Chương 3. KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT - PHƯƠNG DIỆN QUAN TRỌNG
3.2. Không gian lao động, sinh hoạt của nhân dân từ thời chiến tới thời bình
3.2.2. Không gian chất chứa nỗi niềm riêng tư thời bình
Chiến tranh, dù vì bất kì lí do gì đi chăng nữa cũng là điều không ai mong chờ. Vì thế, khi nghe tin miền Nam được giải phóng, đất nước kết thúc chiến tranh,
không khí hân hoan phấn khởi lan đi như một cơn lốc đến mọi người, mọi nhà.
Không khí của ngày toàn thắng ấy được Tố Hữu ghi lại:
Ngực lép bốn ngàn năm Trưa nay cơn gió mạnh
Thổi bùng lên tim bỗng hóa mặt trời.
Giờ phút trọng đại mà đài Tiếng nói Việt Nam phát đi tin chiến thắng trưa ngày 30 tháng tư năm 1975 đã làm nhân dân cả nước như lặng đi chưa tin vào tai mình. Và những người dân quê lúa Thái Bình cũng vậy: “Không có lẽ cái điều ấy đã đến? Sự mong mỏi quá lâu thành thử nó trở nên mơ hồ từ bao năm nay. Thế mà cái điều ấy bây giờ là sự thực rõ rành rành. Đài nhà nước công bố: Hòa bình rồi!
Giải phóng miền Nam rồi! [25;195]. Những năm tháng chiến tranh, những làng quê như Thái Bình gần như không còn mấy bóng dáng những chàng trai. Những người vợ, người mẹ, người chị, người em đã chờ đợi bao lâu trong sự phấp phỏng đợi chờ, giây phút nghe tin chiến thắng họ như tỉnh như mơ: “Hạnh chạy như bay ra tới cầu đá thấy mọi người đứng lố nhố quanh gốc quéo. Họ vồ lấy nhau nhảy cẫng lên. Có người bỗng tu lên khóc. Tất cả đều quá xúc động. Người khóc, người cười”.
Nhưng những giờ phút hân hoan rồi cũng qua đi, mọi việc lại trở về với cuộc sống đời thường. Chiến tranh kết thúc, khi Nghĩa may mắn lành lặn trở về, Hạnh lại rơi vào bi kịch khi không sinh được con cho Nghĩa (mà nguyên nhân sâu xa là do Nghĩa không còn khả năng sinh con bởi anh đã nhiễm chất độc da cam). Vì không biết chính mình mới là nguyên nhân khiến Hạnh không có con, Nghĩa, bởi những tác động của tư tưởng cần có con nối dòng, cần làm tròn vai
"trưởng tộc" cuối cùng đã li dị với Hạnh. Và trên bến sông làng Đông, ở cái thời chiến tranh gian khổ, từ chiều đến đêm khuya luôn có người túm năm tụm ba thì bây giờ thật vắng vẻ, chỉ có mình Hạnh “lòng ngẩn ngơ nhìn mặt trăng loang loáng dưới nước, thấy mình như lạc vào thế giới mông lung sâu thăm thẳm của những câu chuyện huyền thoại xa xưa...". "Bến vắng. Nỗi buồn cô liêu. Một tiếc nuối thoáng qua. Một thời xuân sắc ... Hạnh lao ra dòng nước mát lạnh sóng sánh bóng trăng... Hạnh thấy mình đang chìm dần, chìm dần như thể có con ba
ba thuồng luồng đang lôi tuột xuống đáy sông. Hạnh hoảng loạn chới với cố nhoài lên bãi cát. Tay vẫn giữ khư khư bộ quần áo sũng nước, Hạnh lao lên bến chạy dọc bờ sông, cô chạy mãi, chạy mãi...” [25;176]. Vẫn là bến làng Đông mà ngày còn chiến tranh chiều chiều dân làng Đông vẫn tụ hội vừa tắm giặt vừa trò chuyện đấy, nhưng lúc này, trong khuya khoắt, nó trở thành không gian riêng tư cho tâm trạng, cảm xúc của Hạnh bùng nổ theo những mạch tâm tình riêng tư, sâu kín. Trong thời gian khuya vắng đó, không gian ấy trở thành không gian riêng tư, chứng kiến nỗi đau âm ỉ cháy của những cá nhân như Hạnh.
