, nia... Tất cả góp phần tạo nên chất thôn quê đặc quánh, làm nên màu sắc riêng cho những trang văn xuôi Thái Bình. Có thể thấy, trường từ vựng về văn hóa làng quê là trường từ vựng lớn nhất trong các trường từ vựng được các cây bút văn xuôi Thái Bình sử dụng trong tác phẩm của họ. Lớp ngôn từ gắn với đời sống, văn hóa quê hương như thế đã giúp bức tranh nghệ thuật trong các trang văn xuôi Thái Bình hiện ra chân thực, độc đáo, thể hiện đúng nét riêng của vùng đất, con người Thái Bình. Việc sử dụng lớp ngôn từ mộc mạc, dung dị, chất phác còn chứng tỏ các tác giả Thái Bình mang trong mình tình yêu và sự gắn bó sâu nặng với văn hóa quê hương làng xã của mình.
Làng quê Thái Bình hiện lên trong văn xuôi nửa cuối thế kỷ XX vẫn là làng quê lưu giữ vẻ chân chất của một vùng chiêm trũng miền hạ lưu sông Hồng.
Những con đường làng vốn rất quen thuộc của vùng quê đồng bằng Bắc bộ - con đường phi lao, cát sỏi, cỏ viền hai bên đường, con đường chạy men theo con sông ngăn cách giữa hai làng, hay những con đường quanh co men theo các bờ ao, quanh năm rợp bóng tre râm mát… đã gắn bó với dấu chân người dân quê hương Thái Bình qua năm tháng. Thậm chí có người dân cả đời chưa bước chân ra khỏi con đường làng. Có lẽ vì thế mà với người đi xa, khi được trở về nhà, đi trên con đường làng quê hương bồi hồi bao cảm xúc. Con đường làng, vì thế mà là biểu tượng văn hóa chỉ có ở làng quê. Anh bộ đội Nguyễn Văn Vạn, sau những năm chinh chiến ngoài chiến trường, đã từng lập được chiến công trong trận Điện Biên Phủ, huân chương rung rinh lấp lánh trên ngực nay trở về: “tập tễnh bước rẽ xuống con đường mấp mô vết chân trâu”. Bước trên con đường đất mấp mô ấy, với bước chân tập tễnh, Vạn không giấu nổi những xúc động: “Nơi đây cũng là bãi chiến trường thời thơ ấu của Nguyễn Vạn. Quỳ sụp xuống, hai tay chống lên mộ bố, Vạn thấy cay cay trong mắt. Có lẽ lần đầu tiên trong đời Vạn khóc” [25;7].
Đường làng cũng là nơi Học và Thúc (Người lang thang không cô đơn - Minh Chuyên) hẹn hò: “Con đường phi lao cao vút chạy qua cánh đồng lúa, cái gạch nối của hai làng thành nơi Học và Thúc hò hẹn nhau trong những đêm trăng sáng” [14;355], là nơi anh bộ đội phục viên cùng người yêu tên Nụ bàn tính chuyện tương lai rộng dài: "Đường làng vắng ngắt. Hai bên đường khá dày mái nhà nhưng thảng mới có ánh đèn hắt ra đường... Tôi ôm ghì Nụ vào lòng mình. Đôi môi, cả toàn thân em nóng bừng, run rẩy" [12;42]. Những con đường làng trở thành chứng nhân cho những cặp trai gái yêu nhau, là nơi lưu giữ những kỷ niệm khó phai mờ với những ai đã từng gắn bó với nó. Con đường làng chính là một biểu tượng văn hóa làng quê.
Cùng với con đường làng thì những triền đê tít tắp cũng là hình ảnh mang tính biểu tượng của vùng đất Thái Bình. Nhắc tới Thái Bình không thể không nhắc tới hệ thống đê kì vĩ mà người dân nơi đây đã tạo lập, bồi đắp từ xa xưa