Nếu như trong giai đoạn sau 1945 tới 1975, kéo dài tới trước Đổi mới 1986, để tái hiện, kiến tạo không khí thời chiến, các cây bút văn xuôi Thái Bình nói riêng cũng như các nhà văn Việt Nam của giai đoạn 30 năm kháng chiến nói chung luôn chú ý đặt nhân vật của mình sống trong tâm thế của cái Ta cộng đồng, tồn tại trong tọa độ không - thời gian cộng đồng, lịch sử mang đậm tính sử thi thì khi chiến tranh kết thúc, nhất là từ sau Đổi mới 1986, để phản ánh, tái hiện những ngổn ngang, bề bộn của cõi nhân sinh cùng biết bao trăn trở, lo toan của kiếp người, các nhà văn Việt Nam, trong đó có các cây bút văn xuôi Thái Bình đã chú ý đặt nhân vật của mình trong tâm thế của cái Tôi cá nhân, và cá nhân ấy sẽ thực sự là mình, bộc lộ đúng suy nghĩ, cảm xúc của mình khi họ tồn tại trong tọa độ không - thời gian cá thể, thế tục gắn với đời sống, tâm trạng riêng tư. Trong không gian cô quạnh khi đêm về, chị Nhân (Bến không chồng - Dương Hướng) - người phụ nữ có chồng và hai con trai đều ngã xuống trên chiến trường "thấy mình như đang ở một thế giới khác. Mọi cảnh vật quanh chị đều nhuộm màu chết chóc... Chị thấy ngực đau nhói, mắt hoa lên. Mấy đêm nay chị liên tục mơ thấy chồng về, anh ấy cứ lặng lẽ đứng bên giường chị mà chẳng nói gì cả” [25;138].
Cũng trong không gian riêng tư, Nghĩa (Bến không chồng) đau đớn nhớ về Hạnh:
"Hằng đêm cô đơn, Nghĩa nằm vắt tay lên trán nhìn căn nhà vắng, rộng thênh.
Nghĩa không ngờ chiến tranh đã cướp đi cả tuổi trẻ, hạnh phúc và thiên chức làm cha của anh. Nhưng điều khiến Nghĩa đau xót nhất là anh đã phụ Hạnh! Anh đã phụ bạc chính người mình yêu thương nhất, người đã thủy chung đợi chờ anh suốt 10 năm ròng! Nghĩa đâu ngờ người không có con lại là anh. Nghĩa rùng
mình như có một mũi kim đâm nhói vào tim. Anh thấy mình có tội với Hạnh, có tội với Thuỷ" [25;267].
Nếu như không gian riêng tư mở ra trong Nghĩa những dằn vặt, đớn đau thì với Học (Người lang thang không cô đơn - Minh Chuyên), không gian riêng tư là chốn lí tưởng để Học được sống lại những tháng ngày thanh xuân rực rỡ.
Trong không gian ấy, cô bí thư xã được trở về với những khát khao phụ nữ cháy bỏng, với những xúc cảm yêu thương với Thúc - người mà cô vẫn luôn thủy chung, son sắt đợi chờ: "Đêm đó, Học thao thức không yên. Học nhớ lại quãng thời gian trong quá khứ khi cả hai còn trẻ. Bao kỉ niệm mối tình đầu nồng cháy, vụng về. Bao nhớ mong của những ngày xa nhau khơi dậy từ đôi mắt. Đôi mắt đằm thắm của anh ngày nào nào bỗng dưng Học gặp lại trong đôi mắt người ăn mày” [14;36].
Trong không gian quạnh vắng, khi trên đường làng chỉ còn lại hai người yêu nhau là "tôi" và Nụ (Tháng ba thương mến - Trần Văn Thước), khi được người yêu hỏi đã chuẩn bị được gì cho đám cưới của họ, nhân vật "tôi" - chàng lính vừa phục viên về làng như chìm vào khoảng không vô định, mà ở đó, anh ngụp lặn giữa những lo lắng về tương lai mịt mờ: "Tôi chết lặng. Chuẩn bị được gì nào? Gian buồng của mẹ trống không, lá cót cuộn tròn không có mùi thóc gạo, lũ chuột rúc lên cắn mái rạ. Chăn, màn, giường, gối, thuốc lá, pháo, cơm cỗ, ...
trông vào đâu? Hay là trông chờ vào vợ chú Bí thư, đám địa chủ mới? Chiều nay, mấy mẹ con đã bưng lên tay bát cơm của thúng thóc vay theo suất "tình cảm", một tạ đến mùa thành một tạ sáu mươi kí rưỡi. Chiều nay, mẹ tôi và mẹ vợ chưa cưới rủ nhau đi cắt cỏ bán mấy trăm bạc phòng thím Thản nài ép thì có đồng đặt đĩa bữa cỗ cưới..." [12; 42]. Trong không gian của những suy nghĩ riêng tư ấy,
"tôi" buồn bã nhớ tới "tờ lịch treo tường báo ngày tháng của những năm cuối thế kỷ hai mươi nhưng đa số dân làng phải sống, phải lo như đồng bào mình những năm đầu thế kỷ hai mươi" [12;23]. Nhờ những tâm tình của "tôi" trong không gian của những điều riêng tư ấy, độc giả được ngược về một thời kỳ đời sống khó khăn cách đây 30 năm có lẻ, ở các vùng quê thuần nông Thái Bình, người dân phải bươn trải tìm kế sinh nhai, nhất là trong kì giáp hạt tháng ba ngày tám.
Những tháng ngày gian khó đó không riêng người dân Thái Bình phải chịu đựng, nhưng ở đất Thái Bình, nơi "đất chật người đông", những ngày tháng đó càng trở nên gieo neo hơn bao giờ hết. Được sống lại một thời đã qua ấy, ta càng thêm yêu, thêm trọng giá trị lưu giữ lại những khoảnh khắc của đời sống hiện tồn của truyện và ký Thái Bình nửa sau thế kỷ XX.
Không gian riêng tư ở những trang văn xuôi Thái Bình thời hậu chiến còn được các nhà văn kiến tạo qua dòng tâm tưởng, qua những đấu tranh, giằng xé của nhân vật. Cựu chiến binh Nguyễn Vạn (Bến không chồng - Dương Hướng) trở về sau chiến tranh với rung rinh những huân chương trước ngực. Dẫu bị thương nặng, dẫu phải mang theo những bước chân tập tễnh nhưng Nguyễn Vạn không nề hà việc lớn nhỏ trong làng, hết lòng tham gia với tâm huyết, trách nhiệm của người chiến sĩ xung kích. Nhiều phụ nữ cô đơn dành cho Nguyễn Vạn tình cảm đặc biệt và mong ước được ông đáp lại. Đó là bà Nhân - vợ góa liệt sĩ, là bà Hơn – vợ góa trong một gia đình địa chủ vừa đi cải tạo. Nhưng họ càng muốn gần gũi thì Nguyễn Vạn lại cố gắng lảng tránh vì sợ “mất quan điểm”, bởi ông là Đảng viên và là người lãnh đạo. Mọi lúc mọi nơi, trước đám đông, trước người khác, Nguyễn Vạn gồng mình để kìm nén tình cảm cá nhân, gìn giữ “phẩm giá của mình”. Nhưng trong sâu thẳm, hơn ai hết, Nguyễn Vạn cảm nhận được sâu sắc nỗi cô đơn của mình. Ông tìm cách lánh xa "mụ Hơn".
"Tối nào hứng lên, mụ Hơn lại vác chiếc chõng tre ra sân nằm tênh hênh vén quần lên khoe bộ đùi trắng lốp...Mụ ta giống y như con mèo cái nhà mụ mỗi lần ngấy đực nó lại rượt trên mái nhà gào rống lên từng cơn. Mỗi lần có tiếng mèo gào, mụ Hơn lại giả vờ tức, nhảy lên đập cửa gọi Vạn: - Bác Vạn ơi dậy lấy cây sào mà đập cho nó một trận để nó chừa đi. Nghe nó gào thế ai mà chịu được.
Nguyễn Vạn ngó qua khe cửa, thấy mụ Hơn ăn mặc hớ hênh đứng thở dài thườn thượt...”[25;188]. Từ rất nhiều chi tiết ở tác phẩm văn học, các tác giả điện ảnh đã chọn lọc những chi tiết hình ảnh giàu tính ẩn dụ để miêu tả tâm trạng “tự đấu tranh” của ông Vạn như: Khi ông vô tình nhìn thấy bà Hơn tắm dưới ao trong đêm tối, ông đã phải vội vàng quay đi. Hay hình ảnh ông Vạn lôi con gà trống của mình ra khỏi lồng khi bà Hơn cố tình nhốt nó chung với con gà mái của
mình. Khi danh dự và uy tín của ông Vạn càng cao trong làng, ông càng cố gắng sống “ép xác” để phù hợp với khuôn phép của lệ làng và che giấu tâm trạng bất an của mình. Tất nhiên, người ông Vạn thật sự yêu là bà Nhân. Dù vậy, ông cũng không dám công khai tình cảm của mình. Ngay cả gặp gỡ bà Nhân cũng khiến ông ngại ngùng. Một lần bắt được nhiều cá rô “Vạn quyết định mang cho chị Nhân một nửa. Đêm tối thế chả ai biết mà ngại. Nguyễn Vạn lập cập bước vào ngõ nhà chị Nhân không dám bấm đèn” [25;147]. Nhiều lần ông muốn nói chữ “yêu” với bà Nhân nhưng tình yêu ấy vẫn câm lặng trong lòng: “Tôi yêu chị từ lâu rồi, chị có dám không? Không! Không bao giờ lại xảy ra điều khủng khiếp ấy. Trên đời này còn bao nhiêu chuyện ràng buộc: danh dự, uy tín...”
[25;150]. Còn bà Nhân, vì là vợ liệt sĩ, mẹ liệt sĩ nên bà cũng dè dặt trong tình cảm đối với ông Vạn. Bà, cũng như ông Vạn và bao người dân ở cái làng Đông đều sợ điều tiếng, vì "hổ chết để da, người ta chết để tiếng". Trong lần ông Vạn mang cá rô đến cho, trời mưa tầm tã, quần áo ông ướt hết, bà Nhân lấy đồ dùng của con trai đã hy sinh để ông Vạn thay và... hai người vô tình “chạm nhau”. Họ hốt hoảng bừng tỉnh. Trước làng xã, họ vẫn giữ cái bề ngoài "ngay ngắn", nhưng trong tâm tưởng - không gian riêng tư, họ mãi sống với những dằn vặt, những đấu tranh nội tâm. Và những dằn vặt, đấu tranh ấy chỉ dừng lại khi cuộc đời của họ kết thúc.
Điểm chung của các cây bút văn xuôi Thái Bình với các nhà văn Việt Nam cùng thời thuộc giai đoạn văn học hậu chiến là đều chú ý xây dựng không gian của những cái tôi chất chứa nỗi niềm riêng tư, qua đó chuyển tải thông điệp về cuộc sống, những nỗi đau, những dằn vặt, day dứt, những lo toan cũng như những khát vọng sống của con người khi đất nước đã kết thúc chiến tranh. Tuy nhiên, có điểm riêng thú vị trong cách các cây bút văn xuôi Thái Bình xây dựng không gian riêng tư cho các nhân vật gắn với không gian quê lúa Thái Bình trong so sánh với các nhân vật chốn thị thành trong văn xuôi khai thác đề tài người thành phố, gắn với không gian phố xá. Trong những tác phẩm viết về người thành phố, sống trong không gian phố, như tiểu thuyết Phố của Chu Lai hay Mùa lá rụng trong vườn của Ma Văn Kháng chẳng hạn, không gian riêng tư
gắn với suy nghĩ thật nhất của mỗi người thường gắn với không gian nhỏ hẹp như không gian gia đình, không gian căn phòng thì không gian riêng tư của các nhân vật trong văn xuôi Thái Bình giai đoạn cùng thời (sau Đổi mới 1986) lại chủ yếu vẫn gắn với những không gian rộng lớn. Đó có thể vẫn là bến sông nơi cả làng Đông (Bến không chồng - Dương Hướng) vẫn ngày ngày tụ tập, nhưng trong đêm vắng lại trở thành không gian riêng tư để Hạnh trút nỗi niềm. Đó có thể là đường quê mà cả làng vẫn ngày ngày đi lại nhưng trong khuya vắng trở thành không gian riêng để "tôi" (Tháng ba thương mến - Trần Văn Thước) ngẫm nghĩ về cuộc đời, nhận diện thực tại xóm làng, suy tính việc tương lai. Không gian riêng tư đó còn là bãi bồi bên sông quê, nơi Ngân (Ngày xưa thương nhớ - Trần Văn Thước) sống lại với những ký ức xa xôi. Trên bãi Bàng bên bờ sông Sứ, "Ngân rảo bước trong âm vọng lời mình. Âm vọng vô tình đánh thức quá vãng, khơi dậy ham muốn trẻ con đến ngột thở" [39;10]. Đường làng cũng trở thành không gian riêng tư với Ngân khi đêm về: "Đường làng thật vắng. Giờ này xóm làng đang đắm giấc sau một ngày làm lụng tần tảo... Nghĩ đến con, Ngân thấy trước việc khó xử... Ngân biết không thể im lặng trước những câu hỏi của con trai..." [39;20]. Đắm chìm trong không gian riêng tư ấy, Ngân nhớ về Sơn - mối tình đầu đẹp đẽ thuở trước, nhớ ngày Sơn lên đường nhập ngũ nhưng chưa kịp nói điều gì, trừ câu: "Ngân! Sơn đi. Chờ nhé" [39;23], để rồi mãi mãi không trở về, để Ngân mãi mang bên mình những kỷ niệm day dứt suốt đời.
Là nơi hội tụ và lan tỏa các sắc thái văn hóa, văn minh của vùng châu thổ Bắc Bộ, trải qua bao thăng trầm lịch sử, Thái Bình luôn gìn giữ được một di sản văn hóa đồ sộ với những công trình kiến trúc in bóng thời gian, những đền, chùa, đình, miếu cổ, ... Những đình, chùa, đền miếu cổ bên những cây đa, cây gạo, cây núc nác, cây quéo, cây lộc vừng cổ thụ trong những trang văn xuôi Thái Bình đã mang lại trong độc giả cảm thức khó phai mờ về một vùng quê với rất nhiều trầm tích lịch sử văn hóa. Cùng với những không gian văn hóa nổi bật đó, đời sống tâm linh phong phú của người Thái Bình còn được thể hiện qua việc họ rất gắn bó với không gian thờ tự như nhà thờ họ - từ đường hoặc gian thờ trong gia đình, nghĩa trang, ... Có điều, trong những trang văn xuôi từ sau 1945 tới
trước Đổi mới 1986, không gian này rất ít được quan tâm khắc họa. Thảng hoặc, nếu xuất hiện, thì những không gian đó được nhắc đến như một dấu hiệu nhận diện xóm làng, hoặc thể hiện chất văn hóa truyền thống từ ngàn đời của các đơn vị làng xóm nơi đây, hoặc đơn giản, đó cũng là một không gian của cộng đồng, phục vụ những nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ lịch sử đặc biệt. Trong tiểu thuyết Bến không chồng, từ đường họ Nguyễn trong chiến tranh “trở thành nhà tù cùm nhốt địa chủ và bọn phản động…Chập tối bộ đội súng ống rậm rịch kéo về tập kết chật ba gian từ đường…Chừng tiếng sau du kích khênh thương binh về để kín ba gian từ đường. Những cánh cửa lim hạ hết xuống làm bàn mổ, làm giường cho thương binh. Nghĩa còn cầm đèn soi cho y tá băng bó vết thương cho bộ đội. Ba gian từ đường màn trắng giăng kín" [25;52]. Còn ở Những vùng đất ven sông (Trần Đình Chung), ngôi miếu cổ trăm năm rêu phong là dấu hiện nhận diện làng của nhân vật "tôi": “Tôi sẽ không nhận ra bóng dáng của làng đâu nữa nếu không có những ngôi miếu cổ màu xám đứng chơ vơ giữa đồng bãi.
Những dấu vết duy nhất còn lại ấy giờ như một ông già trăm tuổi trong những ngày cuối cùng vẫn nhắc tới làng xưa, những thế hệ và bao mùa lũ đã qua, thế hệ này đã cống hiến cho một miền đất tổ xa xôi" [35;132].
Sau khi đất nước kết thúc chiến tranh, "đạp quân thù xuống đất đen", người dân Thái Bình, như bao người dân khác trên đất nước hình chữ S kiên cường và anh dũng này lại trở về với cuộc sống lao động, sinh hoạt bình thường muôn thuở, "súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa" (thơ Nguyễn Đình Thi). Sau những tháng ngày sôi nổi, hừng hực khí thế chiến đấu, diệt giặc, giờ đây, quay trở lại với cuộc sống thường nhật, con người rút từ không gian cộng đồng vào không gian mang tính thế sự, đời tư. Lúc này, những không gian vốn trước kia dành cho tập thể lại trở thành không gian cho những điều riêng tư sâu kín của mỗi cá nhân. Nếu như khi đất nước chiến tranh, từ đường họ Nguyễn là nơi phục vụ cách mạng, nơi người ta tấp nập vào ra, nơi chỉ nghe thấy những chủ trương, đường lối cách mạng, nơi bàn kế sách tiêu diệt giặc, v.v. thì nay, khi hòa bình, từ đường ấy trở lại đích thực là nơi thờ tự mang tính tâm linh, nơi con người tìm đến để nương tựa tinh thần: “Dạo này căn hậu cung từ đường họ Nguyễn lại đầy